. NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ
Phải mất vài tháng sau khi lấy nhau, Thủy mới biết Việt không ăn đồ biển. Phải ở cảnh một người khác sẽ cảm thấy thiệt thòi nhưng Thủy lại chóng thích nghi. “Không ăn càng đỡ gút, đỡ bị cao men gan,” cô kết luận. Việt cũng lại là người không thích nhậu nhẹt. “Nhậu? Dân Hà Nội không còn từ nào để dùng hay sao? Hết nhậu lại còn dô. Dô dô là cái khỉ gì? Toàn những từ không có trong ngôn ngữ chuẩn. Nói chung người làm sao của chiêm bao làm vậy.” Việt cau có nói khi Thủy kể chuyện phải tháp tùng các sếp đi nhậu với đối tác. Thủy tự nhủ, lần sau phải dùng từ đi liên hoan. Nghe đứng đắn mà có vẻ an toàn.
Thế nhưng chính Thủy vẫn quên. Một hôm hai vợ chồng đi vào trung tâm thương mại, lúc ngang qua nhà hàng hải sản, Thủy reo lên, “Ôi tôm ngon chưa này!” Ngay lập tức cô hối hận. Việt khụt khịt mũi, chẳng nói câu gì nhưng tín hiệu thế là đủ hiểu. Như một kiểu kị húy. Vì thế chỉ khi nào mấy đứa bạn rủ đi ra ngoài ăn đồ biển thì cô mới có dịp. Có đi cô cũng không nói với chồng. Một lần Việt đang đi công tác, gọi điện cho vợ nghe thấy tiếng phụ nữ chí chóe, hỏi “Mình đang ở chỗ nào mà ồn thế?” Thủy đang vui, bất cẩn khai, “Em đang đi ăn ốc với bọn cái Liên. Hôm nay lớp cấp ba hẹn nhau chuẩn bị hội trường.”
“Thế à, quý hóa ghê nhỉ.”
Thủy lạnh cả người. Cái giọng của Việt chắc là dỗi rồi. Thủy bỗng thấy mình như bị bắt quả tang ngoại tình. Bát ốc thoắt có vị tanh rất khó chịu.
Sau khi cuộc chiến tranh lạnh kéo dài một tuần chấm dứt, lúc nằm bên nhau, Việt rúc vào cổ Thủy, vẫn nửa trêu nửa dỗi, “Biết rồi nhá. Giấu giấu giếm giếm. Chắc nhiều lần rồi. Thích ăn thì cứ ăn, ai dám cấm. Đừng có mà nay ăn ốc, mai bảo đây đổ vỏ nhá.” Biết là gió đổi chiều, Thủy giả vờ nói cứng, “Hôm nào người ta mua về ăn cho có đứa tức vì thèm, ờ.” Tất nhiên là Thủy chả dại gì làm thế. Có lẽ tập làm quen với cảm giác dửng dưng trước đồ biển là vừa.
*
* *
Thủy làm một cái bảng kê thực đơn hàng tuần trên máy tính. Nhặt nhạnh các thực đơn ê hề trên các mạng dạy nấu ăn, từ bảy ngày kiểu Âu đến luân chuyển ngũ hành kiểu Á, cuối cùng cô cũng điền kín đặc các ô. Lập cái bảng này có cái tiện như Thủy giải thích cho chồng biết là để đỡ phải vắt óc ra nghĩ nấu gì cho khỏi lặp lại trong vòng một vài tuần, nhưng thực ra cũng có lí do để loại trừ đồ biển ra khỏi thực đơn một cách có hệ thống. Nhất là khi Thủy in ra một tờ giấy to, chặn bằng hai miếng nam châm ở bên cạnh tủ lạnh, tính hệ thống càng hiển thị rõ.
Công việc nội trợ của Thủy cứ thế ổn định, Việt có vẻ hài lòng với chuỗi các món lợn-bò-gà hay rang cháy cạnh-luộc-kho. Đôi lần cô đảo lộn thứ tự, nhưng thể nào những bữa ấy cô sẽ nhỡ tay nấu mặn hoặc nhạt hơn. Dăm ba lần, Thủy mới phát hiện ra Việt cũng rất nhạy cảm với sự thay đổi ấy: Việt bị đau bụng. Thủy âm thầm ép mình trở về quỹ đạo ẩm thực quen thuộc.
