Mộ núi

Thứ Bảy, 18/11/2017 00:12
Truyện ngắn. NGUYỄN THỊ VIỆT HÀ

1. Duyên hả, phải Duyên hôn? Chèn ơi, lâu dữ… Hoài hấp tấp nhảy qua con kinh hẹp khi thấy Duyên đứng đầu kênh Lô 2 dòm hướng về nhà mình còn một đoạn xa. Hoài nhìn thấy cô từ đầu kênh nhưng chưa dám gọi, Duyên như khói, mờ mờ trước mắt, chắc tại Hoài mong nhớ quá, mắt ướt nhòe không nhìn rõ. Từ dạo Duyên đi, Hoài vẫn loanh quanh ở Lô 2 này có ý đợi.

Duyên về khi nào? Sao không về thẳng nhà còn đứng xớ rớ đây chi. Vàm Cái Đôi cũng y chang như hồi Duyên đi đó. Ờ, mà cũng không hẳn vậy. Hoài ngập ngừng nhìn ra sông rồi kéo ánh mắt mình loang ra xung quanh, từ từ đậu trên gương mặt Duyên. Dừa chết hết rồi, sông này cũng ít cá, mấy năm nay tôm thất, thanh niên đi gần hết, tui… Hoài định nói tròn câu “còn ên tui đợi Duyên” nhưng nó mắc nơi cửa họng, muốn nói mà thấy vô duyên làm sao. Ai lại đợi một người đã đi lấy chồng...

Duyên không nói tiếng nào, tay cầm túi đồ giống y chang hồi cô xách đi. Chiếc áo màu hoàng yến phong phanh. Tháng mười hai gió chướng non nhuộm buốt mặt sông. Duyên mỏng tang như khói, cảm tưởng chạm vô là tan. Lạnh không Duyên? Áo tui có hơi mồ hôi nhưng ấm. Hoài lột chiếc áo khoác ngoài đưa, Duyên xua tay, tiếng thoang thoảng: Thôi mà Hoài, Duyên không có lạnh. Hoài cầm chiếc áo chơ vơ. Mà giọng Duyên sao lạ quá, tựa như tiếng gió lách qua tán lá. Chắc tại người ta sống ở nước ngoài lâu nên đổi giọng. Đưa giỏ đây tui xách cho, nãy giờ đi bộ từ chợ về tới đây cũng mấy cây số đấy. Hoài đưa tay tính cầm giỏ, Duyên khoát khoát né ra từ chối. Hoài nghe đắng xộc lên mắt. Người ta có chồng rồi mà. Hoài tủi tủi nghĩ thôi chứ không dám nói. Năm năm, Hoài đi tới đi lui Vàm Cái Đôi nhà Duyên, ai nói gì thì nói, chuyện Duyên lấy chồng Hàn Quốc không ảnh hưởng đến sự chờ đợi của anh. Mà cũng tại Hoài hết, tới cái chuyện lo cho ba má Duyên cũng không lo được thì trách Duyên nỗi gì. Nếu Hoài lanh hơn, siêng hơn, có sẵn tiền ngay lúc cô cần cho ba cưa cái chân hoại tử thì Duyên đâu nghe lời bà mai lấy chồng đổi vài ngàn đô. Vậy trách Duyên là trách làm sao? Có trách thì trách Hoài thôi. Lúc Duyên lên Sài Gòn cho người ta coi mặt, Hoài cản nói để ít ngày, anh kiếm được tiền trả cả vốn lẫn lời cho người ta là xong, cớ chi mà đi lấy một người xa lạ, mình không biết là ai, không biết ở đâu. Duyên khóc nói Hoài kiếm sao được mà kiếm, anh mồ côi, nuôi thân một mình đã chật vật còn muốn cưu mang thêm Duyên nữa sao. Duyên làm vậy coi sao được. Hoài nói. Mình làm được mà, miễn là Duyên cho Hoài thêm ít ngày. Duyên đứng phắt dậy, bờ cỏ mé sông chỗ hai đứa ngồi rung rung như muốn vỡ. Cản Duyên chi, Duyên không còn yêu anh nữa. Duyên muốn ra khỏi con sông Vàm Cái Đôi rác rưới thấy ghê hà, ở với Hoài lấy cái gì ăn, Duyên muốn sống sung sướng đó, có được không?

Hoài khựng lại. Trời ơi, Duyên nói vậy thì anh còn biết làm sao hơn. Duyên bước thiệt nhanh về phía nhà. Chỗ Duyên ngồi khi nãy đột nhiên sụt òa xuống sông, Hoài trượt chân té xuống. Không muốn lên bờ nữa, anh bơi một mạch sang bờ bên kia...

