Bà nội tôi

Thứ Bảy, 09/12/2017 20:52
. HÙNG LÝ

Đầu năm 1974, từ Tân Lạc, Hoà Bình - nơi tập trung huấn luyện bộ đội của D78, E59, Quân khu Thủ đô - tôi được về nhà nghỉ phép để đi B. Thằng lính trẻ, thằng học sinh phổ thông vừa rời ghế nhà trường lần đầu tiên xa nhà tới 5 - 6 tháng, lẽ ra phải chạy như bay về nhà, nhưng tôi thì còn có việc phải làm trước khi về. Tôi lặng lẽ khoác ba lô nhảy tàu điện ngược từ Quán Thánh lên chợ Đồng Xuân để mua cho bà nội nắm trầu không và cây vỏ cho bà ăn trầu. Bên sườn ba lô cũng dắt sẵn con dao nhọn như lưỡi mác của đồng bào dân tộc mà tôi mua được, khư khư giữ mang về cho bà đẽo vỏ.


Tôi là đứa cháu nội mà bà yêu nhất nhà. Đi ăn cỗ đâu hay ai cho đồng quà, tấm bánh bà đều cất, giấu rồi giúi cho tôi. Nhà một đống cháu không giấu thì sinh bì tỵ, cháu yêu, cháu ghét. Bà thường thò tay lần mò mãi vào trong cái bao tượng đeo bên người hay lật mấy lá trầu trong âu trầu bà lôi ra khi thì miếng giò bám đầy bụi vỏ, khi thì cái kẹo bột đã chảy nước bỏ vào mồm tôi. Thời đói kém sao mà ngon thế. Bà nhìn tôi với tròng mắt đục mờ mà vẫn ánh lên niềm vui.

Độ học lớp 1, lớp 2 tôi bị nhiễm lao. Cả nhà lo lắng. Mẹ tôi vất vả cả tháng, kẽo kẹt trên chiếc xe đạp cà tàng chở tôi đến viện lao chầu chực xét nghiệm, lấy kết quả, rồi lại kiên trì chầu chực chữa trị bệnh cho tôi. Khi bệnh thuyên giảm, bác sỹ cho toa thuốc về tiêm ngày 2 bận, kéo dài cũng cả tháng trời. Bố mẹ bận đi làm, bà nội ngày hai buổi đưa tôi đến trạm xá của phường  để tiêm. Từ nhà tôi đến trạm xá là một quãng đường dài. Phải đi qua cái điếm canh nước có vòm cuốn như tổ tò vò. Lại vượt qua con đê nơi dốc chợ Yên Phụ lúc nào cũng ồn ào. Ra khỏi nhà là bà nắm tay tôi, sợ tôi lạc, cho đến trạm xá mới buông. Nhiều khi đến nơi bàn tay tôi ướt đẫm mồ hôi. Để cho tôi thấy đường bớt xa, cũng như những lần bà dắt tôi về quê, vừa đi bà vừa kể chuyện. Chẳng phải những câu chuyện cổ tích mà là những câu chuyện về cuộc đời bà, về thời của bà. Thời đói khổ, tăm tối. Vậy mà tôi nghe vẫn chăm chú chỉ vì thương bà, muốn chia sẻ tâm sự của bà. Nhất là khi kết thúc chuyện bao giờ bà cũng bảo: Sau này cháu lớn lên lấy vợ sinh con, đi làm có tiền rồi thì bà đã không còn nữa. Bà kể mãi, tôi nghe mãi mà bao giờ đến đoạn kết đó cả bà, cả cháu đều ngậm ngùi.

Hôm đó hai bà cháu dắt tay nhau vượt qua con đê bước sang cái dốc thoai thoải triền đê bên này. Bà bỗng đi chậm lại chăm chăm nhìn xuống cái bóng đang đổ dài xuống con đường đất lồi lõm trước mặt hỏi: Cháu nhìn xem có phải lưng bà còng rồi không? Tôi nhìn cái bóng bà xiêu xiêu trên mặt đường, lại nhìn lưng bà rồi gật gật. Bà thở dài, nắm tay tôi đi tiếp. Chỉ năm trước năm sau lưng bà đã còng hẳn. Vài năm sau nữa lưng bà còng gập hẳn xuống. Một lần tôi đi học về, từ xa thấy bà từ quê ra, lưng đã còng, dò dẫm từng bước chậm chạp mà con em út lại ngồi chồm hổm trên lưng bà. Tôi vứt cặp chạy đến lôi con em xuống mắng. Nó phân bua:

-Bà bắt em làm thế mà.

Bà lấy cái gậy tre xuống lót đít ngồi vừa thở, vừa cười nói:
-Tại lưng bà còng gập xuống chẳng nhìn thấy đường nên phải bảo nó ngồi lên mới ngẩng mặt lên được cháu ạ.

