Chùm thơ của tác giả Đoàn Hữu Nam

Chủ Nhật, 02/10/2016 00:22
Chợ Khau Vai
 
Con đường dẫn đến chợ Khau Vai được làm từ lá ngón, ấu tẩu,
                                                                                   vực sâu, nước xiết
Kẻ nuôi con đường đến chợ Khau Vai là những người muốn yêu không
                           được yêu, tình duyên đứt lìa, cha tham mẹ tiếc,
                                                           trăm mối oan khiên cướp vợ, ép người

Tự do
Người là con của giời
Là hoa của đất
Nhưng “giời hết rồi!”
Con của giời không còn được tự mình yêu thương nên phản kháng
                                                  giời bằng cách tự tìm đến cái chết
Con của đất không được tự do bày tỏ nên tìm cách lìa đời cho
                                                                     đất cát mặn thêm
Tay đứt ruột nát
Những cái chết đớn đau đứt ruột đứt gan từ phẫn uất cùng đường
                                                                 như ngựa cả tàu bỏ cỏ
Những cái chết làm cho người già buộc mình vào bếp mà mắt vẫn
                   căng canh như gà mái căng canh đàn con khi trên đầu
mắt diều hâu nhòm ngó
Người trẻ luôn tự nhủ mình tránh xa lửa bỏng nhưng càng tránh
                                càng như mối thấy mưa, thiêu thân thấy lửa
 
Ngày ngày
Bên này núi vẫn có người “khạc nhổ xuống trần gian”
Bên kia núi vẫn có người “chui vào con đường nước mắt”
Bên này núi tránh khỉ gặp vượn
Bên kia núi tránh mềm mượt này mềm mượt khác đón chân
Hổ không nhường voi
Voi không nhường hổ
Những cái chết được báo trước xảy ra trước mắt sau lưng
                                                khiến làng dưới làng trên ngơ ngác
Sợ ngày nước chẳng đến sông!

 cho khau vai
Chợ Khau Vai
Hang ổ cuối cùng của những cánh chim lạc mùa di trú
Những người đàn bà gắp hòn than ủ suốt mùa rét buốt lẩn tròn vào
cạp váy băng qua núi cao rừng rậm đến chốn đông người
nhóm lên ngọn lửa ngày nào ông giời phũ phàng thổi tắt
Những người đàn ông khép cánh cửa càn khôn lên ngựa ra roi phóng tới ngôi nhà
                        cả năm không có dấu chân người song vẫn ấm hơi rồi rụt rè mở cửa
Già có lối già
Trẻ theo đường trẻ
Chân đi lòng bay
Nhìn mà không nhìn
Thấy mà không thấy
Con người trở lại hồng hoang
Ai cũng như con dế chui ra từ nắng mưa bão gió tanh tách khoe cánh,
                                                                         khoe đùi, khoe mắt
Những bài ca than thân ri rỉ chảy ra từ tiếng đàn môi rồi tụ lại
thành bản đồng ca kể tội đất tội giời
Những tiếng khèn vo ve vo ve rồi dậm dựt chân, ríu rít khe,
                                                                 ầm ào thác
Thấp thỏm kéo từ mùa xuân qua mùa đông
Hấp hoải kéo từ mùa đông ngược mùa xuân
Đến mùa hoa nở, không nở
Cuối mùa quả rụng, không rụng
Ba trăm sáu lăm ngày tẩm ướp đớn đau lòng như dưa muối
                                                                 vừa đủ miệng!
 
Anh chờ đợi ngày này từ kiếp trước lang thang ngủ bờ ngủ bụi
Anh sợ ngày này như sợ lửa bén rừng gianh
Và em
Kệ lối rỗng lòng không, tán ô trong tay em sẽ thành mái nhà
                                                                             dựng vội
Trong mái nhà đầy gió hai hòn đá thô nhám ủ trong lòng đất
                      trăm năm triệu năm xát vào nhau cho bùng lên ngọn lửa
Và anh
Mặc giữa chợ khèn người là khèn rượu, cuối chợ chen người đàn
môi người kiến bâu, cây mía thuốc trong tay anh cầm hơi, giữ hơi, ngọt hơi, lồng khao khát này vào khao khát     khác để ngày xưa hiện về từ môi, từ tay, từ mảnh đất giời cho mỡ màu phù sa ánh lên trong nắng
Ngày xưa
Ngày xưa
Ngày gieo đỗ nuôi chim, trồng ngô nuôi khỉ, xuống nước sảy chân,
vào rừng vấp đá, hạt dẻ đắng cay, lá ngón ngọt bùi, quấn nhau, nhả nhau, anh bấu víu lấy em, em bấu víu lấy anh, ngày - mười  mặt trời rụng, đêm - mười mặt trăng rơi, ta nhắm mắt thả mình, mây xám ngang đầu, mây trắng dưới chân, mây vàng ngựa rồng ngựa thỏ, suối mười hai khúc, khúc nào cũng cá cũng tôm, dốc mười hai đoạn, đoạn nào cũng lõm dấu chân

cho khau vai 2

Theo mẹ theo cha ta leo nương gieo hạt
Nương sau mưa mềm như đệm như chăn
Những hạt giống từ vạt váy bung ra
Vừa chạm đất đã ngỏng lên giời đón sấm
Những chú hoẵng phởn phơ tìm bạn
Chui vào bẫy như chui vào đêm
Cây mía tõe cho ngọt ngào mặt đá
Ô bạc đi trong nắng gió tứ mùa
Ai lạc bước tiếng khèn thôi thuận tiếng
Đàn môi quên tiếng dế nỉ non lòng
Và anh và em,
Ta chưa kịp lột lông lắp tiếng vào để trở lại làm người thì
                                    khắp rừng đã lao xao cánh vỗ
Bàng hoàng, ngơ ngác!
 
Anh nhìn xuôi theo ngày qua
Ngược những ngày sắp tới
Rồi lại ba trăm sáu lăm ngày nhắm mắt, mở mắt
Lại ba trăm sáu lăm ngày đêm nhớ ngày mong
Đường ta gặp nhau lại giống đường lên giời
May mà Khau Vai còn cửa…

bac ha 

Bắc Hà
 
 Ngày cứ nắng đêm cứ trăng vời vợi
Sương giăng giăng như thật như đùa
Gió và gió, gió dọc chiều hoang hoải
Mưa rồi mưa, mưa lướt thướt bờ môi
 
Trời đất thản nhiên vòng quay phận sự
Ngày nối ngày dòng chảy, chảy vô tư
Bắc Hà đấy, Bắc Hà nương vách núi
Uống trời xanh, vắt đất đá nên mùa
 
Ta đi giữa Bắc Hà vàng màu nắng
Giữa rừng người lấp lánh ngày vui
Tiếng sáo khèn rộn lòng du khách
Dụ hồn ta neo thả với bãi bờ
 
Như sa mu giăng mắc quên trút lá
Ta bồng bềnh thức ngủ với bồng lai
Ơn bát rượu níu nồng nàn, dạn dĩ
Ta mắc cạn sóng sánh, Bắc Hà ơi!

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)