Nghệ sĩ thời nào cũng phải biết đồng hành với người lính

Thứ Tư, 05/02/2025 00:23

Đại tá, nhạc sĩ, ca sĩ Minh Quang (tên đầy đủ là Đỗ Minh Quang) sinh năm 1951 tại Thanh Hóa, hiện sống tại Hà Nội. Ông từng theo học lớp Sáng tác, hệ đại học tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Ông nguyên là Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội. Ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật năm 2012.

Nhắc đến nhạc sĩ Minh Quang chúng ta nhớ ngay đến những giai điệu đẹp, những ca từ đậm chất trữ tình trong các ca khúc viết về người lính đã gắn bó với biết bao thế hệ bạn yêu âm nhạc như Sông Lô chiều cuối năm, Hoa sim biên giới, Cây đàn ghi ta một dây, Anh lính tình nguyện và điệu múa Apsara,… Có thể nói, những ca khúc này được xem như những bản tình ca đi cùng năm tháng của người lính, không chỉ trong chiến tranh mà ở cả thời bình. Để phần nào giúp bạn đọc hiểu hơn về hoàn cảnh ra đời của những ca khúc ấy và vì sao nhạc sĩ Minh Quang lại tâm huyết với đề tài người lính đến vậy, Văn nghệ Quân đội đã có cuộc trò chuyện với ông. Không chỉ là âm nhạc, cuộc trò chuyện đã đem đến nhiều hơn những góc nhìn về người lính và người sáng tác.

- Xin chào nhạc sĩ Minh Quang! Ông được biết đến với những ca khúc đi sâu vào tâm hồn người lính cũng như đông đảo bạn yêu nhạc bởi ca từ, giai điệu dễ thuộc dễ nhớ nhưng vô cùng sâu lắng, tha thiết. Để có được điều này trong nghệ thuật là không hề dễ. Ông có thể chia sẻ bí quyết thành công của mình?

+ Thành thực mà nói, việc viết lời cho ca khúc rất khổ. Tôi từng thấy mình viết mãi không ra, sau đó tôi tìm đọc thơ. Tôi đã đọc cả trăm tập thơ, rồi phổ thử các bài thơ mà mình tâm đắc. Đọc nhiều thơ thì thấy cảm quan ngôn ngữ của mình cũng khác đi.

Tôi cũng từng hỏi nhạc sĩ Tân Huyền, sao trong những chuyến đi thực tế, vừa đến nơi là anh đã có bài hát ngay. Mà tôi đi thực tế về vẫn không sao viết được. Nghe anh nói tôi mới hiểu ra, nghĩa là anh ấy đã có thực tế từ trước đó, đã có trải nghiệm từ trước đó. Nên dù đi đến đâu, với thực tế và trải nghiệm sẵn có cộng với cảm xúc của thực tại là anh có thể có tác phẩm ngay. Sau này anh Tân Huyền còn nói với tôi rằng: phải học văn học. Làm nhạc sĩ không chỉ phải biết đến nhạc mà còn phải học văn học. Nên tôi luôn có thói quen đọc thơ cho đến tận bây giờ.

- Như vậy nghĩa là thơ và việc đọc thơ đã mang đến cho âm nhạc của ông chiều sâu ca từ?

+ Đúng vậy! Tôi đi nhiều quá, phải ghi nhận ngay, không chờ nhà thơ được, nên phải tự trau dồi ngôn ngữ, đặc biệt là ngôn ngữ thơ để khi cảm hứng đến nhạc và lời cùng lúc được bật ra, đó là một chỉnh thể. Tôi có thói quen đi đến đâu là sáng tác luôn, hát luôn, cảm hứng ấy bối cảnh ấy đã tạo nên nhiều tác phẩm.

Nhưng cũng có những ngoại lệ. Hoa sim biên giới lúc đầu cũng được tôi sáng tác như vậy, xong tôi tự nghĩ phần lời của mình chán quá, phải xem lại. Sau đó, người anh của tôi là Đặng Ái đã viết một bài thơ về hoa sim biên giới, rồi tôi dựa trên bài thơ đó để sửa lại và có được bài hát trọn vẹn như các bạn thấy.

