Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 1047 (cuối tháng 10/2024)

Thứ Bảy, 19/10/2024 16:57

 Gần trọn cuộc đời gắn bó với binh nghiệp và luôn miệt mài đồng hành cùng đề tài người lính, chiến tranh cách mạng, có thể nói con đường âm nhạc của Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh cho đến nay là con đường của người lính, vì người lính. Nói một cách cụ thể hơn, tình yêu người lính đã góp phần mang đến thành công cho tác giả của những ca khúc: Miền xa thẳm, Tình yêu người lính, Nhà em ở lưng đồi, Mưa xuân, Hành khúc Tổng cục Chính trị

Trong số này, Tạp chí VNQĐ có bài trò chuyện với Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam xoay quanh những sáng tác về người lính của ông. Bài trò chuyện mang tên Trong mọi hoàn cảnh sống, tôi luôn đặt mình ở tâm thế của một người lính sẽ mở đầu Tạp chí số 1047.

Truyện ngắn Lính chốt của Nguyễn Quốc Hùng da diết tình cảm của những người lính với nhau, không chỉ trong chiến tranh bom rơi đạn nổ mà cả trong thời kinh tế thị trường họ cũng thấu hiểu và sẻ chia với nhau, cùng nhau đi qua từng gian khó. Nếu như chiến tranh thử thách sự dũng cảm của người lính trước cái chết, thì thương trường cũng thử thách họ cam go không kém, đó là đồng tiền. Hòa và đồng đội có vượt qua được những thử thách đó không?

Truyện ngắn Níu sợi dây quê của Nguyễn Thị Như Hiền là những tình cảm gắn bó tha thiết với quê hương. Dù đất quê có cỗi cằn, hạn hán thì tình quê vẫn như dòng suối nhỏ để nuôi dưỡng chở che cho những phận người bé nhỏ. Ông Tịnh đã giữ lại sợi dây quê, không chỉ cho mình mà con cháu ông rồi cũng theo đó mà tìm về nương tựa quê hương. Truyện gây ấn tượng bởi giọng văn nhẹ nhàng mà sâu sắc.

Phần Văn xuôi còn có ghi chép đầy cảm xúc về những người lính biên phòng Lặng lẽ Vàng Ma Chải của Thanh Tám; "Kí ức lính" là bài viết Binh vận của Hoàng Đình Bường kể câu chuyện về những người lính binh vận trong kháng chiến chống Mỹ.

Công trình khoa học lí luận, thực tiễn quân sự ý nghĩa, giá trị của Bộ trưởng Phan Văn Giang là bài viết của Nguyên An hướng đến chào mừng Kỉ niệm 80 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (1944 - 2024).

Phần Thơ với sự góp mặt của các tác giả: Nguyễn Quang Hưng, Hồng Thanh Quang, Nguyễn Hải Minh, Nguyễn Thánh Ngã, Duyên An, Nguyễn Đức Sơn, Tú Anh, Từ Nguyên Tĩnh, Nam Thanh, Bùi Thanh Hà, Hương Giang, Nguyễn Thị Thùy Linh.

Những trang thơ đa dạng về đề tài phản ánh cái nhìn đa chiều của mỗi tác giả về đời sống, văn hóa, lịch sử... Các thi phẩm thể hiện những góc nhìn, những trạng thái, những vẻ đẹp của đời sống, sự rung động, nhớ nhung trong tâm hồn, những giấc mơ, những kỉ niệm và chiêm nghiệm… tất cả làm nên những trang thơ đầy màu sắc, đa dạng, thi vị và bay bổng…

“Thơ trong những tập thơ” là bài viết Phố trọ của Đoàn Minh Tâm giới thiệu tập thơ Phố trọ của Trần Lê Anh Tuấn.

Văn học nước ngoài giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn Nhật Bản Hoshi Shinichi do Hoàng Long dịch từ nguyên tác tiếng Nhật.

Phần Bình luận văn nghệ với sự tham gia của các tác giả: Ngô Thanh Hà, Lê Thị Hường, Nguyễn Văn Dân, Đỗ Thị Hường, Phùng Văn Khai, Văn Giá.

Niềm thôi thúc viết về chiến tranh trở thành “chiến lược” của nhiều nhà văn nặng lòng với quá khứ gian khổ của dân tộc. Và những tác phẩm chiến tranh làm “xúc động nổi trái tim con người” vẫn luôn hướng về cái đẹp giữa đau đớn thể xác và sang chấn tâm hồn. Bài viết Chiến tranh, ám ảnh và cái đẹp có những suy tư sâu sắc xoay quanh chủ đề văn học viết về chiến tranh.

