“Tổ quốc nhìn từ biển”, tái hiện dáng hình đất nước

Thứ Hai, 23/09/2024 12:31

Xót xa làm sao, những ngày vừa qua, đất nước Việt Nam ta đã phải hứng chịu những hậu quả từ siêu bão Yagi, để lại bao tổn thất về tinh thần, của cải, và một lần nữa cảm xúc từ Tổ quốc nhìn từ biển lại ngân rung trong tôi.

“Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển

Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa

Ngàn năm trước con theo cha xuống biển

Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa”

Tổ quốc nhìn từ biển một sáng tác thơ của nhà thơNguyễn Việt Chiến, được viết ở Trại viết Văn nghệ Quân đội, Hạ Long 4/2009 và được nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ nhạc thành bài hát cùng tên. Bài thơ gồm 10 khổ, được viết dưới thể thơ 8 chữ.

Tiếng hát tâm hồn trong Tổ quốc nhìn từ biển là sự rung động với nỗi niềm trăn trở về lịch sử. Tình yêu quê hương đất nước của người dân máu đỏ da vàng đã được tái hiện một cách tinh tế, cùng thái độ trân trọng, biết ơn từ đó răn dạy thế hệ trẻ, thế hệ tương lai vàng bài học về bảo vệ Tổ quốc, chủ quyền biển đảo.

Hình ảnh trong bộ phim tài liệu "Tổ quốc nhìn từ biển" của Điện ảnh Quân đội nhân dân. Ảnh: TL

Phong cách thơ của Nguyễn Việt Chiến mạnh về tính liên tưởng, đặc biệt có màu sắc riêng ở cách kết hợp hình ảnh, dụng ý thơ đặc biệt, mang nhiều tầng lớp ý nghĩa. Một mặt, phong cách viết này thu hút người độc giả đi vào tìm đọc bởi sự gần gũi, thân thuộc, nhưng cùng lúc nó cũng khiến người ta rơi vào choáng ngợp bởi các lớp sóng chữ nghĩa, gợi những cơn đập tự vấn về trách nhiệm cá nhân với đất nước.

Mạch xương sống tiếng hát Tổ quốc nhìn từ biển là sự phối hợp nhịp nhàng giữa trục xương dọc – các địa danh có thực: quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; đảo Lý Sơn; Cồn Cỏ, đảo Lý Mê và các kiến thức lịch sử đầy tự hào: chiến thắng Bạch Đằng, truyền thuyết cội nguồn dân tộc Lạc Long Quân và Âu Cơ, tích hòn Vọng Phu,… cùng hình ảnh đất nước thời nay và đất nước thời kì trước đầy hiên ngang, hùng vĩ ở sụn trục ngang. Mạch cảm xúc bài thơ mang một lời nhắc nhở: Ông cha ta từ ngàn năm trước đã lên rừng xuống biển để khai phá, dựng xây non nước này. Và chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn và phát triển lịch sử dân tộc này.

Để rồi được liên kết qua thi pháp “sóng”, biến mỗi một khổ thơ thành một tiểu trường ca bi tráng đầy cảm xúc. Ở mỗi một đoạn thơ, “sóng” lại xuất hiện dưới một vai trò mạch dẫn, nối tiếp các khổ thơ và toàn bộ tinh thần khúc hát hoà làm một. Sóng rì rào, sóng lăn tăn, sóng gợi rồi đột ngột một đợt sóng cao trào, lại dần dần lắng lại, trở về vẻ im lìm, chiêm nghiệm vốn có.

Nhà thơ đã tái tạo một số giai thoại lịch sử tiêu biểu, truyện truyền thuyết qua các dòng thơ bồi hồi sâu lắng, cô đặc trong lời vấn đáp về việc trân trọng, bảo về và gìn giữ hoà bình, dáng hình đất nước: “Trong hồn người có ngọn sóng nào không?” gửi tới các thanh thiếu niên.

