Ám tượng cuộc giang hồ của gã nhà thơ...

Thứ Hai, 17/10/2016 14:25
(Đọc Cho dù Nátita - thơ, Đông Triều, Nxb Hội Nhà văn, 2016)
 
Tôi thấy gã. Giang hồ. Mái tóc bồng bềnh, ngực áo phanh, đôi mắt tưởng chừng nhòa nhạt mà đắm đuối giữa một chiều thảo nguyên gió cát vời vợi. Giữa thảo nguyên ấy (chứ không phải mênh mông đồng nước quê gã), gã cảm nhận được hết cái hơi thở sinh tồn có ý nghĩa nhất đời mình - gã tự trào Chỉ làm thêm đau rặng liễu, chỉ làm thêm đau ráng chiều/ Con cá nhỏ trong lòng tôi mãi mãi, cũng để mà khéo léo, dẫn dụ người đọc đến với cuộc hành trình của gã, một thế giới được bày biện “Trong tất cả những trật tự” vừa quê mùa, vừa hiện đại, vừa đáng yêu, vừa xa lạ: ngôi nhà, khu vườn, chuột đồng, chim sẻ, nghĩa trang, thành phố, cánh buồm, những chuyến bay, lát cừu non ám khói, vò ô liu…

Ấy là hành trình của một đôi chân chắp trên đôi cánh liên tưởng rộng rãi của không gian, khơi mở, đắm đuối ngọn nguồn cảm xúc với chất thơ lạ, tràn trề giọng điệu du ca: Những con ăn mồi sống tràn lên cây bói xuống/ Cây ngã xuống lòng mình/ Hoa xếp mặt lìa nhau (Lời thưa lại của làn nước), Bất chợt trên đầu bừng nở/ Đóa xanh nhung hé mở dãy thông buồn/…/ Tiếng mây trắng nở như đàn chim sốc gió… (Lúc trở lại ngôi nhà quá khứ), Đã mất những con đường phía sau rặng cây/ Chỉ còn cột khói anh ngụm về bên bếp lửa (Những cánh buồm không bao giờ về nữa). Như một thói quen, gã giải trình với đời, với người trong hơi men ủ lá, giữa khu chiều nhập nhoạng Đứng bên hồ Nátita/ Họ bảo không ai vẽ khác hơn đôi mắt (Phụ bản 1), Mỏi cả ánh nhìn ngun ngút tận trời xanh/ Lời khẩn cầu bay lên không tới đám mây hình giọt nước (Tắm đá)...

Hơn hết, đó là một cuộc giang hồ Giải mã những đám mây lãng đãng trong đời/ Bất thần xuất hiện (Những đám mây hiện hình), từ … những ngón tay đã giăng lên gió, những nghìn cây số và những kí ức quay về như một tiếng nổ (Trên lưng ngựa đang chạy đi), đến Một sự hoang mang tột cùng/ Trong bóng tối đầu tiên ở khu vườn (Những đốm cháy ở khu vườn), đến Em đã hấp hối cuộc tìm mình/ Chiều đã sôi trên nóc rừng nguyên sinh (Mơ hồ sự sống khó hơn), để rồi nhận ra Những dấu giày bước qua thảm nhung vẫn thấy là của mình (Trên chuyến bay đó). Bởi vì, cuộc hành trình ấy cũng chính là cuộc hành trình trở về bản ngã, cuộc trở về của… năm tháng đó mỗi chiếc kim đồng hồ chỉ mặt độc, ánh nhìn thản nhiên và một hành lí. Hỏi, cuộc giang hồ ấy của gã chẳng phải dễ dàng quá ư? Không dễ, bởi vì trong sâu thẳm tâm hồn ấy còn nặng nợ giằng níu lắm: Như vẫn còn thấy được hai nhánh sông tõe ra cuối dòng từ sơn nguyên Tây Tạng/ Lại nối với mẹ mình, lại nối với chiến tranh/ Không phải ví điều đó với sông, không phải nhớ điều đó với sông/ Là chiếc nạng mẹ gác lên mỗi chiều trên tảng đá lăn xuống từ dãy Trường Sơn (Trên chuyến bay đó), Có lưỡi cày nào sâu hơn ba thước xuống cánh đồng?/ Mở mạch hương vĩnh hằng xứ sở (Giã từ), Tiếng cuốc gọi ngỡ cầm mành chỉ đỏ/ Ngớ nỗi niềm trầm mặc một bến sông (Tiếng cuốc gọi), đến thứ tình yêu đầy nhục cảm Ta săm soi cơ thể ấy sau làn áo mỏng/ Ta khát chi mặt trời thiêu lá mọng (Ở Cam Ly), Tôi biết mình đã vàng một đoạn người/ Từ buồng tim đi lên (Chiều Bazan)…

Gã giang hồ. Ừ, gã giang hồ thật, nhưng giang hồ mà không buông, hay không nỡ lòng buông Đi tắt một đoạn đường/ Chợt thấy dài đến mấy mươi năm... (Con đường xuyên nghĩa trang), tưởng như cuộc giang hồ của cố thi sĩ Phạm Hữu Quang thế kỉ trước: Giang hồ ba bữa buồn một bữa/ Thấy núi thành sông biển hoá rừng/…/ Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt/ Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà….

