Một trăm vạn lần tình

Thứ Hai, 29/01/2018 00:38
ttntt

(Đọc Chạm & Vuốt của Phan Thanh Bình, Nxb Thanh Niên, 2017)

Phan Thanh Bình năm nay bốn mươi tư tuổi nhưng đã có hơn hai mươi lăm năm cầm bút. Đọc những câu thơ ngày mười chín tuổi của người làm thơ này, tôi mới hiểu vì sao từ thế kỉ trước, Tuyển tập 20 năm văn học Bình Thuận 1982-2002 đã có tên Thi Sinh, bút danh của anh khi đó:

Cha cao lớn tìm con chiều sắp tắt
Mấy ngả đường đất sỏi chẳng có tên


Những câu thơ thuở ban đầu ấy thật hiền hòa nhưng đã mang một dáng vẻ khác biệt. Chính sự không giống ai, không đi theo bóng một người nào đi trước, đã tạo nên một chất riêng của Bình, giúp cho anh có những bước không hề khập khễnh trên lối đi chung.

Hành lí lớn nhất mà Phan Thanh Bình mang theo trong cuộc sống luôn là tình yêu với thơ. Chính niềm đam mê sâu nặng đó đã thôi thúc anh cho ra đời hai tập thơ liên tiếp Phẳng & Nghiêng (2015) và Chạm & Vuốt (2017). Gần 100 bài thơ của hai thi phẩm này đã xác nhận cho cuộc lên đường độc lập của Phan Thanh Bình.

“Thế giới phẳng”
Tâm hồn ta nghiêng
Làm sao vượt qua vách đá cuộc đời?


(Phẳng & Nghiêng - chữ trong ngoặc là ý tưởng của nhà báo Thomas Friedman)

Chạm & Vuốt... vào gì? Thật ra tác giả muốn chạm và vuốt vào thời gian, vào thế giới ảo trong trí tưởng, vào ngày mai mơ hồ chưa đến:

Chạm & Vuốt/ thử tìm mình ở tận mai sau/ thấy mình không có xương/ thấy mình không có thịt/ như tồn tại chỉ là điều cắc cớ/ nỗi cô đơn cũng có thể không còn (Chạm & Vuốt)

Nhận ngay ra cái thông điệp mà tác giả muốn gửi đi là sợ con người đánh mất nỗi cô đơn. Thật không sai. Bởi nếu không cô đơn, người ta sao còn khao khát nữa? Chỉ khi được đằm mình trong cô đơn người ta mới bình ổn được cảm xúc, mới may vá được những lỗ hổng trong tâm hồn để tìm về hạnh phúc.

Vậy mà, đến khi có được hạnh phúc thì anh lại cảm thấy hoài nghi:

Anh bắt đầu hoài nghi từ dạo ấy/ lờ mờ nhận ra giữa ánh sáng và bóng tối/ là bản cập nhật chưa phải cuối cùng giữa có và không (Tiếng chim thêu)

Giữa ánh sáng và bóng tối còn có thêm gì nữa sao? Đây không phải là hình ảnh thật sự nữa, mà là ảo ảnh của lí trí. Để rồi sau đó, chính cô quạnh chán chường là con đường dẫn đến niềm tin:

Vẫn còn nhiều hi vọng buổi sớm mai/ tia nắng nhọn châm vào ta ánh sáng (Thơ tình cho Alpha)

Hoặc:
Anh đã kịp cài lên tóc em dòng tin đêm trừ tịch/ đừng vội đọc
để mai sau lời chúc vẫn còn
(Đêm trừ tịch)
Những gì chân thành trao tặng nhau vẫn mãi bền lâu dù có bao tháng năm đi nữa. Vì nếu không có niềm tin vào bây giờ, đố ai còn gắn bó với mai sau.