Với cá nhân tôi, trên cương vị là người viết và độc giả, Tổ quốc nhìn từ biển đặc biệt gây ấn tượng với tôi với hai câu thơ: “Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy/ Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân.” Biển, chủ đề đã không còn xa lạ trong văn chương của Nguyễn Việt Chiến nói riêng và thi ca Việt Nam nói chung, là nơi đã chứng kiến, vùi đắp những câu chuyện, con người của chiến tranh. Biển là nhân chứng lịch sử, kể lại lịch sử, răn dạy con người về lịch sử. Đứng trước biển và thảm họa tự nhiên, con người ta cũng trở nên nhỏ bé vô cùng. Những cũng từ biển, đứng trước biển, con người như đang đứng trước lịch sử, đứng trước quê nhà ruột thịt nên dầu có nhỏ bé cũng phải cùng nhau đi lên. Phải biết học trân trọng, biết ơn giá trị của quá khứ.

Điều ấy cũng gợi nhớ tôi những dòng thơ của Du Tử Lê:

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển

đời lưu vong không cả một ngôi mồ

vùi đất lạ thịt xương e khó rã

hồn không đi sao trở lại quê nhà

                                                              (trích “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển”)

Ấy là minh chứng đanh thép cho sự hiện diện vô cùng quan trọng của biển với đời sống văn chương con người Việt: Biển là nghĩa trang lịch sử nhưng cũng là cái nôi hát ru vỗ về tương lai. Là nơi hồn người chiến sĩ với tinh thần chiến đấu bất khuất ngã xuống cũng là nơi để kiếp người lưu lạc xứ xa gửi lòng thương nhớ, tỏ lời tấm lòng thuỷ chung với Tổ quốc thân thương.

Ý tưởng thơ trong Tổ quốc nhìn từ biển được biểu đạt ngắn gọn, sức tích thông qua các dòng thơ cô đọng, gợi mở bởi các giá trị thực, các chiến tích lịch sử được đánh đổi bằng xương máu của cha ông ta cũng như các giá trị tinh thần về cội nguồn con người, cái gốc lịch sử và từ ấy trải lòng trăn trở, đau đáu tình yêu về biển, sự biến động chập chờn nguy hiểm trên biển từ góc nhìn thứ ba đầy khách quan nhưng cũng có chính kiến và quan điểm riêng: phải biết tôn trọng, bảo tồn và phát huy lịch sử. Bởi, những gì bị lãng quên ngày hôm nay sẽ phải đánh đổi lại bằng máu thịt của ngày mai.

Tổ quốc nhìn từ biển, tính nhạc điệu và nhịp điệu không bị rời rạc, đơn lẻ mà hiện lên với một hệ thống bài bản, chặt chẽ với nhau, dựng lên một mối liên kết vô hình cuốn lấy người đọc: tinh thần yêu nước. Một tình yêu bản năng, có sẵn trong mỗi trái tim con người, một tình yêu trỗi dậy trong vô thức khi nghe một cái tên quen, nghe một bản tin truyền hình, hay vô tình nếm vị cơm nhà quê nhà nơi xứ người. Cấu trúc bài thơ dồn dập, với điệp cấu trúc: “Nếu Tổ quốc…” đầy ấn tượng. Dù chỉ mang góc nhìn giả định, song tác giả đã đề cập đến những sự kiện, câu chuyện có thật, đan xen một lớp không gian: thực >< ảo, hiện tại>< quá khứ như một lời dự báo, tiên tri tương lai về những khó khăn của đất nước trên mặt trận biển đảo. Dường như trên một điểm nhìn nào đó, ta có thể cảm nhận được sự dũng cảm, dám vượt qua nỗi đau đời thường cá nhân của nhà thơ để suy nghĩ, đau đáu về Tổ quốc, để xúc động cho một đề tài lớn lao, với một hình tượng đất nước đầy tính sử thi và dạt dào cảm xúc như vậy.

Có thể nói, Tổ quốc nhìn từ biển đã và đang làm rất tốt trong vai trò truyền động lực cho các sáng tác viết về chủ đề biển đảo, cũng như đã tái hiện dáng hình một phần đất nước Việt Nam oai hùng mạnh mẽ và mong mỏi các thế hệ người Việt sẽ tiếp tục duy trì, phát triển tinh thần đáng trân quý ấy của dân tộc.

BẢO CHÂU

VNQD
Thống kê