Hay, ấy là trách nhiệm: Có ai đó buộc lòng tôi tưới lên mặt tôi/ Gương mặt này rồi sẽ không còn vết rét tạt/ Trái tim này rồi sẽ trào lên tiếng hát (Lời thưa lại của làn nước)…
Hay, ấy là đáp số chung cho những gã giang hồ - nhà thơ vậy?
 
LÝ HỮU LƯƠNG chọn và giới thiệu
 

Phụ bản 1
 

Đứng bên hồ Nátita
Họ bảo không ai vẽ khác hơn đôi mắt
Chóp đá dưới kia như của người duềnh lên giữa mặt
Hình như nước mắt đã cuộn vòng
Hình như mùi hương xuyên trong chóp đá
Đã có ngày nào em đi qua đây?
 
Cao nguyên, cao nguyên mùa nắng núi lùi xa với mây
Anh tìm cách đóng cánh cửa gió tạt đồng hoa cỏ
Ở nơi đó, ở trong đó vẹt tìm lời người hứa
Cứ cầm nụ hôn buồn như thứ lửa cháy lan nhau
Anh đứng lại vẽ một làn môi lên quá khứ
 
Con đường mùa xa lá bay chiều mưa
Không nói được em đã buồn đến mấy
Không nói được biết bao giờ gặp lại
Cô gái chiều nay như khói toả trên đồng
Ôi một mớ bòng bong, một mớ bong!
 
Cứ nghĩ đứng bên hồ nhớ nhung
Đã vẽ mùi hương, đã vẽ môi em và hàng cây chau nhau sắp khóc
Có ai đó vừa bước qua vườn xanh đơn độc
Lần lượt úa mầm, lần lượt bạc nhánh tủa dư hương
Anh đã tìm ra cánh cửa đóng gió thiên đường
 
Có phải quay lại hồ Nátita
Xem sao người ta lại cứ tin vào đôi mắt?

cao nguyen hoa co
 

Cha tôi
 
Như tượng đồng chìm trong lời nguyền báo ân gia tộc
Bầy ngựa thời gian giẫm tả tơi vườn tóc
Vài sợi mọc ra từ những nếp gấp suy tàn
Hình như trên gương mặt cha có quá nhiều con chim đêm về ẩn náu
Nó ngủ như loài dơi trốn bão
Ngày - về - dấu - vết - thương - đau
 
Cha ngồi như giếng là trơ đáy nét giậu trúc, bờ tre
Bộ rễ cây đa đình Phước Tuy tràm lên từ bờ vai ghì níu nụ cười ánh mắt
Không còn nhớ bạn cũ cùng thời ngủ hầm cơm vắt
Không còn nhớ người yêu lúc gặt lúa chạy làng
Cha tôi bày ra sám hối mời gọi họ hàng
Hương khói thẳng lên trời không tiếng nói…
 
Mấy mươi năm mịt mùng tiếng gọi
Giỗ tháng tư ngõ trúc nắng rọi về
Những đốm mắt treo lủng lẳng mỏi chờ cơn gió rụng
Cha tôi ngồi ví von mình được như vật trình tế cúng
Tiếng thánh thần phải ứng dội trời xanh
 
Nhưng đứa con người mua đôi dép, chiếc khăn
Nó có đôi mắt đẹp hình chiếc lá
Nó đúc sẵn ngôi nhà khi pho tượng đồng ngục ngã
Tiếng nói cha tôi giờ không phát âm từ phiến lưỡi
Cung bậc buồn vui được điều khiển từ một thứ hàng mã có hình hài.
Cha tôi sợ tương lai
Như ốc đảo trên Thái Bình Dương muôn năm sóng
 
Bầu trời chim bay mải miết
Cha tôi lặng im nhìn gió giữa cánh đồng
Lúa ngật ngù, lúa đã nên bông
Tung lên gió một rừng hương ơn đất
Ở nơi đó, phía sau hàng nước mắt
Tôi thấy cuối trời lạnh ngắt một miền xa…

thac cam ly
 

Ở Cam Ly
 
Uống vách núi
Núi cây xanh thương rừng vắng chẳng một lời hoan ca
Phơi ngực trần khét nắng từng lởm da
Ta khát không vì nơi ấy vút ra loài chim lạ
Ôi, của tôi đâu một triền xanh bao la…
 
Uống trời xanh sau phiến lá
Sương chiều cũng hay, tình yêu rón lay
Ta săm soi cơ thể ấy sau làn áo mỏng
Ta khát chi mặt trời thiêu lá mọng?
Ôi, thói quen người lên đất đỏ cao nguyên!
 
Uống con đường xuống rồi lên
Anh đang ngồi cuối lưng ong chờ em nhé
Ngoảnh lại sau lưng lối về đã mở
Ta khát vị đời trái cấm đê mê
Ôi, Cam Ly bất giác chờ bụt
 
Uống tiếng thác chảy về từ hoang tưởng
Đoàn hùng binh xếp kiếm đợi mĩ nhân về
Con chim phí tìm rừng xưa trên vách đá
Ta khát tiếng du dương bay chấp chới đồi thông
Ôi, yêu nhau sao không nói một lần?
 
Sao em uống anh?
Đi cuối đất cùng trời gió cuốn
Nào núi không xanh, trời không biếc, thác không rền
Rồi đến lúc tay trong tay thợ nạn giữa rừng
Ôi, cứ vây lấy, cứ tan chảy từ đời này sang kiếp khác…
 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)