Tối 21/3/2019, Thư viện CA' tổ chức chiếu bộ phim Những phác họa của Frank Gehry (Sketches of Frank Gehry) của đạo diễn Sydney Pollack.
Bộ phim kể về một trong những kiến trúc sư sáng tạo nhất thế kỉ 20. Hình thái kiến trúc của ông đã hoàn toàn đoạn tuyệt với lịch sử trước đó. Không chỉ tạo nên cuộc "cách mạng" về không gian và kết cấu, mà ngay cả cách tiếp cận đồ án cũng như quá trình thiết kế đều hoàn toàn mới lạ. Kiến trúc của ông đã gây nên rất nhiều cuộc tranh cãi trong sự phát triển của kiến trúc và đô thị từ cuối thế kỉ 20 cho đến nay. Ông là kiến trúc sư Frank Gehry.
Sự kiện diễn ra tại 12 Hoà Mã, Hà Nội, thu hút nhiều bạn trẻ yêu nghệ thuật kiến trúc
Frank Gehry sinh ngày 28/2/1929 tại Toronto, Canada trong một gia đình Do Thái gốc Ba Lan. Năm 1947, ông cùng gia đình di cư đến Los Angeles, Mĩ và bắt đầu học kiến trúc tại đây (1949-1954). Sau đó, năm 1956 ông tham dự một số khóa học về đô thị tại Đại học Harvard. Nhưng tất cả những năm học tại trường dường như không để lại nhiều ấn tượng với ông. Điều đã tạo nên sự khác biệt của kiến trúc Frank Gehry đến từ nơi khác. Đầu tiên, do sự ảnh hưởng của gia đình. Sinh ra trong một gia đình Do Thái, tuy nghèo nhưng theo truyền thống mọi người vẫn coi trí tuệ là giá trị cao nhất của con người. Ngay từ nhỏ, ông đã đọc sách Talmud, suối nguồn tinh hoa hội tụ rất nhiều kinh nghiệm quý báu của người Do Thái. Ở đây ông đã học được việc đi tìm cái bản chất thật của vấn đề để rồi sau đó đặt câu hỏi: Tại sao nó lại như vậy? Thế nên, muốn thay đổi lịch sử thì trước tiên phải hiểu nó đã. Ngoài ra, còn một kinh nghiệm của gia đình nữa mà sau này đã ảnh hưởng trực tiếp tới kiến trúc của Frank Gehry, là ngay từ nhỏ ông đã có sự nhạy cảm với vật liệu, khi thường xuyên giúp người ông của mình những việc lặt vặt trong cửa hàng đồ ngũ kim của gia đình.
Kiến trúc sư Frank Gehry
Mỗi khi trả lời phỏng vấn, Frank Gehry thường nhắc tới hai kiến trúc sư mà ông yêu thích: Frank Lloyd Wright với cách xử lí mặt bằng không đối xứng, và Alvar Aalto với việc xử lí hình khối tự do. Nhưng, sự ảnh hưởng lớn nhất trong tư tưởng thiết kế của Frank Gehry là hội hoạ đương đại. Trước khi trở thành kiến trúc sư, ông muốn làm hoạ sĩ. Ông luôn có mối quan hệ gắn bó với những người bạn nghệ sĩ và hay lấy cảm hứng từ hội hoạ. (Hội hoạ đương đại là "sân chơi" mà người sáng tác hoàn toàn tự do và không muốn đi theo các khuôn mẫu, quy ước truyền thống.)
Kiến trúc của Frank Gehry mang một số chủ đề theo từng thời kì sáng tác, nhưng hoàn toàn chú trọng tới nghiên cứu hình thái công trình. Có thể kể ra đây một số luận điểm như: "segmentation" - khi công trình bị phân chia thành những khối đơn vị công năng riêng lẻ; "assemblage" - công trình là sự lắp ghép, tổ hợp bởi những mảng miếng với sự đa dạng của vật liệu; "singularity-unit" - công trình như một bức tượng điêu khắc độc lập… Nhưng tất cả các luận điểm đều tạo ra hình thái hoàn toàn phá vỡ các định luật truyền thống. Không gian và kết cấu biến dạng, cảm giác tan rã hay đứt đoạn. Sự nghiên cứu hình thái này đã đưa Frank Gehry trở thành một trong những kiến trúc sư tiêu biểu thuộc trường phái "deconstructivism" (giải toả kết cấu).
Để xây dựng được hình thái kiến trúc này, Frank Gehry đã phải nhờ đến công nghệ tin học. Như Le Corbusier bị ảnh hưởng bởi nền công nghiệp ô tô bắt đầu phát triển lúc bấy giờ, Frank Gehry cũng hấp phả tinh thần thời đại của mình. Hầu hết công trình của ông đều phải có sự trợ giúp của máy tính, mà chính bản thân ông đã phải tạo ra chương trình tin học riêng cho mình. Đây là cách tiếp cận kiến trúc hoàn toàn mới mẻ.
Frank Gehry thể hiện phong cách kiến trúc cá biệt của mình ngay ở những công trình đầu tiên vào những năm 1970. Nhưng cho tới khi xây dựng Bảo tàng Guggenheim tại thành phố Bilbao, Tây Ban Nha (1997) thì tên tuổi ông mới hoàn toàn chinh phục thế giới. Với mục đích tái tạo thành phố hậu công nghiệp, Bilbao hướng đến nền kinh tế dựa vào du lịch khi thu hút khách viếng thăm bởi những công trình kiến trúc nổi tiếng. Ý tưởng đã rất thành công và Bilbao trở thành ví dụ cho nhiều thành phố khác. Nhưng từ đây đã nảy sinh ra rất nhiều cuộc tranh luận cho sự phát triển của kiến trúc và đô thị. Nhiều khi người ta muốn một "Frank Gehry" trước cả kiến trúc của ông. Kiến trúc trở thành một "thương hiệu" mà phong cách được định đoạt từ trước. Nó có thể bị lạm dụng ở bất kì bối cảnh nào. Cũng chính từ Frank Gehry mà nhãn hiệu "starchitect" đã được sinh ra. Ông nhận giải thưởng Pritzker năm 1989.
Bảo tàng Guggenheim
Có nhiều người muốn làm phim về Frank Gehry nhưng ông toàn từ chối. Chỉ đến khi Sydney Pollack đề nghị thì ông mới đồng ý. Sydney Pollack là một đạo diễn tài năng của Mĩ, từng đoạt nhiều giải thưởng về điện ảnh, đặc biệt bộ phim Out of Africa của ông đã giành 7 giải Oscar. Cuốn phim Những phác hoạ của Frank Gehry mà ông làm về người kiến trúc sư đặc biệt này như một cuộc đàm đạo giữa hai nghệ sĩ lớn, hai người bạn, nên có nhiều sự chia sẻ từ cả hai phía rất thật lòng và giàu tình người. Cuốn phim cho người xem khám phá những công trình tiêu biểu của Frank Gehry, cách ông làm việc từ những phác hoạ, tới làm mô hình rồi liên hệ với máy tính. Cuốn phim cũng phỏng vấn rất nhiều nghệ sĩ, nhà phê bình kiến trúc và tất nhiên cả những người dân. Người ủng hộ có, và người không đồng tình với kiến trúc của Frank Gehry cũng có. Những phác hoạ của Frank Gehry là cuốn phim cuối cùng mà Sydney Pollack làm đạo diễn trước khi ông qua đời vào năm 2008. Cuốn phim luôn được coi là một trong những phim tài liệu hay nhất về kiến trúc.
SƠN LÂM
VNQD