Trở lại chiến trường xưa

Chủ Nhật, 26/11/2017 22:52
.Ghi chép
Phải mất 40 năm mới có dịp trở lại một số nơi tôi và đồng đội đã đặt chân trong những năm chiến tranh và trong những ngày tháng hoà bình đầu tiên. Ngã 7 Phụng Hiệp đã thay đổi nhiều sau 40 năm. Không hoang sơ như thời tôi đóng quân những ngày tháng 7 - 8 năm 1975 nhưng cũng không khang trang, trù phú cảnh trên bến dưới thuyền, tấp nập kẻ mua người bán, ríu ran khách du lịch như trong tưởng tượng. Trẻ con vẫn đùa nghịch trên dòng sông giờ đã đục ngầu, lều bều lục bình trôi, nơi 40 năm trước những thằng lính tuổi đôi mươi người Hà Nội từng nô đùa, bơi lội. Định ngược dòng sông Hậu về với kênh xáng Bô Na một thời đóng quân, đánh đồn mà không kịp. Chiếc xuồng máy tôi thuê tưởng thuyền to, máy lớn, ai dè chạy như người thiếu hơi, đã thế lại thủng, nước vô ào ào. Đành lên bờ về với Cái Răng.
Thị trấn Cái Răng thực sự thay đổi với những cây cầu hiện đại, những nhà cao tầng san sát khiến tôi không nhận ra lối xưa. Nơi đây tôi cùng đồng đội đã tổ chức sinh nhật tuổi 20 của mình. Đành đứng trên cầu nhìn một vùng sông nước vời vợi một thời mình đi qua. Cầu Cái Vồn, chi khu quân sự Ba Càng huyện Bình Minh, Vĩnh Long mới thực sự là chiến trường xưa tôi muốn tìm đến lần này. Nơi đây ngày 12 tháng 4, tức chỉ còn 18 ngày là đến ngày toàn thắng mà gần 70 đồng đội trong đó có 21 người là lính Hà Nội tuổi đúng 20 đã vĩnh viễn nằm xuống trong trận đánh bất thành nhằm cắt đứt quốc lộ 4 mạch huyết giao thông nối với Sài Gòn lúc đó đang náo loạn. Tôi và hai đồng đội người Hà Nội khác bị bắt cũng trong trận này.
Đứng trên cầu Cái Vồn tôi vẫn định hướng được nơi mình bị bắt nhưng không thể nhìn tới. Bởi đồng lúa mênh mông năm xưa giờ đã thành nhà cửa, nhà hàng, khách sạn. Hỏi một đồng đội cũ hiện ở Hà Nội, tôi được biết 21 người đồng hương của tôi đã ngã xuống ngày ấy, phía bên kia đã chôn họ chung trong một hố chôn tập thể ngay sau trận đánh, giờ được đi dời về nghĩa trang thành phố Vĩnh Long.

 
23848119 1506868689396194 1423704577 o
Trong nghĩa trang thành phố Vĩnh Long
 
Tôi đến Vĩnh Long giữa trời trưa nắng nóng không một ngọn gió. Hỏi bộ phận quản trang tôi được biết, 22 ngôi mộ vô danh mang từ Ba Càng về hiện nằm ở lô 15 trong 36 lô của nghĩa trang rộng tới 100 công gồm 3.300 mộ liệt sỹ. Lô 15 của 22 ngôi mộ nằm ở phía cuối nghĩa trang. Phần mộ của các anh được xây khang trang, ngay hàng, thẳng lối. Phía trước có bình hương, phía sau có hoa mọc. Bia trên mộ ghi hàng chữ vàng: Tổ Quốc ghi công liệt sỹ chưa biết họ tên. Tôi hỏi người quản trang dẫn tôi ra khu mộ: Các anh ấy sinh ra, nhập ngũ và ngay cả lúc hy sinh đều có tên tuổi. Đơn vị, đồng đội, cấp trên đều biết, sao giờ thành không tên? Người quản trang, gãi đầu, nhưng rành mạch và trôi chảy giải thích như anh đã từng giải thích với bao nhiêu người trong mấy chục năm qua: Anh biết đấy, vì là hố chôn tập thể, khi bốc dời không có một dấu hiệu nào để xác định danh tính nên chúng tôi đành làm thế. Giờ y học hiện đại có thể dùng phương pháp nhận diện qua ADN. Nhưng đấy là một việc đòi hỏi nhiều công của. Chỉ tính riêng nghĩa trang này thôi đã có tới gần 200 ngôi mộ vô danh. Cả nước này có bao nhiêu nghĩa trang, có biết bao ngôi mộ vô danh như thế? Thôi đành an ủi, các anh đã được quy tập về đây, an lành trong lòng đất mẹ, hàng ngày có chúng tôi chăm chút, hương khói, cho nhẹ lòng.
Tôi lặng lẽ thắp hương trên 22 ngôi mộ của đồng đội tôi, cả trên những phần mộ vô danh khác, lặng lẽ đặt lên mỗi ngôi mộ một bông huệ trắng. Cũng lặng lẽ khấn khứa và gọi tên những người tôi biết, trong đó có Mai, Nguyễn Văn Mai, người Quỳnh Lưu, Nghệ An. Người đồng đội da trắng, mảnh mai thư sinh như tên gọi, người đã gọi tên tôi lần cuối cùng trong trận đánh hôm ấy. Khấn khứa xong, trời bỗng nổi cơn dông dữ dội như chuẩn bị mưa. Tôi linh cảm như đồng đội tôi đang hiện hữu, họ đã nhận ra tôi, tha thứ cho tôi, cho sự trở về muộn màng sau đúng 40 năm.
HÙNG LÝ ( từ Berlin, CHLB Đức)
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

prev
next