Cuộc đời chị Tấm

Thứ Tư, 26/07/2017 09:01
. LÊ TUẤN LỘC

“Trong đời em không bao giờ quên cái lần đầu tiên em gặp anh ấy”.
Chị bắt đầu câu chuyện với tôi bằng một nụ cười. Nụ cười chứa chất những yêu thương, lo toan vất vả và cả sự e thẹn của... lần đầu ấy. Giọng chị rủ rỉ. Cái rủ rỉ của người quen nhẫn nhịn, tảo tần, chịu thương chịu khó. Ngày ấy, chị là hộ lí phục vụ ở trại điều dưỡng thương bệnh binh nặng Ninh Bình. Một hôm, đang đứng tiêm cho thương binh nặng, chị bỗng giật thót mình vì ai đó ghì xiết từ sau lưng. Chưa hiểu chuyện gì thì một bàn tay đã túm lấy áo choàng trắng, một tay luồn nhanh vào ngực chị. Chị hoảng hồn vằng mạnh ra và quay lại nhìn. Người đó là Đinh Công Truật - một thương binh tâm thần của trại. Trên tay anh lúc ấy, là cái áo con vừa lôi được từ ngực chị. Anh giơ nó lên cao vung vẩy cười hì hì. Chiếc áo blouse bị rách toạc một miếng hở cả ngực khiến chị ngượng chín mặt. Vùng ra được khỏi tay anh, chị bỏ chạy, miệng hô lớn: Cứu tôi với, cứu tôi với! Lập tức một nhát gậy phang vào đầu, vào má chị. Máu bật ra. Một người chạy đến ôm được anh thương binh nặng và dúi anh ngồi xuống. Một người khác dùng chăn ga màu cỏ úa trùm lên đầu để anh không định hướng được vị trí của chị. Anh ngồi im. Bác sĩ trưởng khoa tập trung hộ lí lại và đè anh nằm xuống, tiêm thuốc an thần. Độ mười lăm phút sau thì anh ngủ được...

Với Trung tâm, hiện tượng thương binh lên cơn động kinh la hét, đập phá là chuyện thường tình, không có gì lạ. Nhưng chuyện xảy ra với chị thì quá bất ngờ và dữ dội. Vết thương trên mặt chị không nặng lắm nhưng là một cú sốc mạnh về tinh thần. Đêm đó chị nằm chong chong. Chị muốn xin chuyển đi khỏi đây. Vất vả chị chịu được nhưng trận đòn rồi xé áo như vừa rồi khiến chị kinh sợ. Những năm ấy, do chiến tranh ác liệt, thương binh thần kinh ngày một nhiều, có lúc riêng khoa của chị lên đến hai trăm người, chật cả trung tâm.

 Sau một ngày xin nghỉ làm để ổn định tâm lí, ngày tiếp theo chị đi làm. Đang ở phòng bệnh nhân, thì có ai đó từ phía sau kéo áo. Chị quay lại nhìn. Vẫn là anh Truật. Chị tái mặt sợ quá định bỏ chạy. Anh Truật túm áo làm chị không thể đi. Nét mặt thẫn thờ, nước mắt rưng rưng, anh khóc như một đứa trẻ con. Thương tình chị đứng lại. Không lên cơn động kinh, anh hiền lành và dễ thương vô cùng. Anh buông áo chị ra, quỳ xuống, hay tay vái lia lịa như vái Phật. “Bác sĩ ơi, em xin lỗi việc xảy ra hôm rồi. Xin lỗi! Xin lỗi!”. Anh ta nhiều tuổi hơn chị nhưng cứ một điều hai điều xưng em làm chị ngượng và lúng túng không biết xử lí thế nào. Chị nhìn anh ta. Trông anh thành thật và chân thành như người thú tội trước chúa, chị cũng không cầm được nước mắt. Chị cầm tay anh. “Không sao đâu anh Truật. Em không phải bác sĩ, em là hộ lí. Những hi sinh xương máu của các anh với Tổ quốc còn lớn hơn nhiều so với việc phục vụ của bọn em. Mà vết thương trên má em cũng nhẹ thôi, sắp khỏi rồi. Anh yên tâm đi nhé!”. Con người ta khi lên cơn động kinh thì có biết gì đâu. Anh cũng không nhớ mình đã có hành động sàm sỡ. Sở dĩ anh biết là do các bác sĩ kể lại.

