Dấu chấm treo

Thứ Tư, 15/11/2017 00:59
Truyện ngắn . THU TRÂN

Đi họp Hà Nội về, ông thầy giáo cạnh nhà cho biết cả làng ở Bắc Giang bảo không có ai là thanh niên tên Tiến nhập ngũ năm 1970. Ông tỏ ý hối tiếc khi chuyến đi một công hai việc không thành công trọn vẹn. Lúc này anh mới vỗ trán nhớ ra, à, tên thật của anh là Trảng, chứ không phải Tiến. Tiến là tên anh tự đổi ngày lang bạt xuống Cà Mau tìm đất sống cách đây gần bốn mươi năm. Nỗi nhớ quê, nhớ nhà, nhớ cha mẹ xóm làng vẫn cồn lên trong anh nhức nhối. Cộng tuổi sáu mươi bắt đầu khó ngủ với ào ạt những kí ức ám ảnh càng làm anh xao xác. Thế là anh quyết định khăn gói về quê một mình. Anh bảo với vợ, chuyến này không thấy anh trở về thì biết chưa tìm được gia đình, và thậm chí chưa biết đến bao giờ vợ chồng con cái mới gặp lại nhau. Chị bảo anh luyên thuyên quá, cố tìm cho ra bố mẹ rồi về sớm với vợ con. Anh dặn vợ ở nhà chịu khó chăm sóc mấy vuông tôm để lo cho các con học hành đến nơi đến chốn.
*
*    *
Anh khóc òa như một đứa trẻ khi đứng trước mặt cha mình. Hơn bốn mươi năm, bố đã là một cụ ông tuổi bát tuần, lưng còng mắt mỏi chân run. Cụ đã khuỵu xuống khi anh gọi: “Bố Điền ơi, con Trảng của bố đã trở về đây!”. Cả nhà ùa ra ôm anh nước mắt vắn dài. Cái Cải - cô em gái út sáu tuổi tóc búp bê ngày nào nay đã là một phụ nữ đằm thắm tuổi gần năm mươi. Chị cứ bá vai anh mình khóc sướt mướt: “Anh đi đâu mà biền biệt mãi không về, mẹ mong anh mòn mỏi, ngày lâm chung trên giường bệnh mẹ cứ gọi tên anh. Mẹ ơi là mẹ ơi, anh Trảng của con đã về đây!”.

Tuần đầu tiên Trảng về, nhà lúc nào cũng đầy khách. Bà con họ hàng làng xóm thay nhau đến chia vui. Người mang nhánh chuối; kẻ tặng con gà, gói kẹo, bao thuốc… chuyện vãn râm ran cả ngày. Gặp lại con trai sau nhiều năm xa vắng, bố Trảng cười nói huyên thuyên, trông ông như trẻ lại hàng mươi tuổi. Mọi người chúc mừng đầu óc anh thần diệu. Anh hết “bệnh quên” sau bốn mươi năm mà không cần một phương thuốc nào. Chiến tranh là vậy. Giữa bom đạn mịt mù, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Mọi người kể, theo mách bảo của anh, ông thầy giáo cạnh nhà đã tìm về quê anh, đến đúng nhà, đứng trước mặt bố anh… nhưng cái tên Tiến đã làm mọi thứ xa lắc xa lơ. Chỉ riêng mỗi điều, anh quên bảo tên thật của mình cho thầy giáo biết.

Chuyện tiếp theo sau cuộc trùng phùng là người ta xóa tên Trảng trong danh sách liệt sĩ xã. Bằng Tổ quốc ghi công được thu lại. Bàn thờ anh dẹp đi, thay vào đó là những bức ảnh vợ chồng con cái anh ở quê vợ Cà Mau. Ông Đằng, người làm công tác chính sách xã bảo anh làm hồ sơ công nhận thương binh. Anh bảo thôi đi bác ạ, nhường phần cho người khác, tôi thương tật gì. Ông Đằng giẫy nẩy, anh nói lạ, bị bom mất trí nhớ gần bốn mươi năm, không là thương binh thì thuộc diện chính sách nào. Người có công thì phải được đền đáp chứ. Hồ sơ anh tôi chấm treo để đấy. Khi nào chuẩn bị đầy đủ rồi nộp luôn thể. Tiền truy lĩnh gần bốn mươi năm chế độ thương binh một trên bốn to lắm nhá, xây được cái nhà tinh tươm, mang vợ con về đây mà đoàn tụ.

Trảng về nhà được dăm hôm thì Chiến - người đồng đội cũ rất thân, nhà ở xã bên tìm sang. Ôm chặt Chiến trong vòng tay bỡ ngỡ, Trảng bồi hồi bổi hổi không tin là sự thật. Ra là tiểu đoàn anh vẫn còn nhiều người sống sót sau trận bom xóa sạch phiên rừng năm ấy. Chiến là anh nuôi của đơn vị, người mà Trảng quyết tâm lấy bằng được tim voi về tặng để trị bệnh hen suyễn. Phép màu không tưởng giữa sự sống và cái chết đã giúp họ thoát khỏi trận bom. Nói chuyện với Chiến, mắt Trảng lúc nào cũng ầng ậc nước. Chiến đùa xuýt xoa:
- Khi hết “bệnh quên” thì người ta mau nước mắt nhỉ!