- Trong các ca khúc của Minh Quang, chất cách mạng hào sảng song hành với chất trữ tình, như đôi cánh nâng bài hát lên, làm cho bài hát gần gũi với người nghe. Ông nghĩ gì về hai vế này trong các tác phẩm của mình?

+ Khi nhìn lại tất cả các tác phẩm viết về chiến tranh cách mạng của mình, tôi không hề nhắc đến súng ống đạn dược, mà ở đó là điệu múa, là hoa sim, là dòng sông, là tiếng đàn, là nỗi nhớ... Giữa bom đạn ùng oàng tôi muốn sáng tác của mình không phải là những hình ảnh minh hoạ lại chiến tranh, không mô tả chiến tranh nhưng phải gắn với tâm trạng người lính trong những cuộc chiến tranh. Tôi nghĩ nếu không làm như vậy thì người lính sẽ không đứng vững được. Chiến tranh rồi, đạn bom rồi, gian khổ rồi. Người lính phải nghe một khúc gì đấy nó là của chính tâm hồn người lính vang lên, đồng điệu được với tâm trạng của người lính, là nguồn động viên cho người lính. Nói gì thì nói, giữa bom đạn chiến tranh, âm nhạc phải nâng đỡ tâm hồn người lính, góp phần giúp họ vượt qua được hoàn cảnh ác liệt ấy.

Tôi nghĩ dù là hào sảng hay trữ tình thì chúng ta cũng phải nói lên được nội tâm của người lính. Họ cần sống đời sống của con người bình thường.

Nhạc sĩ Minh Quang (thứ hai từ trái sang hàng thứ nhất) cùng đồng đội tại Quân khu 2 năm, 1979. Ảnh: TL

- Có lẽ chất trữ tình luôn có và hiện diện trong con người, chỉ cần gọi tên và đánh thức nó như thế nào mà thôi. Ông quan niệm thế nào về chất trữ tình trong mỗi người lính, nó ở đâu trong việc thực hiện nhiệm vụ của người lính?

+ Trong những chuyến đi biểu diễn ở các đơn vị, đứng trên sân khấu tôi luôn bị áp lực từ khán giả đến với mình. Thông thường, người lính thích gì thì mình phải hát phải trình diễn cái đó. Nếu cứ trình diễn bằng những giai điệu ca từ rổn rảng thì họ không thích, mình phải thay đổi thôi. Mình phải tìm ra gọi ra được điều họ mong muốn. Như Hoa sim biên giới những người lính đề nghị hát đi hát lại vì đó chính là những lời của trái tim họ. Những người lính thực sự trên biên giới, khi xem văn nghệ họ thấy họ đang lột xác để trở lại với bản năng bình thường của họ. Mình không làm được điều đó cho họ là mình thất bại. Nếu cứ hát rầm rầm lên thì trong tiếng vỗ tay sẽ không có tiếng vỗ tay của họ. Mình phải đưa đến cho người lính đúng cảm xúc của họ. Trong tuyên truyền, chúng ta không nên khô cứng vì con người nào cũng có tâm hồn và cảm xúc chứ không phải là cái máy. Phải mang lại sự lay động. Và chính sự lay động ấy sẽ tạo nên sức mạnh của người lính. Đừng nghĩ trữ tình là yếu đuối, trữ tình là những vẻ đẹp mà chúng ta khao khát muốn gìn giữ, nâng niu, ngắm nhìn, cảm nhận. Từ đó mà chúng ta muốn có sức mạnh để bảo vệ được vẻ đẹp ấy. Suy cho cùng, việc giữ gìn, bảo vệ Tổ quốc cũng bắt nguồn từ đó.

Vậy nên làm văn nghệ rất có ảnh hưởng đến vấn đề của con người, những người làm văn nghệ cần phải quan tâm đến đối tượng khán giả của mình xem họ cần gì thì mới chạm được vào họ. Rất nhiều người lính và khán giả của tôi đều có chung suy nghĩ ấy.

- Trong những chuyến đi biểu diễn, hình ảnh quen thuộc với những người lính là nhạc sĩ, ca sĩ Minh Quang ôm đàn và hát. Hát ở biên giới, ở hải đảo, ở đơn vị cơ sở, ở thao trường,… Khi hát ca khúc do mình sáng tác, ông có cảm thấy truyền tải cảm xúc đến người nghe nhiều hơn những ca sĩ khác không?

