VNQĐ giới thiệu: Những dòng thơ phức cảm

Thứ Bảy, 16/06/2012 02:00
(Đọc tập thơ “Mót” của Ngọc Tuyết, Nxb Hội Nhà văn, 2011)

Ảnh: Phong Điệp
Chỉ trong vòng 6 năm trở lại đây, Ngọc Tuyết đã dần khẳng định mình trên thi đàn qua các tập thơ xuyên suốt từ tập Giọt đầy giọt vơi (2005), Lá trở (2006), Sang mùa (2007), Nháp (2009) của thể thơ tự do. Và đến hôm nay, thơ Ngọc Tuyết lại xuất hiện với một “xiêm áo” vần điệu mới qua tập Mót theo thể lục bát truyền thống.

Cả tập thơ là một hành trình của một người thơ đang mải mê tìm kiếm những hoài vọng tha thiết qua một đối tượng được định dạng rõ là “cuộc” ám dụ những trải nghiệm được tích chiết lại, gói gọn trong một sự tổng kết sáng tạo theo chiều trải biến của một đời người “Cầm con xúc xắc trên tay/ đỏ đen sáu mặt dở hay cuộc người” (Con xúc xắc).

Trong một thi cảnh khác, “cuộc” lại như một xúc tác ngôn từ để biến những động từ đơn nghĩa thành một danh từ giàu nghĩa: “Khứa đêm cời ngọn dầu hao/ Soi chiều kháng thuốc thốc cào cuộc phơi” (Hạt tôi); hay“Úp tay lên bụng cũng mơ/ Hóa thân định mệnh bất ngờ cuộc bay”(Mót). Từ cuộc đã linh hoạt được ghép với những động từ phơi, bay khiến câu thơ như chắp thêm một đôi cánh mà bay bổng lên, làm rung cả một nhịp điệu.


Những câu thơ hay nhất trong tập Mót của Ngọc Tuyết có lẽ là những câu miêu tả những cảm xúc và hình ảnh của đêm. Đêm với một phát hiện: “Đêm qua mặt đất úp lưng/ ngôi nhà lật ngửa mắt trừng trừng cay” (Em về) thể hiện một trạng thái xáo động của tâm hồn. Đó là cảm giác sống đua chen với thời gian, nhận ra những thay đổi nhỏ nhất bất kể đêm hay ngày “Ngày lên nắng cũng bất tường/ Khi sâm sẫm tối lúc mường tượng đêm” (Rát lòng).

Khi đến đỉnh điểm của tâm trạng rối bời, không thể phát đặt nên một lề lối trong bóng đêm “Tôi ngồi nuốt máu mình tươi/ Bài thơ loang lổ mặt người giấc khuya”. Câu thơ như được tạc ra từ một tâm thức lội ngược trong suy tưởng có phần “siêu thực”, liêu trai. Bóng đêm không có nghĩa là suy kiệt, là cam chịu, tâm hồn đã vươn lên để chiêm bái cái đẹp vĩnh hằng: “Khuôn trăng rụng phía đầu nguồn/ Lạc vào dạ khúc bồn chồn từ em” (chuyện dòng sông).

Hình ảnh rụng nên thơ của trăng là một điểm nhấn, và đêm đã thành môi dung thích hợp của một dạ khúc toát ra từ tâm trạng bồn chồn. Trăng không bao giờ mất đi, trăng sẽ lên, sẽ bay bổng với “Trời ngồn ngộn ánh trăng suông/ Ai cầm tiếng khóc soi đường trăng lên” (Trăng 14). Sự vĩnh hằng của cái đẹp được chỉ đường qua một “hoa tiêu” tiếng khóc, biểu trưng của nỗi niềm, tâm sự. Và hình tượng trăng trong thơ Ngọc Tuyết là một cảm thức vui buồn lẫn lộn nhưng lại dung thứ và khát khao: “Vầng trăng phẫn nộ một thời/ Trốn vào đêm khuyết gọi mời nguyệt ca” (Tan).


Nỗi buồn dường như là tâm trạng xuyên suốt nhiều bài thơ. Nỗi buồn ấy xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có sự đợi chờ mòn mỏi: “Chiều sôi sùng sục trong chiều/ Ngồi trông chuông đổ úng thiu nỗi chờ” (Khung chiều); trong nỗi nhớ của riêng một thế giới theo cách của nhà thơ “Nhớ quay quắt/ Nhớ cuộn sôi/ Anh thành chủ nợ đòi tôi suốt đời” (Bệnh nhớ).

