Đón đọc tạp chí Văn nghệ Quân đội Tết Bính Thân

Thứ Sáu, 22/01/2016 09:08

chu phoong arial moi copy - Tạp chí Văn nghệ Quân đội số đặc biệt - Tết 2016 (837 + 838) quy tụ đông đảo cộng tác viên thân thiết với phong phú bài vở đậm chất xuân và chất lính.

Tết đến xuân về, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Quân khu 4 kề vai sát cánh, chung sức đồng lòng trong thế trận mới, vị thế và tầm vóc mới, tiếp tục tạo ra những thành quả lớn mừng xuân mừng Đảng. Trong không khí ấy, phóng viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã có cuộc đối thoại thân mật với Thiếu tướng Nguyễn Tân Cương - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 4. Bài đối thoại do Phùng Văn Khai ghi với tiêu đề Nghĩa tình của nhân dân như biển lớn mở đầu số tạp chí đặc biệt này.
 
Phần Văn xuôi giới thiệu tùy bút Năm 2016 và con số 6 thiêng liêng của Anh Ngọc, các bút kí Mênh mang Đồng Tháp của Uông Triều và Xuân về trên Chiến khu Đ của Phạm Văn Đảng, các tản văn Tết xưa Hà Nội của Nguyễn Bảo Sinh và Nhà văn và nhà buôn của Nguyễn Việt Hà, các truyện ngắn Chiến bào đỏ thắm của Nguyễn Thế Quang, Gốc đào già trên núi của Kiều Duy Khánh, Thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ của Hồ Anh Thái, Năm mươi năm chiều dài… của Lê Minh Khuê và Chấm nước của Sương Nguyệt Minh.
 
Khi nhìn vào tập lịch của năm 2016, cái con số 6 cuối cùng trong dãy số kia đã khiến nhà thơ Anh Ngọc làm cuộc lội ngược thời gian hơn cả một thế kỉ để lần giở lại những tờ lịch kí ức gắn với con số 6 thiêng liêng đã đi vào/làm nên lịch sử: 1906, 1946, 1976, 1986, để rồi dốc bầu giãi bộc, chiêm nghiệm một cách đầy hứng khởi những gì vô hạn thân thiết và đáng tự hào không chỉ của riêng bản thân tác giả mà còn là của chung dân tộc.
 
Mênh mang Đồng Tháp mở ra mênh mang ngỡ ngàng, khoái thú của một lãng tử đất Bắc lần đầu khám phá, thưởng ngoạn xứ bưng biền. “Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”. Bút kí là một bữa tiệc ngôn từ gọi mời khách văn hân hưởng những đặc sản miền Tây từ phiên chợ, ẩm thực mùa nước nổi như tổng hòa vào đó đủ đầy đắng cay ngọt bùi tục lụy, đủ đầy hương vị thanh sắc đất trời đến những con người mang khuôn mặt màu sông nước, phóng khoáng, hiếu khách…  
 
Phạm Văn Đảng lại đưa người đọc xuôi xuống miền Đông, đất của những con người anh dũng trong đấu tranh và anh hùng trong lao động, để cùng gặp gỡ Xuân về trên Chiến khu Đ, cùng cảm hoài một Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh khai khẩn phương Nam, một Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ trên lưng ngựa múa gươm và ca hát, cùng hồi lắng bước chân của những đoàn quân oai hùng thời đánh Pháp, đuổi Mĩ… ngày trước, và cùng kể cho nhau nghe chuyện người “đả hổ” giữa rừng, chuyện mô hình bảo vệ trị an hiệu quả, chuyện niềm vui lính trẻ… hôm nay.   
 
Tết xưa Hà Nội, qua màng lọc hoài niệm của kẻ sĩ dân - gian - hiện - đại Nguyễn Bảo Sinh, bừng hiện sinh động, vừa riêng vừa chung, vừa xa lạ vừa thân thuộc, là dấu chỉ văn hóa nhắc nhớ bảo giữ kí ức cộng đồng, những hằng số bản sắc, sợi dây kết nối xưa và nay, trung tâm và vùng miền.
 