+ Tôi vốn không nghĩ mình sẽ truyền tải như thế nào, cách nào mà mình cứ theo cảm xúc của chính mình, làm theo đúng trái tim của mình, theo cách mình cảm thấy là nên như thế.

Với một số ca sĩ tôi thấy họ cũng truyền tải được rất tốt cảm xúc của tác phẩm. Khi bài hát Sông Lô chiều cuối năm ra đời không phải là Doãn Tần hát đầu tiên đâu mà là một cậu bộ đội trên Tuyên Quang, hát rất cảm xúc. Sau này, một hội diễn đã dàn dựng để Doãn Tần hát, Quang Vinh phối khí, mọi người nghe thích lắm, tôi cũng thích.

- Đi nhiều, sáng tác nhiều, chắc hẳn nhạc sĩ có rất nhiều kỉ niệm gắn liền với sự ra đời của các ca khúc được xem là “đi cùng năm tháng”. Ông có thể chia sẻ một vài kỉ niệm đáng nhớ đó?

+ Tôi nhớ, tại mặt trận 479, chúng tôi gặp những người lính quân tình nguyện trên đảo. Lúc ra gần đến đảo, tôi thấy bộ đội đang nổi nhạc ghê lắm, với rất nhiều đạo cụ như xoong nồi, bát đũa, họ chỉ có một cây đàn ghi ta mà chỉ còn một dây, thế mà những người lính vẫn hát vẫn vỗ rộn ràng, tôi thấy lạ thật. Gần một tiểu đội cứ thế say sưa hát. Tôi hỏi, đàn có một dây thế này mà các em vẫn hát à. Họ bảo chúng em hát được hết. Phải “trăm ngàn con sóng mới vỗ được vào bờ”, chúng ta phải biết người lính họ cần cái gì lúc đó. Mình không ca ngợi không miêu tả biển đảo nhưng vẫn thấy ăm ắp biển đảo và cái tình của người lính đảo.

Tôi đã tình cờ bắt gặp được cảm hứng ấy, chất liệu ấy. Còn có rất nhiều khoảnh khắc thú vị của lính mà mình không gặp được vì họ sống hàng năm trời ở đó, còn mình chỉ ra có một chốc một lát nào đó. Gặp được và bắt chụp được những hình ảnh ấy là tư liệu đáng quý của người sáng tác, nhưng đó cũng chính là câu chuyện đời thường của những người lính nơi biên giới, hải đảo.

Khi đi đảo về tôi chỉ ghi lại hình ảnh ấy, một thời gian sau mới sáng tác được bài Đàn ghi ta một dây. Bài hát được ra đời khi tôi đi thực tế, gặp lại những người lính quân tình nguyện, tôi đã hát bài đó như để trả ơn, trả nghĩa những người lính đã mang đến nguồn cảm hứng cho tôi.

- Có lẽ với những người viết đích thực, họ đi thực tế không khác gì một người lính đi chiến trường. Đi chiến trường trên mặt trận văn học nghệ thuật. Ông có nghĩ là mình đã đi trong tâm thế ấy không?

+ Tôi đi với tâm thế mình đang là chiến sĩ. Và tôi cũng là người chiến sĩ thật. Tôi nhớ mãi đến tận bây giờ hình ảnh bộ đội hành quân lên biên giới. Họ vẫy tay chào mọi người, chào chúng tôi. Một tiểu đoàn của Quân đoàn 1 đi từ Ninh Bình lên Bắc Giang, rồi từ đó hành quân lên biên giới. Họ đi trước, hứa hẹn với chúng tôi là sẽ gặp nhau ở biên giới để xem chúng tôi biểu diễn văn nghệ. Mình văn công nên đi chậm hơn một bước. Thế mà lên đến nơi thì họ đã hi sinh. Hứa với nhau là vậy thế mà họ không còn. Họ lên đến nơi là vào đánh trận ngay. Người lính luôn vào trận bất cứ lúc nào. Cam go không ai biết trước. Đó là xương máu, không thể nói hết được.