Sau trận nồm rất khó chịu, trời Hà Nội bắt đầu phả hơi nóng ngột ngạt. Thời tiết đỏng đảnh như xới tung chu trình thích nghi của cơ thể. Thủy đã thay dần những món canh ngầy ngậy sang có vị chua. Trên facebook, Liên đánh dấu Thủy vào ảnh một bãi biển, giục giã hội bạn lên kế hoạch đi nghỉ mát. Nước biển xanh ngắt gợi nhớ. Mùa hè đã về.
Cái nóng oi ả làm giấc ngủ chập chờn. Những giấc mơ lộn xộn, tỉnh dậy bứt rứt trong người. Thủy không nói với Việt, nhưng cô chắc chắn là không có dấu hiệu gì chuyện có bầu. Công việc của Việt hay phải đi công tác ngắn ngày. Chẳng kịp để Thủy nhớ, cũng chẳng ra là tự do. Chỉ phảng phất một nỗi lo nào không rõ.
Hai hôm sau khi Việt đi vắng, Thủy mơ thấy mình bơi dập dềnh trên biển. Những cơn sóng ập vào người rát như cú tát của muôn cánh tay, lúc rút đi để lại những bọt nước như những cái lưỡi liếm. Cô hổn hển, run rẩy. Hơi thở cô lên xuống theo đợt nước.
Thủy tỉnh dậy, tim đập liên hồi. Cô lo lắng, sờ sợ một ý tưởng bị coi như tội lỗi núp đâu đó trong đầu. Miệng khô khốc, cô đi vào bếp, đổ muối bột canh vào cái đĩa, thấm ngón tay lên chỗ muối rồi đưa lên lưỡi nhấm cái vị mặn mặn lờ lợ của nó. Vị mặn như cái công tắc bật lên trong não cô, ùa về những vị khác xa xôi. Cô lấy ra quả chanh, thái lát rồi chấm muối ăn ngấu nghiến.
Thủy chạy sang siêu thị, hối hả mua những thứ cô cần tìm. Thời nay các đồ tươi sống dễ và sẵn. Những con cua bị buộc trong sợi dây chuối to, chúng chỉ có thể ngọ nguậy những cái cẳng nhọn. Một con có vẻ khỏe nhất, đang bò ngang rồi vượt qua khỏi khay nhôm. Cô nhặt nó lên, con này hẳn tươi nhất, trông chắc chắn, mai mập, càng lớn. Ở nhà đã sẵn mấy lon bia của Việt, cô sẽ hấp cua với bia, rất đơn giản thôi. Về đến bếp, cô thả con cua vào cái xoong để rửa. Hai con mắt cua thò ra, đám bóng khí sủi lên ở miệng. Không thể cọ rửa được vì nó còn sống, gỡ dây ra thì phải dè chừng hai cái càng như gọng kìm kia.
Thủy mở điện thoại ra tìm kiếm trang dạy cách hấp cua.
Bạn phải giết cua trước. Nếu không khi luộc xong, cua sẽ rụng càng và cẳng, nhìn không đẹp.
Thủy hơi khựng lại. Đẹp xấu không quan trọng. Cô đang muốn ăn càng nhanh càng tốt. Nhưng “g-i-ế-t c-u-a”?
Bạn lấy dao nhọn mũi khẽ nạy cái yếm ở bụng cua, sẽ thấy vết hõm ngay chỗ hình tam giác. Đó là tim cua. Bạn thọc mũi dao vào chính giữa, giữ cho đến khi nào cua không còn ngọ nguậy là cua đã chết.
