Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 1064 (đầu tháng 7/2025)

Thứ Năm, 03/07/2025 17:25

 Hằng năm, cứ đến những ngày tháng 7, chúng ta càng tưởng nhớ sâu sắc tới những anh hùng liệt sĩ, nhất là những liệt sĩ đến hôm nay còn chưa tìm thấy mộ. Đã hơn 50 năm kể từ dấu mốc thống nhất đất nước (30/4/1975), chúng ta chưa bao giờ ngừng công việc đi tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Đây là một trong những hoạt động rất thiêng liêng. Thời gian qua, Ban Chỉ đạo quốc gia 515 đã có nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực trong việc tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ ở địa bàn trong nước, địa bàn các nước bạn Lào và Campuchia. Đó chính là sự tri ân sâu sắc với các gia đình và thân nhân liệt sĩ. Trong dịp tháng 7 năm nay (2025), Văn nghệ Quân đội đã có cuộc đối thoại với Thượng tướng Võ Minh Lương - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ (Ban Chỉ đạo quốc gia 515) về vấn đề này.

Bài trò chuyện mang tên Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là công việc thiêng liêng sẽ mở đầu Tạp chí số này.

Phẩn Văn xuôi tiếp tục với các tác phẩm và bài viết ấn tượng.

Truyện ngắn Chuyện làng Cát của Nguyễn Vũ Điền thấm đẫm hồi ức và tình người, kể về cuộc gặp gỡ sau chiến tranh của hai người bạn từng ở hai chiến tuyến. Qua dòng hồi tưởng về tuổi thơ, những trận đánh ác liệt và khoảnh khắc sinh tử, truyện mở ra chiều sâu của mất mát, dằn vặt và tha thứ. Nguyễn Vũ Điền đã viết bằng giọng văn trầm lặng, giàu hình ảnh biểu tượng, gợi lên những mảng sáng tối trong tâm hồn con người hậu chiến. Không lên án, không biện hộ, truyện hướng đến sự thấu hiểu và hòa giải. Hơi thở của làng quê, dòng sông, bụi cát, và tiếng gọi “tau - mi” vang lên như một niềm tin còn âm ỉ. Chiến tranh lùi xa, nhưng tình người vẫn ở lại. Và quê hương sau cùng là nơi để trở về.

Truyện ngắn Neo một bến sông của Ngô Hường là truyện ngắn cảm động về hành trình tha hương và hồi sinh của một gia đình nghèo. Quãng đường từ bến xe Vườn Mít đến xóm chài ven sông Biên Hòa có lúc tưởng như mịt mùng, vô định. Bằng giọng kể mộc mạc mà chân thành, Ngô Hường đã khắc họa hình ảnh Năm Sang và Kiều Mai, đôi vợ chồng từng bị dập vùi bởi quan niệm và sự khốn khó đã từng bước đứng dậy từ lòng nhân ái, từ một giếng nước thiêng và những nồi lẩu nấu bằng tình người. Không kịch tính mà lặng sâu, truyện gieo vào lòng người đọc một niềm tin lặng lẽ, rằng đôi khi, chỉ cần biết dừng lại đúng lúc, neo một bến bình yên, là đã có thể thay đổi cả phận người.

Truyện ngắn Người gánh sương mai của Nguyễn Luân là một truyện ngắn sâu sắc, lay động, kể về lão Dẻn người đàn ông gánh phân dơi trên ngọn núi Tó suốt đời trong câm lặng và nhẫn nại. Đồng hành cùng lão không chỉ là cô con gái tên Miên, mà còn vết thương lòng khi người vợ phụ bạc bỏ đi. Truyện đan cài giữa hiện thực và huyền ảo, giữa khổ nhục và bao dung, lấy bóng tối của hang dơi và sương núi để soi rọi ánh sáng nội tâm con người. Những lớp lang kí ức, nỗi đau, sự chờ đợi và tha thứ được biểu đạt bằng một giọng văn trầm tĩnh, ám ảnh. Hình tượng đàn dơi và tổ Ca Hào trở thành biểu tượng cho niềm tin nguyên sơ, cho sự thủy chung với cội nguồn dù đời sống bao phen bầm dập. Ở nơi tận cùng bóng tối, lòng người vẫn gánh được ‘một chút sương mai’.