Đó là kỉ niệm xương máu mà đoàn văn công của Tổng cục Chính trị đi và thấy. Sự hi sinh thì không thể nói hết được, không thể viết ra được. Người lính họ biết và sẵn sàng đón nhận những điều đang chờ họ. Không phải chỉ chờ chiến thắng thôi đâu, mà chờ những cái gì đọng lại khi trở về. Nếu mà về được, đọng lại trong họ những gì…

Nhạc sĩ Minh Quang và NSƯT Bích Việt trong một chương trình biểu diễn văn nghệ tại biên giới phía Bắc. Ảnh TL

- Những sự hi sinh ấy có được tái hiện, thể hiện trong âm nhạc của ông không?

+ Những sự hi sinh quá lớn ấy khó để nói hết trong tác phẩm. Âm nhạc không đủ dũng cảm và cũng không thể nói lên hết sự đau xót quá lớn ấy. Họ hi sinh lớn hơn hàng ngàn lần điều tôi nói được. Có những nỗi đau mà âm nhạc cũng bất lực.

- Không nói hết được nỗi đau nhưng âm nhạc của Minh Quang có phải để xoa dịu những hi sinh, để người lính thực hiện nhiệm vụ tốt nhất khi vào trận đánh, nuôi dưỡng tâm hồn của người chiến sĩ, chắp cánh cho người chiến sĩ?

+ Trong tâm mình không thể nói ra điều ấy. Đất nước mình cũng không thể nói hết được nỗi đau, sự thật ấy. Nhiều cái chúng ta vùi chôn thành kỉ niệm nhưng mầm ấy vẫn sống. Khi đất nước có chiến tranh kỉ niệm đó vươn lên lúc nào không biết. Mầm xanh đó sẽ vươn lên để nuôi dưỡng tâm hồn người lính, tâm hồn người Việt. Tôi nghĩ, ở một phần nào thì âm nhạc cũng như nghệ thuật nói chung khi viết về người lính về chiến tranh, dứt khoát phải có trong nó cái mầm ấy, phải ấp ủ nuôi nấng cái mầm ấy.

- Chúng tôi hình dung nhạc sĩ Minh Quang với hai vai trò nghệ sĩ và chiến sĩ, nghệ sĩ khoác áo lính, trái tim nghệ sĩ là trái tim người lính. Với ông, hai yếu tố ấy đồng hành cộng cảm như thế nào?

+ Nghệ sĩ cũng là mình chiến sĩ cũng là mình không tách bạch được. Đồng đội cầm súng thì tôi cầm đàn, đều là nhiệm vụ. Nhiều người sáng tác lên biên giới, cứ nghĩ lên biên giới như vậy là đủ rồi. Nhìn thấy người lính hành quân, canh gác vậy là đủ rồi. Họ biết đâu người lính đang nghĩ gì. Thực ra đang ở biên giới nhưng người lính đang nghĩ về quê, về mẹ, về cô hàng xóm... Những lời tâm sự của người lính, mình là nghệ sĩ hãy nghe được họ trong những lúc như thế. Đi chiến đấu nhưng họ cũng nghĩ về gia đình, quê hương, người yêu. Gia đình có đủ ăn không, mẹ mong ngóng con như thế nào, em mình lớn bằng nào, người yêu giờ ra sao… Đi thực tế thì anh phải là người chiến sĩ thực sự hết lòng với câu chuyện người lính. Như thế, chúng ta mới chạm đến những sâu kín trong tâm hồn của người lính.

Vậy nên tôi cũng không tách bạch mình là nghệ sĩ hay chiến sĩ, tôi hết mình với nhiệm vụ sáng tác của mình cũng như người lính hết mình với nhiệm vụ Tổ quốc giao phó.

- Từ những trải nghiệm của bản thân mình, ông có chia sẻ gì với những nhạc sĩ trẻ hôm nay, đặc biệt là nhạc sĩ trong quân đội?

+ Nhạc sĩ trẻ hôm nay có lẽ chưa có nhiều thực tiễn trải nghiệm đời sống của một người lính thực thụ. Người nghệ sĩ cũng phải sống cùng xương cùng máu với người lính. Tôi từng có những đêm uống rượu cùng người lính trước khi họ ra trận. Đó là một đơn vị đặc công. Họ bảo anh phải ngồi đây uống với chúng em chén rượu này vì chưa biết rồi chúng em có về được không. Tôi đã có những đêm như thế. Một tiểu đội đi và hôm sau chỉ còn một hai người về. Những li rượu như lễ truy điệu sống. Mình không đi thực tiễn với họ mình không thể hiểu được những xương máu đã đổ xuống cho Tổ quốc này.