Sau đó, cứ mỗi lần chị đến tiêm cho bệnh nhân là anh lại lân la đến. Khi thì nghe chị nói chuyện, lúc anh kể về những trận chiến đấu của mình ngoài mặt trận. Anh giúp chị bưng khay thuốc đến các giường bệnh nhân. Đôi lần, chị thấy anh nhìn mình bằng ánh mắt rất lạ. Linh tính bảo chị rằng anh có cảm tình với chị. Chuyện ấy chị cũng cho qua luôn vì nó cũng thường tình. Con trai, tuổi đang xuân, thích con gái là chuyện đương nhiên. Mình không thích thì thôi. Hơn nữa, ấn tượng lần đầu tiên anh ôm chị sàm sỡ khiến chị không thể quên được.

 
gia dinh

Một hôm, anh Truật đang ngồi chơi ở vườn hoa bệnh viện, chị đi qua. Trông thấy anh, chị dừng lại hỏi chuyện. “Anh hôm nay có khỏe không? Đêm qua ngủ được không anh?”. Anh vui vẻ. “Tốt lắm em ạ. Anh ăn uống tốt và ngủ tốt”. Không khí chan hòa thân mật, chị đùa anh. “Anh có muốn lấy vợ hộ lí không, em làm mối cho?”. Giả vờ như không để ý đến câu hỏi của chị, anh bảo. “Tấm ơi, anh có chuyện muốn nói với em”. Chị cười vui vẻ. “Chắc lại thích cô nào chứ gì? Cứ bảo em, em sẽ nói nhỏ hộ cho”. Mặt anh chợt bối rối, ấp úng một chút anh ngẩng lên nhìn thẳng vào chị. “Anh muốn lấy em làm vợ. Em có đồng ý không?” Chị giật mình, phản xạ chợt bật ra, chị xua tay. “Em không dám lấy chồng đâu. Để em làm mối cho anh một người khác nhé!”

Thế nhưng câu chuyện bất ngờ ấy đã khiến chị suy nghĩ cả đêm...
Cánh thanh niên ở khoa thương binh nặng và tôi nghe chị kể cười rũ rượi vì cách tỏ tình thẳng băng rất lính ấy. Và quan trọng lúc đó có cả anh Truật, nhân vật của câu chuyện, chồng chị, ở cạnh mủm mỉm cười ngầm xác nhận những gì chị vừa kể. Sau vài câu đùa tếu, mọi người giục chị kể tiếp.

“Cứ tưởng mọi chuyện chỉ dừng lại ở đấy, ai dè một hôm, bác giám đốc trung tâm tới gặp em vận động: Cháu lấy anh Truật được đấy. Bác Hồ đang vận động chị em phụ nữ lấy chồng thương binh. Mình lấy thương binh là nghe lời Bác Hồ dạy. Nghe giám đốc nói vậy, em bắt đầu thấy lung lay. Em nói chuyện này với bố mẹ nhưng các cụ một mực không đồng ý. Em thì cũng không còn trẻ. Mà thực ra, bình thường không lên cơn động kinh thì anh ấy cũng khỏe mạnh và cái cơ bản nhất, anh ấy là bộ đội, lại cùng quê và rất hiền lành. Sau nhiều ngày suy nghĩ, em quyết định sẽ gắn bó cả đời mình với anh. Ý em đã quyết nên bố mẹ cũng đành đồng ý. Đêm tân hôn ấy với em thật buồn và đong đầy nước mắt. Nói ra thì xấu hổ, nhưng vì anh ấy liệt nửa người, tay bị thõng xuống nên để yêu vợ, anh phải một tay chống xuống giường tìm cách vần người lên bụng em. Nhưng rồi, sức yếu quá anh như khúc gỗ lăn kềnh xuống giường. Cái “đàn ông” của anh ấy mềm nhũn không động đậy. Bỗng nhiên, anh ấy mắt long lên sòng sọc, đỏ ngàu. Một tay còn lại của anh giơ lên cao đấm thình thịch vào ngực em đến tức thở! Thật bất ngờ và lại cũng thật vô lí. Nhưng em im lặng. Thấy em im lặng, anh ấy thụi tiếp vào mặt em làm mắt em sưng vù. Em vùng dậy tức tưởi khóc một mình...”