- Sao ông không hỏi ngày xưa chúng tôi đi lấy thịt voi như thế nào trong trận bom định mệnh ấy?

Chiến ngạc nhiên:

- Ông đã nhớ lại nhiều đến thế cơ à? Tôi không hỏi vì định cho đầu óc ông nghỉ ngơi một thời gian rồi hẵng… Nhưng mà khoan đã, làm hồ sơ hưởng chế độ thương binh đi, tôi bảo thêm mấy thằng nữa trong tiểu đoàn mình chứng cho ông, có mấy thằng làm to lắm nhưng đã hưu cả rồi, gặp chúng không khó đâu!
*
*    *
Trảng là tay súng thiện xạ của đơn vị. Ngày nào đơn vị thiếu ăn, anh xách súng rảo một vòng rừng sâu là có ngay “mồi”. Khi thỏ khi chồn, lúc lại cả một con lợn rừng to đùng. Có một ngày đẹp trời, Trảng vác súng về báo vừa tìm thấy một chú voi bị bom đánh chết tươi. Quân lương đã cạn mấy ngày, thủ trưởng cử ngay lập tức ba mươi lính cùng nhà thiện xạ đi lấy thịt voi.

Ba mươi mốt người quần với chú voi hàng tấn đến mệt mỏi. Những tảng thịt to như cái nia được đục ra từng lúc, chẳng mấy chốc đã đầy kín những ba lô và bao bì mang theo. Ấy vậy mà chỉ mới được nửa mình voi phần từ bụng xuống đuôi, mọi người quyết định bỏ nửa phần đầu bị mảnh bom cắt nham nhở còn lại. Trảng chần chừ chưa muốn rút, anh khẩn khoản nói với Linh - người được chỉ định là trưởng đoàn đi lấy thịt voi: “Báo cáo đồng chí, cho phép tôi được lấy tim voi”. Để làm gì. Trị bệnh hen suyễn cho thằng Chiến anh nuôi. Có đúng vậy không. Báo cáo, tôi thật sự không biết, nhưng nghe người ta bảo thế thì tin thế. Mai này chiến thắng, về giữa Sài Gòn làm gì có tim voi. Được, tôi cho đồng chí ba mươi phút, khẩn trương lên. Ba mươi phút, nhưng đã hết mười phút suy nghĩ lấy tim voi bằng cách nào. Cuối cùng, mọi người chọn phương án chui từ bụng lên ngực voi. Nín thở, nhắm mắt, Trảng trườn mạnh về phía đầu voi trong khối thịt bầy nhầy đầy máu… Xạc… Ùng… Oàng… Oành! Oành! Oành! Nhiều chớp sáng lóe lên, rừng bị cắt vụn từng mảnh không thương tiếc, như một trận động đất kinh hoàng.

Lúc tỉnh dậy, Trảng thấy mình vẫn còn nằm trong nửa mình voi. Có điều đầu anh bị đẩy tọt ra phía miệng. Có đường thở vậy mới sống sót được sau trận bom địch ném có vẻ hú họa mà vẫn “ăn dầy”. Trảng nhớp nháp bò ra khỏi miệng voi, người đầy máu, nhưng là máu voi. Nửa mình voi bên ngoài lam nham những mảnh bom mới, máu rỉ xuống bờ cỏ. Dẫu chưa hoàn hồn nhưng Trảng vẫn sụp xuống lạy đầu voi. Nhờ nằm trong mình voi, được ông voi che chở nên anh không bị ảnh hưởng gì, dẫu chỉ một xây xước nhỏ. Bần thần nhìn xung quanh, Trảng không xác định được cảm giác mình. Ba mươi đồng đội đi cùng nằm la liệt bên những tảng thịt voi còn tươi máu. Anh nhặt được cánh tay Linh trắng trẻo thư sinh, hãy còn nguyên chiếc nhẫn cỏ do cô người yêu thanh niên xung phong kết tặng đeo ngay ngón áp út. Nó vướng tòn ten trên nhánh cây sộp bị bom cắt ngả nghiêng. Vuốt cánh tay vô hồn xanh xao lạnh giá, mở bàn tay chưa kịp cứng các ngón, úp mặt vào lòng bàn tay đồng đội, Trảng gào lên như thú hoang…

