Thơ trong những tập thơ: tập thơ "Khoảng giữa những giọt sương" của Lê Thành Nghị

Thứ Sáu, 12/08/2016 00:54
ttntt
Ngồi lắng nghe nỗi buồn lên tiếng hát

GTS05 2016 0003Gần đây, trong bài viết Nỗi đau trong văn chương, giáo sư Trần Đình Sử đã đưa ra hình ảnh ẩn dụ giàu sức lay thức: “Làm gì có con trai có tài và con trai bất tài. Mọi con trai đau đớn đều cho ngọc”. Quả vậy, xét ở ý nghĩa đích thực của nó, văn chương nói chung, thơ ca nói riêng là những giọt tâm nhạc tinh túy được chưng cất rồi rỉ ra từ những tâm giới đa mang, đa cảm nơi những số phận đa đoan. Khoảng giữa những giọt sương cũng có thể coi là những giọt thi lệ thánh khiết, long lanh như thế. Ta vẫn thức khi đêm gần cạn/ Nến đã khô trên đĩa… và câu thơ/ Như nước mắt vẫn lăn thầm lặng/ Giọt ngày xưa bên cạnh giọt bây giờ (Chào mẹ).

“Một đời xa quê lấm bụi thị thành”, kí ức người thơ cứ “đầy như ngày mưa”, cứ “cao như dáng núi mùa bão”, đêm ngày quặn thắt nỗi quê, nỗi mẹ, nỗi cha. Mùa lũ đi qua/ Nhưng nước vẫn còn dâng trong mắt mẹ/ Cây đứng lặng bùn trên hai mặt lá/ Hương còn bay trên mộ Nguyễn Tiên Điền (Về lại Tiên Điền). Điều gì nếu được mang theo chuyến đi cuối cùng? - Bóng mẹ lui cui mùa gió Lào ngõ vắng/ …Vì sao những người đàn ông khóc?/ - Có lẽ như tôi, thương mẹ/ Vì sao? - Mẹ tôi mất và đem theo mái tóc xanh vào biếc cỏ (Đối chứng). Như cha ta suốt những tháng năm/ Núi điềm tĩnh, chở che và im lặng/ Không ai biết sau mỗi làn mây trắng/ Những gì buồn cha đã mang đi (Sau lưng là Hồng Lĩnh)…

Và nơi ngổn ngang bời bời kí ức quê ấy, là cộm bỏng một vết xước gắn với bóng hình sơn nữ và lời hẹn bỏ quên “một ngày tuổi mười tám”. Tác nhân khiến con tim người thơ run lên những làn điệu đầu đời ấy là người con gái “có màu mắt nâu huyền”, với cái nhìn như “một hồi chuông ngân”, để rồi tiếng chuông ấy cứ ngân mãi một đời xa quê. Những đồi lúp xúp trong nắng lên/ Hoang dại hoa sim đẹp như sơn nữ/ Một vệt bỏng tôi mang đi từ đó/ Suốt một đời day dứt tím vì sim (Nhớ Hương Sơn). Thà tôi đừng tin, thà em đừng hẹn/ Thà cây đừng chờ, thà núi đừng xanh (Cuộc trốn tìm mùa sim chín)…

Ngoài nỗi riêng ăm ắp ngăn quá vãng, thi sĩ thường trực ôm chứa nỗi đời, nỗi “nhân thế” gắn với chốn thị thành lấm láp mà mình trót nhỡ ở trọ. Những cơn ác mộng thường đêm/ Những nắng quái chiều dối trá, bất lương/ Những gió buốt tê tráo trở, đê hèn (Trong vườn nhà). Cái ác chong đèn thiêu cháy/ Đàn phù du tuổi đến trường (Trang trắng). Sao cái ác không bị trừng trị ngay/ Trời phật nghĩ gì mà phải chờ kiếp khác? (Nhân thế)…

