Cánh cửa thi ca đang mở

Chủ Nhật, 03/09/2017 01:07
(Đọc Bài thơ vỗ cánh, Trần Ngọc Mỹ, Nxb Hội Nhà văn, 2017)

Bai tho vo canh Tr Ngoc MyMở đầu tập thơ Bài thơ vỗ cánh, Trần Ngọc Mỹ đã ngay lập tức đặt ra những câu hỏi: Cuộc đời đi qua bao nhiêu cánh cửa?/ Sau những cánh cửa ấy có gì? Và chị cũng lập tức trả lời: Mặt trời ban phát ngàn vạn ánh sáng/ Sớm mai bắt đầu chim hót reo vui/ Cánh cửa ngày mới gọi những chân trời (Cánh cửa thi ca). Từ lối mở ấy, Bài thơ vỗ cánh đã có những đường bay riêng, chân trời riêng, chân thành, rộng mở và biếc sáng.

Là một tác giả xuất hiện đều đặn trên Văn nghệ Quân đội, Trần Ngọc Mỹ được bạn đọc nhớ tới bởi những tâm tình, thủ thỉ mộc mạc, đôi lúc thực thà nhưng ẩn đằng sau những câu thơ đó là một chiều sâu rất phụ nữ, nghi ngờ đấy mà đầy yêu thương tin tưởng; phân vân đấy mà luôn quyết định rõ ràng. Thơ chị có thể còn đôi chỗ vụng về nhưng là sự vụng về hồn nhiên chân thực nên người đọc rất dễ đồng cảm: Tôi như nhánh sông lặng lẽ chảy trôi/ Giữa biển đời ồn ào đầy sóng/ Cứ trôi thôi, biết đâu mà tưởng tượng/ Phía trước định mệnh có gì? (Quan trọng gì đâu); Hàng cây chỏng chơ đứng khát khô môi/ Như cô gái kiên nhẫn chờ tình yêu năm tháng/ Đôi khi tình yêu bội bạc/ Xót xa chiếc lá cuối cùng (Ở một nơi nào đó).

Thơ Trần Ngọc Mỹ luôn là những câu chuyện đời thường. Đừng tưởng những câu chuyện đời thường chỉ toàn là nhàm chán, tẻ nhạt, khó đưa được vào thơ. Chuyện đời thường của Trần Ngọc Mỹ đã vượt qua sự thông thường mà tìm tới mẫu số chung thi ca vừa tự nhiên vừa đau đớn: Trái tim bạn từng nhịp thổn thức/ Rồi cũng đến ngày thay váy mới cô dâu/ Đợi nửa buổi không thấy xe người đến đón/ Bố mẹ đứng ngồi, họ hàng mòn ngóng/ Bạn không dám ngước ánh nhìn ra cổng/ Những đám mây rỗng rượi lặng thinh (Ngày bạn cưới); Thôi, đừng nói với em về sự đọa đầy/ Thu khuất nẻo chết miền hoa cúc/ Em chiếc tủ chứa đầy day dứt/ Cuộc đời vốn không vui (Đừng nói với em); Em bé H’mông lon ton/ Thay cha oằn lưng địu/ Thay mẹ ngực ấm vỗ về/ Tuổi thơ em trốn đâu đó có nghe/ Tiếng chim gọi hồn nhiên hót trên đồi cỏ/ Loài hoa dại uống sương trời nở rực sắc đỏ/ Tươi như nụ cười thiên thần thèm đậu môi em (Em bé H’mông).
Bài thơ vỗ cánh trong những vần thơ viết về người thân, cha mẹ, con cái, Trần Ngọc Mỹ không chỉ là những cảm xúc máu thịt mà đã được đẩy lên thành triết lí thơ: Khóc để làm gì mẹ nhỉ?/ Lớn khôn có nghĩa vững vàng/ Con hiểu nỗi buồn tìm đến/ Cho mình học cách lặng thinh - Tự gói tâm tư vào tóc/ Vá víu tiếng ngực thở dài/ Con biết ngày mai trời sáng/ Đời sẽ lại nở bông hoa (Đêm nhớ mẹ); Con thèm ghì mình trong ngực cha/ Làm một đứa trẻ nhỏ/ Bắt đầu tập sống, tập yêu/ Cho đi không cần nhận lại/ Sau chuỗi ngày mê mải/ Con tập chầm chậm soi vào cha và nghĩ… (Trò chuyện với cha); Con hãy hát lên để xua đi rã rời/ Của thân xác bao đêm phòng ngự/ Của đôi chân từng nhiều lưỡng lự/ Quay tứ bề vẫn thấy phân vân - Nào hát đi con/ Vui cười ánh mắt - Mẹ dần thấu hiểu điều tuyệt vời nhất/ Bình yên trú ngụ đôi mắt thơ ngây (Hát đi con).