Thủy hơi rùng mình. Cô lật ngửa con cua lên. Những cái cẳng ngo ngoe như múa. Dưới cái yếm con cua là một thế giới những sợi tua, những vết cấu trúc phức tạp, và lớp vỏ như một tấm bản đồ bí hiểm. Quanh vết hõm có những tia nhỏ tỏa ra như có đứa trẻ con nào lấy bút dạ bâng quơ vẽ một hình mặt trời. Hít hơi sâu, Thủy thọc mũi dao vào. Cô ấn cho đến khi cảm thấy lưỡi dao cọ xát lạo xạo với những mô mềm, mô giáp bên trong. Hay đấy là hình dung của cô thôi. Con cua có vẻ bị tác động mạnh, tám cái cẳng cựa quậy liên hồi, hai cẳng rung rung, cô khẽ rút mũi dao ra. Cái mũi dao chỉ có lấm ít bùn mờ mờ chứ không có biểu hiện gì lạ. Cô đã sợ có một dòng máu màu xanh lục nào trào lên. Con cua vẫn ngọ nguậy cẳng nhưng ở một tốc độ lờ đờ hơn hẳn.
Thủy căng thẳng gỡ sợi dây chuối ra. Con cua nằm im. Cô lấy bàn chải khẽ cọ vào kẽ những cái cẳng rồi lên cái càng. Tay cô sơ ý đụng vào cái càng còn lại, lập tức nó cắp chặt lấy mu bàn tay cô. Đau buốt lên tận óc. Cô hét lên, tìm cách lấy chiếc đũa dài chèn vào khe càng. Không ăn thua, Thủy điên tiết lấy tay trái cầm con dao chọc lần nữa vào tim cua. Con cua chỉ bất động chứ cái càng không nhả ra. Mắt cô hoa lên, dường như con cua giờ có đến nghìn cái cẳng đang múa. Cô gào lên bất lực, nước mắt lã chã chảy, cô đập mạnh phía càng cua vào bàn bếp. Cuối cùng con cua văng ra góc bếp, một gọng càng cũng bị long ra, thòi ra chỗ thịt trắng mềm mềm, nhú lên từ vết vỡ. Thủy thu tay về, xem xét chỗ bị cắp. Bị rớm máu, cô rửa nhanh tay rồi dán băng Urgo.
Cơn đau dịu xuống khiến Thủy phấn khích lạ thường, cô hăm hở rửa lại cua, đặt ngay ngắn vào xoong rồi đổ bia, không quên vứt vào mấy lát gừng và sả, rồi ấn nút bật bếp. Tiếng chất lỏng sôi, mùi bia, mùi gừng, mùi sả dậy lên.
Thủy vớt con cua đã đỏ au vào cái bát ôtô, bê ra bàn. Cô hăm hở thực hiện công việc, thoáng lạ lùng vì sự say mê của chính mình. Đĩa muối chanh vẫn còn, quả là tiện. Lúc gỡ cái yếm ra khỏi bụng cua, cô thấy có những hình thù ngoằn ngoèo màu da cam lẫn trăng trắng. Não cô chợt như bị giật một cái. Sán? Kí sinh trùng? Chúng đang ngọ nguậy? Cô dụi mắt. Chắc không phải, đấy chỉ là những mô cơ thể thôi. Con cua này khỏe thế cơ mà. Thịt vẫn thơm chứ có gì lạ đâu. Những cái cẳng xòe ra như từ một bức tượng nghìn tay.
Nhưng càng trấn an bản thân, trong Thủy càng có cảm giác chuội dần. Cô bỏ phần cua ăn dở xuống, rồi mang tất cả vào bếp, tống vào thùng rác. Rồi hối hả như lúc mua về, cô mau chóng thu dọn bãi chiến trường, nhét tất cả đồ thừa vào túi nilon đựng rác, buộc chặt, chạy như bay ra thùng rác công cộng. Không khí bên ngoài nhà nóng như lò thiêu.
Việc đầu tiên cô nghĩ đến khi vào nhà là đi tắm ngay. Mùi thơm của bia khi nãy giờ thành ra một mùi nồng nồng khai khai, còn hai tay cô dậy lên mùi rất nặng của đồ biển. Lạy Trời đừng có cái mùi này lúc Việt về. Cô nôn nao khó chịu. Lạy Phật đừng có bị đau bụng. Ngày mai là ngày Việt về.