Đến nỗi buồn cũng có hình thù và mùi vị “Nỗi buồn mưng mủ bám chân/ Ngậm chua tẩy trắng nốt sần ngày xưa” (Chua). Nối tiếp trạng thái buồn là khóc, lẽ dĩ nhiên để giải quyết chóng gọn một tâm trạng: “Cuối đường bất định luồn tuôn/ Em vo nước mắt gởi sông đem về… (Đem về...). Cụm từ “vo nước mắt” là một phát hiện khá thú vị, chỉ có thể thốt ra bằng thơ, trong một thoáng đã tâng ý thơ lên một thi ảnh tuyệt vời.

Không chỉ khóc mới giải quyết hoàn toàn nỗi buồn, nhà thơ còn sử dụng liệu pháp im lặng: “Cho tôi gửi một lặng thinh…/ Như con cá sấu ngồi đong lệ mình (Chuyện dòng sông). Để cuối cùng chốt lại cùng chủ đề muôn đời của thi ca - mùa thu: “Giờ ngồi mẹ vá mùa thu/ cho chiều bớt tím lời ru thôi buồn” (Ảo khuya). Âu là cũng một cách để làm vơi nhạt đi nỗi buồn, biến nỗi buồn thành một trò chơi dệt mộng, dệt bản thân trôi nổi cùng con chữ.


Tập thơ Mót đã phản ánh nhiều mặt về đời sống của một con người, làm giàu nhiều không gian vừa huyễn vừa thực và tạo nên nhiều cặp lục - bát mang sắc thái riêng của Ngọc Tuyết.

Lê Vũ Trường Giang giới thiệu và chọn

Ảnh: Phong Điệp

NGỌC TUYẾT
Rát lòng

Ngôn ngữ
thừa không hỡi chim?
giao mùa không hót buồn im lạ thường
ngày lên nắng cũng bất tường
khi sâm sẫm tối lúc mường tượng đêm
đời lăn kiếp gió qua thềm
lắt lay bóng mẹ buồn lem nhép đường
mẹ ngồi giăng ảnh con trườn
mắt tìm cái chổi dọn vườn tuổi thơ
chắt chiu từng nốt ghẻ dơ
lấy bao nước mắt để mơ con về…

Tiếng còi lá giục ngõ tre
đóng băng thương nhớ bước lê phố phường
nền trời đỏ quạch mười phương
cõi ta bà chật tôi nhường bóng tôi
chim bay khản giọng kêu trời
đường tim phát hoạ gọi mời cố hương
lòng tôi coi bộ hết phương
xin tìm mớ chữ cúng dường chính tôi

Ảnh: xemanh.net

Cái dằm trong tôi

Tìm thơ trong mớ hỗn mang
chuồi theo triền cảm lật trang khảm tình
chào đêm
đêm mới trắng tinh
hương so đo mộng gió rình nách cây
thơ buồn bỏ trốn vào mây
tôi cơn sấp ngửa loay hoay chỗ nằm
thơ - người ướp đắng tháng năm
tìm ai lể giúp cái dằm trong tôi.

Ảnh: xemanh.net

Em về

Bom rơi rát mặt quê hương
đất cam tâm thở vết thương nõn nà
bao nguồn sông chắt phù sa
người theo tổ quốc nhuộm da màu cờ
Trường sơn neo võng
mẹ chờ…
tượng đài mặc niệm
nấm mồ em, anh
em nương dáng núi chẳng lành
hỏi người kết khúc quân hành yên chưa
lộng chiều vòng khói nhang thưa
em buông hồn mỏng theo mưa lặng tìm

Đêm qua gió cũng lặng im
cơn mê hạt bụi… về tìm yêu thương
xác thân đội nắng bên đường
lâm chung một thuở mười phương khẩn cầu
cho em về buổi ban đầu
có thời con gái bắc cầu nhân duyên
chiến trường nghẽn lối trầu têm
khăn tang gió buộc mình em với rừng
Đêm qua đất cũng lừng khừng
cuộc đua khốc liệt miết từng thớ đau
mặc ai vô tội trước, sau
mặc ai định kiến nát nhàu tư duy
chiến tranh đâu có xét – suy
nhân gian lạ lẫm hiểm nguy đã từng
đêm qua mặt đất úp lưng
ngôi nhà lật ngửa mắt trừng trừng cay
em mơ về dưới bóng ngày
đội khăn trắng đứng vẫy tay tự hào
Đêm nay bụng đất cồn cào
hồn em bỏng rát núp vào bóng quê
đêm nay từ đất em về…

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

Tại Củ Chi có một suất chiếu đặc biệt của bộ phim “Địa đạo- Mặt trời trong bóng tối” được gọi là suất chiếu tri ân.

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)