Đại tá, nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt được biết đến là nhà văn của Binh chủng Tăng Thiết giáp, bởi suốt 38 năm quân ngũ của ông đều gắn với binh chủng này và gần như 16 đầu sách mà ông đã xuất bản đều gắn với câu chuyện về những người lính tăng. Một người lính lái xe tăng, khi mới 21 tuổi đã có mặt ở Sài Gòn, trực tiếp chiến đấu trong đội hình xe tăng của Quân giải phóng hùng dũng tiến vào Dinh Độc Lập, kết thúc thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Một nhân chứng lịch sử, nhưng mỗi khi nói về mình, mỗi khi nói về thời khắc trọng đại trong ngày 30/4 ấy, thường khiêm nhường cúi xuống trước sự hi sinh của biết bao đồng đội - những người góp phần chủ yếu làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta.
- Thưa Đại tá, nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt, duyên cớ nào giúp ông trở thành người lính lái xe tăng?
+ Thuở nhỏ, tôi bị mê hoặc bởi hình ảnh người chiến sĩ lái xe tăng Pha khát trong bộ phim Chiến công Pha Khát của Liên Xô. Anh Pha Khát điều khiển chiếc xe tăng “con báo châu Á” tung hoành trên mặt trận, diệt bao nhiêu là địch. Khi xe gặp sự cố, lại bị địch bao vây, anh liền nhảy ra ngoài dùng võ thuật đánh nhau với chúng. Kết thúc bộ phim là cảnh anh lái chiếc xe lao thẳng vào một đoàn tàu bọc sắt của quân Đức làm nó nổ tung… Tôi đã thầm mong mình được là một chiến sĩ xe tăng như anh hùng Pha Khát trong bộ phim ấy. Nhưng vì học giỏi các môn tự nhiên, tôi cũng có mơ ước trở thành một nhà khoa học, nên hết phổ thông tôi chọn thi vào Đại học Tổng hợp Toán và được 23,5 điểm, đủ điểm đỗ đầu vào. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam đã lên đến đỉnh điểm, cả miền Bắc lúc đó tràn ngập không khí chiến tranh, ý thức và nghĩa vụ của người công dân đối với việc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, quê hương, đánh đuổi quân xâm lược trở thành lí tưởng sống cao nhất của thế hệ chúng tôi nên tôi quyết định gác lại việc học, lựa chọn việc trở thành người lính. Thật ngẫu nhiên, cuối năm 1971, Binh chủng Thiết giáp (giờ là Binh chủng Tăng Thiết giáp) tuyển quân rầm rộ ở tỉnh Hải Hưng (Hải Dương, Hưng Yên) nên tôi đã dự tuyển. Nhập ngũ rồi, có sức khỏe tốt, văn hóa hết phổ thông nên tôi được cử đi học lái xe tăng.
- Nhà văn có thể chia sẻ cách những chiếc tăng vào được đến chiến trường? Trận đánh đầu tiên của ông diễn ra như thế nào?
+ Xe tăng là loại phương tiện chiến đấu có tải trọng lớn, tuổi thọ động cơ và nhiều chi tiết trên xe thấp nên khi cơ động đường dài thường phải sử dụng các phương tiện chuyên chở như: xe chở tăng chuyên dụng, xe lửa, tàu thủy... để đưa đến gần khu vực tác chiến. Thời điểm đó, có nhiều phương án để đưa xe tăng từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Trong đó phương án tối ưu là chở xe tăng bằng tàu hỏa vào đến Vinh - lên tàu thủy từ Vinh vào Đồng Hới hoặc cửa biển Long Đại (Quảng Bình), từ đó xe bắt đầu hành quân bằng xích trên đường mòn Hồ Chí Minh.
