Văn chương giúp tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thấm sâu vào người đọc

Chủ Nhật, 01/09/2024 00:05

GS, TS, Đại tá, nhà văn Trình Quang Phú - hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông - sinh năm 1940 tại An Chấn, Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp và làm liên lạc từ năm 12 tuổi. Năm 1954, khi đang là thiếu sinh quân, ông tập kết ra Bắc. Quá trình học tập, công tác, trong tư cách một nhà báo, nhà văn, nhà nghiên cứu, Trình Quang Phú có mặt ở rất nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, được tiếp xúc và làm việc với nhiều nhà lãnh đạo cao cấp, đặc biệt là nhiều lần được gặp Bác Hồ, được Bác tặng huy hiệu và động viên ân cần. Trong cuộc đời cầm bút của mình, GS, TS, nhà văn Trình Quang Phú dành phần lớn thời gian, tâm sức để sưu tầm tư liệu, nghiên cứu và sáng tác văn học về Bác Hồ.

Ông đã xuất bản 8 tác phẩm viết về Bác Hồ: Người là niềm tin (Nxb Thanh niên, 1973), Miền Nam trong trái tim Người (Nxb Thanh niên, 1974), Bác Hồ ở Phan Thiết (Thuận Hải, 1980), Đường Bác Hồ đi cứu nước (tái bản 8 lần, nhiều nhà xuất bản), Theo Bác đi kháng chiến (tái bản 8 lần, nhiều nhà xuất bản), Đường Bác Hồ đi cứu nước (in gộp cả Theo Bác đi kháng chiến, tái bản 17 lần, nhiều nhà xuất bản), Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng (tái bản 22 lần, nhiều nhà xuất bản) và gần đây nhất là Theo dấu chân Người (Nxb Hội Nhà văn, 2024). Có thể nói, GS, TS, nhà văn Trình Quang Phú là một chuyên gia về Bác Hồ. Nhân Kỉ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám (1945) và Quốc khánh 2/9, Tạp chí Văn nghệ Quân đội (VNQĐ) có cuộc trò chuyện với nhà văn Trình Quang Phú, xoay quanh việc nghiên cứu và sáng tác về lãnh tụ Hồ Chí Minh.

- Xin chào GS, TS, Đại tá, nhà văn Trình Quang Phú! Tôi rất vui mừng và tự hào khi được trò chuyện cùng GS về Bác Hồ trong những ngày mùa thu lịch sử này. Có thể nói, GS Trình Quang Phú là một chuyên gia hàng đầu về Bác Hồ. Cơ duyên nào đã đưa ông đến với công việc nghiên cứu và sáng tác này?

+ Trong những năm trước giải phóng, tôi công tác ở Ban Miền Nam, được phân công tháp tùng các đoàn miền Nam tới thăm Bác (kể cả một số đoàn không chính thức). Sau những chuyến như vậy, tôi viết bài gởi về miền Nam cho Báo Giải phóng, và Đài Phát thanh Giải phóng. Những bài báo ngắn đó được các chiến sĩ quân giải phóng yêu thích. Chiến trường yêu cầu viết về Bác ngày một nhiều hơn. Đến khi thấy số lượng bài viết cũng đã khá nhiều, thì tôi tập hợp lại để in thành sách ở Nhà xuất bản Thanh niên, cuốn sách mang tên Miền Nam trong trái tim Người. Sách được bạn đọc đón nhận rất tốt, nên sau đó, Nhà xuất bản Giải phóng in lại trên giấy mỏng để gởi tiếp vào chiến trường. Sau tang lễ Bác năm 1969, một lần, tôi gặp nữ tướng Nguyễn Thị Định trên đường Trường Sơn, và chị khuyến khích tôi viết tiếp về Bác. Chị Nguyễn Thị Định nói: “Tình Bác là động lực, là tiếng gọi với quân dân miền Nam. Cậu cố gắng viết về Bác nhiều hơn để phục vụ chiến trường”.

Chính chiến trường miền Nam đã thôi thúc tôi, chính sự yêu kính Bác của cán bộ chiến sĩ miền Nam, nhất là qua các bài tôi viết về Bác, đã kéo tôi vào cuộc như là một nhiệm vụ của người cầm bút. Cùng với những gì mình đã biết, tôi dành thời gian đọc, sưu tập, tìm kiếm tư liệu về Bác để viết. Có thể nói, càng viết, càng sưu tập về Bác, đọc nhiều, hiểu thêm, càng thấy Bác vĩ đại, càng thấy tình Bác bao la và sâu sắc. Đó là sức hút, là lực cuốn, cũng là duyên cớ, để tôi tự nguyện viết về Bác.