Ấm áp ngày trở về đất mẹ là ghi chép xúc động về hành trình của Đội K52 tỉnh Gia Lai vượt rừng Campuchia quy tập hài cốt các liệt sĩ Việt Nam đã hi sinh trên đất bạn. Với giọng kể chân thực, tác phẩm khắc họa sâu sắc tình đồng đội, sự tri ân và nghĩa tình quốc tế giữa hai dân tộc.

Những cánh hoa của hi vọng của Nguyễn Mạnh Thắng là những khắc họa sinh động về công trình cảng Liên Chiểu. Qua hành trình thực địa và những chia sẻ đầy tâm huyết của các kĩ sư, tác phẩm gợi nhớ hào khí Trường Sơn, kết nối quá khứ anh hùng với khát vọng vươn ra biển lớn.

Bút kí Thao thức sông Tiền của Trương Chí Hùng dẫn người đọc trôi theo dòng Tiền giang mênh mang, từ ngọn nguồn dữ dội đến nhánh nhỏ hiền hòa ôm ấp xóm câu Tịnh Thới. Giọng kể đậm chất Nam Bộ xen hoài niệm và hiện thực, khắc họa chân dung dòng sông và những lão ngư lầm lũi giữa mất mát cá tôm, tan rã làng nghề…

Tản văn Những đứa con sông của Nguyễn Thị Kim Hoà như một dòng hoài niệm dịu dàng chảy qua kí ức nhiều thế hệ lớn lên bên dòng sông Cái Phan Rang. Với giọng văn đằm thắm, chất liệu sống động và cảm xúc chân thành, tác giả khắc họa vẻ đẹp bền bỉ, bao dung của dòng sông quê như người mẹ lặng lẽ nuôi đất khô cằn nở hoa trái.

“Truyện ngắn hay tác giả tự chọn” giới thiệu tác phẩm Giếng trong của Lê Tấn Hiển.

Phần Thơ với sự góp mặt của các tác giả: Đinh Minh Thiện, Trần Thu Hà, Nguyễn Minh Đức, Nam Thanh, Ngô Đức Hành, Nguyễn Thị Bình, Trần Bạch Diệp, Võ Văn Hân, Thai Sắc, Kiều Duy Khánh, Nhiên Đăng, Lê Đức Nghinh, Nguyễn Thánh Ngã, Phú Hanh.

Sự góp mặt của những tác giả đã quen thuộc gắn bó với VNQĐ và những gương mặt mới vừa làm nên sự sinh động cho trang thơ số này vừa là sự khẳng định những phong cách, những giọng điệu riêng. Những mạch nguồn cảm hứng vẫn được khơi mở, đào sâu để những trang thơ của VNQĐ tiếp tục đem đến cho bạn đọc sự cảm xúc, lắng đọng.

“VNQĐ giới thiệu” là chân dung tác giả Nguyễn Thị Thanh Long và chùm thơ ấn tượng của chị.

Phần Bình luận văn nghệ với sự tham gia của các tác giả: Lê Phong, Đinh Thanh Huyền, Bùi Thanh Truyền - Hoàng Thạch Sơn, Võ Quốc Việt, Hoàng Thuỵ Anh, Trần Việt Hoàng.

“Học Bác, không nên là nhiệm vụ. Học Bác cần phải xem như một thói quen để rèn giũa chính mình, nhằm hình thành những đức tính tốt. Trong không gian văn hóa đương đại, giữa rất nhiều lựa chọn, giữa muôn vàn những thứ sinh động hấp dẫn lôi cuốn con người - đôi khi sa vào mê lộ của sự tầm thường dễ dãi hay sự trống rỗng vô nghĩa, ta cần bình thản hơn để đọc, để học từ những trước tác của Bác Hồ.” Bài viết Đọc Bác để học Bác là những gợi mở mới mẻ và sâu sắc.