Để vào các chiến trường xa, sau khi vượt Trường Sơn sang đất Lào, xe tăng sẽ hành quân dọc cao nguyên Nam Lào. Nếu muốn vào chiến trường B4 (Trị Thiên - Huế) sẽ theo đường B45 vượt dốc Con Mèo về A Lưới. Nếu muốn vào B3 (Tây Nguyên) phải hành quân đến ngã 3 biên giới rồi về bắc Kon Tum. Nếu muốn vào B1 (Quảng - Đà) thì lộ trình tương tự B3 rồi ngược trở ra Quảng Nam (vì dãy Trường Sơn ở đoạn qua Quảng Nam, Quảng Ngãi rất hiểm trở). Còn nếu muốn vào B2 (Nam Bộ) thì vượt qua ngã 3 biên giới sang đất Campuchia tới căn cứ địa của Miền (Trung ương cục miền Nam) ở Bù Đốp, Lộc Ninh, với phương án này sẽ tiết kiệm được khoảng 600km hành quân xích. Trường hợp xấu nhất - khi máy bay địch đánh phá ác liệt các tuyến vận chuyển thì xe tăng sẽ phải hành quân bằng xích từ vị trí tập kết (Vĩnh Phú hoặc Hòa Bình) vào thẳng chiến trường. Quãng đường hành quân đến chiến trường xa nhất (B2) gần 2000km. Nhưng bất chấp những khó khăn, thử thách, hi sinh, bộ đội Tăng Thiết giáp đã đưa được hàng trăm xe tăng, xe thiết giáp vượt hàng vạn ki lô mét vào tất cả các chiến trường ở miền Nam. Tỉ lệ người và xe đến đích trung bình đạt 85-90%, nhiều đơn vị vừa vào đến nơi đã tham gia chiến đấu được ngay.
Giai đoạn 1972, Trung đoàn 202 chúng tôi có nhiệm vụ tác chiến ở Quảng Trị nên khoảng cách cơ động không quá dài. Tuy nhiên, đơn vị vẫn cơ động theo lộ trình tàu hỏa từ Vĩnh Yên đến Vinh, đi tàu thủy đến Đồng Hới, hành quân xích đến Vĩnh Linh, sau đó bơi vượt sông Bến Hải vào Gio Linh, Quảng Trị. Học lái xe tăng, nhưng thời gian đầu tôi lại được cử về đơn vị quân y, lái xe “phẫu” nên bấy giờ tôi chưa trực tiếp chiến đấu. Khi chiến dịch Quảng Trị đang ở hồi cao trào thì tôi lại được điều sang Lữ đoàn 203 hành quân độc lập vào A Lưới (Tây Huế) để sẵn sàng làm mũi vu hồi vào thành Huế khi có thời cơ. Tuy nhiên, do tình hình chiến trường phát triển không thuận lợi nên không thực hiện được kế hoạch và chúng tôi tập kết tại địa bàn này đến năm 1975 mới được dùng đến.
- Đơn vị của ông đã bắt đầu tham gia Chiến dịch Mùa xuân năm 1975 (hay Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân 1975) để thực hiện mục tiêu giải phóng hoàn toàn miền Nam như thế nào, thưa nhà văn?
+ Chiến dịch Tây Nguyên phát triển thuận lợi, phát hiện địch tập trung về Huế. Từ ngày 19/3/1975, Đại đội Xe tăng 4 của tôi đã nhận lệnh cơ động.
Ngày 23/3, chúng tôi tăng cường cho bộ binh tiến công cứ điểm Núi Bông (Phú Lộc, Huế). Đây là một cứ điểm án ngữ đường 14B trong cụm cứ điểm Tây - Nam Huế của ngụy quân, ngụy quyền nhằm ngăn chặn đường tiến của quân ta. Do địch chiếm địa hình có lợi, hệ thống công sự vật cản vững chắc cộng với hỏa lực mạnh nên Sư đoàn 324 Quân Giải phóng đánh 3 ngày mà chưa dứt điểm. Khi được tăng cường xe tăng, cứ điểm Núi Bông mới chịu thất thủ, mở ra con đường tiến về Huế từ phía Nam.