Viết văn hình như nhằm để di dưỡng thăng hoa phần hồn. Buôn hình như nhằm để giữ gìn thăng bằng phần xác. Nghề văn và nghề buôn đương nhiên chịu hai nghiệp chướng khác nhau, nhưng văn chương và tiền bạc liệu có phải là cặp phạm trù đối lập, mâu thuẫn? Có khả dĩ không khi nhà văn vô “thực” hành “đạo”? Nhà văn và nhà buôn, đậm phong cách tản văn tưng tửng, lấp lửng Nguyễn Việt Hà, kích gợi người đọc tìm câu trả lời cho những câu hỏi ngày càng khó trả lời này.
 
Chiến bào đỏ thắm là một khúc hoan ca về khả năng thu phục, quy tụ nhân tâm, về tấm lòng biệt nhỡn liên tài, về cuộc hạnh ngộ lịch sử giữa Hoàng đế Tây Sơn Quang Trung và ẩn cư La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp. Người xứ Nghệ nói riêng, người Việt Nam nói chung giàu nghĩa khí, vào buổi giang sơn lâm nguy, gặp được người đứng đầu anh minh, tận tâm tận lực vì sơn hà xã tắc, thì sẽ không ngại ngần tận hiến…
 
Kiều Duy Khánh đưa người đọc đến với bản Keo Đồn cao xa, để chứng kiến Gốc đào già trên núi gắn với câu chuyện hư thực con khỉ trả ơn. Con nai ăn khóm cỏ non còn biết để lại cái gốc, con dúi ăn củ măng còn biết giữ lại cây tre.  Lòng đồng bào Mông không nông như cái muôi gỗ để có thể dễ dàng bị cám dỗ, phỉnh lừa mà bán đổi đi những gì đã cô đặc vào mình hồn vía núi rừng, tổ tiên…
 
Bằng tiếng cười biếm giễu, tự trào quen và một tình huống truyện ngắn lạ, Thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ của Hồ Anh Thái hấp dụ người đọc làm cuộc ngoảnh lại sinh động để “tiễn biệt những ngày buồn”. Đó là những ngày cuối bao cấp, khi mà đói ăn vụng túng làm càn, những cậu lính nuôi lợn, chăn bò phải tự cứu mình trước khi người cứu bằng cách ra tay làm điều ác với những con vật nuôi vô tội, để rồi về sau cứ không nguôi nhói lên những khoảng lõm ám ảnh và nhất tâm phục thiện. 
 
Năm mươi năm chiều dài… là câu chuyện tình lãng mạn, éo le, dang dở giữa chàng trai miền Trung phong trần theo đơn vị dân chính tiếp quản Thủ đô và giai nhân Hà Nội trung trinh nhưng mang tiếng là con gái gia đình trong thành tạm chiếm. Năm một chín năm tư xao xác kẻ đi người ở, mà “đi” có khi chẳng phải vì đứng về “bên kia”. Cái buổi chiều đôi trẻ “vượt tường lửa” ngắn như giấc mơ nhưng lại dài tới năm mươi năm sau đó…
 
Chấm nước, được gợi tứ từ thành ngữ “chuồn chuồn chấm/đạp nước”, dẫn người đọc đến một viện nghiên cứu hiu hắt, tẻ nhạt thời bao cấp, nơi định mệnh thật mà như đùa đã lắp ghép đầy so vênh một gái trẻ nhà quê đẫy căng phồn thực lên bế em cho mợ với một ông tiến sĩ Nga học cơ chừng gió thổi đổ. Bằng cấp, sách vở, lòng tốt… hóa ê chề, vô nghĩa trước đơn giản, thiết thực, rừng rực tuổi xuân…
 
“Truyện ngắn hay tác giả tự chọn” kì này là Cẩm tú cầu ứng mệnh của nhà văn Phạm Duy Nghĩa. Bằng một chiến lược trần thuật mà ở đó kiến tạo nên sự dùng dằng, mập mờ giữa hiện thực - kì ảo, giữa phi hư cấu - hư cấu, giữa người kể chuyện đáng tin cậy - không đáng tin cậy, giữa tín - bất tín nhận thức, và ở đó được cài đặt hóm lẻm tiếng cười ẩn sâu, truyện ngắn này có thể coi là một nỗ lực lạ hóa vũ trụ văn xuôi miền núi đã đóng đinh tên tuổi Phạm Duy Nghĩa.
 
