(Đọc tập thơ Gõ của Nguyễn Thánh Ngã, Nxb Hội Nhà văn, 2011)
Trước tập thơ Gõ, Nguyễn Thánh Ngã đã có cho mình 3 tập là: Nhớ xanh (2000), Nhìn từ đôi mắt khác (2005), Thượng nguồn ngạc nhiên (2005). Thơ anh có cái hồn nhiên tinh khôi của một người không ngại lời, đôi chỗ làm bất ngờ người đọc bởi liên tưởng đa chiều và đặc biệt là tràn ngập màu sắc của thiên nhiên…
Tôi vẫn nghĩ rằng, ở một khía cạnh nào đó thì thơ ca là tâm trạng của người viết được biểu hiện ra bằng ngôn lời chắt lọc và dư vị của nó nằm trong chính sự lan tỏa đối với người đọc: Có người viết khi đọc thơ họ khiến ta phải ngồi lại để lắng nghe những suy tư chiêm nghiệm trải trên mặt giấy. Có người viết đem đến cho ta nhiều bâng khuâng mơ màng rồi muốn hiểu họ phải làm một cuộc “định vị” những “xa vắng hóa không gian, chập chờn hóa thời gian” của bài thơ kia xem hồn cốt, ý tứ ẩn ở chỗ nào. Và cũng có người viết làm ta không thể ngồi yên được mà phải đứng dậy, muốn tìm đến tận nơi ra đời bài thơ đó để thấy cảnh sắc, tâm trạng ấy là thực, hay chỉ là sự che giấu tài làm dáng của họ.
Thơ Nguyễn Thánh Ngã qua tập này nghiêng hẳn về trường hợp thứ 3 vừa nói ở trên. Câu chữ trong thơ anh vừa huyên náo, vừa hoang dại nhưng lại rất có hình khối, âm thanh, sắc màu: “Ôi mây rừng. Giọt sương trong vắt đến lạ lùng. Vì sao có thể nhìn thấy chồi cây cất tiếng. Mỗi đường gân, xanh một ý nghĩ. Chạy ngoằn ngoèo mà thành thăm thẳm. Đại ngàn ru”.
Cảm giác như Nguyễn Thánh Ngã đã “nắm giữ” được tính năng của vùng đất Tây Nguyên đầy hoang dại mà dễ dàng đổi chỗ hoán vị cho sự vật, hiện tượng rồi quy nó về tư tưởng thường hằng trong đạo Phật: “Gió đấy. Nhưng là hương. Thơm đấy. Nhưng là trắng. Sắc đấy nhưng là người. Hoán vị. Thế giới trong cái đang rơi. Như tuyết rơi. Rơi công án. Cười xoay tít. Tơ nhện. Hãy chấp nhận. Bạn sẽ nếm được mình. Pháp là hoa. Hoa là pháp. Trắng là đen. Đen là trắng. Là một. Dòng âm thanh bất tận trên những sườn đồi. Những chú ông tu sĩ. Có thể là những nhà sư đi khất thực…”.
Đọc những dòng thơ này hẳn sẽ làm ta nhớ Tagore và Osho nhưng ta cũng nhận thấy một điều là Nguyễn Thánh Ngã tìm đến thiền từ “những đốn ngộ của đời người dâu bể” với muôn vạn nỗi niềm đang thầm thĩ, cựa quậy khôn nguôi. Đó là niềm vọng niệm: “Mỗi năm giỗ bà không thể thiếu hoa sen. Ao mất. Khi mặt người thay đổi, biết nơi nào soi cho thấy quê nhà. Và chú ếch phiêu lưu chẳng biết đường về…”, là suy tư về sự tồn tại trên một chuyến bay: “Rừng núi dưới chân ta như trang Kiều/ Nguyễn Du mới viết hôm qua/ làm sao biết 300 năm nữa/ ai đọc được giọt lệ bay giữa trời không?”…
Từ những tìm tòi, trăn trở Nguyễn Thánh Ngã đang tiến gần hơn đến lối thơ suy luận, giàu chất biểu cảm, có độ cao về khái quát. Và tôi cũng thật đồng tình với anh ở điểm này: Thơ là sự bày tỏ duyên dáng nhất của con người.
ĐOÀN VĂN MẬT chọn và giới thiệu
|
Ảnh: st |
NGUYỄN THÁNH NGÃ
Hoa trắng như thác đổ
Tôi đang uống. Không phải ngụm cà phê đen. Mà đó là làn hương. Trắng muốt
Ong và hoa. Thơm. Như cả thế giới được xây bằng mật. Cảm giác được bịn rịn. Thật đẹp. Cả một vùng đồi và sườn dốc. Không dễ gì tan loãng. Dòng thác hoa nở. Và đang nở. Đổ về khứu giác làm con người thành kính hương thơm
Tôi đang ở thời vị giác. Và hội pháp hoa trên núi hoa kia bừng nở căn trần. Mắt thân mũi lưỡi thân ý hòa hợp. Hân thưởng vẻ đẹp của thiền viên. Hoa cà phê. Hoa thiền. Loại hoa hiến dâng như Mạn Thù Sa (*). Rơi trong tâm tôi. Vũ điệu an lạc
Gió đấy. Nhưng là hương. Thơm đấy. Nhưng là trắng. Sắc đấy. Nhưng là người. Hoán vị. Thế giới trong cái rơi. Như tuyết rơi. Rơi công án. Cười. Xoay tít. Tơ nhện
Hãy nhấp. Bạn sẽ nếm được mình. Pháp là hoa. Hoa là pháp. Trắng là đen. Đen là trắng. Là một. Dòng âm thanh bất tận trên những sườn đồi. Những chú ong tu sĩ. Có thể là những nhà sư đi khất thực. Mật. Bỗng ngộ ra. Tâm tính thơm lửng
Và những vị ong nhà sư áo vàng. Mang tánh ấy bay đi…
(*) Kinh phật
 |
|
Tôi ăn bầu trời
Bầu trời là thức ăn mỗi ngày của đôi mắt
(Ralph Waldo Emerson)
Mỗi ngày tôi ăn một bầu trời
gồm những đám mây
và sấm sét…
Màu xanh là vị giác của đôi mắt
Bao la là nước miếng cảm xúc
nuốt vào thực quản hồn tôi
Bầu trời mỗi ngày mỗi khác
giống như cái chén khổng lồ
tôi gắp đầy thiên nhiên
Nắng mưa trộn lẫn làm thức ăn
tôi chan bão táp vào khô hạn
những cánh chim tung trời
Nhưng ngày càng cạn kiệt
bầu trời đã nhỏ lại
không còn màu xanh cho tôi
Cả mặt trời cũng nổi nóng
và ánh trăng khóc viền lệ
ngọn núi đeo tang trắng…
Và khói trời nhiễm xạ
Và mặt biển dầu loang
những cánh rừng mặc áo vá
Ôi bầu trời
bầu trời qua kẽ tay
lấy gì cho tôi ăn
một ngày đói lả giữa khối màu công nghiệp
Một ngày khát uống thứ không khí hoang sơ
có tiếng kêu trong chân răng sa mạc
vết nứt của bầu trời đã chạm vào chiếc lưỡi của đôi mắt…