Ngày 25/3 chúng tôi giải phóng thành phố Huế và truy kích địch ra cửa Thuận An, bắt giữ hàng nghìn tù binh, hàng binh, thu giữ hàng trăm phương tiện chiến tranh, trong đó có 54 xe tăng M48.
Ngày 29/3, chúng tôi theo Quốc lộ 1, qua đèo Hải Vân tiến công Đà Nẵng. Mục tiêu của đơn vị chúng tôi là đánh chiếm thương cảng Bạch Đằng (trước cửa chợ Hàn) và chốt giữ tại đó. Đây là những trận đánh đầu tiên của đơn vị tôi trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy Mùa xuân 1975.
- Qua giọng kể của ông, tôi cảm nhận được những bước chân thần tốc của Quân Giải phóng trước những rào lũy cuối cùng của kẻ thù...
+ Ngày 07/4/1975, chúng tôi được quán triệt mệnh lệnh của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới chiến trường giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”. Sau đó chúng tôi bắt đầu cuộc hành quân “thần tốc” hơn 1000km về phía Nam. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại đội Xe tăng 4 của tôi nằm trong Thê đội 1 của binh đoàn thọc sâu đánh vào nội đô Sài Gòn với mục tiêu chủ yếu là Dinh Độc Lập. Tuy nhiên, do các đơn vị đánh “bóc vỏ” gặp khó khăn ở căn cứ Nước Trong (Long Thành, Đồng Nai) nên cấp trên rút đại đội tôi đi làm nhiệm vụ đó. Ngày 29/4, cùng với bộ binh chúng tôi phá toang chốt chặn Nước Trong mở đường cho Quân đoàn thuận lợi tiến về Sài Gòn. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đơn vị tôi được đưa về làm dự bị cho Thê đội 1 của binh đoàn thọc sâu.
- Như vậy, trước giờ quyết định thì Đại đội của ông chỉ giữ vai trò dự bị?
+ Theo kế hoạch ban đầu, Tiểu đoàn Xe tăng 1 gồm 3 đại đội: 1, 3 và 4 của chúng tôi là Thê đội 1 của binh đoàn thọc sâu đánh vào Sài Gòn. Đồng nghĩa với việc Tiểu đoàn Xe tăng 1 có nhiệm vụ dẫn đầu đội hình, đột phá phá vỡ tuyến phòng thủ vùng ven và trong nội đô mở đường cho toàn binh đoàn tiến vào mục tiêu chủ yếu là Dinh Độc Lập. Vì vậy, từ ngày bắt đầu Chiến dịch Hồ Chí Minh (26/4), cấp trên giao nhiệm vụ chọc thủng tuyến phòng thủ vòng ngoài - gọi nôm na là “bóc vỏ” cho các đơn vị khác mà không dùng đến tiểu đoàn này. Song thực tế các đơn vị đó không hoàn thành nhiệm vụ, cấp trên buộc phải rút Đại đội 4 của chúng tôi đi làm nhiệm vụ đánh “bóc vỏ”. Chính vì thế, khi trở về đội hình Thê đội 1 của Binh đoàn thọc sâu, Đại đội 4 được chỉ định làm dự bị. Nói là “dự bị” song cũng chỉ đi sau Đại đội 1, Đại đội 3 một quãng ngắn mà thôi.
Riêng xe 380 của tôi hơi đặc biệt một chút: chúng tôi được cấp trên rút ra đi tăng cường cho Đại đội Xe tăng 5 đánh Nước Trong từ 28/4. Trong trận đó, xe của chúng tôi bị trúng một quả đạn vào tháp pháo làm nóc quạt thông gió bị thủng, bay mất khẩu 12,7mm, hỏng đại liên song song bên pháo, điện đài cũng hỏng... Bốn thành viên trong xe thì pháo hai Nguyễn Kim Duyệt hi sinh, trưởng xe Nguyễn Đình Luông bị thương nặng phải đi viện, chỉ còn pháo thủ Trương Đức Thọ và tôi nên được xếp vào đội hình Thê đội 2 - nghĩa là cơ động phía sau phân đội đi đầu khoảng vài trăm mét.