Nhà thơ cũng từng thú nhận:
Nhiều lúc/ muốn làm đứa con hư của thần mặt trời/ dùng yếu đuối hủy diệt thế giới/ nhưng sao vẫn thèm/ hạt gạo quê mình khi chín lên cơm (Cà phê một mình)

Hư hỏng mà sao lại dào lên nồng nàn đến vậy. Phải chăng chén cơm hiền lành đã làm người ta quên hết những ý nghĩ điên rồ để quay lại với ánh sáng thiện lương? Thèm, đó là lí do duy nhất cho mọi chiếc thuyền hồn trở về cắm sào nơi bến quê hương.
Phan Thanh Bình không phải là người viết thơ theo chủ đề thời sự, nhưng đến những trang cuối của tập thơ thì người đọc bỗng nghẹn lòng.  Hãy lắng nghe những lời bi tráng :

Hồn người lính đêm ngoi lên mặt nước/ nấp theo trăng thăm bếp lửa quê nhà/ những linh hồn san hô/ lên tiếng hú vọng chìm nơi đất nổi (Tình ca san hô)

Ôi, phải nén lại tiếng khóc để nghe được tiếng người con trai về gọi mẹ. Các anh là san hô. Biển như lật trở ra để cho thế hệ còn sống tìm thấy các anh, những người lính có số phận quá đỗi phi thường. Lời thơ là một nguyện cầu thiết tha cho những linh hồn đã khuất.
Đọc thơ Phan Thanh Bình, ta có thể lướt qua niềm đắm say, tiếng thổn thức, sự vượt thoát... Nhưng không thể nào quên được cái cảm giác, mỗi bài thơ của anh như tiếng gõ cửa lạ, làm thức dậy trong chúng ta những rung động đã bị nén sâu. Cho nên Phan Thanh Bình viết có một lần tình mà người đọc như nhận được một trăm, một vạn lần tình ở trong đó.

NGUYỄN THỊ ÁNH HUỲNH chọn và giới thiệu
 

Vecto
 
Tôi thuê tôi ngồi đây
cập nhật tôi
điều chỉnh tôi
thông báo trạng thái tôi
 
Người đàn bà tuyết hạnh
uống tôi trong quán cà phê cóc
ăn tôi ở nhà hàng mèo
ngủ với tôi trên khách sạn dao
 
Nàng hối hận vì đã cho tôi xem kí ức.


con nguoi da huy hoai mot nua so cay xanh tren trai dat


Zích zắc mùa thu
 
Em với Huế như mùa thu zích zắc
đất kinh thành không vua
chiều tím ngát tiếng chuông chùa Diệu Đế
 
Sông Hương chảy, bất ngờ không chảy
núi Ngự Bình, bình ngự phía xa xa
trời xuống thấp lưng chừng đồi Vọng Cảnh
 
Em rót cả mùa thu vào Đại Nội
nắng trên mây, mây sáng ở trên đầu
kim loại xám chất đồng xanh ẩn dụ
 
Em dẫn Huế vào anh hay dẫn anh vào Huế
cơn mưa chiều bọc lót buổi hoàng hôn
người thiếu nữ suốt đời ngôi thiếu nữ
dù vị hoàng đế cuối cùng không phải là anh.


ta mua thu


Ba tiếng gõ
 
Mùa đông để lại ba tiếng gõ
một tiếng gõ vào đất
đất tiết hương vị kỉ
một tiếng gõ vào cây
cây phát lộc chuông non
một tiếng gõ vang lên đâu đó
đâu đó
người con trai lên rừng, xuống biển
người con gái kéo trăng liềm gặt cánh đồng thiếu nữ
đâu đó
giấc mơ của người này sau thất bại của người kia
ánh lửa chớp lập lòe
đâu đó
trong thành phố của tôi vẫn cung điện mùa hè
tiếng rao bán hàng không rõ nghĩa
cầu vượt vừa xây thêm
đâu đó em và phép giả mạo từ
câu thơ buộc giày tạm thời mất trí
như sực nhớ ra điều gì mà ý nghĩ trong veo.

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)