*
* *
“Mình đi công tác vui không?” Thủy nhanh nhảu hỏi. Việt nhăn mặt, “Nóng vãi linh hồn.” Thủy để cho Việt cởi bớt quần áo, cô vào bếp pha cốc nước chanh. Quay ra, Việt nằm dài trên sofa. Thủy đưa cốc nước cho chồng, tay cô vô tình thọc vào má Việt làm anh kêu “ái” một cái.
“Có mùi gì lạ lạ nhỉ?” Việt khịt khịt mũi. Thủy chột dạ, làm như vô tình đưa tay lên mũi. Những cái móng hơi dài, chúng có cái mùi tanh đặc trưng của cua bể lẫn mùi muối tiêu chanh. Cô đứng phắt dậy, Việt ngạc nhiên.
“Em quên chưa bật nước tắm.” Thủy phân trần, đi vào toilet, đóng cửa rồi ngồi lên bệ bồn tắm, vội vàng cắt sạch những cái móng tay, cô rửa vài lần qua nước rửa tay rồi bằng cả sữa tắm. Không biết tay cô giờ có mùi gì nữa, đã hết mùi tanh chưa, cô cũng không chắc. Những ngón tay xòe ra như những cái cẳng cua. Cô nhìn vào gương: một hình người hoảng hốt nhìn lại cô. Cô quyết định tắm luôn.
Thủy lột ga giường, vỏ chăn, vỏ gối bê vào máy giặt. Cô hơi lo lắng nhưng không thấy Việt phản ứng gì. Thủy bỗng nhớ đến tình huống trong một bộ phim cô đã xem, người phụ nữ lúc chồng đi công tác sắp về cũng vội giặt mọi thứ như cô để phi tang dấu vết cuộc ái ân hôm trước. May mà Việt chưa xem cái phim dành cho đàn bà ấy. Nhưng cô có làm gì sai đâu nhỉ, thật ngốc nghếch.
Lúc vào giường, Thủy chủ động cởi áo Việt. Anh hơi ngạc nhiên, rồi đáp lại hành động của vợ một cách trơn tru. Việt thầm thì, “Đi công tác phải di chuyển nhiều, nóng nên hơi mệt thôi.” Sau khi buông chồng ra, Thủy cảm thấy rấm rứt khó chịu. Cô bắt đầu ngứa râm ran ở mu bàn tay. Cảm giác như có chỗ mẩn, nhưng Thủy ngại Việt thắc mắc nên cô không bật đèn để kiểm tra. Cô trấn an bản thân, chắc muỗi đốt lúc đi đổ rác. Cô nằm xoay người, thu tay ép chặt vào lòng, cố gắng trôi vào giấc ngủ..
*
* *
“Không ăn à? Lại về đội của chồng à?” Liên thất vọng hỏi dồn khi Thủy không muốn ra quán ốc nữa. Chiều bạn, cô đành đổi sang quán bún thang. Đằng nào quán này có máy lạnh, trời mới vào hè đã nóng ba bảy độ. “Tao tự dưng có vấn đề với đồ biển. Nhất là đám cua ghẹ.”
“Dào ôi. Nữ hầu tước của các thiên thần! Thế làm sao mà sợ, hay nghén rồi?”
“Chưa có gì đâu. Chắc tao bị stress.”
Liên xòe tay, huơ huơ trước mặt Thủy. “Tỉnh đi! Tỉnh đi! Nói thật đi, nhưng đừng nói là say nắng say mưa gì nhé, mà mấy lần hẹn nhau mày toàn kêu bận. Nghi lắm.” Thủy nhếch mép, “Tao yêu chồng mà.” Cô bạn lắc lư cái đầu vẻ thiếu đồng tình, “Ừ, hỏi là hỏi thế thôi chứ việc ai người nấy lo.”
“Sao mày cứ chụp mũ người khác thế?” Thủy cáu kỉnh vặc lại.
“Mày có muốn tao giải điềm không? Tao hơi bị siêu vụ nghe nhạc hiệu đoán chương trình nhé.”
“…”
“Việc đàn bà thích ăn ốc hay đồ biển là vì đàn bà thuộc tính âm, cần những thứ tanh. Ăn cua bể là thứ đỉnh cao của sự thỏa mãn thái âm. Thế nên mày đột nhiên không ăn cua ghẹ nữa là ắt có lí do thuộc về chuyện kia.”