Xe tăng 380 do chiến sĩ Nguyễn Khắc Nguyệt lái tiến vào dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975. Ảnh: Françoise Demulder (nhà báo Pháp)
- Diễn biến trận chiến đấu trong nội đô Sài Gòn diễn ra thế nào, thưa ông?
+ Tại chốt chặn đầu cầu Sài Gòn, một số xe tăng của Đại đội 1, Đại đội 3 bị bắn cháy, bắn hỏng hoặc dạt xuống vệ đường tránh đạn bị sa lầy, tiểu đoàn trưởng Ngô Văn Nhỡ hi sinh khi chỉ huy chiến đấu. Đơn vị rơi vào tình huống vô cùng bất lợi... Chấp hành mệnh lệnh của trên, đại đội tôi đã chớp thời cơ, xông lên tiêu diệt xe tăng và các hỏa điểm địch, vượt được cầu Sài Gòn để tiến vào nội đô. Khi đến Dinh Độc Lập, xe 843 của Đại đội trưởng Bùi Quang Thận lao vào cổng phụ bên trái, do chiều rộng cổng hẹp hơn xe nên bị khựng lại. Xe 390 do Chính trị viên Vũ Đăng Toàn chỉ huy từ phía sau lao lên húc thẳng vào cổng chính, cánh cổng dinh đổ sập. Từ xe 843, Đại đội trưởng Bùi Quang Thận tháo lá cờ Giải phóng trên ăng ten đài vô tuyến điện chạy lên nóc Dinh Độc Lập cắm cờ, báo hiệu giờ phút toàn thắng của Chiến dịch. Trong lúc đó, Chính trị viên Vũ Đăng Toàn cùng Pháo thủ Ngô Sỹ Nguyên thực hiện việc bắt giữ Tổng thống Dương Văn Minh và nội các chính quyền Sài Gòn.
- Nhà văn có thể chia sẻ thêm về những hình ảnh của bộ đội, nhân dân Sài Gòn và cá nhân ông trong thời khắc lịch sử đó?
+ Vì ở Thê đội 2 đi sau nên tôi có điều kiện quan sát hành động chiến đấu của các xe đi trước, đồng thời thấy được cả không khí của quần chúng nhân dân Sài Gòn đón chào quân Giải phóng. Tôi thật sự ngạc nhiên bởi không biết nhân dân Sài Gòn chuẩn bị từ bao giờ mà hai bên đường xuất hiện khá nhiều cờ Giải phóng và khẩu hiệu chào mừng. Ngay sau khi Thê đội 1 của binh đoàn thọc sâu đi qua đã có rất đông bà con tràn ra đường phất cờ, vẫy chào quân Giải phóng. Ngạc nhiên nữa là giới trẻ Sài Gòn, họ không chỉ ăn mặc đẹp mà còn rất nhanh nhẹn và dạn dĩ, họ không sợ sệt gì trước những chiếc xe tăng lấm đỏ bụi đường. Nhiều cậu trai còn phóng xe máy hay đạp xe bám sát theo xe tăng của chúng tôi. Khi đến Dinh Độc Lập, tôi dừng xe ngay gần bồn nước giữa sân dinh, tôi và pháo thủ Thọ cùng nhảy xuống và ôm lấy nhau nhảy tưng tưng như trẻ nhỏ, vui sướng đến tột cùng. Như vậy là chúng tôi đã làm chủ mục tiêu chủ yếu, mục tiêu quan trọng nhất của chiến dịch cũng như cả cuộc chiến tranh mà vẫn còn sống. Từ nay sẽ hết chiến tranh, đất nước hòa bình, thống nhất và chúng tôi sắp được trở về quê hương, với gia đình và thực hiện tiếp những ước mơ còn dang dở...
