Sách trong đời sống người chiến sĩ

Thứ Ba, 24/10/2017 10:27
.PHÙNG VĂN KHAI
 
Hai mươi năm làm báo, viết văn trong môi trường quân đội, được đi nhiều, gặp gỡ các chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo, đặc biệt là cánh lính trẻ trên các đảo chìm ở quần đảo Trường Sa, tôi càng thấu hiểu trong đời sống tinh thần hàng ngày, sách báo với những người lính quan trọng đến thế nào giữa trời nước mênh mông hay nơi rừng sâu núi thẳm mà họ đang công tác.
 
IMG 9717
Bạn đọc không chỉ tìm thấy ở đây những loại sách, báo, tạp chí trong nước mà sách, báo, tạp chí nước ngoài cũng khá phong phú

Ở những đảo chìm thuộc dải Vành Khăn - quần đảo Trường Sa, trong một chuyến công tác, chứng kiến những tờ báo nhàu nát và những cuốn sách mỏng sờn gáy, bợt bạt vì ngấm nước biển chắc chắn đã được đọc rất nhiều lần ấy vẫn được gìn giữ cẩn thận trong tủ sách kề sát những khẩu súng tôi chạnh nghĩ tới những thư viện máy lạnh sang trọng với những cuốn sách dầy cộp bìa cứng giá hàng triệu đồng có khi cả năm không ai sờ đến mới thấy rằng bộ đội ta yêu sách biết bao nhiêu.
 
Lại không ít lần ở các đồn biên phòng Tây Nguyên, Tây Nam, Tây Bắc, khi chứng kiến những cuốn sách lâu ngày nắng quái, mưa rừng ẩm mốc đang mủn ra vẫn được các chiến sĩ chuyền nhau đọc trong những ca gác, buổi tuần tra liên miên, đặc biệt là những sách hướng dẫn bà con trồng cấy, chăm sóc sức khoẻ cây trồng vật nuôi và cả con người nữa thì tôi càng thấy sách quan trọng đến thế nào với đời sống người chiến sĩ.
 
Lại có một lần khi tiếp xúc với các chiến sĩ gác kho vùng cực Bắc, những người lính đã cho tôi xem tủ sách của họ được bảo quản từ thời chống Mĩ với phương pháp bảo quản không kém gì bảo quản súng đạn và còn làm mã số cho từng cuốn sách thì chúng ta thấy cũng như súng đạn, sách báo đã là một người bạn chí thiết với cuộc đời người chiến sĩ trong suốt các cuộc kháng chiến cho đến ngày hôm nay và chắc chắn cả mai sau.
 
Bản thân tôi, cách đây hơn hai mươi năm, năm 1994, khi còn là một cậu binh nhì gác kho nơi thâm sơn cùng cốc, nếu không có những cuốn sách mỏng đã sờn nát trang được trang mất từ những tủ sách làm bằng cót ép ọp ẹp để tôi bình tâm và vững tâm trong những suy nghĩ định hướng cuộc đời mình thì chắc chắn nghề nghiệp của tôi đã khác đi.
 
Dẫn ra những ví dụ như thế để thấy một điều, hình ảnh bộ đội Cụ Hồ được nâng niu, gìn giữ, từ những chi tiết đời thường đến những hình ảnh anh hùng qua những trang sách đã trở nên lung linh, thấm đẫm trong tâm hồn mỗi người chiến sĩ và nhân dân ta.
 
Sách trong đời sống người chiến sĩ trước tiên là mơ ước của chính người chiến sĩ. Thật khó hình dung, trong các cuộc chiến tranh, chiến sĩ của ta không có sách báo để cập nhật thông tin cũng như bồi đắp tư tưởng, tâm hồn mình. Thành quả của những chiến công, những chiến thắng và ngày toàn thắng có sự góp phần không nhỏ của những trang sách. Quân đội ta biết học từ đồng đội mình, học ở trong dân, từ những trang sách được viết lên từ chính cuộc sống của họ. Chính yếu tố tinh thần ấy đã biến thành sức mạnh phi thường để góp phần làm lên mỗi chiến công.
 
Nói đến sách trong đời sống người chiến sĩ không thể không nhắc đến Thư viện Quân đội và hệ thống phát hành trong quân đội đã phục vụ nhu cầu đọc của bộ đội trong suốt 60 năm qua.
 
Thư viện Quân đội được thành lập ngày 15 tháng 11 năm1957, đến nay đã có thời gian hoạt động tròn 60 năm. Là Thư viện khoa học tổng hợp về quân sự, thư viện đầu ngành của hệ thống Thư viện trong Quân đội, có chức năng tham mưu giúp Thủ trưởng Tổng cục Chính trị về công tác thư viện trong Quân đội, hướng dẫn nghiệp vụ thư viện, sưu tầm, bảo quản vốn tài liệu về quân sự, quốc phòng, tổ chức khai thác phục vụ nhu cầu học tập nghiên cứu của bạn đọc trong và ngoài quân đội, cung cấp sách báo cho các đơn vị trong toàn quân, góp phần bảo đảm đời sống văn hoá tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội.
 
Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, Thư viện Quân đội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, được Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý.
 
Nhà thơ Đỗ Trung Lai, tác giả Đêm sông Cầu nổi tiếng kể rằng. Ở một chốt cao điểm ác liệt thời chống Mỹ, khi các chiến sĩ của ta bị vây chặt không thể tiếp tế mà chỉ có thể truyền mệnh lệnh bằng thông tin vô tuyến, khi được hỏi các anh cần gì, các chiến sĩ ở đây dẫu biết mình khó có thể trở về, đối mặt với cái chết, thật kỳ lạ, họ đã yêu cầu đưa sách, nhất là thơ của Phạm Tiến Duật nhồi vào ống đạn pháo bắn lên cho anh em. Hiếm có người lính nào trong các cuộc chiến tranh trên thế giới yêu thơ văn đến như thế.
 
TVQĐ 5
Áp dụng công nghệ cũng giúp cho người làm công tác quản lí, người đọc dễ dàng tìm thấy được đầu sách mình cần
 
Đội ngũ nhà văn gắn với người chiến sĩ từ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là một Binh chủng đặc biệt. Chúng ta không chỉ biết cầm súng đánh đuổi giặc ngoại xâm mà còn biết làm thơ ca để giàu có, phong phú tâm hồn mình. Giữa chiến trường chống Mỹ ác liệt, nhà thơ Hữu Thỉnh đã viết: Không có sách chúng tôi làm ra sách/ Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình.
 
Sách ở chiến trường có sức mạnh lớn lao, nhân lên sức mạnh cho mỗi người chiến sĩ. Trong trùng trùng đoàn quân ra trận, những cuốn sách nằm đáy ba lô thôi thúc người chiến sĩ tiến vào bom đạn trong tư thế của đội quân chính nghĩa. Những ngày này, khi cả nước lên đường thì những người làm công tác thư viện trong quân đội cũng lên đường. Đó là những gạch nối, mạch đập tinh thần tới mỗi người chiến sĩ. Đội ngũ của người chiến thắng không thể thiếu hành trang tinh thần là những cuốn sách khét mùi bom đạn. Khi chúng tôi thực hiện phim tài liệu về nhà văn anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Thi, thật kỳ lạ, trong ba lô cũ sờn của ông, chật cứng những trang bản thảo, những trang sách bị đạn xuyên lỗ chỗ. Thế mới hiểu tại sao, những trang văn trong Người mẹ cầm súng lại hấp dẫn bạn đọc đến vậy. Nguyễn Thi ngã xuống trong Tết Mậu Thân không chỉ là hình ảnh của nhà văn ngã xuống, mà còn là vẻ đẹp của những trang sách mãi mãi tươi xanh.
 
Sau chiến tranh, trong điều kiện hòa binh, sách trong đời sống người chiến sĩ càng vô cùng quan trọng. Người lính ở chiến trường ra, cái gì cũng lạ lẫm, lạ lẫm cả với cuộc sống bình thường. Thiếu đói triền miên. Học hành càng khó khăn khi bữa cơm hàng ngày chỉ toàn khoai sắn. Nhưng sách thì nhất định không được thiếu. Thời kỳ này cả nước khó khăn nhưng người chiến sĩ ở trận tuyến mới vẫn vững vàng chính là nhờ một phần không nhỏ đời sống tinh thần luôn được bồi đắp. Những cuốn sách dẫu ố vàng, thấm đẫm mồ hôi, có cả máu vẫn truyền tay nhau đến với bộ đội, góp lên cái phần chính yếu trong tâm hồn sáng trong của người lính. Chúng ta đã vượt lên những nghèo nàn, lạc hậu, khốn khó trước tiên từ đời sống tinh thần.
 
Thư viện Quân đội đã có những hành trình theo cùng, luôn san sẻ với người chiến sĩ từ những cuốn sách thấm đẫm lẽ đời như thế.
 
Trong thời kỳ đổi mới, Thư viện Quân đội đã bám sát chức năng nhiệm vụ, quán triệt sâu sắc đường lối quán triệt của Đảng, nhiệm vụ của Quân đội, chỉ thị, Nghị quyết của cấp trên tích cực chủ động triển khai đồng thời 2 nhiệm vụ: hoạt động tại chỗ và công tác với toàn quân, góp phần phục vụ nghiên cứu khoa học quân sự, tổng kết chiến tranh, nâng cao đời sống tinh thần cho bộ đội, đạt được nhiều thành tích nổi bật.
 
Thư viện Quân đội đã làm tốt chức năng tham mưu giúp Thủ trưởng Tổng cục Chính trị về công tác thư viện trong Quân đội, góp phần phục vụ đắc lực cho Công tác Đảng - Công tác Chính trị, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho bộ đội trong toàn quân. Triển khai có hiệu quả “Chương trình hoạt động trọng điểm về thư viện sách báo” trong quân đội với các hình thức như giao lưu, hội thi tuyên truyền giới thiệu sách báo, cuộc thi tìm hiểu sách báo, triển lãm sách báo… tạo lên phong trào “Đọc, học và làm theo sách báo” sâu rộng tại các đơn vị, góp phần cổ vũ động viên bộ đội phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở các đơn vị trong toàn quân.
 
