Thế giới truyện ngụ ngôn dạy chúng ta rằng ngay cả những giá trị quý giá nhất cũng có thể phải trả giá đắt. Bài viết sau đây được trích từ bài phát biểu nhận Giải Hòa bình của Salman Rushdie tại Hội Thương mại Sách Đức vào ngày 22/10/2023, trong khuôn khổ Hội chợ Sách Frankfurt.
Để bắt đầu, hãy để tôi kể bạn nghe một câu chuyện này. Ngày xửa ngày xưa có hai con chó rừng: một con là Karataka, nghĩa là “thận trọng” và con còn lại là Damanaka, nghĩa là “táo bạo”. Chúng thuộc nhị phẩm trong đoàn tùy tùng của vua sư tử Pingalaka, nhưng đầy tham vọng cũng như xảo quyệt. Một ngày nọ, vua sư tử bỗng dưng hoảng sợ bởi một tiếng động ầm ĩ trong rừng. Chó rừng biết đó chỉ là một con bò đực, không có gì đáng sợ nên chúng thuyết phục nó đến trước mặt sư tử và tuyên bố tình bạn của mình.
Sư tử và bò đực từ đó trở thành bạn bè, và chó rừng được vua ban ơn vì sự nhạy bén, được thăng lên hàng nhất phẩm. Thật không may, sư tử và bò đực bắt đầu trò chuyện quá nhiều đến nỗi vua ta ngừng việc săn mồi, còn các con vật bắt đầu chết đói. Thế là lũ chó thuyết phục sư tử rằng bò đực đang âm mưu chống lại mình, tới phiên bò đực cũng được cho biết rằng vua sư tử đang có ý định giết mình, thế là sư tử cùng với bò đực đánh nhau, và con bò chết, muông thú có thịt để ăn. Sau đó lũ chó thậm chí còn được nhà vua đánh giá cao hơn vì đã cảnh báo ông về âm mưu này. Do đó chúng cũng nhận được vị thế cao hơn với những loài khác, tất nhiên, trừ con bò đực tội nghiệp - nhưng điều đó không thành vấn đề, bởi vì nó đã chết và đoàn tùy tùng đã có thêm một bữa ăn vô cùng tuyệt vời.
Salman Rushdie nhận giải thưởng hòa bình tại Hội chợ sách Frankfurt.
Đây, gần đúng, là chuyện đầu tiên cũng như dài nhất trong số 5 truyện của Panchatantra - cuốn truyện ngụ ngôn xoay quanh muôn loài. Nó có tên là Về việc chia rẽ giữa những người bạn. Truyện thứ 3, Chiến tranh và hòa bình, tựa đề sau này được một cuốn sách nổi tiếng khác sử dụng, mô tả cuộc xung đột giữa bầy quạ và loài cú, trong đó sự dối lừa của một con quạ độc địa đã dẫn đến sự thất bại và tuyệt diệt của loài cú. Tôi đã sử dụng một phiên bản khác của câu chuyện này trong cuốn tiểu thuyết Thành phố chiến thắng mới nhất của mình.
Điều bàn thân tôi luôn thấy hấp dẫn về Panchatantra là nhiều câu chuyện trong đó không mang tính chất đạo đức. Chúng không rao giảng lòng tốt, đức hạnh, sự trung thực hay phải kiềm chế. Xảo quyệt, chiến lược và sự vô đạo đức thường luôn vượt qua hết mọi thách thức. Người tốt không phải lúc nào cũng thắng. (Thậm chí không phải lúc nào cũng thật rõ ràng ai là người tốt.) Vì lí do này, chúng có vẻ như đương đại một cách kì lạ, bởi vì chúng ta, những độc giả hiện đại, hiện vẫn sống trong một thế giới vô đạo đức, vô liêm sỉ và xảo quyệt, trong đó kẻ xấu khắp nơi vẫn thường chiến thắng.
“Tất cả những câu chuyện này đến từ đâu thế?” cậu bé Haroun hỏi người cha trong cuốn tiểu thuyết Haroun và biển truyện của tôi. Ông trả lời rằng chúng đến từ những câu chuyện lớn khác, từ một đại dương của những câu chuyện mà tất cả chúng ta chèo thuyền trên đó. Đó không phải là điểm khởi nguồn duy nhất: còn có kinh nghiệm và quan điểm sống của người kể chúng, và cũng bởi cả thời đại mà họ đang sống. Nhưng hầu hết các câu chuyện đều bắt nguồn từ những câu chuyện khác, chúng gắn kết và thay đổi và do đó trở nên mới mẻ. Đây là quá trình mà tôi gọi là trí tưởng tượng.
