Gửi gì cho người cuối sóng

Thứ Sáu, 13/10/2023 08:00
(Đọc Gửi người cuối sóng của Nguyễn Kiến Thọ, Nxb Hội Nhà văn, 2023)
Tác giả Nguyễn Kiến Thọ.
Người cuối sóng có thể là bất kì ai, khi gượng mở những trang thơ này. Viết là quá trình mã hóa, đọc là quá trình giải mã. Sự viết là độc bản, nhưng đọc lại là một hành trình xuyên qua không gian, thời gian, văn hóa, lịch sử và tùy thuộc vào từng cá nhân, cộng đồng diễn giải. Điều đó khiến cho hành vi giải mã luôn ở thế dự phóng, mang tính chủ quan, có thể bất ngờ cả với chính người mã hóa. Đọc thơ Nguyễn Kiến Thọ, trong tình thế ấy, thực ra là diễn giải chính kinh nghiệm của cá nhân, trước những hiện diện từ văn bản. Gửi người cuối sóng gửi gì? Ở bình diện tư tưởng, có thể thấy, tập thơ đọng lại ở những suy tư về cuộc đời; suy tư về văn hóa; suy tư về yêu - thương. Ba dòng thủy lưu này khi phân tách, khi nhòa thấm vào nhau, nhưng tựu lại vẫn là nhịp lở bồi từ một ngọn nguồn yêu - thương và khắc khoải.
Cuộc đời, trong cảm quan của người nơi đầu sóng là một cõi sống đầy ưu tư. Những vui buồn thế sự; những âu lo về thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, nghèo đói, tha hương và sự đổi thay của các hệ giá trị; những dâu bể thời gian hiện lên qua bước đi của tuổi thơ - tuổi trẻ - tuổi già/ quá khứ - hiện tại - tương lai… định hình một mạn sóng cồn cào xoáy xiết: Lũ bùn nhấn chìm trang vở/ Ánh mắt trẻ thơ gieo tuyệt vọng lên trời…/ Ai cào bóng mình trong đất lở/ Thấy đớn đau bật mầm… (Kỳ Sơn); Đi xa quá để rồi mắc nợ/ Đến quê hương còn chẳng chịu nhận mình (Trở về) Giấc mơ làm người bị vò xé bởi nhiều hiểm họa. Nhọc nhằn, những phận người chỉ còn biết “bấu vào niềm tin không tên” để sống và hi vọng.
Những suy tư về văn hóa làm nên dòng thủy lưu thứ hai trong thơ Nguyễn Kiến Thọ. Đó là những trải nghiệm trên hành trình sống và đi, ngấm vào hồn mình những sắc diện văn hóa tộc người, vùng miền, văn hóa thời đại. Đậm đà nhất có lẽ là văn hóa của người Mông (vốn là tộc người mà thi sĩ có nhiều năm gắn bó tìm hiểu). Mở rộng ra, ta còn bắt gặp những mảnh văn hóa tộc người khác trên vùng cao phía Bắc. Những ngọn sóng đổ về xuôi, chảy dọc dài đất nước, đến những vùng xa xôi hơn như miền Tây, Tây Nguyên, nối Bắc Hà đến sông Hồng vươn vào đất Mũi, quê mình và quê người, lúc nông thôn, khi thành thị, chặng núi cao, quãng sông nước miệt vườn... Lấp lánh trong những trang thơ là tiếng cười, giọng nói, tập tục của vùng đất và con người. Nguyễn Kiến Thọ cứ mở hồn mình để đón nhận và thấm thía, bởi anh hiểu rằng, sắc màu văn hóa ấy vừa là vốn liếng di sản, vừa luôn được đắp bồi khai mở, sẽ nâng đỡ con người đi qua luân trầm dâu bể: Ngân nga đỉnh trời đá hát/ Ơ kìa, gió cũng đơm hoa (Đỉnh trời đá hát); Phù sa ghém yêu thương thành màu mỡ/ Chín nhánh rồng làm nên một Cửu Long (Miền Tây); Hồn có linh thiêng/ Ta tung đồng tiền sấp ngửa/ Rước hồn về hôm nay/ Cùng ta ăn say uống say/ Múa gậy sinh tiền cho dẻo (Tang ca)…
Nghệ thuật khởi thủy từ yêu - thương. Phải yêu - thương người ta mới có thể hiểu, cảm và viết về những gì đã làm rung động cõi lòng trắc ẩn của mình. Ngọn sóng yêu - thương trong thơ Nguyễn Kiến Thọ mang hình bóng của em, của mẹ, của bạn bè, người thân, đồng chí đồng đội và rộng hơn là những phận người đang lầm lũi sống dưới trời, đang nhóm nhen yêu thương và xây dựng, cả những gì đã mất đi, những gì còn lại, những gì đang sinh ra: Kỉ niệm càng xa men rượu càng nồng/ Em đi lấy chồng một sớm mùa đông/ Mỗi cánh ti gôn một dấu môi hồng/ Rơi lặng lẽ vào mùa thay lá… (Gửi người cuối sóng); Mùa em xòe váy hoa/ Mùa anh thả tiếng sáo đầu nhà/ Mùa trăng lên rất vội… (Mùa); Quờ tay không chạm mẹ/ Mưa nhòa mắt con... (Mơ); …
Những dòng thủy lưu “trầm tư mà chảy” giữ trong lòng bao suy tư về đời sống, văn hóa và yêu - thương. Nhịp trầm tư ấy hiện lên thành sắc điệu, lặn vào hình tượng gần gũi bình dị như cuộc đời vốn thế. Ngôn ngữ thơ quen thân, chắc sẽ không làm người cuối sóng bỡ ngỡ. Nhưng cũng vì thế, hương vị xa lạ, cảm giác mơ hồ khinh khoái chưa thỏa lòng những trí tưởng phiêu lưu. Mỗi bài thơ gửi người cuối sóng, phần lớn viết theo thể tự do, cất giữ một câu chuyện. Trong chuyện có người - cảnh - sự - tình, là nơi tứ thơ neo đậu. Cấu trúc trữ tình gia tăng chất tự sự giúp giảm bớt áp lực cho vần điệu sẽ là một phương cách “điều độ” để tự tình cùng người cuối sóng. Đó cũng là tạng thơ, phong cách trữ tình của Nguyễn Kiến Thọ, xin được giới thiệu đến bạn đọc gần xa.
                                                                                   NGUYỄN THANH TÂM giới thiệu và chọn
 