GS.TS Trình Quang Phú cùng bạn bè quốc tế tại Đại hội thanh niên sinh viên thế giới lần thứ 8 ở Sofia. Ảnh: Tư liệu

- Để nuôi dưỡng và phát triển cơ duyên thành sự nghiệp, với những thành quả quan trọng như GS đã có, cần rất nhiều động lực (và cả nghị lực, trí lực)... GS có thể chia sẻ cùng độc giả VNQĐ về những nguồn động lực này trên hành trình nghiên cứu đề tài Bác Hồ của mình?

+ Động lực lớn nhất với tôi chính là yêu cầu của người đọc, đặc biệt thời chiến tranh, các chiến sĩ lấy tình Bác làm sức mạnh để ra trận. Tôi viết ngắn để gởi ra chiến trường, về sau từ những bài ngắn phát triển thành kí. Sau ngày giải phóng, tôi gặp các lớp thanh niên, họ bày tỏ tình cảm với Bác, nhưng khi hỏi thì các cháu biết về Bác không nhiều, đó là một trong những thôi thúc, nhắc nhở tôi cần phải viết, viết nhiều hơn nữa.

Từ một người làm báo, tôi trở thành một nhà văn, mà trong tim luôn ấp ủ rất nhiều câu chuyện về Bác. Ở Bác có một sức hút diệu kì với tôi. Càng tìm hiểu, càng tập hợp, tài liệu về Bác ngày một phong phú, và luôn luôn cho tôi những gợi mở về một con người rất vĩ đại, nhưng lại rất giản dị, gần dân đó là Bác kính yêu.

- Vâng! Nguồn động lực ấy thật mạnh mẽ và bền bỉ. Hành trình nghiên cứu và sáng tác về Bác Hồ của ông là quá trình phát triển cơ duyên, hiện thực hóa - cụ thể hóa những động lực ấy. Ông đã bắt đầu công việc của mình như thế nào?

+ Sau giải phóng miền Nam, tôi quyết định tìm hiểu về Bác bằng cách lần theo dấu chân của Người. Tôi bắt đầu tìm đến những nơi Bác đã ở khi rời Làng Sen.

Trước hết là tôi đến Huế. Ở đây, qua tìm hiểu tư liệu, Bác thực sự để lại trong tôi những rung động sâu sắc khi biết chỉ 10 tuổi, cha, chị, anh của Bác đi vắng và ở xa, mẹ mất, một mình phải đi xin cháo nuôi em mới sinh và lo tang cho mẹ. Bác của chúng ta đã có những ngày ở tuổi lên 10 phải xin ăn cho mình và nuôi em trai mới lọt lòng mất mẹ, phải sống trong tột cùng của khổ đau. Xúc động lắm, thương lắm. Cũng ở Huế, tôi lại “gặp” một Nguyễn Sinh Cung, đi đầu đoàn biểu tình chống thuế bất chấp sự đàn áp dã man của thực dân Pháp, bất chấp súng nổ và người chết trên cầu Tràng Tiền, máu loang đỏ cả sông Hương. Cũng bên bờ sông Hương, tôi tìm thấy tình bạn trong trắng giữa Bác và Lê Thị Huệ… Tại xứ Huế này, bối cảnh lịch sử ngày đó đã hun đúc cho Bác ý chí, quyết tâm ra đi để tìm đường cứu nước.

Rồi tôi đến Bình Định; có lẽ sau Huế, thì Quy Nhơn, Bình Định là nơi Bác ở lâu nhất của miền Nam. Tại đây, Bác được thầy Phạm Ngọc Thọ (cha của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch) dạy thêm tiếng Pháp, một hành trang hết sức bổ ích, quý giá để chuẩn bị cho sự xuất dương của Bác. Ở Bình Định, Bác đã chứng kiến sự bất công ngang trái của chế độ đương thời với cha mình, đồng thời Người cũng tiếp nhận tinh thần Quang Trung - Nguyễn Huệ để củng cố thêm ý chí cứu nước của bản thân.