Tôi luôn được truyền cảm hứng từ thần thoại, truyện dân gian và truyện cổ tích, không phải vì chúng chứa đựng những điều kì diệu, như động vật biết nói hay loài cá thần kì; mà vì chúng gói gọn sự thật. Ví dụ, câu chuyện về Orpheus và Eurydice, nguồn cảm hứng quan trọng cho cuốn tiểu thuyết The Ground Beneath Her Feet (tạm dịch: Mặt đất bên dưới bàn chân cô ấy) của tôi, có thể được kể trong chưa đầy một trăm từ, nhưng nó lại chứa câu hỏi hùng hồn về mối quan hệ giữa nghệ thuật, tình yêu, và cái chết […]
Kho tàng những câu truyện cổ thực sự rất là phong phú […] Nhưng ở Ấn Độ, trước khi tôi nghe những câu chuyện đó, tôi đã lớn lên với Panchatantra, và khi tôi thấy mình đang ở giữa văn bản mà mình tôi chấp bút, chính con chó rừng, loài quạ xảo quyệt và những thứ tương tự là điều mà tôi thường quay trở lại, để hỏi xem chúng kể câu chuyện gì. Tính cho đến nay, chúng vẫn chưa làm tôi thất vọng. Mọi điều mà tôi cần biết là lòng tốt và mặt trái của nó, về tự do và sự giam cầm, cũng như về xung đột, đều có thể tìm thấy trong những câu chuyện này. Đối với tình yêu, thì tôi phải nói, cần phải tìm ở nơi khác. Và vì vậy, hôm nay khi tôi đứng nhận giải thưởng hòa bình, tôi tự hỏi: “Thế giới truyện ngụ ngôn nói gì với chúng ta về hòa bình?”
Kết quả không tốt cho lắm. Homer nói rằng hòa bình chỉ đến sau một thập kỉ chiến tranh, khi tất cả những người chúng ta quan tâm đều đã chết đi còn nơi thành Troy thì bị tàn phá. Thần thoại Bắc Âu cho biết hòa bình đến sau Ragnarök, Hoàng hôn của các vị thần, khi họ tiêu diệt kẻ thù của mình, nhưng cùng lúc đó, chính bản thân họ cũng bị tiêu diệt. Và Panchatantra cho chúng ta biết hòa bình - cái chết của loài cú và sự chiến thắng của loài quạ - chỉ có thể có thông qua bội phản. Tạm gác lại những huyền thoại quá khứ và nhìn lại bộ đôi “hot” nhất mùa hè năm nay. Trong khi Oppenheimer nhắc nhở chúng ta hòa bình chỉ đến sau khi 2 quả bom nguyên tử Little Boy và Fat Man được thả xuống Hiroshima và Nagasaki; thì Barbie nói rằng bình yên tĩnh tại và hạnh phúc đong đầy vốn chỉ tồn tại trong một thế giới toàn nhựa màu hồng.
Và ở đây, chúng ta tụ họp để nói về hòa bình, trong khi chiến tranh vẫn đang hoành hành không ở xa lắm. Đó là cuộc chiến sinh ra từ sự chuyên chế, tham tàn quyền lực và muốn chinh phục của một cá nhân; bên cạnh xung đột vẫn đang lên cao ở Israel và Dải Gaza. Hòa bình, ngay bây giờ đây, giống như ảo mộng vốn được sinh ra từ chất thức thần. Đối với Ukraine, hòa bình không chỉ có nghĩa là chấm dứt chiến sự. Nó còn có nghĩa, như phải có nghĩa, là sự khôi phục lãnh thổ bị chiếm giữ và sự bảo đảm chủ quyền của nó. Hòa bình, đối với kẻ thù của Ukraine, có nghĩa là Ukraine đầu hàng. Cùng một từ đó, với hai ý nghĩa không hề tương thích. Hòa bình cho Israel và cho người Palestine thậm chí còn xa vời hơn.
