Hi vọng vào sự đột phá, sáng tạo, cá tính trong tác phẩm viết về chiến tranh và người lính

Thứ Năm, 03/10/2024 09:35

Nhà văn Nguyễn Bảo sinh năm 1948 tại Thanh Hóa. Sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, năm 1971 ông nhập ngũ, làm phóng viên chiến trường tại Ban Văn học thuộc Cục Chính trị Quân khu 5. Sau ngày đất nước thống nhất ông được điều về làm biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội rồi lần lượt giữ các chức vụ Trưởng ban Văn xuôi, Phó Tổng biên tập rồi Tổng biên tập Tạp chí. Năm 2010 nhà văn Nguyễn Bảo nghỉ hưu với cấp hàm Đại tá.

Nhà văn Nguyễn Bảo đã xuất bản trên 10 đầu sách trong đó có nhiều tác phẩm viết về những trận đánh ông từng kinh qua. Ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2022 với tiểu thuyết Thượng Đức.

- Thưa nhà văn Nguyễn Bảo, là một người lính trải qua chiến tranh và có nhiều tác phẩm viết về chiến tranh, nhìn lại đời binh nghiệp và văn chương của mình ông thấy sự lựa chọn của mình là con đường đúng đắn?

+ Từ hồi học cấp một, cấp hai rồi cấp ba, tôi đã rất thích môn văn, đam mê và học trội môn này. Năm học lớp mười (1967) trong cuộc thi học sinh giỏi văn của tỉnh Thanh Hóa tôi đạt giải Nhì (không có giải Nhất) sau đó được vào Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, từ đó tôi mơ ước trở thành người viết văn, viết báo, cùng với đó là người lính trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Trải qua chiến tranh và có được chút đóng góp gì đó trong việc sáng tác văn học về chiến tranh cách mạng và người lính, tôi cảm thấy con đường mình đã chọn là đúng. Tôi biết ơn Quân đội đã nuôi dưỡng trui rèn để tôi có được như ngày hôm nay.

- Tác phẩm đầu tiên ông viết về chiến tranh và người lính như thế nào?

+ Đó là truyện ngắn Kỉ niệm về một người bạn in năm 1972 ở tạp chí Văn nghệ Trung Trung bộ (tạp chí nhà) sau đó được in ở tạp chí Văn nghệ Quân đội, hình như năm 73 hay 74 gì đó. Vừa vào chiến trường tôi được cơ quan cử đi dự Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua của Mặt trận 4 ở Quảng Đà. Lần đầu tiên một mình tự tìm đường đi trong bom rơi đạn lạc, đến một địa chỉ không hề biết trước, tôi không khỏi lo ngại, hoang mang. Nhưng rồi tôi cũng tìm đến đúng địa chỉ. Tôi được nghe biết bao báo cáo về các gương điển hình trong chiến đấu của các tập thể cá nhân trong Đại hội, thật hay, thật cảm phục. Có lẽ thủ trưởng Tạp chí muốn tôi viết về một vài tấm gương đó nhưng rồi tôi không viết được gì. Chuyến đi đó, tôi viết về việc tôi bị lạc đường trên đường về cơ quan, một anh bộ đội quê Quảng Đà đi phép đã tận tình giúp tôi vượt qua những trở ngại tới mức bỏ cả việc riêng vì một người mới gặp lần đầu. Tôi rất xúc động và biết ơn anh. Và tôi đã viết về tấm lòng nhân ái tận tụy của anh với người vừa mới gặp dọc đường. Lần đầu đi thực tế lấy tài liệu dưới đơn vị, tôi nhận ra một điều: Ở nơi bom rơi đạn nổ này có những người lính tốt đến thế.

- Ông có thể chia sẻ đôi điều xung quanh cuốn tiểu thuyết Thượng Đức?