Tai họa ập xuống, toàn thân Trảng như tê liệt. Tay chân anh nhấc lên không muốn nổi. Bỏ đồng đội nằm vương vãi, tìm đường trở lại đơn vị ư? Không, không thể. Ý thức bảo anh phải làm một điều gì đó, làm một điều gì đó đi. Kiếm, dao, rựa… đồng đội dùng cắt thịt voi cũng nằm vương vãi. Lan man trong vô thức, Trảng nhặt các thứ còn dùng được. Một mình anh đào đào, cuốc cuốc. Mất dần khái niệm thời gian, không ánh mặt trời, không bóng người, khu rừng lờ mờ sáng tối. Không biết mất bao lâu, cuối cùng Trảng cũng gom được xương thịt đồng đội đưa xuống hố chôn. Anh chôn đầu voi trong một hố riêng. Đánh dấu mộ người mộ voi xong, Trảng tìm đường quay lại đơn vị. Đi ròng rã mấy ngày trời, giữa vùng rừng bị bom san thành bình địa, Trảng vẫn không cách nào tìm ra dấu vết đơn vị. Đi lòng vòng đã đời không ngờ lại quay về hố chôn đầu voi và đồng đội. Bom cày xới làm Trảng mất hết phương hướng, anh đứng cúi đầu trước vong linh đồng đội: “Thôi đành vậy, trời muốn tao ở lại với chúng mày”.
*
*    *
Đêm đầu tiên ngủ bên mộ đồng đội quả là đêm rùng rợn nhất đời Trảng. Đêm rừng đen kịt. Bóng đom đóm lập lòe như ma trơi. Thỉnh thoảng gió lay những vòm lá xạc xào trong tiếng cú rúc nghe đến rợn người. Nằm gối đầu lên những ngôi mộ, Trảng nghe lạnh toát cả người. Cảm giác lạnh mỗi lúc mỗi khác nhau. Không chịu nổi sự buốt giá của rừng, Trảng xoay người nằm úp mặt xuống đất. Anh nghe tiếng ai đó gọi tên mình. Trảng da nâu. Trảng thiện xạ. Một tràng cười rộ lên. Giọng cười âm âm tắt dần tắt dần. Trảng muốn xoay người nằm ngửa để định hướng phát ra tiếng nói nhưng không cách nào xoay được. Người anh trình trịch, như có một khối gì rất nặng đè lên. Trảng da nâu. Trảng thiện xạ. Thịt voi. Thịt voi. Thịt voi. Lao xao lao xao. Tiếng nhiều người nói với nhau không rõ. Chịu không nổi, vẫn úp mặt xuống đất, Trảng hét lên. Thôi đi chúng mày. Thôi đi chúng mày. Thôi đi chúng mày. Rừng thâm u lặp lại. Thôi đi chúng mày. Thôi đi chúng mày. Thôi đi chúng mày. Trảng cứng người như có ai đó đang đè lên.

Công việc đầu tiên của ngày hôm sau là tìm súng. Ba mươi mốt cây súng của ba mươi mốt người hẳn cũng còn xài được ít nhất một cây. Có thể chúng bị vùi đâu đó dưới lớp đất rừng vừa bị bom cày nát. Đào bới cả ngày, sau khi chọn lựa, lắp ráp, sửa sang, Trảng được một cây hoàn chỉnh. Anh thịt một chú chồn rồi tìm đá đánh lửa. Lửa được đốt lên, có ngay sau đó một con thui vàng rượm ngon lành đặt lên mộ đồng đội. Một cơn lốc bất chợt ào qua, món thui bị xoáy bay lên cao dần rồi mất hút. Được “thử lửa” sau đêm rùng rợn đầu tiên, Trảng đã bớt ngạc nhiên và ít sợ hãi hơn, anh lầm bầm: “Các bố đừng chơi xấu nhé, tớ cũng đói run cả người”. Nói vậy nhưng bụng rỗng vẫn hoàn rỗng. Chiều, Trảng gom số bi đông cóp nhặt được mang đến một khe nhỏ hứng nước. Tay anh cứ lóng cóng trầy trật mãi, cả giờ sau vẫn chưa được giọt nào. Anh bực mình hét lên. Thôi đi chúng mày cho tao xin. Rừng thâm u đáp lại. Thôi đi chúng mày cho tao xin. Mắt anh bắt đầu ầng ậc nước như đứa con gái hay mè nheo. “Hiệu ứng” ẻo ợt, yếu đuối mà thằng con trai mạnh mẽ là anh chưa bao giờ mắc phải. Thật lạ kì, sau khi anh gào lên thì mọi việc trở lại bình thường. Anh hứng nước đầy hết các bình rồi uống thỏa thuê một mình. Uống bằng no. Uống bằng thích. Uống để lấp đầy sự trống trải tột cùng trong anh. Uống để gào lên khóc như cha chết. Cảm giác đơn độc, bất lực giữa rừng thật khủng khiếp. Anh có tật mắt ầng ậc nước mỗi khi xúc động bắt đầu từ lần đi lấy nước này.
*
*    *
Đợt bom hung hãn cũng cướp mất chiếc la bàn của nhóm đi lấy thịt voi, đào xới tìm kiếm mãi không thấy, cuối cùng Trảng quyết tâm cắt rừng tự đi. Nhưng cũng không cách nào ra khỏi rừng được, bao nhiêu lần đứng trước mộ chào đồng đội, bao nhiêu lần tự nhủ đi không bao giờ quay lại, luẩn quẩn rồi chân cũng đưa về nơi Trảng và đồng đội thịt voi - nơi mà anh đã tự đặt là nghĩa trang Đầu Voi. Nhiều khi quay về lúc nửa đêm, Trảng nằm ườn trên mộ đồng đội. Muốn khóc lóc, hú hét cho lòng hết u uất mà không khóc lóc, hú hét nổi. Anh lại gào lên giọng khô ran. Không cho tớ ra khỏi rừng, bây giờ chúng bây muốn gì. Rừng thâm u nhạo lại ngạo nghễ. Không cho tớ ra khỏi rừng, bây giờ chúng bây muốn gì rồi im bặt lạ lùng. Mọi thứ tịch không. U uất như chính lòng Trảng. Nói gì đi chứ. Anh gào lên như lần đầu sợ hãi. Rừng đáp trả. Nói gì đi chứ. Nói gì đi chứ. Nói gì đi chứ. Anh òa khóc như đứa trẻ, chán chê lăn ra ngủ ngon lành đến khi mặt trời xuyên những tia nắng đầu tiên qua kẽ lá.

