Dòng chảy  Văn nghệ

Thế mà là nghệ thuật ư?

Chủ Nhật, 17/03/2019 14:55

Đây là tên một cuốn sách của Cynthia Freeland đã được Nguyễn Như Huy dịch sang tiếng Việt, cũng là tên buổi nói chuyện của nhà phê bình Trần Đan Vy diễn ra tại CA’ Library (12 Hoà Mã, Hà Nội) vào ngày 16/3/2019.

“Nghệ thuật là gì?” là câu hỏi khó có câu trả lời làm thỏa mãn tất cả những ai quan tâm đến nghệ thuật, nhất là trong “hoàn cảnh hậu hiện đại”, khi mà đường biên của nghệ thuật không ngừng trương nở, ngôn ngữ nghệ thuật ngày càng đa dạng và phức tạp.

Tại buổi trao đổi, thảo luận, Trần Đan Vy dùng các ví dụ cụ thể từ thời Hi Lạp cổ đại, Phục Hưng đến đương đại, từ điêu khắc, kiến trúc, hội hoạ… đến nghệ thuật trang trí, nghệ thuật ý niệm, nghệ thuật biểu diễn… Trong đó có các tác phẩm gây tranh cãi như Fountain (Đài phun nước) của Marcel Duchamp và Brillo Box (Thùng Brillo) của Andy Warhol khiến công chúng bấy nay cứ không thôi tự hỏi “Thế mà là nghệ thuật ư?”. Trần Đan Vy đặt các tác phẩm này trong bối cảnh các phong trào nghệ thuật tiên phong của thế kỉ 20 để thuyết phục những người có mặt rằng, đây là các tác phẩm nghệ thuật, theo khái niệm mở nhất của từ này. Theo cô, khái niệm nghệ thuật không nên đóng đinh, quy phạm hóa; khái niệm này vận động thay đổi theo thời gian và không gian, nên phải đặt nó trong ngữ cảnh cụ thể.

Trần Đan Vy tại buổi nói chuyện

Trần Đan Vy nhắc tới những quan niệm về nghệ thuật mà bản thân cô đồng tình. Cô nêu ra ba quan điểm khác nhau của tiến sĩ vật lí kiêm hoạ sĩ Nguyễn Đình Đăng, giảng viên đại học Oxford Brookes Harry Mount và nhà phê bình mĩ thuật Thái Bá Vân. Hoạ sĩ Nguyễn Đình Đăng nhấn mạnh “nghệ-thuật-đích-thực bao gồm các sự vật và/hoặc hoạt động do con người tạo ra với kĩ năng và tính độc đáo cao nhất”, giảng viên Mount cho rằng “nghệ thuật là bất cứ thứ gì xã hội coi nó là nghệ thuật”, nhà phê bình Thái Bá Vân đề cao sự “tương đồng nội tâm” giữa người xem và tác phẩm. Theo Trần Đan Vy, có bao nhiêu người thưởng thức nghệ thuật thì có bấy nhiêu định nghĩa về phạm trù trừu tượng và mở này.

Cũng trong buổi trò chuyện, Trần Đan Vy chia sẻ những trải nghiệm nghệ thuật của cô trong thời gian du học ở Anh và Ý. Một trong những trải nghiệm ấn tượng nhất với cô là thời gian thực tập ở Bảo tàng Peggy Guggenheim Collection - Venice. Khi được hỏi về những tác phẩm nghệ thuật mà mình yêu thích, Trần Đan Vy có nhắc đến cả tác phẩm của một số hoạ sĩ Việt Nam đương đại như Lê Huy Tiếp và Nguyễn Đình Đăng. Sau khi chia sẻ một số đầu sách và trang web mà công chúng bước đầu làm quen với thế giới nghệ thuật có thể quan tâm lựa chọn, Đan Vy đưa ra quan điểm cá nhân về nghệ thuật: “Đến với nghệ thuật, nhất là nghệ thuật đương đại, là một cách để trẻ hoá bản thân. Những câu hỏi kiểu dạng Tại sao? Nghệ thuật là gì? Thế mà là nghệ thuật ư?... đưa chúng ta trở về thế giới trẻ thơ - thế giới của những câu hỏi".

Trần Đan Vy sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Cô tốt nghiệp đại học chuyên ngành Lịch sử mĩ thuật và Điện ảnh học ở Oxford Brookes University (Anh Quốc); hoàn thành chương trình thạc sĩ chuyên ngành Quản trị nghệ thuật ở The American University of Rome (Ý). Cô đã đến hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện cô viết báo, viết phê bình mĩ thuật tự do tại Hà Nội.

ĐINH LÊ

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)