Để Hoài đưa em về. Hoài ngắc ngứ, ráng nói thiệt chậm để Duyên nghe rõ sự thao thiết của mình mà cho anh đưa Duyên về tới nhà. Đặng Hoài hỏi thêm mấy câu nữa như: ở bển có vui hơn bên mình hôn? Ở bển Duyên làm gì? Rồi ở bển người ta có... thương Duyên không? Hoài chỉ hỏi thôi, rồi Duyên có trả lời hay không cũng được. Kì này gặp được Duyên rồi, tới khi cô về bển là Hoài yên tâm lên Bình Dương làm mướn. Hồi năm ngoái, ngay đợt Hoài đi sên vuông mướn cho người ta ở mạn Gò Công, không biết Duyên về, lúc biết thì cô đã đi mấy tuần trước. Nhưng cái lắc đầu từ chối của Duyên còn lẹ hơn những điều bừa bộn đang liên tiếp dội về đầu Hoài. Duyên đi, bóng chiều đổ dài trên sông, tự dưng nước trong dòng nhuộm đỏ một hoàng hôn. Bóng Duyên khuất dần sau mấy cây so đũa.

Sao Duyên không dẫn con về? Bất giác câu hỏi Hoài không nghĩ đến trào ra miệng.

2. Kì trước Duyên về, má thấy Duyên gầy lắm, sẹo ở đâu kéo đầy tay chân rồi lên tới cổ. Má hỏi con có sao hôn, Duyên cười cười nói ở “bển” con tách hàu, mà má biết rồi vỏ hào bén dữ lắm, sớt qua là rách thịt. Má vuốt vuốt tóc Duyên, miệng cười héo hắt, nhưng sao nhìn bây già dữ vậy? Hàu nó bén ngót mà rách tay thôi chớ sao kéo tới cổ, tới mặt vầy? Người ta qua “bển” trắng da dài tóc, môi đỏ chân son sao bây giống như trong hầm than leo lên vậy? Con về thăm má mà má rên hoài vầy sao con dám về nữa. Giọng Duyên hờn tủi. Về được vầy khó lắm má. Tại má xót, má đâu có muốn gả con xa tới như vậy, muốn thăm cũng không thăm được, nước người ta đâu phải nước mình mà muốn sang là sang. Nếu bây mập mạp trắng trẻo má không nói, đằng này... Thôi mà má, coi vậy chớ con sướng hơn mấy đứa trắng trẻo mà má thấy đó. Mình muốn có tiền phải cực má ơi, con cũng ráng làm đặng có món bộn bộn rồi về Cái Đôi ở luôn với má.

Má lén quệt nước mắt ra sân chơi với đứa cháu chưa biết nói tiếng Việt đang xí xa xí xố, quơ chân quơ tay “nói chuyện” với bạn, mấy đứa nhỏ ngóc cổ nghe rồi cười toe. Đứa này hỏi đứa kia: Thằng đó nó nói gì? Đứa nọ làm như hiểu, lắng nghe thêm chập nữa rồi trả lời: Biết chết liền. Thằng nhỏ nói hoài không được, bật khóc. Má chạy ra nắm tay cháu ngoại dỗ dỗ: Ngoại thương, ngoại thương, thôi ra vườn ngoại bẻ trái lí cho ăn heng. Duyên bước ra nói một tràng tiếng Hàn thông dịch cho thằng nhỏ, nó nín, nhìn ngoại cười.

Má đưa trái lí cho thằng nhỏ, nó hỏi: “Y cớt sươi mu ớt im ni cá” (Đây là cái gì?). Má xoa đầu cháu: Con phải học tiếng Việt nghe chưa. “Trề ca mớt cô sếp phơ dô” (Con muốn ăn cơm), thằng nhỏ lay tay Duyên. Duyên nói với má, nó không muốn ăn lí, nó muốn ăn cơm. “Ma xít nưn sen sơn chô rim”, thằng nhỏ tiếp tục nói với ngoại. Nó khen má kho cá ngon, Duyên dịch lại. Má gật gật, nhẫn nại níu kéo cháu phải biết trái lí trước đã.