Phan Thiết những ngày đó là vùng giáp với Nam Kì, nơi dừng chân của các sĩ phu yêu nước Bắc - Trung - Nam. Bác dừng chân làm thầy giáo và cũng nhằm hoàn chỉnh hành trang để vào Sài Gòn. Tôi đã gặp gia đình cụ Hồ Tá Bang, gặp các học trò của Bác ở trường Dục Thanh năm xưa là Nguyễn Đăng Lâu, Từ Trường Phùng…

Cuối cùng là Sài Gòn. Sài Gòn đã có một mùa xuân cha con Bác và cả người bạn gái, tình yêu đầu đời của Bác, cùng đón Tết Tân Hợi. Đó cũng là thời gian Bác gặp nhà yêu nước Phan Châu Trinh với sự mở lối để Bác đến nước Pháp. Có thể nói, cha Bác là một động lực, đã hỗ trợ nhiều cho sự ra đi của Bác. Từ Huế vào Nam, những nơi dừng chân Bình Định, Phan Thiết, Sài Gòn, đều là chỗ quen thân của cụ Nguyễn Sinh Sắc, và đều là những địa chỉ yêu nước. Sài Gòn đã chứng kiến sự hi sinh to lớn của Bác, gác tình riêng mưu sự nghiệp ở tuổi 20. Bác đã rời bến sông Sài Gòn để ra đi.

Ngày đó, tư liệu có rất ít, tôi ghi lại và nhờ đồng chí Hà Huy Giáp, lúc ấy là Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, khích lệ để viết sâu hơn và cũng là sự mở lối để nhà xuất bản yên tâm, vì là sách viết về Bác. Tác phẩm Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng được Nhà xuất bản Văn học in lần đầu năm 1996 đã 28 năm. Và trong 28 năm đó tác phẩm đã tái bản đến 22 lần ở các nhà xuất bản: Thanh niên, Văn học, Hội Nhà văn, Giáo dục, Chính trị quốc gia... Cuốn sách được dịch ra tiếng Anh in ở Nhà xuất bản Thế giới, Nhà xuất bản Giáo dục in song ngữ. Có năm, hai nhà xuất bản cùng tái bản và mỗi lần như vậy tôi đều cập nhật bổ sung, tác phẩm lần sau phong phú hơn, dày hơn lần trước. Cũng có những chi tiết tôi phải sửa sai cho mình.

GS, TS, nhà văn Trình Quang Phú nhận giải A Cuộc vận động Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, giai đoạn 2021 - 2023. Ảnh: TL

- Ồ! Những vấn đề cần sửa sai là gì vậy, thưa ông?

+ Khi viết lần đầu, tôi cũng dựa vào một số tư liệu, thông tin của những người đi trước, của các sách chính luận đã in. Nhưng khi xác minh thì không đúng nên phải sửa sai. Ví dụ, lúc đó, từ văn, thơ, nhạc và chính luận đều nói Bác đi từ Bến Nhà Rồng. Nhưng thực tế là Bác đi từ bến sông Sài Gòn. Vì ngày xưa Bến Nhà Rồng là của hãng tàu đầu ngựa của Pháp, còn Thương Cảng ở đầu đường Nguyễn Huệ, nơi thành phố Hồ Chí Minh cắm dãy cờ quốc tế lộng gió tung bay ngày nay, là của hãng tàu Năm Sao (Chargeurs Réunis). Bác xuống tàu Amiral Latouche-Tréville là của hãng Năm Sao. Đó là một thực tế, lúc đầu tôi viết đi từ Bến Nhà Rồng Khánh Hội, cũng may là ngày nay Cảng Sài Gòn tiền thân là Bến Nhà Rồng. Bến Nhà Rồng vẫn là điểm son, là địa chỉ đỏ về Bác.

Một ví dụ khác, Bác rời Phan Thiết vào Sài Gòn không phải bằng tàu lửa. Có bộ phim đã diễn tả cảnh Bác lên tàu lửa dưới sự theo dõi của mật thám để vào Sài Gòn. Thực tế thì sao? Năm 1910, đường sắt Sài Gòn mới mở ra tới Tánh Linh, còn cách Phan Thiết 100km. Hơn nữa, trường Dục Thanh có công ty nước mắm Liên Thành, có thuyền buồm lớn đi Phan Thiết - Sài Gòn thường xuyên, đi đường thủy lại an toàn, không tốn kém vé, không bị xét hỏi phiền phức như xe lửa.

Tôi nêu hai ví dụ như vậy, để thấy chuyện sửa sai là cần thiết. Thực tế, còn nhiều điều phải điều chỉnh sau này, kho tư liệu Pháp mở ra, tài liệu của mật thám lưu lại cung cấp cho chúng ta nhiều điều thú vị.