Nghĩ thương bà lắm mà chẳng có cách nào. Phương tiện giao thông thời đó cực hiếm. Xe đạp thì bà không ngồi được. Nên mỗi lần về quê - ngay trên làng đào Nhật Tân, chỉ cách nhà vài ba cây số - các cháu phải lặn lội thay nhau đi bộ dắt bà về mất cả ngày, cả buổi. Tôi là đứa cháu hay cùng bà về quê nhất.

Tôi cũng thương bà lắm. Đang tuổi ham chơi, ham vui mà tôi vẫn sẵn sàng ngồi giã cho bà cối trầu hay lật mi mắt bà nhổ hết những sợi lông quặm để khỏi đâm vào mắt bà. Tôi nhớ như in cái cối bằng đồng của bà chỉ bé bằng quả trứng gà. Còn cái chày bằng sắt thì nhỏ như cái đầu đũa chẽ ra 2 nhánh, trầy trật cả tiếng mới giã xong cối trầu. Lúc ngồi bỏm bẻm nhai cối trầu tôi vừa giã, bà bóp bóp 2 bàn tay tôi như sợ nó mỏi, rồi thì thầm: Cháu sống hiếu nghĩa, sau này thể nào cuộc đời cũng được nhiều phúc lộc.

Bố tôi nóng tính nhưng thực ra rất thương bà, không muốn bà phải làm gì. Bà lại hay lam hay làm, ngồi một chỗ không yên. Thế là sinh chuyện. Có hôm bà cõng chiếu xuống hồ Ao Vả ngay trước mặt giặt. Lúc cõng chiếu về bố tôi bắt gặp. Thấy bà quần ống thấp, ống cao lưng còng gập cõng mấy cái chiếu ướt rượt trên  lưng, xót quá, bố lôi mẹ tôi ra mắng. Mẹ tôi thanh minh, thanh nga rồi cằn nhằn bà. Những lúc đó bà thường ngồi đầu giường giã trầu, thỉnh thoảng cầm cái múi khăn đội đầu lau nước mắt. Tôi len lén đến bên bà, ngồi sau lưng bà, cọ cọ cái cằm vào vai rồi nắm lấy hai cánh tay nhũng nhẽo của bà bóp chặt.

Ngày tôi đi B, bà cũng ngồi giã trầu và lặng khóc như thế. Bà bảo:
- Khi cháu về chắc không còn nhìn thấy bà nữa.

Tôi cũng cọ cằm vào vai bà, nắm lấy hai cánh tay nhũng nhẽo của bà, nói với niềm tin của thằng cháu trai chưa đủ 19 tuổi:
- Cháu sẽ trở về. Bà gắng đợi cháu nhé. 

Cả nhà kể, hồi tôi ở chiến trường ngày nào bà cũng nhắc nhỏm đến tôi. Bà ngã bệnh đúng dịp đầu tháng 4 năm 1975. Chỉ là bệnh người già. Cứ nằm thoi thóp như ngọn đèn cạn dầu, mơ màng giữa cõi âm và cõi dương. Thi thoảng choàng tỉnh lại gọi tên tôi.

Ngay đầu giường bà đặt cái radio. Mỗi lần có tin chiến thắng mọi người lại gọi bà. Bà tỉnh dậy và hỏi: Thằng Hùng về chưa? Mấy đứa em tôi động viên bà: Sắp giải phóng miền Nam. Khi nào giải phóng anh Hùng sẽ về. Bà gật đầu rồi lại thiếp đi. Mấy ngày trước giải phóng bà mệt nặng. Đến thìa sữa cũng không nuốt nổi. Nhưng cứ có tin nơi nào được giải phóng gọi bà là bà choàng tỉnh. Lại mấp máy gọi tên tôi. Đúng hôm 30.04 khi Sài Gòn giải phóng, ngoài đường mọi người hò reo, cả nhà cũng hò reo và gọi bà: Bà ơi! Miền Nam giải phóng rồi. Anh Hùng sống rồi. Sắp về với bà rồi. Bà lại choàng tỉnh. Mắt mở to  như cố nhìn xem có tôi trong số những người xung quanh không. Rồi bà nấc nhẹ, từ từ khép mắt. Người duỗi ra không còng như lúc sống. Thanh thản như đang nằm ngủ vì tin rằng tôi sẽ trở về.

Chiến tranh đi qua, sau hoà bình một năm, tôi trở về thật. Bà nội cũng gắng gỏi sống, thoi thóp cho đến ngày thống nhất 30.04 để đợi tôi thật. Mà cuối cùng, tôi chỉ gặp bà trong di ảnh phủ đầy hương khói.

H.L
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)