Hồi đó mẹ bây thích nhứt là trái lí - má bắt đầu kể chuyện. Cây lí này trồng hồi ngoại sanh má bây. Nhà có hai đứa, mẹ bây là gái đầu lòng. Ông ngoại bây hồi còn sống thương con gái hơn con trai. Mà mẹ bây coi vậy chớ cũng dạn chân dạn tay. Thì đó, vết thẹo còn trên trán là do trèo bẻ lí rồi té xuống mương. Bây biết ăn hôn? Chèn, lí ngọt thơm vầy mà nhăn. Mẹ bây cực dữ lắm, ông ngoại bây té bị thương rồi phải cưa chân, tới lúc cưa mới biết còn bị thêm ung thư. Má bây mới đi lấy ba bây giờ đó. Ngoại thương… thương hoài để đâu cũng không hết.

Má, Duyên nhắc, thằng nhỏ có biết gì đâu má kể. Má giật mình như tỉnh mộng, má đâu có ý định kể lể gì đâu, sao tự dưng nói ra vậy, má đưa trái lí cho Duyên giọng bùi ngùi: Thì nó không biết mới kể cho nó nghe mà. Nhưng má chưa kịp kể hết câu chuyện còn dài dài về Duyên cho đứa cháu ngoại nghe vì chồng Duyên chỉ cho ở lại ba ngày rồi dắt về Hàn Quốc. Ba ngày đó, anh ta không ra khỏi nhà, tới bữa cũng ăn riêng. Hai đứa nhỏ ngủ với bà ngoại. Sáng Duyên thức sớm nấu cơm với má, má vuốt vuốt mấy chỗ u, tím đương không rớt ngay trên mặt. Má vuốt hoài như thể khi má buông tay, con gái má da lại láng mượt mịn màng như hồi Duyên chưa qua “bển”. Má không hỏi, chỉ nuốt nước mắt thôi, má cũng không dám dòm thẳng mặt con rể nữa, tự nhiên vậy, nên tới khi hai vợ chồng Duyên đi rồi má còn chưa tường tỏ mặt con rể ra sao.
 
3. Ba Duyên mất sau đó sáu tháng, lúc Duyên đang ở miền Bắc của Hàn Quốc. Duyên như lết trên ruộng dưa chuột dài thăm thẳm, lá rụng xuống dưới chân, máu tươi không kịp ráo trên lưng, chân, tay. Nước mắt Duyên không kịp rớt, nó khô ngay trên mí mắt. Áo quần chà vào vết thương trên da thịt, đau nghiến xuống. Ruộng dưa vẫn dài, gió hun hút thổi, cánh đồng rộng chỉ vài ba người làm, toàn người Việt. Những cái bóng di chuyển, không tiếng người, chỉ có tiếng rít nhẹ trộn với tiếng sột soạt của lá va vào nhau và lá úa bị tước khỏi thân leo mỏng. Duyên tước nhẹ, sợ phạm vô thân cây đã quá nhỏ, chỉ cần sớt qua, lá đã rụng. Y như các vết thương đang mưng mức trong lòng cô.

 
mộ núi
Minh họa: Phạm Minh Hải


Chiều đổ dài, nắng chết dần, những ngọn núi lô xô như những nấm mộ lớn. Duyên nhìn quanh, chẳng còn ai nữa, những bóng người hiếm hoi. Cô đứng khựng nhìn xót xa vô bóng núi, nếu mà mình chui được vào lòng một trong những quả núi kia thì khỏe rồi, cô nghĩ vậy rồi vội lắc đầu xua nó đi.

Duyên lủi thủi trở về, dáng cô mỏng dần trong đêm.

Duyên khuỵu xuống khi chưa kịp bước chân vô nhà. Những ngọn roi tới tấp của chồng quất xuống trước khi Duyên với tay chạm được vào con. Cô cong người ôm lấy trận đòn đến khi anh ta mỏi buông roi, bỏ vô trong nhà Duyên mới đứng dậy. Vết máu tươi trộn ướt vết thương khô. Duyên dọn dẹp hết thẩy. Trong nhà, sau lưng, trước mặt cô, những ánh mắt rọi tìm, lục ra chỗ không vừa ý cho ngọn roi sẵn trên tay trút xuống. Duyên ăn vội vài thứ sau bữa cơm mọi người đã dùng rồi đi tắm. Áo bết vô mấy vết thương, rứt ra đau xé. Duyên nhắm mắt lại, tưởng tượng mình lặt lá dưa chuột, bứt nó ngọt sớt, không rung cả dây leo, tự dưng vết đau bớt đi, nó chỉ nhoi nhói theo làn nước chảy.