Hoà bình là điều khó mà đạt được. Tuy nhiên, chúng ta vẫn khao khát điều đó, không chỉ sự bình yên vĩ đại đến sau chiến tranh mà còn cả sự yên bình nho nhỏ trong cuộc sống riêng tư […] Dù nó khó tìm nhưng đó là thứ rất đáng theo đuổi. Cha mẹ tôi đã nghĩ như vậy khi họ đặt tên tôi là Salman, cái tên có gốc là “salamat”, nghĩa là “hòa bình”. “Salman” là “hòa bình”. Và thực tế thì tôi là một cậu bé trầm tính, ngoan ngoãn, chăm học và có bản tính hiền lành. Rắc rối bắt đầu sau đó.
Nếu tác phẩm của tôi bị ảnh hưởng bởi truyện ngụ ngôn, thì giải thưởng hòa bình cũng có gì đó mang tính hoang đường. Tôi thích ý tưởng rằng hòa bình tự nó có thể là một giải thưởng - rằng ban giám khảo gồm những người khôn ngoan có được quyền lực lớn đến mức họ có thể trao cho riêng một ai đó […] Đó là giải thưởng mà tôi rất vui khi mà được nhận. Tôi thậm chí còn nghĩ đến việc viết một câu chuyện về nó, “Người đàn ông nhận được hòa bình như một giải thưởng”.
Tôi tưởng tượng nó diễn ra ở một thị trấn nông thôn nhỏ - có thể là ở chợ làng. Có những cuộc thi thông thường, dành cho những chiếc bánh nướng và bánh ngọt ngon nhất, những quả dưa hấu to nhất, thi đoán trọng lượng con lợn của người nông dân chính xác nhất… chẳng hạn. Tiếp đó người bán hàng rong mặc chiếc áo cũ kĩ đến trên một chiếc xe ngựa và rồi nói rằng anh ta sẽ làm giám khảo của các cuộc thi, và trao phần thưởng mà chưa một ai từng thấy trong đời. Đó là những chiếc chai nhỏ cho những người đoạt giải khác nhau, có nhãn Sự thật, Cái đẹp, Tự do, Lòng tốt và Hòa bình.
Dân làng tỏ ra thất vọng. Họ thích tiền mặt hơn cả. Và vào hội chợ năm sau, có những hiện tượng kì lạ xảy ra. Sau khi uống chất lỏng trong chai, người sở hữu Sự thật bắt đầu khó chịu và dần xa lánh những người hàng xóm bằng cách nói cho họ biết chính xác những gì anh ta nghĩ về họ. Người đẹp thì lại trở nên đẹp hơn, ít nhất là trong mắt mình nhưng lại xa cách theo kiểu nào đó. Hành vi phóng túng của Tự do khiến nhiều dân làng bị sốc, và kết luận rằng chai rượu của cô chắc chắn có chứa một loại chất say cực mạnh. Lòng tốt tự xưng là một vị Thánh, và tất nhiên ai cũng thấy ông không thể chịu nổi. Và Hòa Bình chỉ ngồi dưới gốc cây và mỉm cười. Vì ngôi làng đầy rẫy những rắc rối nên nụ cười này cũng rất cay đắng.
Một năm sau đó, khi hội chợ được tổ chức lần nữa, người bán rong quay lại nhưng bị đuổi ra khỏi thị trấn. “Biến đi”, dân làng kêu lên. “Chúng tôi không muốn những giải thưởng đó. Một bông hoa hồng, một miếng pho mát, một miếng giăm bông hoặc là một dải ruy băng… Đó là những giải thưởng bình thường. Chúng tôi muốn những thứ đó.”
Tôi có thể viết câu chuyện đó hoặc không? Ít nhất, nó có thể giúp minh họa một cách hài hước một điểm nghiêm túc, đó là những khái niệm mà chúng ta nghĩ mình có thể đồng ý là đức tính tốt nhưng lại có nhiều khả năng bị coi là xấu, tùy thuộc vào trong quan điểm của bản thân bạn và tác động của chúng trong thế giới thực. Trong cuốn tiểu thuyết Tử tước chẻ đôi của Italo Calvino, người anh hùng đã bị chia đôi bởi một viên đạn bắn thẳng vào ngực. Hai nửa đều sẽ sống sót, vết thương được một bác sĩ chuyên môn chữa trị, và sau đó hóa ra tử tước đã bị chia cắt về mặt đạo đức cũng như thể chất. Một nửa bây giờ không thể tốt được, trong khi nửa kia ngày càng xấu xa đến mức không thể tin được. Tuy nhiên, hóa ra cả hai nửa đều gây ra mức độ thiệt hại như nhau, đều đáng sợ như nhau, chỉ cho đến khi chúng được khâu lại bởi cùng vị bác sĩ đó và một lần nữa trở thành số ít về mặt thể chất nhưng là số nhiều về mặt đạo đức.