Sau đó, Thọ chạy vào trong Dinh Độc Lập, còn tôi, vì chấp hành quy định “lái xe không được rời xe” nên chỉ quanh quẩn bên xe 380. Lát sau, tôi chui vào buồng chiến đấu, nhìn những vệt máu của Nguyễn Kim Duyệt còn vương vất ở sàn xe, mùi máu vẫn tanh nồng thì tâm trí tôi chợt lắng lại, trong lòng trào lên một niềm thương xót vô hạn đối với người bạn chiến đấu thân thiết - anh đã cùng biết bao anh hùng liệt sĩ hi sinh để chúng tôi được hưởng niềm vui chiến thắng hôm nay. Bồi hồi trước “cây số cuối cùng” của cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc, một tứ thơ chợt nảy ra trong đầu tôi. Tôi vội lấy cuốn sổ tay đã bị mảnh đạn chém hết 1/3 chiều ngang hôm 28/4 viết vội: Khi chiếc xe tăng dừng trước Dinh Độc Lập/ Ta ngỡ ngàng - Đây thật hay mơ?/ Cây số cuối cùng - Cuộc trường chinh dằng dặc/ Đến rồi chăng? Hai mắt bỗng dưng nhòa. Và mắt tôi nhòa đi thật!
- Suốt hành trình từ điểm xuất phát Tây Huế đến Sài Gòn, ông có những kỉ niệm sâu sắc nào lần đầu muốn chia sẻ cùng bạn đọc không?
+ Ngày 29/3 giải phóng Đà Nẵng, hôm sau, vừa sáng ra chúng tôi được lệnh diễu qua một số đường phố để biểu dương lực lượng; một mặt làm yên lòng đồng bào, một mặt trấn áp tàn quân của địch còn lại trong thành phố. Khi xe về vị trí trú quân ở một con ngõ cạnh chợ Hàn thì rất đông bà con đến “xem” bộ đội. Trừ những anh em phải đứng gác bên xe còn mỗi chúng tôi trở thành một “tuyên truyền viên bất đắc dĩ”. Bà con hỏi đủ thứ: Cuộc sống ở miền Bắc thế nào? Hợp tác xã là cái gì? Cộng sản là làm sao? Phụ nữ có được nuôi con mình không?... Đại loại đủ thứ câu hỏi, nhiều câu rất ngây ngô mà lại rất khó trả lời. Không chỉ hỏi và xem xe tăng, bà con còn xúm lại xem chúng tôi nấu cơm và ăn cơm. Bếp đặt ngay trên vỉa hè, cơm nấu xong cũng chia và ăn luôn tại đấy. Trước ánh mắt của hàng trăm người, cánh lính trẻ cũng thấy xấu hổ nhưng rồi vẫn phải ăn. Bà con xì xào với nhau: “Giải phóng cũng ăn cơm như mình!”... Một cậu thanh niên tầm 15 - 16 tuổi len qua vòng vây người vào sát cạnh tôi hỏi: “Ông giải phóng cho hỏi, các ông có bị xích vào ghế không?” Câu hỏi của cậu ta đặt tôi vào hoàn cảnh khó xử vì phải bảo mật xe. Nhưng không có câu trả lời tường minh về sự việc này thì không chỉ cậu ta mà rất nhiều người khác sẽ nửa tin, nửa ngờ. Nhìn sang phía xe anh Thận thấy cũng có một đám đông còn đông hơn quanh xe mình. Chắc đại đội trưởng cũng đang túi bụi trả lời bà con. Suy nghĩ một lát, tôi đi đến quyết định cho cậu ta lên xem. Kể ra cũng hơi liều và sai quy định nhưng thật sự cần thiết. Cậu ta cúi hẳn người vào bên trong ngó nghiêng thật kĩ rồi quay ra nói với đám đông: “Tổ cha bọn nói láo, không có gì cả các ông ạ!” Đấy, mới thấy tuyên truyền của địch nguy hại đến mức độ nào.