Duyên không kịp ra khỏi nhà tắm, không kịp kêu lên khi đôi tay lông lá đầy đe dọa bịt miệng cô lại. Cô có thể kháng cự. Nhưng cô không muốn kháng cự nữa. Những mảnh trời rách nát, những cú nhún thô bạo muốn gẫy ngang thân thể, bàn tay nhớp nhúa giằng kéo ngực Duyên, con giống bốc mùi hôi hám tanh tưởi thọc sâu vào miệng Duyên rồi trượt dài đến cửa mình đang ngày kinh nguyệt. Hơi thở nhà táng xuyên qua óc Duyên. Xong cơn động dục, hắn vứt Duyên nằm quằn quại trên nền nhà tắm nhớp nháp. Duyên tưới một lớp nước qua người rồi mặc quần áo, mở cửa đi ra ngoài. Chồng Duyên ngồi ở bậc cửa rít thuốc. Duyên len lén đi qua, có cảm giác người mình như sắp đổ và trận đòn mới sắp ập xuống. Nhưng không, anh ta chỉ nhìn phớt qua Duyên, ánh nhìn rất lạ, không rõ là tuyệt vọng hay khinh bỉ. Duyên loạng quạng rót cốc nước. Gã anh chồng nhìn Duyên cười vu vơ, người trong nhà nói gã thần kinh, nhưng lần làm tình nào, Duyên thấy gã cũng tỉnh, không, là cơn động dục thì đúng hơn. Duyên không cản được chuyện đó khi cả nhà họ cho phép, kể cả chồng Duyên. Mà sao lạ, những người trong nhà này, Duyên không thể nhìn thấy đôi mắt họ, Duyên chỉ thấy những hố đen trống hoác lạnh lẽo.

Đứa con nhỏ bám bầu vú mẹ, không giọt sữa, chỉ là mớ da thịt nhão nhoẹt thõng thượt, Duyên nghe loáng bên tai tiếng khóc quấy của con, Duyên cố vỗ nhè nhẹ cho con nín nhưng tay Duyên lỏng dần, nó như không thuộc về Duyên nữa, nó rụng xuống…
Duyên nhướng mắt lên nhìn ra phía cửa. Đường về nhà tối tăm quá má ơi…
 
4. Hoài ơi, để má đi nấu cơm cho con Duyên nhé. Coi chừng nó về không có cơm ăn đó. Hoài dạ dạ nhìn má lòng thắt lại. Nhưng chuyện Duyên về là chuyện của ba năm trước. Hoài không cách nào bước chân vô kí ức của má để tìm cách che đậy nó lại, để nó ngủ thiếp đi trong chốc lát cho má khỏe. Má cứ vậy, kể chuyện Duyên cho ba Duyên nghe miết. Mà ba đâu còn nghe được khi chỉ còn là di ảnh trên bàn thờ.

Thì bây cứ kệ má đi, má nói. Hoài giựt bắn người, má rọi thẳng vô suy nghĩ của anh. Anh đỡ rổ đậu xanh má mới hái ngoài rẫy vô. Có mấy vạt thôi mà bộn he, tha hồ làm nhưn bánh. Tết này gói nhiều nhiều bánh tét cho con Duyên nó mang qua bển. Má nói rồi đi lấy cái bao đựng gạo đã hết xẻ ra làm hai rãi đậu ra phơi. Hoài ngó nhìn trời, còn nhiêu nắng đâu mà phơi, bốn giờ chiều rồi, nhưng anh cũng không cãi lời mà phụ má đi phơi đậu.

Khuya, trời đổ mưa day dứt, chỉ còn bóng đèn trái ớt sáng lờ mờ. Má lò dò thắp nhang, chút ánh sáng yếu ớt không cho má nhìn rõ nhưng má quen rồi, có nhắm mắt lại má đi từ nhà dưới lên nhà trên, từ trong buồng ra tới phòng khách cũng không vấp té đâu hết nếu đồ đạc kê như cũ. Sao bà chưa ngủ? Má giựt mình ngoảnh lại thấy ba ngồi hút thuốc gò ở tràng kỉ. Thì đợi ông mà. Đợi mà bữa nay bà không châm trà cho tui, ba trách. Nhà hết trà chưa kịp dặn tụi nó mua. Mà sao ông hút thuốc hoài, không sợ bệnh sao? Tui đâu còn sợ bị gì nữa đâu bà. Ờ, tui quên... Mà ông, con Duyên còn sống hay chết? Má hỏi ba mà giọng ướt nhợt, má tiếp: Tui nghe mấy đứa lấy chồng ở “bển” nói nhà chồng nó nghèo, ở đâu miền núi gì đó, cực khổ trăm bề. Rồi nó sanh con, thằng con trai không biết là của thằng em khôn hay của thằng anh khờ.

