(Đọc Áp tai vào đất, Lê Quang Trạng, Nxb Hội Nhà văn, 2017)
Tôi luôn muốn tìm ra dấu vết của những điều đã biến mất khi đọc thơ Lê Quang Trạng. Nhưng đó là điều sau cùng tôi nghĩ đến.
Thơ anh cho người đọc thấy được những lớp lang của chữ và nghĩa bằng sự khơi gợi: Mở lớp lá vàng rơi trên sân là đến lớp cỏ xanh đang khát nắng/ mở lớp cỏ xanh là lớp đất khô mùa... Đây là cách để Lê Quang Trạng đi từ những hiện thực sáng rõ đến vùng hư ảo âm u và đồng thời cũng trả lời cho hành trình ngược ấy bằng trải nghiệm của chính mình. Cách này đưa đến một nguy cơ tiềm ẩn, ấy là rốt cục người viết có mang lại cho người đọc một cái gì thực sự và đích đáng không hay chỉ là những tủn mủn, vụn vặt được ngụy trang bằng sự chải chuốt. Áp tai vào đất không phải là sự thấp thỏm ấy. Lê Quang Trạng chững chạc trong ý nghĩ: Chỉ nhìn thì không đủ thấy đâu là đau đáu nước, và đủ xa xăm để có những liên tưởng trừu tượng: đủ để đốt những tàn tro sống dậy/ hội đan cho những ngọn mai này/ chiều đã chết trong giếng trời thăm thẳm.
Đời sống giác quan là điều mà người viết cảm thấy và tin cậy nhất. Trong giây phút thăng hoa của sáng tạo dường như ai cũng cảm thấy mình trở nên thượng thừa cảm xúc. Điều đánh đố và cũng là khoái lạc ở đây là, ta có đọc ra được không khoảnh khắc ấy của người viết. Thì cũng như một trò may rủi, ta thường tin vào những tiếng nói thầm trong vô thức: có tiếng ai vừa nói/ chực rớt về cuối sông/ trên mặt đất một cái cây như đang viết tên mình/ nghiêng ngả. Mọi cuộc đi tìm mình đều ít nhiều mang nỗi hoài nghi, Lê Quang Trạng có giấu đâu điều đó. Nhưng cách anh đặt mình vào một thế giới quan khác để quan sát chính mình là một sự thông minh cần thiết: ô cửa mở ra những con đường viền/ khung cảnh đó mình nằm trong mắt nhện; họ đặt tôi vào tiểu sành sơn vẽ đầy hoa/ những cánh bướm tưởng nhầm đậu lại. Khi nhìn mình từ một đôi mắt khác, điểm nhìn khác là khi người viết đã vượt thoát ra khỏi cái tôi. Dù suy cho cùng đó chỉ là một cuộc đào tẩu, sự thành công của nó không phải là mục đích kết cục mà chỉ là phương pháp. Trong đời sống giác quan, Lê Quang Trạng đã đưa đến những bức chân dung của chính mình mà có khi chính anh cũng chưa kịp nắm bắt: đôi lúc vô tình chạm mặt/ bỗng giật mình/ đã không gặp từ lâu/ bỗng giận mình/ không chào nhau... Mọi nhỡ nhàng, không trọn vẹn là cách để người viết đi xa hơn.
Sau tất cả, một cách chủ quan, tôi thích tìm dấu vết của những điều đã biến mất mà Lê Quang Trạng trăn trở nhiều trong thơ. Điều đó làm cho những liên tưởng không giới hạn của người đọc được thỏa mãn. Những đàn trâu từ đồng ra sông/ bao lần qua đây mà giờ mất biệt; gió bốn bề gọi tên nhau ngây ngất/ tiếng con dê gọi bầy rớt ở phía làng bên/ rồi tắt lịm vào chiều/ không thấy nữa... Những điều đã biến mất hoặc khuất đi ấy là khoảng không mà người viết đã tạo ra trong thơ mình để người đọc tiếp tục hình dung. Tôi gọi đó là dấu vết của sự biến mất.
NGUYỄN THỊ KIM NHUNG chọn và giới thiệu
Áp tai vào đất
Người ngã xuống đất
như áp tai nghe lời thì thầm thân mật
chỉ đất nói người nghe
ngàn năm khô giọng
khát một lời vị khách chẳng biết tên
Cú chới với
trượt vào đống rơm
người lượm lại mấy mươi năm ròng trốn mất
tuổi thơ...
người giấu tuổi thơ vào trò cút bắt
người giấu trò cút bắt vào đống rơm
đống rơm giấu mình vào tro
như nghỉ lừng vào tán lá
Người ngã xuống đất
nghe đất thì thầm lời của người xưa
chỉ nẻo cho người tìm về trò cút bắt.
Làng biên giới
Chầm chậm những phím mây trôi
lũ dê đứng ở ven sườn đồi
ngó nhìn
ngơ ngác kêu nhau
buổi chiều dần dần úp mặt
nơi đó có cánh đồng
và có những dòng sông
mỗi đêm một lần cạn đáy
Em đi qua mùa mưa
đội chiếc nón rách vì gió ngược
chỗ lỗ hổng mây rơi vài giọt nắng mong manh
gieo những niềm quang gánh qua biên giới
Theo dấu vết bầy dê sót lại trên cánh đồng cỏ chát
lượm được đôi mắt nào đỏ chói như hai viên đạn vụt trong đêm
ngày ấy chết sau những tháng nắng êm đềm
mùa mưa dụi mình chết sâu trong mạch ngầm máu đất
gió bốn bề gọi tên nhau ngây ngất
tiếng con dê gọi bầy rớt ở phía làng bên
rồi tắt lịm vào chiều
không thấy nữa
Ngôi làng còn chút lửa
đốt lên một đám khói trời
mùa mưa về trong đôi mắt
bầy dê về trong chiêm bao
cánh đồng con sông ngọn núi mang dáng dấp chiến hào
âm u
mù mịt
Bầy chim mang hộ khẩu giấc mơ trở về ríu rít
chúng kết những chiếc tổ rơm giấu ở cánh đồng
biên giới mùa này gió lộng
những con chim non tròn xoe mắt
tập bay.
Mưa ở hòn đá bạc
Úp lại những vó ngày
về trực kho nỗi sợ
bên kia mùa mưa sôi
nắng bên này réo gọi
Như tay những ngày chưa nói
dắt dìu nhau đường tắt băng đồng
những cây được chôn chân trở giấc
có cơn mưa nào sang sông
Lần đuổi kịp màu áo chờ mong
quá giang đò dọc rời nhanh chỗ đợi
biển không đề rằng lời bay ai nói
rạn dần gương mặt hôm qua
rạn dần màu gió thiết tha
rú gọi mùa xa lạ
đang về...
Úp lại những vó ngày
như mở dần chung trà Quá Thổ
bức mặt loang vết rỗ
lõm bõm mưa đùa quay quắt cơn nhau
chỉ nhìn thì không đủ thấy đâu là đau đáu nước.