Dù muốn dù không, Trảng cũng phải quen dần với cuộc sống “Robinson” của mình. Anh dựng một chòi nhỏ trên chạc ba cây sộp cạnh mộ đồng đội để che nắng che mưa. Tay thiện xạ như anh không lo chuyện thức ăn giữa rừng với bao nhiêu loài thú nhỏ và cây lá sum suê. Sợ hết mớ đạn mót được sau trận mưa bom, anh chỉ dùng súng khi thật cần thiết. Thường chỉ để tự vệ trước những loài thú lớn nguy hiểm như gấu, sói, heo rừng. Còn lại, Trảng chuốt tre, lắp một cây cung, hàng ngày vót tên để bắn. Cứ vậy, anh sống lay lắt ngày đêm trong bộ quần áo rách bươm và mớ tóc dài quá lưng rối bùng gớm ghiếc. Ngày Trảng đi săn thú, hái rau. Đêm ngồi trên mộ đồng đội nghĩ về thế giới bên kia, anh vẫn nghe họ cười nói với nhau nhưng không rõ họ nói gì và tại sao lại cười. Chỉ biết rằng họ đang lởn vởn quanh anh. Họ không bỏ anh đi đâu cả. Những đồng đội chí tình chí cốt. Thỉnh thoảng giữa giấc ban đêm anh lại nghe âm âm vọng về. Trảng da nâu. Trảng thiện xạ. Trảng da nâu. Trảng thiện xạ. Vậy thôi. Ma là vậy đấy. Ma có gì đáng sợ nhỉ. Nằm gác tay lên trán, tự suy luận từ những kiến thức đã học đã đọc, Trảng nghĩ người chết nói được là chuyện bình thường. Người chết, cơ thể không còn hoạt động được, vậy thì nhận thức họ đi đâu. Nhận thức của mỗi người được quyền tồn tại theo một cách riêng nào đó chứ. Nhà Phật gọi nhận thức của người không còn vỏ bọc cơ thể là linh hồn. Với một nhận thức quá mạnh mẽ thì gọi là linh hồn không siêu thoát. Thiếu vỏ bọc càng lâu, linh hồn càng yếu đi và đến một lúc nào đó sẽ tiêu diêu thành sương khói. Bảo đấy là siêu thoát. Ngày thơ bé thì hoang mang, còn bây giờ Trảng tin. Tin sư thầy ở ngôi chùa cổ làng anh nói chuyện được với người chết. Mỗi người có một tần số cảm nhận riêng. Khi tần số của sư thầy bắt được tần số của người chết thì họ lại gặp nhau. Cũng như đêm đầu tiên tuyệt vọng nằm trên mộ đồng đội, anh đã nghe họ cười nói xôn xao.

Làm “Robinson” chưa được bao lâu, khu rừng nơi Trảng ở lại bị cày xới lên. Là bom đạn. Dăm chặng bộ đội hành quân cắt rừng bị máy bay địch phát hiện. Đôi lần hai bên xáp lá cà chớp nhoáng. Để an toàn trước mưa bom bão đạn, Trảng cũng đào công sự. Anh cũng nấp và chiến đấu cùng bộ đội. Lạ một điều, Trảng không bao giờ kịp nhập bọn cùng họ sau mỗi trận chiến đấu. Tiếng bom dứt, tiếng súng ngơi đi, Trảng lật bật chạy theo những người sống sót, nhưng cách nào anh cũng bị “cắt đuôi” hoặc “mất dấu”. Đôi chân không thường xuyên hành quân, trận mạc của anh đã trở nên chậm chạp rồi chăng? Hay anh đã trở thành người lính cổ tích trong chiến tranh? Đứng chôn chân giữa rừng, nghĩ ngợi vẩn vơ một chập, Trảng lắc đầu xách súng quay về nghĩa trang Đầu Voi. Trận nào cũng còn sót lại vài tử thi. Khi toàn quân ta. Lúc toàn quân địch. Khi cả địch cả ta. Thế là dao rựa trong tay, anh đào hố chôn. Địch một bên và ta một bên. Trảng trồng những bụi cúc rừng tím biếc trên mộ cả hai bên. Xong lại xoay ra nhặt chiến lợi phẩm. Súng đạn. Giày dép. Đôi khi còn sót lại ít thức ăn khô. Đêm. Trảng lại nghe những người mới chết nói chuyện lao xao. Cả cười. Cả khóc. Trảng đã quen dần với âm u tử khí. Và anh không còn sợ nữa. Chỉ mong ngóng một ngày nào đó, sẽ được gia nhập đoàn quân bất kì đi qua nghĩa trang Đầu Voi. Nhưng điều này dường như càng ngày càng không thể. Đêm đêm anh vẫn ngóng nghe tiếng súng, tiếng đại bác rền vang dội về nhưng có vẻ xa lắm. Rất xa. Chiến tranh đã lùi xa đâu đó. Chiến tranh bỏ lại anh giữa rừng.