Thư viện Quân đội phối hợp với các đơn vị chăm lo củng cố, phát triển hệ thống thư viện, phòng đọc, tủ sách, đẩy mạnh hoạt động sách báo trong quân đội, tiến hành công tác hướng dẫn, kiểm tra nghiệp vụ thư viện và hoạt động sách báo tại đơn vị. Chăm lo đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Thư viện Quân đội và cho hệ thống thư viện toàn quân, mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho hàng trăm nhân viên thư viện toàn quân. Phối hợp với các đơn vị tiến hành xây dựng củng cố thiết chế văn hóa, xây dựng tiềm lực sách báo cho thư viện, phòng đọc tủ sách các đơn vị trong toàn quân.
 
Trước tình hình thị trường sách đa dạng phong phú và phức tạp, Thư viện Quân đội đã lựa chọn cung cấp cho bộ đội các loại sách có nội dung tốt, đúng định hướng chính trị; cụ thể trong những năm qua Thư viện Quân đội đã cấp đến các đơn vị trong toàn quân hàng chục vạn cuốn sách không để lọt sách có nội dung xấu, cấp hàng trăm giá đựng sách báo, hỗ trợ đầu tư các đơn vị với số lượng hàng vạn cuốn sách cho các đơn vị cơ sở, ưu tiên cho các đơn vị vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
 
Thư viện khoa học đã có nhiều hình thức triển khai phục vụ bạn đọc tại chỗ, phục vụ lưu động ở các đơn vị, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu khoa học và nâng cao trình độ nhận thức, đời sống văn hóa tinh thần của cán bộ, chiến sĩ trong quân đội và mọi tầng lớp nhân dân.
 
Trong những năm qua, Thư viện Quân đội phục vụ hàng triệu lượt bạn đọc, đưa ra phục vụ luân chuyển hàng triệu lượt cuốn sách, tài liệu cho bạn đọc. Với phương châm hướng về cơ sở, năm năm qua Thư viện Quân đội đã đưa sách báo, tài liệu đi phục vụ luân chuyển tại các đơn vị với số lượng hàng vạn cuốn sách, tài liệu.Thư viện Quân đội đã chú trọng xây dựng nguồn lực sách báo cho thư viện khoa học, làm tốt công tác sưu tầm, bổ sung sách báo, tài liệu, luận văn, luận án và các ấn phẩm có liên quan đến quân sự quốc phòng để phục vụ cứu tổng kết trước mắt và lâu dài của quân đội. Đồng thời từng bước đẩy mạnh hiện đại hóa công tác thư viện, đưa công nghệ thông tin, tin học ứng dụng vào các hoạt động thư viện. Tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Với các hoạt động: giao lưu, tọa đàm, tuyên truyền giới thiệu sách báo, nói chuyện chuyên đề, hội thi tuyên truyền giới thiệu sách báo đã góp phần khẳng định, cổ vũ dòng văn học viết về chiến tranh cách mạng, phê phán ngăn ngừa những ấn phẩm văn hóa xấu độc thâm nhập vào các đơn vị quân đội.
 
 Nhìn vào những con số và đầu việc mà Thư viện Quân đội đã làm chúng ta càng thấy một điều rằng sách trong đời sống người chiến sĩ bao giờ cũng là những ngẫm ngợi, trở trăn của đội ngũ những người làm công tác thư viện trong suốt những năm qua và mảng công tác thư viện khoa học cũng luôn được chú trọng.
 
Thấy một điều rằng việc tổ chức bảo đảm sách cho bộ đội hôm nay không riêng gì ở những nơi vùng sâu vùng xa, nơi biên giới hải đảo mà còn ở những giảng đường hiện đại, những phòng đọc điện tử với những thiết bị theo kịp với xu thế số hoá, internet để kịp thời phục vụ những nhu cầu đọc rộng rãi của bạn đọc trong và ngoài quân đội.
 
Thực hiện cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Phát huy truyền thốn, Cống hiến tài năng, Xướng danh Bộ đội Cụ Hồ, thời gian qua, Thư viện quân đội và hệ thống các Thư viện trong toàn quân đã không ngừng nâng cao nghiệp vụ công tác, đảm bảo tốt tiêu chuẩn đọc cũng như chất lượng nội dung sách cho bộ đội. Hiện nay, các phòng đọc, tủ sách, đặc biệt là phòng Hồ Chí Minh của các đơn vị trong toàn quân đã được đầu tư, kiện toàn các nội dung trong đó nội dung sách báo luôn được chú trọng. Hàng trăm tủ sách nơi đảo xa, nơi biên giới đã được cung cấp đầy đủ các đầu sách về chính trị, văn hoá, đặc biệt là truyền thống quân đội, hình ảnh bộ đội Cụ Hồ từ những trang sách đã và ngày càng toả sáng tới mỗi người chiến sĩ.
 
P.V.K
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)