Số phận của tôi, trong nhiều năm qua, là uống từ chính cái chai có nhãn Tự do và do đó tôi viết không chút kiềm chế những cuốn sách mà tôi chợt nảy ra trong đầu. Và bây giờ, khi tôi sắp xuất bản cuốn sách thứ 22, thì tôi phải nói rằng 21 trong số 22 lần đó đều rất đáng uống. Trong dịp còn lại, tức là lần xuất bản cuốn tiểu thuyết thứ 4 của tôi, tôi đã học được - nhiều người trong chúng tôi đã học được - rằng tự do có thể tạo ra phản ứng ngang bằng từ các thế lực không muốn tự do, và tôi cũng học được cách đối mặt với hậu quả của điều đó. Tôi cũng biết được rằng nhiều nhà văn và nghệ sĩ khác, khi thực hiện quyền tự do của mình, cũng phải đối mặt với các thế lực thâu tóm tự do. Tóm lại tự do có thể là một loại rượu nguy hiểm để uống. Nhưng điều đó khiến việc phòng thủ trở nên cần thiết và thiết yếu hơn. Thú thật, có nhiều lúc tôi đã thà uống lọ Hòa bình và dành cả đời ngồi dưới gốc cây với nụ cười sung sướng, hạnh phúc, nhưng đó không phải là cái lọ mà người bán rong đưa cho tôi.
Chúng ta đang sống trong một thời đại mà tôi không nghĩ mình sẽ thấy trong đời, thời điểm mà tự do – và đặc biệt là tự do ngôn luận, nếu không có nó thì giới văn chương không thể tồn tại – ở khắp mọi nơi đang bị tấn công bởi những kẻ phản động, độc tài, dân túy, mị dân… Cũng trong lúc đó, các cơ sở giáo dục và thư viện phải chịu một sự thù địch và bị kiểm duyệt; tôn giáo cực đoan và những hệ tư tưởng mù quáng bắt đầu xâm nhập ngày càng nhiều vào những lĩnh vực cuộc sống…
Đây là một điều gì đó thật sự mới mẻ và đang trở nên ngày càng phức tạp bởi chính công cụ giao tiếp của chúng ta, Internet. Trên đó các lời dối lừa đã được “phục trang” một cách khéo léo nằm cạnh sự thật, và rất khó để phân biệt được đâu là điều tốt và đâu là xấu. Phương tiện truyền thông xã hội cũng tương tự thế, nơi mà các chủ sở hữu tỷ phú chi phối tâm lý đám đông để mà kiếm lợi từ nó.
Chúng ta phải làm gì về quyền tự do ngôn luận khi nó bị lạm dụng rộng rãi? Chúng ta vẫn sẽ nên làm, với cách thức mới, những gì chúng ta luôn cần làm: đáp lại lời xấu bằng những lời hay, chống lại những chuyện sai trái bằng chuyện đúng đắn, đáp lại sự căm ghét bằng tình yêu và tin rằng sự thật vẫn có thể thành công ngay cả trong một thời đại toàn là dối trá. Chúng ta phải bảo vệ nó một cách quyết liệt và định nghĩa nó lại một cách rộng rãi nhất có thể, vì vậy, vâng, tất nhiên chúng ta nên chấp nhận những lời nói xúc phạm mình; nếu không thì tất cả chúng ta không hề bảo vệ quyền tự do ngôn luận chút nào. Hãy để một ngàn lẻ một giọng nói nói theo một ngàn lẻ một cách khác nhau.
Trích dẫn lời của Cavafy, “những kẻ man rợ đang đến hôm nay,” và điều tôi biết là câu trả lời cho chủ nghĩa khủng bố là nghệ thuật, câu trả lời cho chủ nghĩa man rợ là nền văn minh, và trong bất kì cuộc chiến nào thì các nghệ sĩ thuộc mọi lĩnh vực - nhà làm phim, diễn viên, các ca sĩ, và, vâng, những người thực hành nghệ thuật cổ xưa là viết - vẫn có thể cùng nhau đuổi những kẻ man rợ ra khỏi thế giới ngày càng đen tối này.
NGÔ MINH dịch từ bài viết của Salman Rushdie trên The New Yorker
VNQD