Sáng ngày 5/4, đại đội chúng tôi họp tổng kết Chiến dịch Huế - Đà Nẵng. Đại đội 4 chúng tôi có thành tích khá nhất vì đã tham gia đánh Núi Bông, giải phóng Huế, truy kích địch ra cửa Thuận An và giải phóng Đà Nẵng, lại làm tốt nhiệm vụ bảo vệ thành phố những ngày đầu giải phóng. Khi bình xét khen thưởng thì một trăm phần trăm cán bộ chiến sĩ đã tham gia đầy đủ từ đầu đều được đề nghị khen thưởng từ bằng khen trở lên. Tôi được anh em bình Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba vì có sáng kiến giúp đại đội xuất kích kịp thời gian trên quy định. Đại đội trưởng Thận cũng được toàn thể anh em trong đơn vị đề nghị thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhì. Tuy nhiên, anh Thận lại bị cấp trên khiển trách, bác đề nghị khen thưởng vì đã “mua một cái đồng hồ”… trái với quy định không được thu giữ, mua bán các loại hàng hóa có giá trị cao tại vùng mới giải phóng của Mặt trận.
- Từ một người học giỏi các môn tự nhiên và muốn trở thành nhà khoa học, trong giây phút lịch sử ngày 30/4/1975 ấy lại bất chợt làm thơ, đó phải chăng là sự sắp đặt của số phận, báo trước rằng tương lai chúng ta sẽ có một nhà văn chăng?
+ Có lẽ không có sự sắp đặt nào cả! Khi còn học phổ thông thì tôi học giỏi và chỉ yêu thích các môn tự nhiên, lại thi đỗ Khoa toán Đại học Tổng hợp Hà Nội. Suốt đời binh nghiệp thì làm nhiệm vụ huấn luyện - đào tạo. Để “phòng hờ” tôi còn học và tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân hệ tại chức. Nghe lời tiền nhân “Lập thân tối hạ thị văn chương” nữa nên lại càng xa lánh văn chương… Thế nhưng, cùng với thời gian, khi càng ngày càng được hưởng thụ niềm vui của cuộc sống hoà bình, tôi càng hay nghĩ về gian khổ, ác liệt ngày chiến tranh, đặc biệt hay nghĩ về sự hi sinh của những người đồng đội, biết ơn sự hi sinh của họ mà tôi còn được sống đến hôm nay. Chính món nợ tinh thần ấy thôi thúc tôi phải viết cho hậu thế biết thế hệ cha anh mình đã sống, chiến đấu và hi sinh như thế nào, để mà trân trọng những hoa thơm, trái ngọt mà họ đang được hưởng. Vì vậy, khi nhận quyết định nghỉ hưu ở tuổi 54, dù có một vài doanh nghiệp đánh tiếng mời đến làm việc song tôi từ chối và bắt đầu viết đến bây giờ: Cả đời làm bạn cùng cây súng/ Hưu rồi mới chập chững văn chương/ Trả món nợ tình bao đồng đội/ Vẫn còn nằm lại chốn sa trường…
- Như tôi biết, các nhân vật của ông đều là người thật, việc thật. Ông đặc biệt ấn tượng với nhân vật nào?