“Đã thấm thía nỗi buồn khi tuổi lớn”, với “hữu hạn khát khao xa, vô hạn nỗi đau gần”, tác giả Khoảng giữa những giọt sương xác quyết làm cuộc trở về. “Từ bụi bặm ồn ào về nơi vạt hoa vàng quên lãng”. “Như gió trở về ngàn”. Như đã qua một vòng dại khôn/ Tuổi sáu mươi có thể không trẻ nữa/ Nhưng về lại nhà mình, tôi như đứa nhỏ/ Mới hôm nào chào mẹ để đi xa (Tuổi sáu mươi). Về với không gian nguồn cội và “nhặt lên những điều giản dị”. Để nghiệm ngộ: “Có thứ phấn đấu cả đời nay nhẹ bấc”, và “cái được hóa ra là những gì dại nơi cần khôn, thua nơi cần thắng”. Để hồi xuân, tìm lại bản lai diện mục: Cây biết cây đã già/ Hồ nghe hồ đang cạn/ Thế mà run bất tận/ Gió và cây ven bờ (Thiên thu). Để kết nhập, bầu bạn cùng thiên nhiên nguyên khởi: Không còn trẻ mà lá thì quá mướt/ Chùm nắng non tưởng trái chín đầu cành/ Chiều mượn gió làm sào rung nắng xuống/ Trong lòng tay một vệt nắng non (Cây trong vườn tháng ba). Để soi mình vào cây cỏ, núi sông mà lắng lọc bài học về đức hi sinh, vị tha, tận hiến: Giấu tất cả nỗi buồn sâu vào ngực/ Xanh như là quên hết những gian nan (Sau lưng là Hồng Lĩnh); Nếu chọn một loài hoa, vì sao hoa sen/ - Củ để ăn, lá để che, hương cho chè, hạt cho những giấc mơ (Đối chứng).

Tận tụy làm “phu chữ”, tận tụy giải “bài toán người”, tác giả  Khoảng giữa những giọt sương luôn tâm niệm và thực hành xác tín: “Một hạt bụi cũng có đường bay của nó”, đó là “bay qua mặt hồ trong, xa những điều dơ bẩn”. Và người thơ này đã vừa khiêm nhường vừa tự tin “đối chứng”: “Những gì tôi viết có thể vụng dại nhưng đều sạch”.
 
HOÀNG ĐĂNG KHOA chọn và giới thiệu

 

Khoảng giữa những giọt sương
 
Giấu một đêm bất tận dài
Sáng ra long lanh tinh khôi trên lá
Mang hình giọt nước mắt
Sương khô dần trước gió
 
Tôi hỏi gió, gió thì bận thổi
Tôi hỏi mây, mây thì bận trôi
Rằng đêm qua vui gì gió thì thào trong cây
Nhớ cột đèn hè đường vàng úa
Buồn gì cỏ héo nằm sương?
 
Hãy gõ cửa phòng tôi mỗi sớm
Khi giọt sương còn nguyên vẹn trên cây
Điều tốt lành tôi gom tặng bạn
Còn nỗi đau tôi giấu kín đêm dài
 
Nếu ngày mới mặt trời lên rất khác
Khi giọt sương đang xuống tự trời cao
Tôi ở khoảng từ giọt vui đến trước
Và giọt buồn trong vắt đến sau.

52444 20150205143303


Miền cỏ dại
 

Miền cỏ dại, những bông hoa nhỏ xinh
Miên man trong nỗi nhớ
Đời xa quê lấm bụi thị thành
Ta thường đêm nhớ cỏ
 
Miền cỏ dại
Người đến rồi đi vô hình như gió
Cỏ quấn chân người
Trên cỏ rối
Nhớ chiếc lá mùa hè vừa nguội
Rớt từ phía cuối mùa đông
 
Miền cỏ dại
Người về đợi người bên sông
Một mái chèo lướt đi
Tiếng người thì thầm trong cỏ
Một nét đường cong từ bờ vai nhỏ
Làm gió trở nên vô thường
Làm cây đột nhiên tỏa hương
Làm ta trắng đêm vì cỏ dại
 
Từ xa ấy
Lá cỏ âm thầm thơm
Từ đêm ấy
Ngọn gió miên man buồn.


Tự do
               Tự do xanh quá, mênh mông quá
                               (Hữu Thỉnh)
 
Nước trong suốt và kính trong suốt
Một đôi cá vàng đang bơi trong mơ
Hình như cá biết
Bốn vách kính kia là bờ
 
Với cá, tự do đôi khi có hình chữ nhật
Với chim, đôi khi mang dáng vòm trời
Dẫu sải cánh vẫn thấy đời quá chật
 
Có những ngày muốn nhẹ như mây
Muốn bay như mây
Trong khi nỗi buồn như đá đè ngực
 
Có những ngày muốn buông như nước
Muốn thả như nước
Trong khi vướng vít hương cỏ hương cây trên bờ
 
Có những ngày muốn mờ như khói
Muốn nhòe như khói
Trong khi cánh buồm cuối chân trời giục đi
 
Sông ở xa kia, người ở xa kia
Một lời gọi gió đưa đi mất
 
Tôi là kẻ bộ hành qua sa mạc
Mà quên mang theo bầu nước nhỏ bên mình.

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)