 
dau cham treo
Minh họa: Lê Minh Hải

Nhiều lúc ngồi ngẫm sự đời, Trảng giật mình thảng thốt. Anh đếm đi đếm lại số mộ trong nghĩa trang Đầu Voi. Một trăm mười chín. Trừ mộ tập thể đồng đội đi lấy thịt voi, số còn lại có đến hai phần ba là quân địch. Anh đã trở thành một quản trang bất đắc dĩ tự bao giờ. Sống mãi với hồn ma bóng quế riết cũng quen. Đêm nào không nghe họ nói cười xôn xao bỗng nhớ. Nhưng dấu ấn cuộc sống giữa rừng của Trảng chỉ thật sự bắt đầu từ ngày xuất hiện Henry. Tên lính thủy đánh bộ Mĩ to con có hàm râu rậm rì vàng hoe như râu bắp đột ngột xuất hiện như từ trên trời rơi xuống. Trảng nhớ, bữa ấy anh đang thịt một chú gà rừng thì nghe tiếng sột soạt trong đám cây rậm rạp sau lưng. Anh bỏ con mồi, rút tên lắp vào cung rồi từ từ đứng lên. Roạt roạt roạt, ba mũi tên liên tiếp cắm phập vào đám cây. Một tên Mĩ đứng xồ lên, hai tay gã đưa cao quá đầu:

- Tôi, tôi đây, xin… xin đầu hàng, đừng… đừng bắn!

Trảng ngớ ra một giây trước thằng Mĩ nói tiếng Việt quá giỏi. Nhưng rồi cảnh giác ngay:

- Đứng yên đó, bước tới tao bắn chết!

Lục lọi tên hàng binh, Trảng thu được một thẻ bài, một quyển sổ trắng, một cây bút và mấy cái kẹo cao su. Tuyệt nhiên không đạn dược, súng ống. Trảng hất hàm:

- Mày từ đâu đến?

- Tôi là lính thủy đánh bộ Mĩ bị lạc rừng, đồng đội tôi bị các ông diệt hết rồi…

- Mày đi lạc mấy ngày rồi?

- Từ hôm ông thịt con thỏ xám có chấm trắng ở tai.

Trảng khó chịu nhíu mày nheo mắt nhìn tên Mĩ:

- Vậy phần nửa con thỏ bị mất là do mày?

- Yes, tôi đói quá, sorry ông, ông Vi - xi.

- Còn sao hôm nay mày cứ sột soạt trong bụi cây?

- Kiến, những con kiến vàng rất to, thưa ông Vi - xi.

Theo ánh nhìn tên Mĩ, Trảng thấy lũ kiến lũ lượt nối dài trên các thân cây, có lẽ do mớ xương gã vứt vương vãi sau khi “chén” món thịt rừng trộm của Trảng.

Ba ngày đầu biết nhau, với tư thế người chiến thắng, Trảng lấy dây rừng quấn chặt Henry vào thân cây dầu to tướng. Chiều về, Trảng thịt được con thú nào lại mở trói cho gã, để gã cùng “vào bếp”. Ăn uống xong lại trói gã vào cây một cách cẩn thận. Đêm ngủ gã cũng bị trói. Sáng ngày thứ tư Henry bị bắt, khi Trảng vác cung tên đi săn thú như thường lệ thì Henry đuổi theo:

- Trỏn, Trỏn…

- Chi?

- Ông quên trói tôi vào gốc cây rồi?

- Chi?

- Tôi là hàng binh mà!

Trảng khựng lại, ngớ ra với cuộc sống nguyên thủy giữa rừng rồi ôm bụng cười rũ rượi :

- Thôi, tha bổng cho ông, kể từ lúc này, ông muốn đi đâu thì đi!

- Trỏn cho Henry đi săn thú với!

- Tại sao tôi tha cho ông mà ông không đi?

- Vậy thì Trỏn trả lời đi, tại sao Trỏn không về với đơn vị mình mà cứ bám mãi những ngôi mộ này?

Trảng không trả lời, lầm lì đi trước, Henry lùi lũi theo sau.

Sau bữa ăn tối hôm ấy, hai người nằm nói chuyện giữa những ngôi mộ vây quanh. Henry cho Trảng biết, nơi họ đang nằm là vùng oanh kích đặc biệt của các phi đội Mĩ. Bởi đây là nơi án ngữ vị trí hết sức độc đáo, các thầy phong thuỷ bảo nó có thế như một đầu rồng rậm râu, người vô tình lạc vào thì không bao giờ biết đường ra. Chỉ những người sành đường từng sống lâu năm ở miền sơn cước mới tìm được lối.