+ Đúng là các nhân vật của tôi đều là người thật, việc thật! Sở dĩ như vậy bởi tâm niệm: Tôi viết về đồng đội của mình, đơn vị mình, binh chủng mình. Mà Binh chủng Tăng Thiết giáp thì nhiều bạn đã biết, đó là một binh chủng “trẻ tuổi mà nhiều chiến công” như lời Bác Tôn khen tặng. Vì thế, có rất nhiều tấm gương trung thành tuyệt đối, chiến đấu dũng cảm, mưu trí sáng tạo, nhiều người hi sinh anh dũng... chính là mỏ “vàng mười” để khai thác, đưa vào trong các tác phẩm của mình. Tôi đặc biệt ấn tượng với những nhân vật cống hiến quên mình cho sự nghiệp chung, đã có những lựa chọn chính xác và đặc biệt mưu trí, dũng cảm trong những tình huống sống còn, sẵn sàng chấp nhận hi sinh để giành thắng lợi... như hai liệt sĩ sau:
Người thứ nhất là Liệt sĩ Nguyễn Nhân Triển, Trung đội trưởng Trung đội 3, Đại đội Xe tăng 7, Tiểu đoàn 297 kiêm Trưởng xe tăng 377. Ngày 24/4/1972, sau khi hoàn thành nhiệm vụ tiến công căn cứ Tân Cảnh, Trung đội 3 nhận lệnh cơ động lên Đắc Tô 2 chi viện cho bộ binh đánh địch tại đây. Đường cơ động xấu, lại bị máy bay ngăn chặn nên đội hình trung đội bị chia cắt, khoảng cách giữa các xe khá xa. Khi đến Đắc Tô 2, quan sát thấy bộ binh ta đang bị hàng chục xe tăng địch từ Đắc Pét lên dồn ép, truy đuổi rơi vào tình thế hết sức nguy kịch, Nguyễn Nhân Triển đã quyết định chỉ huy xe 377 xông vào đối đầu với xe tăng địch để giải cứu đồng đội. Tuy có ưu thế về hỏa lực và sức phòng hộ nhưng “mãnh hổ nan địch quần hồ”. Sau khi bắn hạ được 7 xe tăng địch thì xe tăng 377 cũng bị bắn cháy. Nguyễn Nhân Triển và cả ba đồng đội trong kíp xe đã hi sinh. Năm 2009, xe 377 được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Liệt sĩ Nguyễn Nhân Triển cùng kíp xe là nguyên mẫu cho tôi viết truyện kí 1 chọi 10 - Trận đấu tăng bi tráng do Nxb Trẻ ấn hành.
Người thứ hai là Liệt sĩ Ngô Văn Nhỡ, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Xe tăng 1, Lữ đoàn Xe tăng 203, Quân đoàn 2. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Tiểu đoàn Xe tăng 1 là tiểu đoàn chủ công đi đầu đội hình binh đoàn thọc sâu đánh vào Sài Gòn. Sáng 30/4/1975, Ngô Văn Nhỡ đã chỉ huy đơn vị thực hiện đúng tinh thần của Bộ chỉ huy chiến dịch là đánh lướt qua một số mục tiêu không quan trọng để nhanh chóng thọc sâu vào mục tiêu chủ yếu là Dinh Độc Lập. Khi anh chỉ huy đơn vị đến đầu cầu Sài Gòn, một số xe tăng đi đầu bất ngờ bị bắn cháy nhưng ta không phát hiện được vị trí xe tăng và hỏa khí của địch khiến đội hình bị chững lại. Do ở trong xe vừa thấp, vừa bị khói thuốc phóng làm cay mắt không quan sát được, Ngô Văn Nhỡ quyết định mở cửa trưởng xe nhô hẳn người ra ngoài quan sát, nhờ vậy mà anh phát hiện ra thủ đoạn của địch lợi dụng độ cong của mặt cầu, nhô tháp pháo lên một chút, bắn một phát lại lùi xuống nên ta rất khó phát hiện. Anh đã kịp thời chỉ thị mục tiêu và hướng dẫn đơn vị cách đánh. Đúng lúc đó, anh bị trúng đạn và hi sinh khi chỉ còn chưa đầy 2 tiếng đồng hồ nữa là đến giờ toàn thắng. Năm 2013, liệt sĩ Ngô Văn Nhỡ đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Bên cạnh đó, mối tình giữa anh và chị Quách Thị Loan cũng là một mối tình tuyệt đẹp. Vì vậy, họ là nguyên mẫu cho tôi viết cuốn tiểu thuyết Chỉ tình yêu gửi lại, được chương trình đầu tư sáng tác tiểu thuyết sử thi và trường ca của Bộ Quốc phòng giao cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội thực hiện đã xuất bản năm 2024 vừa qua.
- Xin cảm ơn Đại tá, nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt về cuộc trò chuyện ý nghĩa này.
LÝ HỮU LƯƠNG thực hiện
VNQD