Mắt chị ngân ngấn khi nhớ lại kỉ niệm ấy. Im lặng một chút, chị kể tiếp: “Suốt đêm em không ngủ được. Em ngồi dậy soi gương tự ngắm mình. Tự vuốt ve mình. Cái nõn nà, cái trinh tiết của em để dành cho anh ấy mà như anh ấy không hiểu. Em tủi thân tự thấy tiếc cho tuổi xuân, cho cái trong trắng của mình. Nó để làm gì khi một khi người đàn ông không biết giá trị của nó? Em tấm tức khóc, nước mắt chảy giàn giụa vì thương thân, trách phận. Đã cưới xin hẳn hoi, đã hứa với Đảng và đoàn thể, sẽ có trách nhiệm với anh Truật trọn đời, Bác Hồ bảo phải yêu quý thương binh cơ mà? Em tự an ủi thế rồi lại khóc. Em ngắm nhìn anh ấy sau phút bất lực, lại ngây thơ ngủ ngon lành như không biết có đêm tân hôn, như không biết có người vợ trẻ đang khổ tâm thế nào khi không được thỏa mãn hạnh phúc...”

Những ngày sau tân hôn, chị như người mất hồn. Chị tính sẽ bỏ anh. Bỏ thì chị sẽ bị mang tiếng là bỏ chồng mà mới lấy nhau được mấy ngày. Chi bộ sẽ kiểm điểm chứ đâu phải giản đơn. Ngày ấy, dính đến bỏ thương binh là rắc rối. Bị chi bộ kiểm điểm là to chuyện. Cơ quan sẽ phê bình là thiếu chín chắn vì có ai ép chị đâu, chị tự giác lấy anh đấy chứ. Mà bị mang tiếng bỏ chồng sẽ không lấy được ai trong cơ quan. Chị cũng nhiều tuổi rồi chứ ít ỏi gì. Chị là hộ lí, cơ quan mà cho chị nghỉ việc để thay người khác thì đời chị đến đó chấm dứt. Nhưng lấy anh ấy mà tính khí bất thường và không có khả năng có con thì đời con gái cũng thế là hết.

Anh Truật sau đó thật đáng thương. Anh lấy thuốc bôi mặt cho chị, lại ngồi khóc xin lỗi. Anh nói ấp úng, nghĩ mãi mới được một câu làm chị lại thương. Khi hai vợ chồng ăn cơm, anh gắp thức ăn cho chị bảo. “Em mà bỏ anh thì anh tự tử”. Câu ấy làm chị sợ hết hồn. Không có chị chắc đời anh ấy lại tàn tật về tinh thần hơn là chưa lấy vợ.

Mẹ chị biết chuyện. Bà khuyên chị. “Trước thì mẹ không đồng ý cho con lấy, nhưng bây giờ lấy rồi thì con phải có trách nhiệm. Mẹ lấy bố con ngày trước có biết mặt mũi nhau đâu. Ông bà cưới cho rồi sau này mấy năm mới yêu nhau. Con hãy từ từ”.

Điều khuyên bảo của mẹ làm chị thay đổi ý định bỏ anh.
Khi đã xác định quyết tâm rồi, chị tìm một nữ bác sĩ tâm thần trong trại để xin lời khuyên. Tủm tỉm cười chị bác sĩ bảo. “Yên tâm đi. Em nên tâm lí một chút. Để khơi dậy trí nhớ và tình cảm của người thương binh bị thần kinh phải rất kiên trì và biết kích thích sự hưng phấn ham muốn của họ dần dần”.

Chị làm theo ý kiến của bác sĩ. Vuốt ve, tình cảm để anh vui và ham muốn. Nhiều lần như thế, niềm hi vọng của chị đã được đền đáp. Sau một đêm, nhìn giọt máu nhỏ loang trên tấm vải trải giường, chị bật khóc. Sự trinh tiết của chị dành cho anh đã được đền đáp. Và những đêm sau nữa, anh đã làm cho chị nghẹt thở. Anh cuống cuồng khi chị nhìn anh âu yếm. Khi anh đã nhận ra chị là một người vợ trinh tiết biết chiều chồng thì anh bật khóc. Anh như một đứa trẻ con thổn thức trong lòng chị... Cho đến hôm nay, năm 2017 này, anh chị đã có hai đứa con trai lành lặn, được học hành tử tế. Hai con anh đã lấy vợ, sinh con và ra ở riêng. Chị nhìn anh âu yếm rồi quay sang tôi. “Anh ạ, em không nghĩ rằng anh ấy lại sống được đến bây giờ. Cũng là ơn giời ơn phật”.

Bên ngoài khoa 1, sáng sớm nắng vàng tươi. Vườn hoa giữa sân đủ màu sắc sặc sỡ. Một thương binh đang ngồi một mình. Chợt anh miệng hát tay giơ lên như biểu diễn, một đoạn của bài hát Ta là chiến sĩ giải phóng quân:
“ ...Người chiến sĩ ra đi dù chân không giày mà đầu đội trời ta cứ... đi. Bao tang tóc đang trùm miền Nam yêu dấu... kia! Trước mắt ta quân thù giày xéo, quê hương đang khổ đau...”