- Nhà thơ Chế Lan Viên từng viết: Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mĩ châu Phi/ Những đất tự do, những trời nô lệ/ Những con đường cách mạng đang tìm đi (trong bài Người đi tìm hình của nước). Thưa GS Trình Quang Phú, ông đã có những tác phẩm viết về Bác Hồ như: Đường Bác Hồ đi cứu nước, Theo Bác Hồ đi kháng chiến, Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng, Theo dấu chân Người… Vậy, theo dấu chân Người, ông đã đến những đâu, tìm thấy những gì liên quan đến Bác?

+ Những năm trước ngày thống nhất đất nước (1975), sau tác phẩm Miền Nam trong trái tim Người, Người là niềm tin, tôi biên soạn hai tập Đường Bác Hồ đi cứu nước, và Theo Bác Hồ đi kháng chiến bằng cách trích các đoạn hồi kí của nhiều tác giả nối theo thời gian, thành một tác phẩm về con đường cứu nước và lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Bác. Sách ra, được hoan nghênh, cán bộ chiến sĩ chiến trường miền Nam, có sĩ quan sau này nói với tôi, đêm đọc sách Bác như tiếp năng lượng, để sáng hôm sau ra trận. Đại tướng Võ Nguyên Giáp hoan nghênh, khích lệ tôi. Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng động viên tôi. Những lời dặn dò của các vị tiền nhân lớn đã thôi thúc tôi rất nhiều.

Sau Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng, tôi bắt đầu công cuộc “theo dấu chân Người”. Cuốn Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng tôi viết một phần về tuổi thơ lớn lên và xuyên Việt của Bác, đến ngày Bác rời Sài Gòn đi tìm đường cứu nước, trong đó có những bài về anh chị Bác và về Lê Thị Huệ, bạn gái đầu đời của Bác. Còn tác phẩm Theo dấu chân Người là viết về 30 năm bôn ba ở nước ngoài, cho đến ngày Bác trở về Pác Bó. Pháp là nước tôi có nhiều dịp công tác, và ở đây có kho tư liệu đồ sộ nên thu thập khá nhiều tư liệu, thông tin về Bác trong 30 năm ở nước ngoài. Tôi đã đi Anh, Hoa Kì, Hồng Kông, nhiều lần đi Quảng Châu, Trung Quốc. Tôi rất thú vị khi biết những tháng đầu đến Liên Xô (1923 - 1924), Bác hoạt động đặc biệt sôi nổi. Cuối cùng, tôi đã vượt qua sự cấm vận để đến vùng Viễn Đông Liên Xô, đến Khabarovsk và cảng Vladivostok. Tôi tìm đến ga tàu lửa, đến khách sạn Versailles ở Vladivostok. Đi như vậy mới có thực tế, ví như năm xưa ở Khabarovsk cầu bị sập, có tài liệu viết: Xe lửa phải dừng lại, bỏ đầu kéo, đẩy các toa tàu sang sông để có đầu máy khác kéo đi. Nhưng thực tế là người phải qua sông băng và đến ga Khabarovsk lên tàu đi tiếp Vladivostok. Tôi đã chọn đúng mùa đông, đúng tháng Bác đến đây để đi và để xem sông đóng băng, xem cây, xem trời cùng những ngày băng tuyết. Cũng như mới đây tôi đi Côn Minh, thành phố ở độ cao 2.000m so với mực nước biển, đã đến Thúy Hồ, nơi lần đầu tiên Võ Nguyên Giáp được gặp Bác, và Bác đã phát hiện ra thiên bẩm của Võ Nguyên Giáp, để bố trí đào tạo ông trở thành vị tướng lừng danh thế giới. Cũng như có đi như vậy mới biết vì sao Bác chọn Boston, chọn Hoa Kì làm nơi dừng chân đầu tiên. Vì Boston là nơi khởi nguồn của nổi dậy giành độc lập từ đế quốc Anh, là nơi có một tuyên ngôn “Mọi người sinh ra có quyền bình đẳng…”

Tôi bắt đầu thu thập để viết Theo dấu chân Người từ năm 2011, Kỉ niệm 100 năm Bác rời đất nước ra đi. Chương đầu tiên là thời gian Bác ở Hoa Kì, ở Anh, ở Pháp. Năm vừa rồi, nhân 100 năm Bác đến Liên Xô và sự kiện đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, đến Nga để khánh thành tượng đài Bác Hồ ở thành phố St. Peterburg, tôi đã hoàn thành phần Bác Hồ trên quê hương Xô viết. Đến giữa năm nay (2024), tôi mới hoàn thành được tác phẩm truyện kí Theo dấu chân Người gần 600 trang in.

