Dòng chảy  Văn nghệ

Học giả Nguyễn Đổng Chi với văn hóa dân gian

Thứ Hai, 25/03/2019 16:32

Kỷ niệm 35 năm mất nhà nghiên cứu dân tộc học, văn hoá dân gian, giáo sư Nguyễn Đổng Chi (1984 - 2019), vừa qua tại Hà Tĩnh đã diễn ra Tọa đàm “GS. Nguyễn Đổng Chi với văn hóa dân gian”.

Tọa đàm do Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại Hà Tĩnh phối hợp với Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức. Đại diện lãnh đạo tỉnh nhà cùng nhiều nhà khoa học ở trung ương và địa phương đã tham gia sự kiện.

GS.TSKH. Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam - dự và báo cáo đề dẫn Tọa đàm

Xuất thân từ Chi Gia Trang và Mộng Thương thư trai nổi tiếng ở Nghệ Tĩnh từ thế kỷ XIX, là con và cháu của hai nhà duy tân yêu nước, được coi là cừu gia tử đệ đối với chế độ bảo hộ Pháp ở Đông Dương, thế mà Nguyễn Đổng Chi với nỗ lực phi thường của bản thân, từ rất sớm đã thành danh trên nhiều lĩnh vực khoa học xã hội của cả nước. Ngay đợt đầu của Giải thưởng Hồ Chí Minh vào năm 1996 ông đã được nhất trí phong tặng. Tên tuổi ông gắn liền với những bộ sách gây tiếng vang trong nước và thế giới, từ 2011 được lưu danh trong công trình Bách khoa thư folklore thế giới của nước Đức, đến năm 2016 lại được ghi nhận và đánh giá cao trong bộ Bách khoa thư truyện cổ tích thế giới của Hoa Kỳ. Đó là điều không mấy người có được, là một vinh dự cho ngành folklore học Việt Nam và cũng là vinh dự cho quê hương Hà Tĩnh.

Từ trước đến nay ở Việt Nam đã có 3 cuộc hội thảo và tọa đàm về Nguyễn Đổng Chi: 1/ hội thảo do Ủy ban Khoa học xã hội (nay là Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) chủ trì nhân 80 năm ngày sinh học giả vào năm 1995; 2/ tọa đàm do Chi hội Văn nghệ dân gian TP. Hồ Chí Minh tổ chức nhân 20 năm mất học giả vào năm 2004; hội thảo nhân 100 năm ngày sinh học giả do Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Tập đoàn truyền thông Thanh niên Việt Nam và NXB Trẻ chủ trì năm 2015 ở TP. Hồ Chí Minh.

Lần này, trong phạm vi một cuộc tọa đàm, các nhà khoa học ôn lại những gì mà 3 cuộc hội thảo và tọa đàm trước đây đã đúc kết, và mỗi người, bằng thực tiễn nghiên cứu của mình, bổ sung, phân tích, làm rõ thêm những điều đã đúc kết ấy, nhằm đóng góp vào tiến trình nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi, nhà sử học, dân tộc học, khảo cổ học, folklore học, nhà văn học sử và nhà văn mà mặt nào thành tựu cũng đều để lại dấu ấn không thể phai.

Nhà văn, học giả Nguyên Ngọc trình bày tham luận tại Toạ đàm

Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, GS. TSKH. Tô Ngọc Thanh nhấn mạnh:

“Do đâu mà Nguyễn Đổng Chi có được những thành tựu được nhiều nhà khoa học dùng chữ “để đời” để đánh giá? Cuốn Mọi Kontum sở dĩ ngày nay còn được biết tới, được giới dân tộc học nhìn nhận như một “mẫu mực đi đầu”, vì như TS. A. Hardy nói, hai tác giả không viết chuyện “phiêu lưu đường rừng”, cũng không kể những chuyện ly kỳ về “người Mọi” mà thuở bấy giờ người Việt nói chung đang đầy thành kiến và tò mò muốn biết. Các ông chỉ duy nhất muốn làm sáng tỏ dân tộc Ba-na vốn có một nền văn minh rất đáng coi trọng: “Tục lệ của họ chẳng những không mọi rợ chút nào mà trái lại có nhiều điều còn thuần túy hơn ta nữa kia”. Nghĩa là, cái làm nên hồn cốt của cuốn sách là tinh thần nhân văn trong sáng trong thẳm sâu tư tưởng của Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi. Cũng vậy, vốn sẵn ấp ủ một tình yêu sâu nặng đối với làng thôn Việt Nam và người nông dân nghèo khổ quanh năm đầu tắt mặt tối trên ruộng đồng, nên Nguyễn Đổng Chi đã viết Túp lều nát phơi bày chế độ cường hào ở Nghệ Tĩnh còn sớm hơn và phê phán trực diện hơn cả những phóng sự cùng đề tài của Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao. Có thể nói bất kỳ công trình khoa học nào hay sáng tác văn học nào của Nguyễn Đổng Chi cũng là để gửi gắm tấm lòng yêu nước, thương dân, tinh thần dân tộc và chủ nghĩa nhân đạo vốn bắt nguồn từ truyền thống gia đình ông. Những nền tảng ăn sâu bén rễ này mới làm nên giá trị khoa học hay giá trị thẩm mỹ trong tác phẩm của ông. Vậy nên trong con người Nguyễn Đổng Chi, ta không thể tách rời nhà yêu nước với nhà văn hóa, nhà văn. Sự thành công trong sự nghiệp to lớn của ông do nghị lực phi thường của chính ông, và cũng do chính sự bén nhạy với vận mệnh dân tộc trong ông thúc đẩy. Rất dễ hiểu nhà văn hóa lớn Nguyễn Đổng Chi sớm bắt gặp cách mạng và trở thành một người cách mạng từ năm 1939. Rất dễ hiểu khi ra công tác ở Hà Nội năm 1946, gặp lúc chiến sự nổ ra, ông đã không quay lui về khu IV mà hăng hái tham gia Đội tự vệ Bùi Quang Trinh để chiến đấu với giặc trong gần 3 tháng. Và cuộc chiến đấu này lại dẫn đến thành quả không nhỏ là cuốn truyện vừa Gặp lại một người bạn nhỏ hoàn thành năm 1949 và được in năm 1957. Đây cũng là một tấm gương khả ái để thế hệ học giả nhà văn ngày nay soi vào.

Càng đọc Nguyễn Đổng Chi tôi càng thấy ông vĩ đại. Ông là một con người suốt đời khiêm tốn, xuất thân xứ Nghệ và là niềm tự hào trước tiên cho nhân dân Nghệ Tĩnh, nhưng cũng là niềm tự hào cho văn hóa văn nghệ của đất nước chúng ta, một con người luôn hành động theo ánh sáng của lương tri và không hề biết mệt mỏi khi đứng trước một quả núi sắp phải trèo lên, cũng không chịu dừng lại khi đã vượt qua một cái mốc mà mình vừa đạt được”.

Tượng chân dung GS. Nguyễn Đổng Chi tại ngôi trường mang tên ông ở Hà Tĩnh

Trước Tọa đàm, ngày 22/3/2019, tại trường THPT Nguyễn Đổng Chi (Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã diễn ra lễ khánh thành tượng chân dung học giả Nguyễn Đổng Chi. Bức tượng theo thiết kế của nhà điêu khắc Phạm Bá Đua, nặng 180kg đồng nguyên chất, cao 1,08m.

QUANG HÀ

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)