Những dòng lục bát trong Bài thơ vỗ cánh không chỉ nhuần nhuyễn về vần điệu mà còn luôn chuyển tải được tình ý của người viết, điều này thật chẳng dễ dàng gì với thể thơ truyền thống: Quay về úp mặt cỏ xưa/ Thịt da đã xước cơn mưa tã tầm/ Tháng năm trôi bước âm thầm/ Quàng quanh mùi phố tím bầm môi son (Quay về); Chiều buông lá đổ mây nghiêng/ Lối mòn hoang vắng cỏ xiên đường vào/ Cánh bèo im phắc bờ ao/ Cô đơn cánh nhạn xé cào ruột con (Thăm mộ cha).

Bài thơ vỗ cánh khá đa dạng về hình thức thể hiện nhưng thấy rất rõ ràng tác giả không quá coi trọng hình thức. Ngay cả những câu có thể viết khác đi cho có vần điệu thì Trần Ngọc Mỹ vẫn để mộc mạc tự nhiên. Tôi đã từng đặt câu hỏi rồi tự trả lời rằng chúng ta hãy để thơ ca lên tiếng theo cách riêng mà đừng hệ lụy vào vần điệu, câu chữ. Đó không hẳn là cách làm mới thơ nhưng ít ra sự véo von sẽ bớt đi nhiều: Em luôn nghĩ tình yêu lớn lên/ Ngay cả khi những hồng cầu dần chết/ Ngay cả khi trăng tròn đã khuyết/ Bốn mùa mưa nắng lăn qua đời nhau (Mình yêu nhau); Có bao giờ cuộc đời chậm trễ?/ Có bao giờ cùng tận bàn tay?/ Dừng đôi phút mới hay/ Câu kinh cầu nhấc bổng dương thế (Đôi phút với nhà thờ cổ).

Bài thơ vỗ cánh với không ít bạn đọc, với Trần Ngọc Mỹ, dường như cánh cửa thi ca đang rộng mở.
 
PHÙNG VĂN KHAI
giới thiệu và chọn


Im lặng
 
Cha đi qua bầu trời khói lửa
vết thương không chỉ là viên đạn găm vào thịt da
mỗi đêm kí ức dội về từ ngàn ngôi sao xa
cánh rừng cháy!
 
Giấc mơ ú ớ
tiếng nổ xé tai
rờn rợn mảng tang tóc nham nhở phủ chân người
đất cuồn cuộn máu đỏ khắp nơi
 
Những gương mặt nhập nhòa ảo ảnh
giọng cha rạc rời giữa rừng thẳm
bàn tay nắm chặt tấm ảnh chân dung
mới hôm qua, đồng đội cha nằm bên
kể về cô gái ấy
 
Chiến tranh mang sắc màu đau thương đến tàn nhẫn
tình yêu vỡ tan khi chưa kịp bắt đầu
không chỉ bầu trời tháng Bảy ướt sũng mưa ngâu
tâm can đau đáu ngược dòng day dức
Có rất nhiều, rất nhiều người trẻ mãi đi xa
có rất nhiều, rất nhiều cuộc chia li bao năm chưa thể cất lời từ biệt
 
Chẳng một vết tích xương cốt
đồng đội của cha đi đâu trong tích tắc?
mãi chưa về con gái ơi?
cha hỏi nhiều lần, nhiều tháng, nhiều năm…
ngôi sao cứ im lặng nhức nhối.

 
May man voi giac mo ve con gio

Khúc hát tháng Bảy
 
Tháng Bảy
nắng nhung lụa bay lên
cánh đồng rắc đầy hương thơm hoa cỏ
gặp lại tuổi thơ trên triền đê lấp ló
cánh diều chở gió lung liêng
 
Tháng Bảy
ngôi mộ nghi ngút khói hương thiêng
quê hương bình yên trong màu xuyến chi muốt trắng
từng bước chân thầm lặng
lần tìm dòng sông cha
lật ngửa bàn tay
vấp giọt kỉ niệm làm nỗi nhớ mọc cánh
gió thốc ngược về miền xưa trằn trọc
ngày mẹ cõng con qua thác lũ cuộc đời
 
Tháng Bảy nghẹn khúc hát chơi vơi
mảnh đất ông cha sinh thành bài ca năm tháng
góc nào cũng độ lượng
cây cỏ thân thương đón lối ta về
 
Tháng Bảy
bỏ con đường phố dầm dề
mê say vườn xanh nắn nót
thiên nhiên trinh nguyên ban quả ngọt
chỉ cần nụ cười mẹ nâng cánh ta bay…

 
image12
Biếc xanh

 
Về thôi
với mẹ ta thôi
đường đời xa ngái đêm trôi đượm buồn
bao lâu giấc ngủ chập chờn
tép tôm bì bõm tủi hờn đắng cay
 
Về thôi
xoa xuýt cỏ may
chuồn chuồn nhào lộn, chim bay giữa trời
à ơi khúc khát à ơi
ấm êm tay mẹ
dịu lời gió đưa
 
Thổi tan ngày nắng ngày mưa
ngọc ngà gấm vóc dằng dưa làm gì
vinh hoa chẳng thể chở đi
mai kia cát bụi
níu vì cho ai
 
Về thôi, đừng để nhạt phai
về thôi, đừng để bờ vai mẹ buồn
về thôi, chiều chuộng tâm hồn
chạm miền quê mẹ
bồn chồn biếc xanh.

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)