“Mày nói tao thấy mùi khoa học thì ít mà mùi mê tín thì nhiều.”
“Mày cứ ngẫm mà xem, tao không mê tín nhưng cũng đi lễ, tao biết chứ. Chắc chắn mày có gì bất an trong người.”
Thủy lại thấy ngứa ngáy.
“Tao lạ gì kiểu yêu chồng của mày. Mày bị nó bắt nạt quá, nó không ác nhưng làm mày sợ đến độ bị ám ảnh đấy.”
“Mày đừng gọi chồng tao là nó.”
“Ừ thì tao xin lỗi, nhưng nó, à Việt, muốn áp chế mày mà thôi. Dị ứng hay không là do cái đầu í. Mày đã tận mắt thấy chồng bị dị ứng bao giờ chưa?”
Đúng là chưa bao giờ. Thủy vẫn cáu kỉnh với giả thuyết của Liên, nhưng trong dạ đã hơi hơi lung lay. Bữa tối hôm ấy, đúng lịch thịt-hấp, Thủy bí mật làm món thịt hấp nhồi cua, tất nhiên lượng thịt cua không quá nhiều để dễ nhận ra. Cô lại cho nhiều nấm hương nên chắc sẽ giấu được.
Lúc bày ra bàn ăn, tim Thủy đập như trống trận. Mùi cua vẫn lởn vởn. Cô định nói. Nhưng Việt không tỏ thái độ gì, vẫn ăn bình thường, thậm chí vừa vui vẻ ăn vừa cắm cúi xem điện thoại. Thủy hơi thất vọng, cô đã mong đợi một cảm giác kịch tính hơn. Cô thở nhẹ, thôi kệ đời.
…“Trông mày kinh quá Thủy ạ.” Liên sửng sốt khi nhìn thấy những chỗ mẩn ngứa của Thủy. “Lạ nhỉ, mà Việt không bị dị ứng gì hết. Thấy chưa, tao đã bảo…”
“Thôi đi, mày nói nữa là tao về đây.” Thủy nổi đóa với Liên. Cô đã bôi thuốc nhưng không thuyên giảm. Chắc vì nóng quá. Hay đang có dịch sốt.
“Dịch gì, mày bị ám ảnh thôi, dị ứng do tâm lí. Kiểu như triệu chứng có bầu giả ấy.” Liên hạ giọng, “Tao nghĩ mày cần phải kiểm soát được tinh thần. Phải có cách cân bằng, không thì hối không kịp đấy.” Mắt Liên nhìn xa xăm.
*
* *
Nói là làm, Liên đặt nhà nghỉ cho cả đám bạn ở một hòn đảo ngoài Quảng Ninh. Chỗ này đang mốt để đi du lịch. Xa các cửa sông nên nước trong, có bãi tắm sạch. Đến nơi, Thủy mới vỡ lẽ đảo còn hút khách vì có đến ba cái chùa và một cái đền. Có vẻ quá dày cho một hòn đảo rộng chưa đầy hai chục cây số vuông.
“Mày nhớ truyện Ngôi đền giữa biển không?” Liên hỏi trong lúc lùa cả hội đi lên đền. Đi trình về tạ, Liên bảo nguyên tắc là thế. Vì thế cả đám vẫn còn mệt nhừ người sau chặng đường đi xe khách tới Cẩm Phả rồi lên tàu thủy ra đảo, phải ì ạch leo lên ngôi đền ở lưng chừng núi. Ngôi đền nằm sát cạnh một ngôi chùa to không kém.
“Ý mày đây là nguyên mẫu có thật của truyện á?” Thủy nửa tin nửa ngờ. “Cái môtip có ba điều muốn hỏi thần linh nhiều nước có lắm mày ơi.”
“Nhưng truyện của Việt Nam nó rõ rành rành là đi hỏi tứ phủ công đồng ngoài biển. Rõ là đạo Mẫu, là tín ngưỡng bản địa nhé. Mà đây là ngôi đền trên đảo cổ nhất còn gì.” Liên thành thục châm hương, chia cho mỗi đứa một nắm. Nhìn ngôi đền có vẻ mới xây, sơn phết lộng lẫy, Thủy ậm ừ.