+ Ở chiến trường cứ bắt đầu chiến dịch là mọi người trong cơ quan tôi tỏa đi bám các đơn vị chiến đấu. Chiến trường Quảng Nam, Đà Nẵng là nơi tôi bám trụ từ đầu cho đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng.Tôi thường đến với các đại đội, các tiểu đoàn, dự các trận đánh của đặc công, của công binh, bộ binh, pháo binh. Sau mỗi chuyến đi thường viết được một truyện ngắn hoặc một bài kí. Có nghĩ đến viết dài, nhưng thấy khó. Tự an ủi: Trình độ và vốn sống mình chỉ có vậy. Ấy thế rồi sau Hiệp định Paris, những tưởng chiến tranh kết thúc đến nơi bỗng chiến trường Khu 5 diễn ra hết sức ác liệt, tàn khốc. Đất, dân vùng giải phóng chưa bao giờ rơi vào tay địch nhiều đến thế. Có tin: Quân của Bộ sẽ vào Quảng Nam tiêu diệt Chi khu quân lị Thượng Đức. Thượng Đức là một trận đánh nằm trong quy mô chiến dịch lớn có ý nghĩa đặc biệt cả về quân sự, chính trị. Một trận trinh sát chiến lược để từ đó Bộ Chính trị và Bộ Tổng tham mưu quyết định có giải phóng miền Nam năm 1975 hay không. Tôi mừng rú khi được các anh Nguyên Ngọc, Nguyễn Chí Trung cử tham gia trận đánh này. Thoạt đầu cũng chỉ nghĩ đây là cơ hội để mình biết thêm, hiểu thêm cuộc chiến tranh ở một cấp độ khác, rộng hơn, quy mô hơn. Nhưng rồi diễn biến của trận đánh đã cho tôi nhiều cảm xúc, vui buồn, lo âu, hồi hộp rồi cả sự hân hoan tự hào khi trận đánh toàn thắng. Tôi háo hức muốn viết ngay một cái gì đó. Nhưng rồi mãi 40 năm sau tôi mới đặt bút viết. Còn nhớ có lần đi gặp một cán bộ chính trị Trung đoàn để lấy thêm tài liệu, anh nói với tôi “Nhắc lại chuyện Thượng Đức làm gì? Hãy quên đi”. Nghe vậy tôi vừa ngạc nhiên vừa giận anh lắm nhưng nghĩ lại cũng thông cảm với anh. Trận đánh bi tráng quá, thắng lợi vất vả quá, cái giá phải trả lớn quá. Có lẽ có những người muốn quên Thượng Đức vì lí do đó chăng? Tôi cũng đã có lúc nghĩ rằng: Viết cho trung thực những gì đã xảy ra ở Thượng Đức chắc gì các nhà xuất bản đã dám in. Nhưng thú thật những con người và những gì đã diễn ra ở vùng đất ấy cứ day dứt mãi trong tâm khảm của tôi. Năm 2023, Bộ Quốc phòng phát động viết tiểu thuyết sử thi, lập tức tôi đăng kí tham gia và nghĩ ngay đến trận đánh lớn ở Thượng Đức.

- Vậy là từ khi tiếp cận hiện thực đến khi quyết định viết Thượng Đức, ông đã mất gần nửa thế kỉ…

+ Hun đúc ý định này đã lâu, đây là lúc cầm bút được rồi nhưng tôi vẫn còn áy náy về điều đã nghĩ ở trên. Tôi đến Nhà xuất bản Quân đội gặp Giám đốc Phạm Quang Định. Anh Định là người tham gia đánh Thượng Đức với cương vị Chính trị viên Đại đội. Anh bị thương ngay đợt tấn công đầu tiên và phải nằm viện. Anh thấm đẫm cái ác liệt của trận đánh, lòng dũng cảm và sẵn sàng hi sinh xương máu của quân ta để giành thắng lợi. Anh mong tôi viết về Thượng Đức. Anh hứa sẽ cung cấp thêm tài liệu và dẫn tôi đi gặp các thủ trưởng, các đồng đội đã tham gia đánh Thượng Đức. Anh bảo tôi cứ viết hết sự thực, không ngán gì. Anh cho biết bao nhiêu đồng đội đã ngã xuống ở Thượng Đức, không làm được gì tri ân người đã khuất cứ áy náy không yên.Vậy là tôi và anh Định mở “chiến dịch” đi lấy thêm tài liệu về Thượng Đức. Chúng tôi đi gặp các tướng lĩnh, cán bộ các cấp và cả những binh nhất binh nhì dự trận hồi đó. Chúng tôi vào thăm lại Thượng Đức, tới nghĩa trang thắp hương cho đồng đội. Chúng tôi gặp hỏi chuyện các cán bộ, nhân dân địa phương có liên quan đến trận Thượng Đức...