Từ ngày có Henry, đời sống Trảng giữa rừng bỗng có ý nghĩa hơn. Anh không còn theo kiểu được chăng hay chớ, mà đã có ý thức tích lũy mọi thứ cho ngày mai ngày mốt. Chắc chắn, sẽ có một ngày Trảng và Henry tìm được đường ra khỏi rừng. Sức mạnh của cuộc sống bầy đàn là thế. Trảng dạy Henry kinh nghiệm săn bắn hái lượm. Ngược lại, Henry dạy Trảng học tiếng Anh. Nhờ có quyển sổ và cây bút để ghi chép nên Trảng học rất nhanh. Rừng ngang nhiên cướp đi một thời tuổi trẻ của họ. Bù lại, khái niệm thời gian giữa họ được tính bằng kinh nghiệm đi rừng của Henry và khả năng tiếp thu ngoại ngữ của Trảng. Thời gian giữa họ còn được tính bằng những câu chuyện quê nhà xa lắc xa lơ. Trảng còn ba mẹ yêu thương cày sâu cuốc bẫm trên cánh đồng đì đùng sấm giật tháng năm. Trảng mơ có một ngày đường hoàng bước chân ra khỏi rừng, trở về quê làm cho cô em út cánh diều ngũ sắc, cánh diều đẹp nhất đồng bằng Bắc Bộ quê anh. Henry chỉ còn mẹ, người phản đối chiến tranh Việt Nam bằng vạn vạn bước chân tuần hành quanh Nhà Trắng. Henry mơ một hòa bình Việt Nam để tìm lại cô gái quê dừa Tam Quan có nụ cười quyến rũ hơn tất cả nụ cười của phụ nữ trên thế giới này cộng lại. Anh sẽ được se duyên kết tóc cùng cô trong đồng phục áo dài khăn đóng. Học và nói tiếng Việt thật giỏi là ước mơ trở thành nhà Việt Nam học của Henry. Tuy nhiên, lăn dài theo cuộc chiến, tiếng Việt chỉ được Henry dùng trong những tình huống đụng độ chiến binh Vi-xi như đụng độ Trảng để tìm con đường sống.
*
*    *
Từ hôm về lại quê, người Trảng không được khỏe, lúc nào cũng hâm hấp sốt. Chiều nào anh cũng nhờ cô em gái làm cho một mâm rượu thịt mang ra sau vườn cúng rồi mời Chiến sang ngồi đối ẩm.

Chiều nay cũng vậy, ngồi uống rượu với bạn xưa nhưng anh cứ thấy mình lơ mơ nhớ những chuyện không đến đầu đến đũa. Nhớ ngày thơ bé đi sau mẹ gánh thóc về nhà kẽo kè kẽo kẹt. Nhớ đêm tắm truồng với lũ bạn chăn trâu bên bờ sông bát ngát ánh trăng. Nhớ mái tóc thơm mùi bồ kết của mối tình đầu áp vào ngực anh rấm rứt ngày li biệt…

- Này, ông Trảng, tôi thấy “bệnh quên” của ông có vấn đề đấy nhé, chưa hết hẳn đâu, cứ tha tha thẩn thẩn thế nào. Hay là sắp xếp đi, ngày mai tôi đưa ông ra Hà Nội khám?

Giật mình quay trở về thực tại, Trảng nhấp một chút rượu rồi gật gù trả lời Chiến:

- Tôi chưa bao giờ bị bệnh quên ông ạ.

- Ông lại lẩm cẩm nữa rồi…

- Không, thật sự là tôi chưa bao giờ bệnh quên, ông là người duy nhất tôi nói cho biết bí mật này đấy, tất cả chỉ là do tôi sợ và do tôi rất… rất… rất buồn cười.

Ấp úng xong câu nói tưởng như khó nhất đời mình, Trảng ngửa mặt cười khùng khục. Chiến ngẩng nhìn ông bạn chiến đấu bắt đầu bước vào tuổi già với nỗi niềm vu vơ mệt mỏi.

- Ông nói vậy là sao, Trảng?

Đánh ực một chung rượu, Trảng khề khà đưa tay vuốt ngực:

- Tôi có cảm giác mình sống không bao lâu nữa ông ạ.

- Vớ vẩn, còn ẩn ức gì trong ông?

Trảng nhìn xa xăm, ánh chiều vàng vọt hắt nơi cuối vườn bên rặng tre xào xạc gió, bỗng ôm mặt khóc hu hu:

- Tối nào tôi cũng mơ thấy bọn chúng về đòi ăn.

- Bọn nào?

- Vừa ba mươi thằng đi lấy thịt voi, vừa vài mươi thằng địch, ta có đủ, cả thằng Henry lúc nào cũng nhìn tôi cười ngạo nghễ. Phải mang tất cả chúng nó ra khỏi rừng thôi ông ạ.

- Tất nhiên, may nhờ ông khỏi bệnh quên nên mới nghĩ ra cái điều phải đón họ về. Ông còn nhớ cánh rừng đó không?

Vừa khụt khịt mũi Trảng vừa trả lời:

- Không, làm sao tôi nhớ được. Chỉ có điều… Ông ngồi đây đợi nhé, tôi vào nhà một chút.