Để phát triển “văn hoá đọc”, người viết phải hiểu người đọc và bối cảnh lịch sử - xã hội để điều chỉnh công việc viết của mình, phải có tri thức văn hoá - lịch sử vững vàng để sáng tạo ra được những sản phẩm có chất lượng và giá trị có khả năng thu hút và phát triển văn hoá đọc; từ đó mới có thể cạnh tranh và đồng hành được cùng với các phương tiện sáng tạo nghe nhìn khác trong thế giới số hiện nay. Bài viết Người viết và người đọc đem đến những góc nhìn thú vị về mối quan hệ giữa người viết và người đọc.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến những vùng đất thuộc miền núi phía Bắc. Những vùng đất tuy còn nhiều khó khăn, gian khổ nhưng rất mực kiên trung, anh dũng, một lòng một dạ theo cách mạng. Trường ca Lời Bác gửi non xa của Phùng Hải Yến là minh chứng rõ rệt cho điều ấy. Bài viết Lời Bác gửi non xa của Ngô Thanh Hà có những phân tích sâu sắc về tác phẩm này.

Bên cạnh đó là những vấn đề được xã hội và giới chuyên môn quan tâm, những chia sẻ nghề nghiệp, những cảm nhận, phân tích, luận giải về các văn nghệ sĩ, tác phẩm nghệ thuật... hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn đọc nhiều thú vị, hấp dẫn.

Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 1047 dày 120 trang dự kiến sẽ phát hành ngày 20/10/2024. Thân mời các bạn đón đọc!

Văn

Đoàn Văn Mật - Đức Trịnh:

Trong mọi hoàn cảnh sống,

tôi luôn đặt mình ở tâm thế của một người lính

Nguyễn Quốc Hùng

Lính chốt

Thanh Tám

Lặng lẽ Vàng Ma Chải

Nguyễn Thị Như Hiền

Níu sợi dây quê

Nguyên An

Công trình khoa học lí luận, thực tiễn quân sự ý nghĩa, giá trị của Bộ trưởng Phan Văn Giang

Hoàng Đình Bường

Binh vận

 

Thơ

Nguyễn Quang Hưng

Phần còn sống của người lính; Tượng trưng câu hát;

Tạnh mưa sau bão

Hồng Thanh Quang

Mùa thu mang em đi; Romance; Tái sinh

Nguyễn Hải Minh

Vụng tu; Hồn non nước mình

Nguyễn Thánh Ngã

Nói với sông Hậu; Tiếng sâu kèn

Duyên An

Phiến khúc mùa; Sông chiều

Nguyễn Đức Sơn

Biên cương mùa hoa cải; Thượng Thành

Tú Anh

Nhớ cha mùa lũ; Một người mẹ đi tìm con

Từ Nguyên Tĩnh

Đêm ngủ trận địa cũ

Nam Thanh

Chiều dã quỳ

Bùi Thanh Hà

Đừng gọi

Đoàn Minh Tâm

Phố trọ (Đọc Phố trọ của Trần Lê Anh Tuấn)

Hương Giang

Trăng Bảo Yên; Quà cho em;

Ta đã hẹn người bên trong cánh cửa

Nguyễn Thị Thuỳ Linh

Giấc ngủ thần tiên; Nhạc núi

 

Văn học nước ngoài

Hoshi Shinichi

Tiếng vọng; Trạm kiểm tra vũ trụ; Hành tinh tuyệt vời

(Hoàng Long dịch từ nguyên tác tiếng Nhật)

 

Bình luận văn nghệ

Ngô Thanh Hà

Lời Bác gửi non xa

Lê Thị Hường

Chiến tranh, ám ảnh và cái đẹp

Nguyễn Văn Dân

Người viết và người đọc

Đỗ Thị Hường

Nước Nga như một thực thể văn hoá

trong thơ của các cây bút Nga di cư

Phùng Văn Khai

Nhà văn Nguyễn Trí Huân - “ông bụt” Nhà số 4

Văn Giá

Tính nghệ thuật của tiểu thuyết Vũ Thành Sơn

 

Minh họa, ảnh

Bìa 1: Ban mai

Tranh của họa sĩ Nguyễn Minh Tâm

Minh họa: Trương Đình Dung, Đỗ Dũng, Công Quốc Hà, Ngô Xuân Khôi

VNQD
Thống kê