Nhấp "Ly một" nghe gió hồ thổi mãi

Thứ Hai, 19/06/2023 17:33


(Đọc Ly một, Đỗ Anh Vũ, Nxb Hội Nhà văn, 2022)
Đỗ Anh Vũ khật khừ bước vào phòng tôi, buổi chiều Nguyên tiêu mưa ấm. Đôi mắt hân hoan còn thoảng men say một trưa bầu bạn. Khuềnh khoàng, Vũ bảo, anh mới ra tập thơ này, gửi em đọc chơi. Tập thơ có tên là Ly một. Tôi cười, cứ ly một, ly một, chả mấy lúc mà say khướt. Là nói vui vậy, thực ra, nếu cần phải dừng lại ở một điểm nào đó để nhìn thật sâu về Đỗ Anh Vũ (một người đa tài, đa nhiệm: thơ - ca - nhạc - rượu - bằng hữu - gia đình - công việc…) thì thơ mới đúng là nơi con người ấy hiện diện một cách đủ đầy nhất.
Chơi cho tinh, uống rượu, thưởng trà, đọc thơ, ngắm hoa, vọng nguyệt cho nhã thì ai bằng được cổ nhân. Có thể, một phần vì lượng nhà chẳng mấy khi dư dật (Đọc sách mười năm nghèo tận xương; Nhà ngặt đèn xanh con mắt xanh - Nguyễn Trãi), nhưng quan trọng hơn, mặc khách xưa biết trọng điều tinh túy, như là một cách tỏ bày tâm - chí - đạo. Giờ đây, ta uống xô bồ, vui dễ dãi, buồn nông cạn, đâu nghĩ rằng: “Thượng Nguyên nên mời rượu bạn hào sảng, Đoan Ngọ nên mời rượu bạn xinh đẹp, Thất Tịch nên mời rượu bạn phong vận, Trung Thu nên mời rượu bạn thanh đạm, Trùng Cửu nên mời rượu bạn nhàn dật” (U mộng ảnh - Trương Triều). Thế mà, Vũ mang Ly một đến mời tôi, lại trùng dịp Thượng Nguyên, ấy chẳng phải là điều đáng quý của một tấm lòng hào sảng hay sao?
Thơ Vũ phảng phất dư vị của mặc khách khi xưa, lấy tiêu dao làm hành trạng, lấy tri âm làm nơi gặp gỡ, lấy thơ - đàn - rượu làm nơi gửi gắm tâm tình. Trong đôi mắt đã dâng đầy hương mĩ tửu, những bồng bênh sông hồ như thức dậy: Hai đứa mình uống chung ly một/ Nghe gió mặt hồ thổi suốt mai sau (Hai một). Nhấp Ly một, mới hay Vũ chơi thơ hơn là “rắp tâm” lập thân từ vần điệu. Lời lẽ tự nhiên, vần nhịp thanh thoát, đôi chỗ cái khoáng đạt lấn át cái chỉn chu lề lối, khiến thơ có lúc rơi vào xuề xòa. Bù lại, ở bài thơ nào của Vũ, ta cũng bắt gặp cái tình mênh mang bất cần ngó trước nhìn sau. Bởi lẽ, kẻ đã cùng ta “Ly một” thì còn lòng dạ nào mà đem rào giậu đón đưa: Bóng người năm cũ nay đâu/ Giấu vào tóc xõa đêm sâu lệ nhòa…/ Uống thôi uống thật uống thà/ Trăm năm dâu bể cũng là khói sương (Uống rượu với Hồng huynh). Tình như hơi rượu nhòa vào trăm năm dâu bể, nghĩ làm chi những hẹp hòi của thế tục.
Thơ mượn cái thần của rượu mà lên hương, làm thành một sắc điệu khá kì thú trong Ly một. Thế nhưng, xem ra tình vẫn là gốc của mọi sự. Trải lòng theo ly một, thơ ngân lên dặt dìu hơi nhạc, lảo đảo bóng người cô lẻ: Ảnh em ảo ảnh vô nhân ảnh/ Ơi sóng ơi tình đâu gió ơi/ Rượu khóc rượu còn em với rượu/ Đêm quá khuya rồi đêm trắng đêm (Biệt khúc). Một mảnh trời phiêu dật, nghiêng xuống vườn nhà đọng lại từng khoảng ưu tư da diết. Ấy là khi, kẻ tìm quên chạm vào hơi thở mềm con trẻ giữa đêm khuya (Nghe đêm). Ấy là khi, vạt nắng mai tắm lại một thời thơ dại (Tắm nắng cho con). Ấy là khi, người ta nhận ra cần một nơi nào đó để tựa nương (Tựa)… Đằm thắm mà ân cần, tình trong thơ ấy dường như đã thấm thía bao cảnh ngộ sông hồ. Hóa ra, Ly một không chỉ là rượu hào sảng chắt ra từ bầu mĩ tửu, mà còn là men đời đã ngưng đọng từ cõi sống.
Đọc Ly một, thấy Đỗ Anh Vũ khá hoạt ngôn, linh lợi trong cách dụng từ, xe vần, kết điệu. Tuy nhiên, thơ là mộng của đời, là bóng của hình, là hương của chữ, là nhịp của lòng, nên đôi lúc phải say, phải mơ, vừa “thả lòng thiên năng đam mê và khoái lạc” (Dạ Đài) lại vừa ngưng đọng chắt chiu dành dụm, để hi vọng chạm từng ly một cùng thi sĩ. Quả tình, nhập vào cuộc thơ ấy, ta như thấy kí ức của “thi sĩ tửu đồ” muôn năm cũ, đang chuếnh choáng hiện về.

                                                                                                                                                                                       NGUYỄN THANH TÂM chọn và giới thiệu

Biệt khúc

Anh đi đi mãi chiều đi mất
Rơi xuống rơi cùng muôn cánh rơi
Ảnh em ảo ảnh vô nhân ảnh
Ơi sóng ơi tình đâu gió ơi

Rượu khóc rượu còn em với rượu
Đêm quá khuya rồi đêm trắng đêm
Nhớ điên cuồng nhớ trong veo nhớ
Anh đã quên rồi quên rất quên.

Tựa

Một ngày tôi gặp lại em
Đã lâu, em nói mình quên tựa đầu
Giấc mơ còn tựa đêm sâu
Dòng sông còn tựa nhịp cầu bắc qua
Gió còn tựa áng mây xa
Những vì sao tựa bao la bầu trời
Bây giờ im lặng bên tôi
Mang muôn kí ức phai phôi tựa vào
Đắng cay tựa chỗ ngọt ngào
Xôn xao tựa chỗ của bao âm thầm
Vợ chồng muôn nỗi thăng trầm
Lứa đôi nương tựa xa gần ngày đêm
Đời còn mưa gió triền miên
Thì thôi em tựa vào miền cô đơn

Tiễn em chầm chậm chiều buông
Bóng em tựa với con đường dần xa
Ngày mai trong nắng chan hòa
Tôi mong em, một khúc ca tựa vào…

Tắm nắng cho con

Bế con tắm nắng ngoài hiên
Nghe ban mai thở dịu hiền vào mây

Bế con tắm nắng cùng cây
Xem bao tiếng hót rót đầy không gian

Bế con tắm nắng mùa sang
Giấc mơ còn đọng trên hàng mi yêu

Đời cha nắng gắt đã nhiều
Chỉ mong con nhận những điều nắng mai

Cứ đi qua mỗi đêm dài
Bế con tắm lại đời trai của mình.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)