Ở đây, người ta treo những cái thẻ câu hỏi hoặc những lời cầu khấn lên cái giàn ngoài sân. Ba ngày sau sẽ có câu trả lời. “Thế cậu ơi, chị em chúng con nhận kết quả ở đâu ạ?” Liên nhanh nhẹn hỏi một cậu trai mặc bộ áo cánh trắng toát, môi son đỏ, lông mày xăm vệt sẫm, đang thu tiền lệ phí. Những ngón tay để móng dài thoăn thoắt giao thẻ nhận tiền. Trên tam bảo dưới cửu tuyền. Tìm đâu thì cũng biết tin rõ ràng, giọng cậu ta ngân nga. Thủy chẳng hiểu gì thì đã thấy Liên gật đầu ra chiều thông suốt. “Nghĩa là nhà đền họ sẽ có cách cho mình biết.” Thủy chông chênh bước thấp bước cao xuống dốc theo bạn.
Thủy theo Liên ra đây chẳng có mục đích gì ngoài việc thoát khỏi không khí tù hãm của Hà Nội. Tự nhiên được yêu cầu viết ra ba câu hỏi, đầu cô như bị những đợt sóng nghĩ ngợi ập vào. Cô viết thử ra giấy. Hoặc quá đơn giản vớ vẩn, tại sao chồng con ăn đồ biển không dị ứng mà không ăn. Tại sao con ăn được mà lại tự nhiên dị ứng. Hoặc quá trừu tượng khó hiểu, tại sao lòng không rung động, tại sao tâm không bình an.
Hai ngày chờ đợi, Thủy vẩn vơ lang thang rồi ngồi bó gối ngắm biển, mặc cho mấy người bạn chuyện trò ăn uống. Sáng ngày thứ ba, khi các cô còn ườn người trên giường thì ngoài đường tiếng trống tiếng chiêng nổi lên rầm rĩ. Liên hối hả thúc cả bọn dậy. Người ta sẽ rước kiệu thánh từ đền lên đỉnh núi.
Thủy chạy sau Liên dọc con đường ven bờ biển ra cổng đền. Những cây đa rủ xuống những cành tối sẫm đầy ma quái, những bụi dứa dại lá nhọn hoắt. Những búp đa đỏ khé tựa lưỡi của những con thú đang thè ra. Tiếng nhạc í éo. Thủy chờn chợn. Liên thành thục cầm bó hương châm lửa, chia cho cô một nửa, dặn với theo, “Đặt tiền lễ vào kiệu nhé. Người ta đang hầu đồng ở mấy ban Mẫu trong kia, vào xin lộc là được lắm đấy.”
Hôm nay là ngày chính hội. Người đi lễ đông nườm nượp. Ngoài sân, những người đàn ông dáng vẻ khắc khổ khiêng những con ngựa bằng giấy sặc sỡ vào. Ai nấy đi lại rầm rập. Những bà già nhà quê lom khom ngồi nép ở bậu cửa. Đang có người lên đồng. Tiếng người cung văn hát khàn khàn. A à ới a à ... Ngàn xanh lắm quả nhiều hoa, cô đôi dạo gót vào ra sớm chiều. A à á a… Liên đứng ở bên chái, véo von hát theo, nhún nhảy cùng điệu nhạc. Thủy liếc nhìn bạn, hơi lạ lạ. Trông Liên có một cái vẻ thuần phục đầy siêu thoát, như thể cô đang đi trong thế giới không còn phiền não. Người đàn ông đang hầu đồng đóng giả nữ hí lên một tiếng, lấy tay làm điệu rồi dứ dứ tờ tiền về phía Liên. Đám đông ồ lên, dạt ra cho Liên tiến vào nhận lộc. Liên mắt sáng rực, vái lia lịa.
Nhạc trỗi lên, giọng hát khê nồng bỗng hú lên một tiếng. Người đàn ông tung nắm tiền lẻ, đám đông xôn xao, các bà già tranh nhau những tờ bạc. Không khí hầm hập vẻ phủ phê.