Là người tham gia trận đánh này, tôi muốn qua cuốn tiểu thuyết của mình phản ánh một sự thực hiển nhiên: Để giành được thắng lợi tiêu diệt Chi khu Quận lị Thượng Đức, quân dân ta đã phải vượt qua vô vàn khó khăn khốc liệt. Cái khó khăn khốc liệt ở đây không trừ một ai. Từ tướng lĩnh đến người lính, mỗi người một hoàn cảnh, một thân phận. Họ phải vượt qua thử thách của chính họ. Những thử thách đó không chỉ ở nơi cái sống cái chết trong gang tấc trước họng súng đối phương mà cả ở nơi họ bước chân ra đi, ấy là hậu phương, là mái nhà thân yêu của họ. Ở đó có bố mẹ, vợ con anh em, bầu bạn. Ở đó có chính quyền địa phương và biết bao bất trắc trước khi ra trận. Điều này xảy ra ở cả hai phía ta và bên kia. Như vậy từ một trận đánh có nhiều điều để nói, để viết tiểu thuyết mà không sợ cứng nhắc, khô khan và sáo cũ như trước đây tôi hằng nghĩ. Nhưng cái cơ bản của một cuốn tiểu thuyết lại ở chỗ người viết có đóng góp gì mới so với những tiểu thuyết trước đó. Cái khó nhất theo tôi là ở đó. Ở đây tôi chỉ dám nói cái khác của Thượng Đức với những sáng tác của chính mình trước đó thôi.

Về kẻ thù, Thượng Đức không xấu xa đồi bại, độc ác, thú tính hoặc ngu đần như một số người lầm tưởng. Từ quan đến lính cũng thông minh, lịch lãm, có học thức, có một mái ấm gia đình, vợ con đàng hoàng, hạnh phúc. Và không thể nói khác, họ có lí tưởng quốc gia, có niềm tin ở con đường đi của họ. Họ coi đó là đúng đắn, chính nghĩa. Chính vì vậy, ý chí, nghị lực của họ rất ghê gớm, không nói là tất cả nhưng cũng không thể nói là số ít. Minh chứng là ở Thượng Đức quân ta đông gấp bội, vũ khí, khí tài không kém gì đối phương nhưng trận đánh đã trầy trật, thương vong nhiều. Đánh lần đầu không được, rút ra, họp bàn tìm nguyên nhân, bổ sung lực lượng đánh tiếp. Vẫn không xong. Lại rút ra dừng lại, chờ chỉ đạo của trên. Phải tổ chức tấn công lần 3 với vô vàn gian khó mới thắng. Ở Thượng Đức các nhân vật như Quận trưởng Hùng, Tiểu đoàn trưởng Lầu là có thật. Những nhân vật này nếu ở phía ta chắc sẽ được phong Anh hùng, được ca tụng như những huyền thoại. Không nên giấu nhẹm chuyện này. Né tránh là vô tình hạ thấp cuộc kháng chiến thần thánh của chúng ta. Chiến thắng của chúng ta lớn lao, vĩ đại là ở chỗ đánh thắng một kẻ thù thâm hiểm, mưu lược, ý chí, nghị lực kiên cường, không chịu khuất phục. Thượng Đức - một trận đánh gay cấn phức tạp, kéo dài, cán bộ chiến sĩ ta thương vong nhiều là như thế. Chính vì vậy tượng đài về Thượng Đức càng vĩ đại, càng linh thiêng.

Đại tá, nhà văn Nguyễn Bảo thăm lại chiến trường Thượng Đức và dâng hương tại bia tưởng niệm Anh hùng LLVT, nhà văn Chu Cẩm Phong. Ảnh: TL

Khi viết Thượng Đức tôi nhớ có một nhà văn khá nổi tiếng từng chê bạn mình vừa viết xong một cuốn tiểu thuyết trong đó không có nhân vật chính xuyên suốt. Sách ra đời không ai đoái hoài. Nhà văn này cho rằng thất bại của cuốn sách là ở chỗ đó. Tôi nghĩ khác, dù cuốn sách không có nhân vật chính nhưng các nhân vật khác, nhân vật nào cũng có tính cách hấp dẫn, ấn tượng với người đọc thì không thể là cuốn sách thất bại. Khi viết Thượng Đức tôi đã không bận tâm điều đó. Thượng Đức là trận đầu tiên ở chiến trường Quảng Nam, có chủ lực của Bộ tham chiến. Chỉ huy chung là tướng Hai Mạnh, Tư lệnh Quân khu 5. Ngoài quân của Bộ có các đơn vị của Quân khu, bộ đội tỉnh, huyện, dân quân du kích và nhân dân trong và ngoài Chi khu quận lị. Như vậy, vào cuộc và làm nên chiến thắng không thể là của một người nào, vì thế khó có một nhân vật nào là chính trong rất nhiều nhân vật xuất hiện trong tiểu thuyết. Nhiệm vụ của người viết là gắng dựng nhân vật “có da có thịt”, có hoàn cảnh, nội tâm, hành động hợp lí, đặc biệt là các mối quan hệ. Trong Thượng Đức tôi chia các nhân vật theo tuyến và ở mỗi tuyến có tập trung hơn cho các nhân vật chủ yếu. Cũng cốt sao cho bạn đọc dễ theo dõi mà thôi. Còn ra nhân vật nào chính, nhân vật nào phụ, chẳng sao. Bạn đọc tùy chọn.