Má nén tiếng khóc, giọng méo đi rồi nặng trịch, chìm nghỉm đâu đó trong bóng đêm. Mấy năm rồi nó không một lá thư, không một lần gọi điện thoại về, hỏi mấy đứa ở “bển” cũng chỉ nghe là lâu lắm không có gặp Duyên. Con Duyên có sao, chắc tôi chết… Mình ở đây, họ ở “bển”, tui đâu có biết đường mà qua tới “bển” kiếm con. Mà chắc nó không chết đâu ông hả? Đâu có dễ dàng như vậy... Ba bước qua, vỗ lưng má nhè nhẹ rồi lần xuống tay má. Bà ốm dữ rồi, con Duyên chết đâu mà chết, bà nghe mấy cái tin đó chi mà sanh nhọc nhằn. Mai mốt nó về... Thiệt hả ông? Ừa, mới có lỗ dột phía trên tấm ảnh tui, mưa, lạnh thấu xương. Ông có muốn thêm thứ gì hôn? Má hỏi một lúc lâu không nghe tiếng ba, má nhìn quanh, thấy cái vẫy tay ba chìm sau tấm ảnh.

Sớm, khi Hoài ghé qua thăm như mọi bữa, má nói chuyện lỗ dột. Sao có được ta, mới thay tôn tháng trước đón mưa mà, thắc mắc vậy chớ Hoài cũng trèo lên mái nhà coi. Chiếc đinh bật mũ, hở ngay bàn thờ, một cơn lạnh chạy dọc sống lưng... Hoài trét lỗ dột rồi leo xuống, tự dưng thấy má sao mà gầy, bóng mây đang tan dần. Hoài tới ngồi kế má đột nhiên nói: Má phải mạnh nghe má. Còn chờ Duyên về nữa chớ. Má cười nhẹ hều: Bây nói y như má sắp đi theo ba bây rồi, má còn mạnh dữ lắm.
 
5.
Ông nói mai mốt nó về. Một chục cái mai mốt rồi con Duyên cũng chưa có về. Vậy là con Duyên nó quên đường về nhà thiệt rồi ông ơi... Má ứa mấy giọt nước mắt khô thắp nhang cho ba. Thứ nước mắt chỉ đủ làm ướt tuyến lệ mà không còn đủ để rớt ra ngoài.

Má nghe có tiếng chó sủa rộn ngoài cổng, nhìn ra thấy Hoài xách xâu cá lóc, nắm rau muống đi vô. Ủa, mới sớm mà con mang mấy thứ này đi đâu vậy? Má hỏi. Hoài cười cười, nói mấy đoạn không trọn câu: Cá lóc đồng đó má, nhà mình có sẵn cơm mẻ rồi, nấu canh chua nghe má. Hồi đó Duyên mê nhất mấy thứ này. Má nghe, cười héo, ờ, biết chừng nào nó về đây mà ăn. Hoài còn cầm nguyên xâu cá tìm chỗ để treo lên, nghe má nói, ngơ ngác: Là sao má? Thì giờ Duyên về rồi đó. Nghe được hai chữ “Duyên về”, tai má ù đi. Má lắp bắp hỏi dồn: Bộ nó gọi điện thoại cho con hả? Nói chừng nào nó về hả Hoài? Mà sao tới giờ bây mới nói…

Là sao má? Chiều qua con thấy Duyên ở đầu kinh, con nói để con đưa Duyên về nhưng Duyên không chịu. Rõ ràng là Duyên mà má, con thấy cổ đi về nhà mình… Cổ đi về từ hướng này nè má.

Giọng Hoài như lạc đi, anh bỏ đại xâu cá bó rau xuống dưới đất chạy xộc vô nhà. Má ơi, Hoài thảng thốt gọi, con còn thấy cổ xách cái túi với mặc cái áo hồi cổ đi mà. Sao giờ không thấy?

Trời ơi! Má vịn bậc cửa, tiếng nghẹn đặc. Duyên ơi… Má gọi trong tiếng khóc, nước mắt như dồn cả trăm năm ùa về - Chạy đi kiếm con Duyên đi, coi chừng nó quên đường mà lạc…

Hoài đứng đó, chân muốn khuỵu xuống, mắt lạc vô một nơi nào đó rất xa xôi, trập trùng những luống dưa chuột xanh thăm thẳm, Duyên đi sâu vào trong lòng núi, cô ngoảnh lại mỉm cười nhìn Hoài rồi bỗng nhiên tan loãng vào bóng chiều sầm sập đổ. Những ngôi mộ núi bỗng rung chuyển rồi trào ra thứ nham thạch đỏ như máu phun dữ dội vào không trung…
 
Trại viết An Giang 8/2017
N.T.V.H
 

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)