Thơ là điều mà ta cảm thấy

Thứ Hai, 01/01/2018 00:46
ttntt
 
scan0001 (1)

(Đọc Dưới tấm trần rỉ mưa của Đỗ Thượng Thế, NXB Hội Nhà văn, 2017).

Trong sự khôn cùng của thơ, việc cố gắng tìm ra ý đồ của người viết là một nỗ lực khó có thể hoàn tất. Nhà thơ đôi khi là kẻ ném đá giấu tay, điều mà ta thấy chỉ là những vòng loang để lại trên mặt nước. Có nên quan trọng về những ngón nghề trong khi cảm giác của những vòng loang gây ra cho ta là có thật. Thơ là sự cảm thấy hơn là sự nhìn thấy. Tôi đã cảm thấy Dưới tấm trần rỉ mưa là nơi hóa thạch thời gian, vì thế nên mọi thứ mà tác giả trưng bày ra đều nguyên-lành-như-nó-đã-từng và lộng lẫy vì được nhìn qua chiều dài trong suốt của thời gian.

Như một giấc mơ nhiều ám ảnh, mọi thứ hồi về không cách gì thờ ơ được: Đó là dòng sông lộng lẫy/ Trôi qua cuộc rượu vỉa hè, để từ đó, những hình ảnh trong kí ức đẹp đẽ hiện lên ăm ắp. Cách bắt đầu của một bài thơ ít nhiều tiết lộ cho ta biết về tâm thế của người viết. Như ở đây, chẳng phải cuộc rượu làm nên dòng sông bởi chất men của nó mà vốn dĩ dòng sông vẫn tồn tại và nó lấn át cái thực tại. Bếp lửa đầu năm nhóm trong lồng ngực/ Tha phương tro khói phập phồng/ Con nắng triền đê ngâm trong chai rượu đế/ Rót chén đồng hương ngây ngất phù sa. Trong tâm thế dằn vặt của một kí ức bời bời mang khuôn mặt vạm vỡ nhà thơ như kẻ tuân theo thiên mệnh mà viết, như một sự cố nhiên. Đó là một cách để thơ khiến người đọc cảm thấy.

Trong sự làm mới không cố ý, tôi nghĩ thế, Đỗ Thượng Thế đề cao sức mạnh nội tại của thơ. Hồn vía của chữ nghĩa mới làm nên sự lan tỏa đến người đọc chứ không phải xác chữ. Vỏ bọc bên ngoài chỉ là cách đánh lừa thị giác, đó là ý thức đầu tiên của một sự cách tân. Chiều nay/ không ra đi/ không trở về/ đoàn kị binh biến mất trong đôi mắt đứa trẻ ngày xưa; Là lửa thắm điệu ru nguồn cội/ trên vành môi khô trắng/ trên nét mặt ngác ngơ. Thế giới nghệ thuật của một nhà thơ vốn được tạo ra bởi sự tưởng tượng. Trên đường phóng của những hình dung ta thấy thế giới thực tại như nó đang là. Bản chất của nghệ thuật chính là cái thế giới mà nhà thơ cảm thấy và viết lên. Và như thế, tôi nghĩ Đỗ Thượng Thế đã thực sự trình diện những điều mà anh đang cảm thấy, chứ không phải những điều mà anh đã thấy hay sẽ thấy. Có gì tận đáy nỗi buồn chòi ra từ giọng chào mào leo lẻo tháng Giêng/ như chú bò con vừa mới đẻ sau vườn bết lấm cỏ khô tháng Chạp.

Điều đáng nói ở đây là, thơ Đỗ Thượng Thế trong cách đọc bằng cảm giác đã không dừng lại ở những vòng loang trên mặt hồ. Mà là sự đằm sâu, như nỗi đắm mình để bảo toàn cho cái vĩnh cửu hay những hữu hạn được chạm khắc vào vô cùng để hiểu được mênh mông: Những con thuyền neo vào mây trắng/ ngư phủ chuốc say chân trời/ nỗi khơi tự đắm. Và có lẽ, cảm giác khi đọc thơ Đỗ Thượng Thế còn là sự ám gợi về những hình ảnh, âm thanh, mà ở đó, thế giới thơ anh trở nên không thể nắm bắt. Đó là một cảm giác trước nghệ thuật: Khu vườn chân núi/ ai đó gọi mà không ai mở cửa/ ấm ức giếng thơi/ nhiều năm dềnh một tiếng gầu đứt dây.
Borges có nói: Người đọc nên làm giàu điều mình đang đọc, anh ta nên hiểu nhầm từ ngữ, anh ta nên biến nó thành điều gì đó khác. Trong sự gợi ý ấy, tôi nghĩ, để có được điều đó phần nhiều là do người viết đã tạo ra được cảm giác khám phá thực sự cho người đọc mà thôi.
 