Thượng Đức, tôi có ý thức trình làng một trận đánh có vùng đất cụ thể, có thời điểm cụ thể, diễn biến trận đánh đã được ghi vào sử sách. Một số nhân vật tên tuổi đã được cả nước biết đến nên không thể tùy tiện. Nhưng vì là tiểu thuyết nên một phần nào đó, đời sống, tính cách, đặc biêt là nội tâm của họ phải giả dụ thôi. Giả dụ mình là con người ấy trong hoàn cảnh ấy mình suy nghĩ gì, lòng dạ thế nào, hành động ra sao. Rất may, khi đọc đã không ai kêu ca phàn nàn gì. Họ còn nói: “Thượng Đức đúng là như thế. Tất nhiên, ngoài một số nhân vật lấy tên thật người thật đưa vào tác phẩm có thêm bớt ít nhiều, còn lại là những nhân vật được hư cấu. Như người ta vẫn nói: Gặp rất nhiều nhân vật ngoài đời để dựng lại, dồn lại thành một nhân vật điển hình trong tác phẩm văn học. Thường các nhân vật từ cán bộ trung đoàn trở xuống và một số cán bộ dân sự tương đương, tôi đều cho họ một lí lịch riêng theo ý tưởng của tôi. Bây giờ có người hỏi đâu là nhân vật có nguyên mẫu từ đời sống, đâu là nhân vật tác giả sáng tạo ra, tôi chịu, không còn phân biệt được rạch ròi. Nhưng quan điểm của tôi là: Trong sáng tạo nghệ thuật, dù anh viết đúng sự thật hay hư cấu, đích phải đến là thuyết phục được độc giả. Độc giả tiếp nhận đứa con tinh thần của anh với một lòng tin, một sự rung động say đắm. Thắng lợi tuyệt vời của người sáng tạo nghệ thuật là ở chỗ đó.

- Tôi biết ông hay trở lại chiến trường xưa. Với những chuyến đi này, ông tìm kiếm điều gì và khi thăm lại những mảnh đất ông đã từng chiến đấu, ông có cảm xúc như thế nào?

+ Chiến trường tôi thân thuộc hồi chiến tranh là Quảng Nam - Đà Nẵng. Tôi hay trở lại đây vì miền đất con người ở đây tôi quen, thân thuộc tựa quê hương mình. Đồng đội tôi trong những năm tháng gian lao chiến đấu ở đây nhiều người đã hi sinh nằm lại ở các nghĩa trang. Tôi và những người bạn may mắn còn sống hầu như năm nào dịp 27/7 cũng đến thắp hương. Tỉnh Quảng Nam cứ vài năm lại mời những người từng tham gia kháng chiến trên đất này về thăm lại chiến trường xưa. Mỗi chuyến đi như thế là dịp chúng tôi nhớ cảnh nhớ người ngày nào với bao xúc động bồi hồi, cũng là dịp gặp lại nhau khá đầy đủ, vui lắm, xúc động lắm. Các anh lãnh đạo ở tỉnh, ở huyện còn đưa chúng tôi đến những vùng miền rất hấp dẫn mà trước đây chúng tôi chưa từng biết chưa từng tới. Với tôi những chuyến đi về nguồn bao giờ cũng khơi dậy những cảm xúc để tiếp tục viết một cái gì đó về mảnh đất, con người mình đã gắn bó, biết ơn và yêu mến. Bây giờ chỉ cầu mong còn có sức khoẻ để còn đi, còn viết.

- Là người lính, cả đời viết về chiến tranh và người lính, ông đánh giá thế nào về dòng văn học chiến tranh ở góc nhìn của mình, nhất là trong thời gian ông công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội?