Anh bất ngờ ngừng hát, như đang tìm cách nhớ lại những giai điệu đã quên, mắt ngờ nghệch, mơ mộng, anh ngó lên trời cao. Không biết anh thương binh ấy lên cơn hay tỉnh nhưng nghe anh hát giữa vườn hoa, một cảm giác lãng mạn, anh hùng ca chợt rân rân trong tôi. Câu hát gợi nhớ một thời Trường Sơn máu lửa của những bài ca đi cùng năm tháng làm tim tôi sôi sục...

Về mối tình giữa chị Tấm và anh Truật, chị Phạm Thị Hoa, bác sĩ Chủ nhiệm Khoa thương binh nặng Ninh Bình chia sẻ. “Trước chú Truật điều trị ở khoa em. Một năm chú cũng nhiều đợt phải đến đây do tái phát vết thương. Khi đỡ, chú lại về nhà với vợ con và uống thuốc. Chú bảo bọn em, nếu có biểu hiện động kinh thì trói chú lại rồi đưa về trung tâm. Đừng để chú lên cơn đập phá làm khổ vợ con. Chú nói thế làm bọn em rất cảm phục ý chí của chú. Nhưng ai mà dám trói khi thấy chú đau đớn mặt méo xệch, quằn quại trên giường. Cô là tấm gương mẫu mực về tận tình chăm sóc thương binh và dám lấy thương binh. Chú là thương bệnh binh nặng có tinh thần vượt khó, chiến đấu để chống đỡ lại bệnh tật hàng mấy chục năm trời đằng đẵng. Nói thật với anh, khi trong ca trực, thấy chú ấy bị vết thương cũ tái phát vật vã trên giường, cố gồng lên chống lại cơn đau lúc thuốc chưa có hiệu quả ngay, không ai là không quay đi để lau nước mắt.”

Chia sẻ về thời kì khó khăn của hai vợ chồng, anh Truật nói với tôi, giọng chậm chạp và nhỏ nhẹ. “Thời kì bao cấp, cơm không có mà ăn, phải ăn sắn độn, mình thì yếu, đi cuốc ruộng bị ngất suýt chết gục ngoài đồng. Bà con phải khiêng về. Vợ bảo anh không cần làm gì cả. Cứ ở nhà cho khỏe là mẹ con em mừng. Lương anh đã có tiêu chuẩn thương binh nặng là đủ ăn rồi. Nhưng mình thương vợ lương thấp mà con thì còn bé, kinh tế khó khăn, không làm thêm thì lấy gì nuôi các cháu ăn học.”

Về vấn đề giúp vợ con của Truật trong cuộc sống, chị Tấm bảo, anh dù bị thương tật chín mươi phần trăm, xếp loại I với vết thương sọ não còn mảnh đạn trong đầu, liệt một bên người nên tay phải và chân phải tuy vẫn còn nhưng không vận động được, nhưng lao động thì không thua kém ai cả. Những năm bao cấp, thấy chị khó khăn vất vả anh ấy rất thương. Có lần anh bảo chị. “Mình đặt thợ rèn làm cho anh một cái cuốc ngắn, lưỡi cong và nhỏ để anh có thể một tay cầm cuốc, một tay chống nạng.” Theo ý ấy, bác thợ rèn đã làm một cái cuốc đặc biệt, ngắn, nhẹ và nhỏ, tặng không lấy tiền. Hôm anh cuốc thử ở ruộng trồng rau vụ đông, cả làng đến xem. Mồ hôi chảy đầm đìa, máu rỏ đầu ngón tay, anh ngất đi khiến không ai cầm được nước mắt. Không thể mô tả được hết cảnh anh nửa ngồi nửa nằm nghiêng giữa ruộng vụ đông giá buốt, một tay cầm cuốc giơ thật mạnh lên cao, tay kia bị liệt thả bung biêng như cái chân giò lợn treo lủng lẳng ở vai anh. Về sau mọi người cũng quen dần với cảnh một người giở cúi giở ngồi, chiều chiều cuốc đất trồng vụ đông giữa cánh đồng rộng mênh mông. Trông anh như con chuột túi giữa sa mạc châu Phi.