Thủy tức ngực, để Liên lại say sưa với màn trình diễn, cô đi ra phía tòa bên cạnh. Người ta đang sắp những cái mâm cỗ có đồ biển. Những con ốc vỏ xanh đen, những con cua đỏ rực xếp chồng lên nhau, những cái cẳng xòe ra như rẻ quạt. Thủy rùng mình, cơn ngứa râm ran khó chịu trỗi lên. Nhớ lời dặn của Liên, cô niệm chú để át đi cảm giác. Đi qua chỗ một bà cụ bán nước chè, Thủy ghé vào ngồi. Một người đàn bà mặc áo the thâm, mặt trang điểm đậm, đang cầm cái quạt phe phẩy nói gì đó. “Chuyến này về là cô có việc đấy.” Thủy ngẩn ra một lúc mới hiểu là bà ta đang nhắm vào mình. “Việc gì hả bà?” Bà bâng quơ nói vẻ bí hiểm, Trần duyên đã biết hay chưa/ Nghĩ người ăn gió nằm mưa xót thầm. Bà ta chợt chặn cái quạt lên tay Thủy, “Cô có căn đấy. Cô là con Thánh. Về cửa cha cửa mẹ rồi đấy.” Thủy vội uống hết chén nước, dúi tờ hai mươi nghìn vào cái đĩa trước mặt người đàn bà, “Cháu gửi bà.” Rút cục cô là ai?
Thủy bước ra sân, một dòng người ùa ra từ bên trong. “Cái gì thế?” Thủy vội hỏi. Người phụ nữ cạnh cô chỉ kịp nói, “Cỗ giải oan”, rồi bà ta cũng bị đám đông nuốt chửng. Một cơn mưa lộc rơi xuống đầu Thủy, xuống đầu đám người. Cái kiệu đang di chuyển, như thể đang bay trên đầu đám đông. Những cái mâm chất đầy bánh dày, chuối, cam, bia, cả những mâm đựng cua, ốc, cá chỉ vàng chao đảo bên trên, dưới là một biển hàng trăm cánh tay giơ lên đón như những rặng san hô sống. Rào rào, cuồn cuộn, những đồ cúng trút sạch xuống biển người. Những cái mâm biến mất. Một người đàn ông giật nắp lon bia, tu ừng ực rồi khoái trá tưới lên đầu. Những người đàn bà xung quanh nức nở hứng lấy như hứng suối nước thiêng. Cái mùi quen thuộc làm Thủy choáng váng, cô bấn loạn. Người cô đỏ rực vì ngứa. Cô muốn cào rách da cho hả. Nhưng cô không tài nào đứng yên, đám đông như những đợt triều lắc cô qua lại, rồi rùng rùng di chuyển trên sườn núi. Tại sao cô lại ở đây, để vật vã trong cơn phấn khích tập thể này.
Biển người cuốn Thủy đi qua những mỏm đá chằng chịt dây leo bám. Phía đỉnh núi, một pho tượng trắng toát sừng sững hiện ra. Những cánh tay tượng tua tủa, xòe ra những ngón tay nhọn hoắt hắt ánh nắng chói lọi. Khuôn mặt tượng có vẻ gì rất quen. Mặt của người đàn bà xem bói khi nãy. Dường như trước mắt Thủy, ngàn cánh tay đang múa, tay cầm dao tay cầm quạt, tay xòe ra đang như sắp tóm lấy cô. Chính giữa ngực bức tượng, giữa vết hõm, có những tia tỏa ra như tia mặt trời. Thủy khuỵu chân xuống, rồi vùng dậy, cô lấy hết sức lực rẽ biển người chạy ra ngoài. Cứ tơi tả, trầy xước như thế, Thủy chạy sang sườn núi bên kia. Thủy chậm lại. Cơn ngứa đã dịu. Trước mắt cô, một vùng đá giống hệt hình con cua biển. Hai mỏm đá chạy hình vòng cung như hai gọng kìm vây lấy một phá nước xanh ngắt.
Thủy chầm chậm đi xuống.
Tháng 3/2017
N.T.Q