Trảng quay ra với quyển sổ bé bằng bàn tay, bìa sổ loang lổ những vết vàng xám mốc:

- Đây, quyển sổ này của Henry, những ngày sống với nhau giữa rừng, nó dạy tôi ghi chú các mốc cần nhớ để quay lại nghĩa trang Đầu Voi.

Chiến nheo mắt xem thật cặn kẽ hai trang ghi chú dầy đặc những kí hiệu:

- Đã làm được cẩn thận thế này, sao ngày ấy ông và Henry không cố tìm lối ra?

- Vấn đề ở chỗ này. Tôi tin ba mươi thằng đi lấy thịt voi không muốn tôi bỏ chúng. Có một con suối men theo những gốc cây cổ thụ ở khu vực nghĩa trang Đầu Voi nhưng không bao giờ chúng tôi thấy được nó. Cũng không hiểu tại sao nữa. Mãi đến khi tôi gặp tù trưởng và các tùy tùng ở làng Manky trên ngọn núi Samsao gần đấy, họ đưa tôi ra khỏi rừng bằng cách men theo con suối ấy thì tôi mới biết. Bây giờ, nếu ta trở lại, trước tiên ghé làng Manky, nhờ người làng đưa đến con suối ấy, cầm quyển sổ này trong tay tất tìm ra nghĩa trang Đầu Voi.

Chiến nhìn Trảng nghi ngờ:

- Sự linh hoạt của ông khi nói về nghĩa trang Đầu Voi mới khiến tôi tin rằng ông không mắc bệnh quên. Vì sao ông nói dối mọi người bao nhiêu năm qua?

Trảng gục xuống ôm đầu:

- Ngày ấy tuổi hai mươi, tôi thèm khát sống một cách bản năng. Cảm giác bị giam lỏng giữa rừng một thời gian dài với đầy rẫy những xác chết cực kì khủng khiếp và bi thảm. Tôi chỉ muốn ra khỏi rừng bằng mọi giá. Nếu thật thà khai báo, tôi sợ người ta nghi ngờ tôi theo giặc với bùng nhùng hàng trăm ngôi mộ địch, ta lẫn lộn…

- Nhưng ông vẫn có thể giả vờ quên nghĩa trang Đầu Voi, tìm về đơn vị khai lạc rừng để làm lại hồ sơ?

- Ai tin tôi? Tưởng các ông chết sạch rồi. Với lại, ông không tưởng tượng được đâu, lúc ra khỏi rừng sau mấy năm sống đời rừng rú, tôi là một thằng chết nhát và hoang dã, chỉ muốn yên thân, không muốn liên quan gì đến bộ đội và chiến tranh nữa. Mọi thứ cảm nhận đều rất mù mờ. Mãi sau này, khi vợ con ổn định, không đêm nào tôi không mơ thấy chúng nó và Henry trở về…

- Henry chết vì bệnh sốt rét phải không?

Trảng khựng lại một giây, rồi ngần ngừ:

- Thật ra thì tôi giả vờ bệnh quên cũng là một cách muốn chôn vùi chuyện này, muốn quên hết những ngôi mộ địch ta lẫn lộn mà không tin có ngày sẽ được người ta tin mình.
*
*    *
Dù muốn dù không, Trảng và Henry cũng có chung một ngày định mệnh.

Ngày đi săn, bắn được một con nai khá to, hai người thay phiên nhau vác về chòi. Đến phiên Henry vác, không biết bẵng nhẵng thế nào lại bị lọt hố. Thật không vui chút nào khi đấy là một cái hố lầy. Thảm lá mục bên trên mặt hố bị Henry quần nát, dần lộ ra một lớp bùn đen sền sệt, sủi bọt li ti. Xác con nai chiến lợi phẩm chìm hút dưới lòng hố, chứng tỏ nó rất sâu. Đứng phía trên, Trảng loay hoay tìm mọi cách để cứu Henry, nhưng cách nào cũng thất bại. Cành cây quăng xuống cho Henry nắm lấy, nhưng Henry nặng quá, anh kéo không nổi, ngã lăn quay. Mỗi lần như thế Henry càng lún sâu hơn. May còn có một nhánh cây mọc vươn ra từ thành hố cho Henry bám vào. Với sức nặng của Henry, Trảng cũng không chắc, rễ của nhánh cây đó còn bám vào thành hố được bao lâu nữa. Ngó quanh các thân cây để tìm dây, Trảng chợt phát hiện ra cuộn dây thừng, có lẽ của một thợ rừng nào đó bỏ quên rất lâu trong hốc cây. Reo lên mừng húm, anh nghĩ sẽ bung sợi dây thừng ấy ra, cột một đầu dây vào gốc cây, đầu dây còn lại quẳng xuống cho Henry, thế là sống. Nhưng khi Trảng thò tay vào, đầu sợi dây bỗng ngúc ngoắc, con rắn màu trắng xám dài ngoằng phóng vọt ra. Hốt hoảng xoài người né tránh, lớp lá mục dưới chân trơn trượt khiến Trảng té lăn quay. Anh cảm thấy mệt, mệt lả người. Thế là nằm luôn. Cách chỗ Trảng nằm không xa, tiếng help me help me help me kêu cứu của Henry đuối dần... Mệt mỏi, Trảng xoay người nằm úp trên lớp lá khô, rồi thiếp đi lúc nào không biết. Dậy dậy, cứu người cứu người... Lại tiếng oan hồn lao xao, Trảng bật ngồi dậy, phóng đến bên miệng hố. Henry đã biến mất tăm, nhánh cây mọc từ thành hố bị bung gốc cũng đang chìm dần dưới lớp bùn sền sệt đang sủi lên lớp bọt như bong bóng mưa, mặt hố xông lên mùi hăng hắc cực kì khó chịu. Bỗng đâu một trận trốt cuộn về, người ta gọi là trốt hốt, hàng đống lá cây cứ bay tròn bay tròn quanh Trảng như làm xiếc. Anh chạy, cắm đầu mà chạy, đồng đội vẫn gọi đuổi theo anh, Trảng thiện xạ, Trảng da nâu, da nâu da nâu da nâu âu âu âu...