- Có thể thấy, đi thực tế chỉ là cụm từ chung chung thôi, đi thực tế như thế nào mới hiểu được nhiệm vụ, số phận và chiều sâu tâm hồn người lính. Cũng là lên biên giới, cũng là ra hải đảo nhưng nghệ sĩ có chạm vào được câu chuyện của người lính không, đó phải chăng là điều mà nhạc sĩ trẻ quân đội hôm nay đang thiếu, thưa nhạc sĩ?

+ Đúng vậy! Quá thiếu. Nếu nghĩ rằng chỉ viết về biên giới, hải đảo với những phác hoạ cảnh, tình là đã được rồi, không phải là thế đâu. Biên giới, hải đảo là phải đi đến từng mảnh đất, từng dải đất, phải hiểu từng chiếc lá ở đó nó rụng xuống như thế nào, mỗi mùa nó ra làm sao. Chứ chỉ đi chốc nhát, gióng giả hát lên, cũng có thể nhiều người hiểu được đấy, nhưng tại sao bây giờ ít bài hát chạm vào trái tim đại chúng?

Lớp trẻ bây giờ họ học âm nhạc bài bản lắm, giỏi hơn lớp trước rất nhiều nhưng văn học họ không được học, không chăm chỉ đọc. Mình nói điều này rất nhiều, chia sẻ rất nhiều, nhưng không phải ai cũng hiểu được.

- Phải chăng do tâm thế sống, tâm thế sáng tác và bối cảnh xã hội? Với mỗi thế hệ, sự tận hiến lại khác nhau chăng?

+ Có lẽ là như thế. Trong văn học nghệ thuật nói chung có lẽ cũng vậy, chứ không riêng âm nhạc. Nghệ thuật là như vậy, nghệ sĩ phải tắm mình trong thực tế sâu sắc.

Cuộc sống khác đi rồi. Nhu cầu của người làm nghệ thuật cũng có những đòi hỏi khác nhau. Họ có nhiều vấn đề phải lo hơn, xã hội hôm nay có những đòi hỏi khác hơn. Những tác phẩm của những người lính viết về người lính hôm nay, chẳng hạn. Tác phẩm ấy thường chỉ sống được thời gian ngắn, không đi được cùng năm tháng. Tuổi thọ của tác phẩm rất ngắn. Tiến tới có thể còn ngắn hơn. Nếu chúng ta không đầu tư chiều sâu cho người viết, phải gieo mầm ấy từ lâu, công tác đầu tư tích cực đích thực từ Tổng cục Chính trị xuống.

- Như vậy nghĩa là chúng ta cần sự đầu tư đúng hướng hơn cho thế hệ nghệ sĩ hôm nay. Đây có lẽ là vấn đề của toàn quân trên mặt trận văn học nghệ thuật. Ông có kiến giải gì cho những điều còn thiếu, còn yếu của văn nghệ sĩ hôm nay?

+ Tôi luôn mong muốn thế hệ trẻ viết hay hơn. Mong văn nghệ sĩ bớt đi phần nặng gánh cơm áo gạo tiền. Và ở một góc nào đó, họ cần biết hi sinh phần nào để dành nhiều hơn cho văn học nghệ thuật.

Ngày xưa văn nghệ sĩ gắn liền với chiến hào, gắn liền với biên giới, hải đảo, với người lính trước giờ ra trận. Bây giờ để văn nghệ sĩ có mặt trước giờ huấn luyện, trước giờ diễn tập hình như còn khó. Tất nhiên bây giờ không có ra trận nhưng việc đồng hành với nhiệm vụ của người lính hôm nay dường như cũng chưa làm được. Người sáng tác bây giờ có đi cả đêm với người lính được không? Họ hành quân đêm tại sao mình lại ngủ? Để song hành cùng họ không dễ.

Nghệ sĩ thời nào cũng vậy, muốn viết về người lính thì phải biết đồng hành với người lính.

- Xin cảm ơn nhạc sĩ Minh Quang vì những chia sẻ ý nghĩa này!

NGUYỄN THỊ KIM NHUNG thực hiện

VNQD
Thống kê