Có thể thấy rằng, Bác ra đi năm 21 tuổi, với hai bàn tay, khối óc tuệ mẫn và ý chí kiên cường. Không có tiền, không có tài sản và không có người quen (trừ trường hợp các cụ Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu), nhưng dù là ở Mĩ hay ở Anh, ở Trung Quốc hoặc Liên Xô…, bất cứ ở đâu, tôi cũng thấy Bác không ngỡ ngàng xa lạ với xứ người. Bác hòa nhập nhanh, học ngoại ngữ nhanh để hòa nhập và đặc biệt đã thâm nhập vào đời sống chính trị của mỗi nước. Bác luôn làm chủ được từng sự việc và theo tôi đấy chính là một trong những phẩm chất rất đặc biệt của Bác mà không phải ai cũng dễ dàng có được.

Là một thanh niên giàu lòng nhân ái yêu thương, thì việc yêu đương của tuổi trẻ sẽ càng mãnh liệt, đó là lẽ đương nhiên. Nhưng Bác đã nén tình cảm, đúng hơn là hi sinh tình cảm riêng tư vì sự nghiệp cứu nước. Nhà sử học người Mĩ, nữ GS, TS Josephine Stenson đã nhiều năm “đến những nơi Bác đã đặt chân đến để tìm những di tích gốc về Hồ Chí Minh”. Bà phát hiện ra nhiều cô gái yêu Bác, nhưng Bác đã khéo léo từ chối vì “lấy vợ thì phải để lại địa chỉ, phải có con, phải có trách nhiệm làm chồng, làm cha và rồi thế nào mật thám cũng phát hiện ra, cho nên Nguyễn Ái Quốc không lấy vợ” (theo Hồ Chí Minh - một nhân cách lớn của thời đại của Josephine Stenson). Tôi nghĩ rằng, sự hi sinh này là vô cùng to lớn.

Những năm đầu Bác đã làm nhiều nghề kể cả cào tuyết, bồi bàn, thợ nặn bánh, làm thợ phóng ảnh… để có tiền sống qua ngày, để đọc, để học, để tích lũy, để hoạt động chính trị, để trải nghiệm và để trở thành lãnh tụ của đất nước. Tôi nhớ Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong cuốn sách Hồ Chí Minh - một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp (Nxb Sự thật, 1990) đã viết về thời gian này của Bác, đầy xúc động: “Năm 1911, lúc 21 tuổi, Hồ Chí Minh rời nước ra đi, tìm đến phương trời mới, với biết bao hoài bão và lòng tin. Trong mười năm bôn ba qua nhiều lục địa, Hồ Chí Minh đã gặp một thế giới quằn quại dưới ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc, chứng kiến và chia sẻ cuộc sống của nhiều dân tộc bị nô dịch. Hồ Chí Minh có dịp đến tận nơi để tự mình quan sát chủ nghĩa đế quốc và xã hội phương Tây tại những nước và những thành phố Âu - Mĩ tiêu biểu nhất. (…) Thật hiếm có một thiên tài sinh ra trong một nước thuộc địa, sống thấm thía tận cùng cảnh ngộ đọa đày của dân tộc mất nước, trăn trở từ lúc thiếu thời về vận mệnh dân tộc, lớn lên có cơ hội tìm hiểu tình hình của một số lớn những nước bị phụ thuộc và áp bức rất nặng nề ở các lục địa, tiếp đó được tắm mình trong phong trào công nhân châu Âu, kết hợp tinh hoa truyền thống của Việt Nam, của phương Đông và thành quả hiện đại của văn minh công nghiệp phương Tây, đến gặp chủ nghĩa Marx - Lenin với một hành trang bách khoa về vốn sống và vốn hiểu biết”.

GS. TS Trình Quang Phú nhận giải nhất về ảnh của Liên Xô (1978). Ảnh: Tư liệu

- Trong tư cách một nhà nghiên cứu, ông đã có nhiều công trình tìm hiểu về Bác. Thế còn trong tư cách một nhà văn, một nghệ sĩ, ông đã tiếp cận đề tài Bác Hồ như thế nào, có khác với một nhà nghiên cứu không, thưa ông?