Sau đó không lâu, cố quên đi cái chết đầy ám ảnh của Henry, Trảng lại vác súng và cung tên đi săn. Ngày đẹp trời, khi đến khe nước chảy róc rách với vô số bụi cây lá mọc ken dày, bỗng dưng Trảng nghe tiếng bước chân đến gần. Tim anh đập loạn xạ, người anh run bắn lên. Người. Có người. Lâu lắm rồi, sau Henry, Trảng mới lại gặp người bước vào rừng bằng những bước chân không tiếng súng. Nhóm ba người lù lù tiến về phía anh, thân thể họ trang bị đầy giáo mác. Người có vẻ trưởng nhóm hất hàm hỏi:

- Thằng người vượn kia, mày ở đâu ra lớ?

Chầm chậm nhìn lại thân hình gớm ghiếc đầy râu tóc lông lá của mình, Trảng trả lời có phần hồi hộp:

- Tôi... tôi không phải người vượn, tôi là bộ đội giải phóng…

- Láo, bộ đội giải phóng sao giờ này còn ở trong rừng, bầy nó về giải phóng Sài Gòn lâu rồi mà, nói thật đi, nói láo để làm chuyện ác, Giàng không tha mày đâu!

- Thật, thật mà, tôi là bộ đội giải phóng bị lạc rừng lâu lắm rồi.

- Có gì cho miềng xem để biết mày là bộ đội giải phóng?

Suy nghĩ lóe lên trong đầu Trảng như một ánh chớp, phải phục tùng đám người này bằng mọi giá để theo họ thoát ra khỏi rừng. Nhớ đến đống chiến lợi phẩm thu được sau mỗi trận bom còn để ngổn ngang nơi góc chòi, Trảng mừng hú tim:

- Tôi có chiếc mũ sao, có ba lô anh bộ đội, có đôi dép Bình Trị Thiên của Bok Hồ... Các ông, các ông hãy đưa giúp tôi ra khỏi rừng, tôi sẽ cho các ông tất cả.

- Được, bộ đội Bok Hồ hả, đưa miềng xem hết mấy cái mày nói lớ, xem để biết mày không phải là người xấu thôi, chớ tụi miềng không ham cái mày cho đâu. Xem rồi, thấy rồi mới tin mà đưa mày ra khỏi rừng được lớ!

- Những thứ ấy để trong chòi xa lắm, các ông đợi ở đây, tôi chạy đi lấy trình các ông được không?

- Được, tụi miềng chờ ở đây, mày là Fulro hay theo giặc Mĩ mà nói láo là chết đó lớ. Cho thằng này đi theo nó.

Trảng lập cập quay về chòi cùng một tráng binh người dân tộc. Anh chạy như bay phía trước, người tráng binh rong ruổi chạy theo sau với giáo mác lùm xùm một bên vai. Lòng Trảng hớn hở như đứa trẻ vừa được mẹ cho quà. Không biết bao nhiêu năm đã trôi qua, cuối cùng miền Nam cũng được giải phóng, cuối cùng anh cũng được ra khỏi rừng.
*
*    *
Ngày mọi người chuẩn bị lên rừng quy tập hài cốt ở nghĩa trang Đầu Voi cũng là ngày gia đình đưa Trảng đi cấp cứu. Chuyến đi phải hoãn lại. Trảng bị lên cơn mệt dữ dội, môi tím tái, tay chân co giật, đồng tử giãn. Đến rạng sáng hôm sau thì anh mất, hồ sơ bệnh án ghi: vỡ tim. Dân quê làng anh bảo bác sĩ ghi vớ vẩn, làm gì có bệnh vỡ tim, nhồi máu cơ tim thì có. Ngày xưa đi đánh giặc ùng oàng, tim Trảng còn chưa vỡ nữa là. Chiến cũng là dân quê nhưng anh tin bệnh án ghi chính xác. Ngày đưa bạn ra nghĩa trang, anh bốc một nắm đất rải trên quan tài: “Ông đi cùng chúng tôi lên nghĩa trang Đầu Voi đón mọi người về nhé, Trảng!” 
 
T.T
 

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)