Trang Văn học nước ngoài giới thiệu tiểu luận Một lời biện hộ cho thơ của Marcel Reich-Ranicki, nhà phê bình được coi là quan trọng nhất của văn học đương đại Đức, do Trương Hồng Quang chuyển ngữ. Thơ ca, thể loại văn chương lâu đời nhất mà cũng đáng ngờ nhất, thời nay ích gì? Người đọc sẽ được cùng vị “Giáo hoàng văn học” khả kính truy tìm câu trả lời thú vị cho câu hỏi này.
 
Phần Thơ số này là một bản hòa âm nhiều thế hệ, nhiều giọng điệu, phong cách, chủ yếu là những thi phẩm suy tư về Xuân, Tết, về cội nguồn, về những không gian lịch sử - văn hóa…
 
Gương mặt “Văn nghệ Quân đội giới thiệu” là nữ sĩ Hàm Anh, người quyết liệt chủ trương từ thơ đến tình yêu đến mọi thứ cần phải được mang “màu tự nhiên”. 
 
“Thơ trong những tập thơ” là thi phẩm Cúi nhặt của Lê Thanh My cùng chùm bài tiêu biểu do Lý Hữu Lương chọn và giới thiệu.
 
Xuân đến Tết về, đi vào phần Bình luận văn nghệ số này, bạn đọc sẽ được cùng Ban Thơ phác thảo chặng đầu cuộc thi thơ Văn nghệ Quân đội 2015 - 2016, cùng Đoàn Minh Tâm lẩy hình tượng Bác Hồ trong thơ lục bát, cùng Nguyễn Thụy Kha ngân những tình ca mùa Xuân, cùng Lê Hương Thủy tìm hiểu Tết trong tâm thức nhà văn Việt, cùng Trần Đình Sử điểm xuyết năm thành tựu chủ yếu về nghiên cứu Truyện Kiều trong gần bốn chục năm qua, cùng Sương Nguyệt Minh lướt nhìn lại bức tranh văn chương Việt 2015, cùng Nguyễn Văn Hùng tìm hiểu biểu tượng đa văn hóa Khỉ, cùng Ngô Vĩnh Bình nhớ Nguyễn Minh Châu, cùng Mai Anh Tuấn đọc về làng Việt xưa.
 
Khách mời của Quán văn kì này là đạo diễn 8x Đặng Thái Huyền, Điện ảnh Quân đội, người được vinh danh tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19 với bộ phim điện ảnh Người trở về; trực quán là nhà văn Nguyễn Xuân Thủy.
  
Tạp chí Văn nghệ Quân đội Tết 2016 (số 837 + 838) dày 200 trang với nhiều tranh, ảnh, phụ bản, minh họa ấn tượng của các nghệ sĩ Young Eom, Thành Chương, Đỗ Dũng, Lê Trí Dũng, Ngô Xuân Khôi, Phạm Minh Hải, Nguyễn Đăng Phú, Quốc Thắng, Vũ Đình Tuấn, Thành Duy, Trung Trực... dự kiến sẽ ra mắt bạn đọc cả nước ngày 25/1/2016. Mời quý vị đón đọc.
  
bia 837 838 chon chuan convert

Văn 
Phùng Văn Khai
Thiếu tướng Nguyễn Tân Cương - Tư lệnh Quân khu 4:
Nghĩa tình của nhân dân như biển lớn
Nguyễn Thế Quang
Chiến bào đỏ thắm
Anh Ngọc
Năm 2016 và con số 6 thiêng liêng
Kiều Duy Khánh
Gốc đào già trên núi
Hồ Anh Thái
Thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ
Phạm Duy Nghĩa
Cẩm tú cầu ứng mệnh
Lê Minh Khuê
Năm mươi năm chiều dài…
Nguyễn Bảo Sinh
Tết xưa Hà Nội
Nguyễn Việt Hà
Nhà văn và nhà buôn
Uông Triều
Mênh mang Đồng Tháp
Sương Nguyệt Minh
Chấm nước
Phạm Văn Đảng
Xuân về trên Chiến khu Đ
  