NGUYỄN THỊ KIM NHUNG chọn và giới thiệu


Người đàn bà miền ngọc lan
 
Chuyến xe cuối cùng mùa đông
đỗ sớm mai này
 
Người đàn bà miền ngọc lan
cởi chiếc áo choàng đầy gió
mở thắt voan cổ ngực đầy đêm
 
Đặt lên chiếc ghế gỗ thông đã cũ
từng nốt mưa cực trầm
và giọng khóc câm
 
Bên kia lời ru đời người
câu thơ lộng vắng
bay lên
 
Những bến bờ kiêu hãnh
ánh ngày mọc trên da thịt
thức dậy mầm chồi phấn hương
thức dậy giai điệu tro lửa
 
Rượu từ cuộc xuân lưng chừng
của nhiều năm trước
người đàn bà một mình ngồi
cạn cơn say dở.


 su tich hoa ngoc lan 2

Dưới tấm trần rỉ mưa

             
Nằm ngửa mặt dưới tấm trần rỉ mưa
dòng sông bị cơn đêm đốt cháy
nét than vẽ muôn hình vô vọng
cánh buồm nào mọc lên
 
Ngôi nhà cố ngoại liễn đối cột kèo
bỏ hoang trong khói
dậu gộc trơ khô
thấy đâu mấy đọt bìm
 
Trưa cắm chang chang đầu ngõ
mắt hoa đom đóm chính ngọ
hạt nổ đỏ xanh vàng trắng
vãi cô hồn
 
Nhạc lễ đất đai vang lên
vang lên
ánh mắt di dân dọc đường về
héo cơn đói mới
 
Khu vườn chân núi
ai đó gọi mà không ai mở cửa
ấm ức giếng thơi
nhiều năm dềnh một tiếng gầu đứt dây
 
 
Có phải thân tàn của gã chiêm bao
cái bóng tha về
nằm nhai mảnh tình dại
 

vị sư già khất thực cơn mưa
chiều lặn vào chiếc khung chạm trổ công phu
và thếp vàng A Di Đà Phật.          

 
Từng ngụm heo may

 
Trôi về những nhánh rong non
đâu đó thì thầm câu chuyện về ngụm nước
mùa thu hai chiếc bóng tươi trong
tôi và em đã uống
tôi và em
đã trôi
 
Nhiều năm rồi
dòng sông ngày ấy cứ đầy lên khát
đầy lên ánh mắt mưa đêm đầy lên tiếng gọi lặng thầm
chỉ còn tôi uống tôi dật dờ cỏ lau vầng mây lạnh lùng hóa đá
tôi uống tôi ánh lửa trong khu vườn nồng thơm mơ sớm
có em chạy về từ cánh đồng lúa chín
em bừng tươi đóa cúc mặt trời
đậm hương mười tám
hồn nhiên ngã vào lòng tôi mùa thu thêm tươi trong và bất tận
tôi uống tôi con đường nhiều năm mất ngủ
dòng tâm trạng ngược xuôi
độc thoại biển báo trắng
những đi những về như biển động như ma ám
tôi uống tôi giai điệu mơ hồ phút giây đốt sáng
phút giây dò tìm tàng xanh đang trôi
những viết tắt nỗi mong manh hi vọng
những cơn thơ vẫn cứ mọc mầm
 
Nhiều năm rồi
sông đầy lên những nhánh rong non
đầy lên cánh chim trĩu nặng ráng chiều
tôi uống tôi từng ngụm heo may chớm trở
và đâu đó tiếng ve ra bề cầm cự.

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)