+ Có một thực tế, hồi anh Nguyễn Trí Huân làm Tổng biên tập, và sau đó nữa, tình trạng sáng tác về người lính và chiến tranh cách mạng có chùng xuống. Kí, truyện ngắn vẫn bình thường, đăng đều trên tạp chí nhưng viết dài, truyện vừa, tiểu thuyết, trường ca yên ắng hơn. Theo tôi, nguyên nhân chính là các nhà văn lão làng viết về đề tài này đang vắng dần. Một số người còn lại tuổi cao, sức khỏe có hạn và quả thật vốn liếng, cảm xúc đã cạn. Lứa sau các nhà văn này viết dài cũng nản. Sách in khó, nhuận bút thấp, người đọc không mặn mà với những sách dày cộp. Viết ngắn ít thời gian hơn, nhuận bút tạm được. Vậy là nhiều người xoay sang viết ngắn. Mọi hi vọng trông vào lớp trẻ nhưng cũng phải chờ đợi thôi. Họ cần thời gian tích lũy, thể nghiệm, và cũng cần được khuyến khích của cấp quản lí, của bạn đọc. Và Bộ Quốc phòng đã có cuộc vận động viết về chiến tranh cách mạng và người lính. Đề án được triển khai từ những năm 2000 và được duy trì đến nay. Tôi biết những cuộc đầu tư như thế đã tạo nên những chuyển động, tập hợp được một đội ngũ nhà văn tên tuổi tham gia dự án và viết những điều mình am hiểu thân thuộc. Nhiều tiểu thuyết, trường ca, tập truyện, tập thơ của các nhà văn nhà thơ gạo cội và của cả những nhà văn nhà thơ trẻ ra mắt bạn đọc và giành các giải thưởng giá trị: Giải thưởng của Bộ Quốc phòng, Giải thưởng của Hội Nhà văn, Giải thưởng Nhà nước... Những trận đánh lớn với những nhân vật mới lạ cả ta cả địch được dựng lên sinh động, cuốn hút. Một số tác phẩm tham gia đầu tư đến nay vẫn được bạn đọc và giới phê bình bàn luận sôi nổi. Tôi tin rằng với sự quan tâm của Bộ Quốc phòng và sự cổ vũ khích lệ của bạn đọc, dòng văn học về người lính và chiến tranh cách mạng sẽ tiếp tục phát triển như truyền thống vốn có.

- Ông có nghĩ rằng những người trẻ, chưa từng trải qua chiến tranh, có thể viết được về chiến tranh không? Ông có lời khuyên nào dành cho họ?

+ Tôi tin và hi vọng những người trẻ chưa từng trải qua chiến tranh vẫn viết tốt về chiến tranh. Họ không có nhiều vốn sống trực tiếp, bù lại, họ có một nguồn tư liệu dồi dào. Đó là những tướng lĩnh, những nhân chứng của cuộc chiến. Gặp họ hỏi chuyện không khó gì. Sách viết về chiến tranh, những tư liệu, những bản tổng kết, những văn bản nghị quyết, hồi còn chiến tranh không dễ tiếp xúc, giờ bày công khai ở các thư viện. Việc đi lại những vùng đất đã xảy ra những trận đánh những chiến dịch lớn để quan sát để hình dung cũng không khó lắm. Theo tôi tuổi trẻ viết văn có hai yếu tố cần thiết: tài năng và tích lũy vốn sống. Tuổi trẻ có nhiều thuận lợi về vốn ngoại ngữ, thông minh, nhanh nhẹn. Hơn thế tuổi trẻ mạnh mẽ hơn trong khám phá sáng tạo. Cách nhìn nhận chiến tranh của tuổi trẻ chắc sẽ mới lạ hơn, phóng khoáng, khách quan hơn. Tuy nhiên, đấy mới chỉ là thuận lợi. Muốn có được tác phẩm in dấu ấn, phải kiên trì học hỏi, “cày cấy cật lực” phấn đấu không ngừng. Chiến tranh đã lùi xa, không lí gì người viết trẻ hôm nay lặp lại cách viết giống những bậc đàn anh đi trước. Đột phá, sáng tạo, cá tính trong tác phẩm viết về người lính và chiến tranh cách mạng là niềm hi vọng hướng nhiều tới những nhà văn trẻ. Chúc các bạn ấy thành công.

- Trân trọng cảm ơn nhà văn về cuộc trò chuyện này!

UÔNG TRIỀU thực hiện

VNQD
Thống kê