“Anh Truật nhà em có một cách cho con nhỏ ăn thật kì lạ và rất... thương binh”. Chị tiếp tục câu chuyện. “Em đi làm ở Trung tâm, tối mới về. Ở nhà con mới sinh tám tháng trời đói khóc. Anh ấy có sáng kiến lấy tã lót cũ trói một tay con vào bắp chân mình để cháu không thò tay lên mồm. Một tay anh cầm thìa múc cháo bón cho con ăn bình thường. Về thấy cảnh con bị trói, em không nói được lời nào. Em đứng lặng như trời trồng trước sân nhà. Hai hàng nước mắt cứ ròng ròng chảy xuống gò má. Mẹ chồng về thấy thế, ôm lấy hai bố con mà khóc theo. Thế rồi, khó khăn cũng trôi qua. Bây giờ hai cháu đã lớn, đã có vợ. Chúng em đã có cháu nội ngoan lắm. Cứ lo chúng nó bị ảnh hưởng trí óc, em đã kiểm tra qua các thầy giáo của cháu, nhưng ơn trời phật phù hộ độ trì, các cháu phát triển bình thường”.
*
*    *
Tháng 4 năm 2017, khi ghi chép này đã viết xong, tôi quay lại Trung tâm thương binh Nho Quan một lần nữa. Anh Lâm Quang Đạo, giám đốc Trung tâm bảo tôi. “Ta đến thăm gia đình chị Tấm. Chị đang làm nhà”. Tôi hỏi. “Thế anh chị ấy chưa có nhà à?”. “Có rồi nhưng bị xuống cấp phải làm ngay không thì mùa mưa bão đến bị đổ mất”.

Anh chị Truật tiếp chúng tôi trong căn nhà cũ tồi tàn. Tường vôi tróc lở, có chỗ nứt nẻ, chỉ cần xô mạnh đã sập. Nền nhà mới bên cạnh, móng đã xây xong, cột đã dựng lên. Cốt thép cột nhà lô nhô chọc lên nền trời xanh. Thợ đang đổ bê tông cột giữa. Anh Đạo tranh thủ kiểm tra phần cột khu vực đang xây dựng. Anh hỏi chị Tấm. “Sức khỏe anh dạo này thế nào chị?”. “Dạo này anh ấy yếu hơn, hay lên cơn động kinh. Sốt nhiều về sáng.” - Chị Tấm trả lời. Anh Đạo nói giọng cương quyết. “Thế thì nhanh chóng đưa anh về Trung tâm một thời gian để bọn em chăm sóc”. Chị Tấm nói vẻ đắn đo. “Để chị còn tính. Nhà cửa đang xây dở dang thế này...”

Tôi quay sang chị để chia sẻ niềm vui. “Chúc mừng anh chị đã sắp có nhà mới. Thế nhà nước hỗ trợ được bao nhiêu tiền?”. “Nhà nước chưa có chế độ hỗ trợ làm nhà cho gia đình thương bệnh binh đang điều trị tại Trung tâm”. Anh Đạo giải thích. “Thế anh chị là gia đình thương binh, lấy tiền đâu?”. Tôi quay sang hỏi chị. “Bạn bè đồng ngũ góp lại đấy anh ạ. Nguyên tư lệnh Quân khu 7, bạn chiến đấu cũ với anh Truật đã về hai lần, góp số tiền cho một nửa kinh phí làm nhà. Căn nhà cũ bao năm vợ chồng em ở cũng là các bạn chiến đấu cũ góp lại đấy chứ...”. Tôi quay qua anh Đạo. “Anh Truật chị Tấm là gương sáng, sao Trung tâm không đề nghị tặng thưởng huân chương?” “Ngày xưa ai nghĩ chuyện huân chương sau khi về trại thương binh đâu. Nhưng mà nếu không có những người thương binh và những người phục vụ thương binh anh hùng ấy, trung tâm chúng em làm sao được phong là Anh hùng lao động thời kì đổi mới hả anh?”
Câu trả lời của giám đốc Lâm Quang Đạo như để khẳng định danh hiệu Anh hùng lao động thời kì đổi mới là do tập thể Trung tâm này tạo ra. Và chắn chắn còn rất nhiều gương sáng của thương binh mà tôi chưa biết hết.
*
*    *
Chia tay anh chị, tôi nghĩ đến chị Tấm vợ anh Truật ngày nay và cô Tấm trong chuyện cổ tích Tấm Cám ngày xưa. Cuộc đời cô Tấm xưa, được làm hoàng hậu, còn cuộc đời chị Tấm ngày nay, chỉ là vợ một thương binh nặng, tần tảo yêu thương chăm sóc chồng. Trời phật thương đã cho anh chị có hai con trưởng thành. Họ được làm bố làm mẹ và cao hơn, họ được làm ông làm bà hạnh phúc.

Nho Quan Ninh Bình, tháng 4 năm 2017
 
 

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)