Viết về "lịch sử phê bình" ở Việt Nam, có nhiều tác giả như Trần Đình Sử, Nguyễn Hưng Quốc, Inrasara, Trịnh Bá Đĩnh, Trần Mạnh Tiến, Hoài Nam… đã công bố các chuyên luận sắc sảo, với những ý kiến xác đáng giúp làm rõ thực trạng, những tệ lậu hay triển vọng của phê bình. Trong bài viết Khi cây gậy chuyên môn bị đánh rơi giữa đường và phê bình báo chí lên ngôi, tác giả Đinh Thanh Huyền tiếp tục nêu ra những nhận xét có tính cá nhân, dựa trên thực trạng phê bình văn học hiện thời.

Bên cạnh đó là những vấn đề được xã hội và giới chuyên môn quan tâm, những chia sẻ nghề nghiệp, những cảm nhận, phân tích, luận giải về các văn nghệ sĩ, tác phẩm nghệ thuật... hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn đọc nhiều thú vị, hấp dẫn.

Tạp chí VNQĐ số 1064 dày 120 trang dự kiến sẽ phát hành ngày 5/7/2024. Thân mời các bạn đón đọc!

Văn

VNQĐ

Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là công việc thiêng liêng

Nguyễn Vũ Điền

Chuyện làng Cát

Phạm Đức Long

Ấm áp ngày trở về đất mẹ

Lê Tấn Hiển

Giếng trong

Nguyễn Mạnh Thắng

Những cánh hoa của hi vọng

Nguyễn Thị Kim Hoà

Những đứa con sông

Ngô Hường

Neo một bến sông

Nguyễn Luân

Người gánh sương mai

Trương Chí Hùng

Thao thức sông Tiền

 

Thơ

Đinh Minh Thiện

Dưới tán rừng

Trần Thu Hà

Cây phong ba; Vịn tiếng cười em đi

Nguyễn Minh Đức

Lời mẹ bên sông; Đảo chìm

Nam Thanh

Trở về mùa hạ

Ngô Đức Hành

Kí ức Đồng Lộc; Trở lại Bắc Quang

Nguyễn Thị Bình

Tháng bảy của mẹ; Vị Xuyên trong tôi

Trần Bạch Diệp

Giếng làng; Huế

Võ Văn Hân

Lời ru của núi; Vú gỗ

Thai Sắc

Người lính già, Luỵ; Về bên đá

VNQĐ giới thiệu thơ Nguyễn Thị Thanh Long

Khâu lại khoảng trống; Viên gạch cổ; Mùa này ai sẽ về

Kiều Duy Khánh

Bố tôi làm thợ rèn; Pha Đin;

Cây đinh hương trên vách đá tai mèo

Nhiên Đăng

Gò đồi; Những ngón tay gầy khô như lá

Lê Đức Nghinh

Mơ về đồng đội; Còn nghe vọng tiếng thầy tôi

Nguyễn Thánh Ngã

Một sự ẩn dụ

Phú Hanh

Mưa rồi mẹ ơi

 

Bình luận văn nghệ

Lê Phong

Đọc Bác để học Bác

Đinh Thanh Huyền

Khi cây gậy chuyên môn bị đánh rơi giữa đường

và phê bình báo chí lên ngôi

Bùi Thanh Truyền - Hoàng Thạch Sơn

Đặc điểm của nhân vật tình báo trong tiểu thuyết tình báo,

phản gián Việt Nam

Võ Quốc Việt

Tư tưởng nhân dân anh hùng

Hoàng Thuỵ Anh

Hữu Phương và tiểu thuyết chiến tranh

Trần Việt Hoàng

Đồng đội của tôi…

 

Minh hoạ, ảnh

Bìa 1: Chải tóc

Tranh của họa sĩ Nguyễn Thị Hoà

Minh họa: Lê Trí Dũng, Trương Đình Dung, Nguyễn Bá Kiên,

Tào Linh, Chiết Tô

VNQD
Thống kê