Bác xe ôm Cần Thơ
 
“Thôi cứ tà tà đi nghen chú
hôm nay thứ bảy chợ đông người
hồi trước tui chạy xe dữ lắm
bây giờ tuổi đã sắp bảy mươi
 
Chú nói nghe ra người miền Bắc?
tôi chịu, chưa từng tới Thái Nguyên
nghe nói, ui cha, ngoài đó rét
tui há? Xe ôm kiếm mấy tiền
 
Bà xã tui xưa là bộ đội
ra Bắc vô Nam cũng mấy hồi
giờ cũng đã hưu rồi đó chú
lương mấy triệu đồng đấy chú ơi
 
Bữa ni chú tính đi đâu đó
Cái Răng chợ nổi, bến Ninh Kiều…?
chui cha, thế cũng mần gần hết
Cần Thơ cũng đặng có bấy nhiêu
 
Chống Mĩ, tôi vô rừng đó chú
cũng là quanh quẩn miệt Cà Mau
tiếp tế, giao liên, mần đủ cả
hồi giờ chưa biết đến bắn nhau
 
Tui nói chú nghe: năm bảy tám
bọn Pốt nó sang, ác quá trời
đâu miệt An Giang dân mình chạy
vào chùa, nó cũng giết, chú ơi…
 
Chú chắc vô ra nhiều lắm há?
nước mình đâu cũng đẹp, chú ha!
tôi ước hồi nào tôi trúng số
có tiền, ra Bắc chuyến chơi nha”
 
Phố xá trôi sau lời bác nói
Cần Thơ mây nắng vẫn an yên
tôi nghe khe khẽ, lòng đang hát
tự thấy vô duyên với muộn phiền.
 
Đỉnh trời đá hát
 
Chẳng ai nhớ họ đã dạt về đây bằng cách nào
cũng không ai biết đến tổ tiên của họ
ở Quý Châu hay Si-bê-ri
ở Lào Cai hay Mèo Vạc
họ nở ra từ trong sương
như những cánh hoa bay từ cánh rừng này sang cánh rừng khác
ấp ủ giấc mơ đại ngàn
những người già tuổi tính bằng khói nương
những đứa trẻ sinh theo mùa rẫy, cởi truồng chạy lông bông
trong vườn trẻ thiên nhiên
những con người lầm lì chỉ cười bên chén rượu
những con người không biết đói biết nghèo biết khổ biết vui
cứ đi chợ đi nương đi săn như những vòng tròn
những vòng tròn du hoang đỉnh núi…
 
Ngày đất nở hoa
là ngày bản đón người lạ
người lạ ăn chung ở chung
cõng lù cở trên lưng
đạp đá tai mèo
người lạ ngày gieo cái chữ
cùng đám trẻ con chơi âm chơi u
cùng đám trẻ con hát át lời của gió giữa thung
đọc cái chữ sáng choang ánh lửa
ăn cơm bột ngô, canh rau cải
nướng trái pao cừ
nói tiếng Mông còn ngọng
người lạ ở cùng ba tháng
thành người một nhà
ở cùng một năm
thành người của bản
cả bản gọi người lạ là thầy giáo…
 
Người Mông mình ăn chữ thầy giáo
cái mắt biết nhìn xa cái đầu biết nghĩ kĩ
biết vỡ đất làm ruộng để gieo hạt lúa dẻo thơm
biết trồng cây quanh nhà nở hoa ngày tết
biết bắt nước suối nguồn về bản
nước về hát ngay bên đầu máng trái nhà
trẻ con ăn cái chữ
cười như hoa mận nở
hát véo von cả ngày
người già ăn cái chữ
chống gậy đến thăm nhau ngồi bên bếp lửa
kể chuyện ngày xưa mà không rơi lệ
mà mặt sáng như trăng rằm
thanh niên ăn cái chữ
biết đi đường con hươu con nai
biết nói chuyện ngày mai
biết mơ về ánh sáng ….
Ngân nga đỉnh trời đá hát
ơ kìa, gió cũng đơm hoa!
Từ tấm ảnh cũ
cho con gái Hoàng Mai
 
Em bé ôm hoa cả hai tay kia
là con đấy
chẵn vừa hai mươi năm
ngày tháng chạy trong lồng ngực bố
ngày tháng lẩn sau đuôi mắt mẹ
ngày tháng đuổi theo bước chân anh
hai mươi năm
mệt rã
những nụ hoa đã nở từ mùa xưa
đọng thành mật ngọt
ướp trên nụ cười của con
nụ cười làm đen lại mái tóc
làm hồng mỗi bình minh
bố xếp những bình minh vào ngăn tủ
chiếc tủ cao bằng con bây giờ
bố mẹ chưa đi hết dòng sông chảy qua
trước cửa nhà mình
chỉ đinh ninh nơi tận cùng dòng sông sẽ là biển lớn
thế giới bao la mở ra từ đấy
đón bước con hôm nay chân cứng đá mềm.
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)