Thơ 
Hữu Thỉnh
Chợ hoa Yên Phụ
Nguyễn Quang Thiều
Hoa loa kèn
Bằng Việt
Cá om niêu làng Vũ Đại
Nguyễn Văn Khôi
Hoa lộc vừng
Trần Quang Đạo
Ước
Vũ Quần Phương
Thơ tặng đường
Thanh Tùng
Người về
Nguyễn Đức Mậu
Thơ rời
Vương Trọng
Mùa đông không về
Nguyễn Việt Chiến
Mẹ ta ở giữa sen hồng
Hồng Thanh Quang
Rồi em sẽ tìm về lá cỏ
Vũ Xuân Hoát
Rừng đào
Phan Thị Thanh Nhàn
Trò chuyện với mùa xuân
Trần Anh Thái
Dốc
Lò Cao Nhum
Lời tháng Giêng
Pờ Sảo Mìn
Nỗi nhớ Mường Khương
Nguyễn Sinh Xô
Chuyến tàu đêm xuân
Đỗ Trung Lai
Từ ngày còn mình anh
Nguyễn Thanh Kim
Điệp khúc
Quang Chuyền
Ngẫu khúc
Lê Huy Mậu
Thơ viết bên cửa sổ
Nguyễn Hữu Quý
Nguyễn Du
Nguyễn Trọng Tạo
Sinh nhật
VNQĐ
Giới thiệu tác giả Hàm Anh
Lý Hữu Lương
Tự lọc lấy khát khao để bén rễ đâm chồi
(giới thiệu tập thơ Cúi nhặt của Lê Thanh My)
Nguyễn Minh Đức
Lá lành; Mảnh lược nhôm
Phùng Trung Tập
Xuân trên đỉnh núi; Tiếng chim trong nghĩa trang liệt sĩ
Du An
Đắng cảy; Nằm và đi
Hoàng Anh Tuấn
Chơi hội chọi dê; Mẹ vợ
Võ Công Huệ
Đường bơi; Vào buôn đón tết
Người Biên Tập
Ý Xuân
Lê Mạnh Tuấn
Khúc mơ
Lê Cảnh Nhạc
Con tàu và bến cảng
Đàm Khánh Phương
Những bông hoa Hà Nội
Lê Huy Quang
Nắng xuân
Lê Thu Thùy
Mưa xuân
Trần Ninh Hồ
Từ một ngày
Hữu Ước
Giọt sương
Đặng Huy Giang
Một người từng qua đây
Trần Gia Thái
Người trẻ mãi
Võ Sa Hà
Tiếng hót
Vi Thùy Linh
Nhà Cây
Nguyễn Thị Ánh Huỳnh
Lạc
 

Văn học nước ngoài
Marcel Reich-Ranicki
Một lời biện hộ cho thơ
(Trương Hồng Quang dịch)
 

Bình luận văn nghệ
Ban Thơ
Những phác thảo từ chặng đầu cuộc thi
thơ Văn nghệ Quân đội 2015-2016
Đoàn Minh Tâm
Hình tượng Bác Hồ trong thơ lục bát
Nguyễn Thụy Kha
Những tình ca mùa xuân
Lê Hương Thủy
Tết trong tâm thức nhà văn
Trần Đình Sử
Năm thành tựu chủ yếu về nghiên cứu Truyện Kiều
trong gần bốn chục năm qua
Sương Nguyệt Minh
Văn chương Việt 2015: Buồn vui và hi vọng
Nguyễn Văn Hùng
Khỉ, một biểu tượng đa văn hóa
Ngô Vĩnh Bình
Tết về lại nhớ anh Nguyễn Minh Châu
Mai Anh Tuấn
Xuân nay đọc về làng Việt xưa
 

Quán văn
Nguyễn Xuân Thủy
Đạo diễn Đặng Thái Huyền: “Ngông” để “Ngoan”
VNQD
Thống kê