+ Việc nghiên cứu về Bác, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều cơ quan thực thi như Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Bảo tàng Hồ Chí Minh… Họ tập hợp và nghiên cứu rất bài bản, căn cơ và phong phú và đã có những công trình đồ sộ, hấp dẫn về Bác. Tôi nghĩ rằng, nhà văn có chức năng chính là sáng tác, tác phẩm viết ra nếu góp được vào sự nghiên cứu, phải chăng đó là những chi tiết, những sự kiện thể hiện dưới dạng văn học. Tôi nghiên cứu về Bác, hiểu Bác là để phục vụ cho những trang viết của tôi về Bác. Trong tác phẩm, tôi có nhiều tư liệu, bởi tôi cũng dày công tìm kiếm và có điều kiện. Theo tôi nhiều tư liệu về Bác, nhiều sự kiện, nhiều chi tiết về Bác không cần đến chút hư cấu thêm nào cũng đã cực kì tinh tế, cực kì sâu sắc. Cảm giác như tự bản thân cuộc đời, sự ứng xử, hành xử của Bác đã toát lên và thấm đẫm chất văn học. Nhà văn chỉ cần ghi chép, hệ thống lại những chi tiết ấy, chỉ cần ghi lại chính xác tình cảm to lớn sâu sắc của Bác thì cũng đã khiến tác phẩm của mình tạo ra được những nốt rung sâu sắc, tạo xúc cảm cho người đọc. Các tư liệu này được đưa vào văn học sẽ rất có ích cho cuộc sống. Văn học sẽ làm phong phú hơn, giúp đưa sự kiện, đưa thông tin về Bác đến với mọi người nhẹ nhàng và sâu lắng hơn. Điều đó sẽ làm thấm sâu vào tâm khảm người đọc tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác.

- Cuộc vận động "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" đang lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Tôi nghĩ rằng, theo Bác, học Bác là một hành trình dài, dành cho tất cả mọi người. Với GS, TS, nhà văn Trình Quang Phú, hẳn vẫn còn nhiều dự định ở phía trước?

+ Như tôi vừa nói ở trên, viết về Bác, chỉ cần viết đủ, viết đúng, viết thật, đã là tuyệt vời lắm, bởi cuộc đời Bác là bản trường ca cách mạng, là những trang đời thấm đậm ba chữ “Vì dân tộc”.

Bác về với thế giới người hiền đã 55 năm rồi, nhưng tôi có cảm giác như Bác vẫn sống, vẫn hiện diện bên cạnh mỗi người, mỗi gia đình chúng ta. Dòng người viếng Bác trước Lăng ngày ngày vẫn nối nhau. Tượng Bác, ảnh Bác có ở nhà nhà người dân. Nhiều cơ quan, nhà dân thờ cúng Bác như vị thánh, như người ông, người cha. Mỗi người Việt Nam dường như đều đang từng ngày, từng giờ giữ Bác bên mình, để tự tin hơn, vững vàng hơn trong sự vận động phát triển về tương lai. Điều này hiếm lắm, không có vị lãnh tụ nào trên thế giới được như vậy. Vì sao? Vì mỗi người không chỉ thấy rằng Bác là người đã cứu dân tộc, giải phóng đất nước khỏi lầm than nô lệ, mà Bác là tấm gương về lối sống giản dị, gần dân, vì dân. Ở Bác, tất cả là dân chủ, là độc lập, tự do, là học tập suốt đời, là chí công vô tư, là vì mọi người, là hiến dâng. Đảng ta có cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, là cuộc vận động thiết thực và cần thiết. Tuy nhiên, việc học tập phải thực tế, không nên hình thức. Ví dụ: có nơi yêu cầu đảng viên phải đăng kí học những điều gì và sẽ làm những gì. Tôi nghĩ không nên như vậy. Học Bác là học cái tinh thần chung của Bác chứ không phải sao chép rập khuôn theo từng cử chỉ, dáng hình cụ thể của Bác. Như thế, cũng có nghĩa rằng văn học, với đặc trưng của mình, phải làm sinh động hơn, chân thực hơn hình tượng Bác, để Hồ Chí Minh không phải ánh sáng xa vợi, mà trái lại rất gần gũi, để Hồ Chí Minh không phải chỉ là những pho tượng vàng, mà phải là hình dáng cụ thể sống động trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam. Có như thế thì những tinh hoa tốt đẹp của Bác mới thấm, ngấm vào tâm hồn chúng ta, giúp chúng ta sống thiện lành, sống tử tế, biết hiến dâng cho Tổ quốc, cho dân tộc hơn nữa.

- Xin trân trọng cảm ơn GS, TS, nhà văn Trình Quang Phú về cuộc trò chuyện ý nghĩa này

NGUYỄN THANH TÂM thực hiện

VNQD
Thống kê