. TRẦN MẠNH HẢO
Cách đây gần ba mươi năm, trong thành phố Nam Định bị oanh tạc bởi bom Mĩ, tôi được gặp nhà thơ Nguyễn Đức Mậu đang ngồi đọc thơ với một bao gạo vắt chéo qua ngực, theo kiểu đai băng đăng quang của một chính khách hay một hoa hậu. Ông ngồi trong lớp vỏ khói bom của buổi chiều với thơ ca trong dáng của quả lựu đạn chày năm mươi kí. Lúc ấy, tôi có cảm giác nếu Nguyễn Đức Mậu còn tiếp tục đọc thơ theo kiểu bom chùm nữa, có thể cơn gió định mệnh sẽ vô tình giật tung dây nụ xòe của quả-lựu-đạn-thi-ca, và ông sẽ bị nổ tung ra thành một cuộc chiến tranh bỏ túi. Chúng tôi tiễn Nguyễn Đức Mậu đi qua thành phố chiến tranh để vào cuộc chiến tranh rừng núi phía Trường Sơn.
Nhìn người lính trẻ làm thơ đi lúp xúp trong buổi hoàng hôn khói lửa như một quả đại bác di động, dưới một vòm trời đung đưa như quả chuông bằng máu, tôi biết rằng thử thách dữ dội nhất đối với ông không phải là cái chết mà chính là thi ca. Nguyễn Đức Mậu như một câu thơ lấy chiến tranh làm vần điệu, rồi lao hết sức lực vào mặt trận với tốc độ thiêu thân của mối tình đầu. Có cảm tưởng như ông là đứa con sinh đôi của cuộc chiến tranh. Quả thực Nguyễn Đức Mậu đã khóc chào đời trong tiếng đại bác giặc từ Đò Quan bắn xuống từ Thái Bình bắn sang qua làng hoa Vị Khê đầy chim bướm của mình.
Sau một thời gian người ta thấy tên tuổi của ông cùng với những bài thơ nhảy dây hết báo này qua báo khác, ông in thơ như một chiến dịch, ồ ạt và hào hứng, cần mẫn và dai dẳng. Người ta khen ông bằng cái lời khen chung chung của một thời gắn vào bất cứ ai cũng được: chân thật mà đắm say, hồn nhiên mà cảm động... Thơ Nguyễn Đức Mậu cứ lừ lừ đến mọi nhà, bất kể ai đó khen chê rằng nghệ thuật hay không nghệ thuật, miễn là nó đáp ứng được nhu cầu của chiến trường, của trận đánh, no cái đã, ấm cái đã, tồn tại cái đã rồi hoa lá cành tính sau. Người ta đặt cho ông và cả thế hệ cầm bút một cái tên với niềm vinh quang an ủi: những người lính làm thơ.
Trong một đêm mưa muốn sập trời, nằm trên võng mắc dưới hầm bị ngập nước ngang thắt lưng, chịu từng cơn dai dẳng pháo bầy của dàn đại hợp xướng Tân-tây-lan, bất chợt tôi mở đài Tiếng nói Việt Nam với cái radio chiến lợi phẩm và được nghe bài thơ Nấm mộ và cây trầm của Nguyễn Đức Mậu. Ngoài kia, dòng sông Bé đang gào lên một nỗi gì đó như thể niềm âm ỉ nghi ngút cháy của bài thơ còn đượm lửa trong lòng tôi.
Nấm mộ và cây trầm là bài thơ có cái tứ kì lạ, nếu không muốn nói là tứ lớn. Bài thơ dựng nên một cảnh tượng bi tráng, hư thực, mang dáng dấp của thiên anh hùng ca: sau trận đánh, cánh rừng bị bom đốt cháy, một người lính sống sót như vệt sao băng rớt lại sau trận hỏa diệm sơn của sắt thép đã lặng lẽ đi chôn cất người bạn vừa hi sinh. Trong khi người lính đang mặc niệm trước nấm mồ, chợt mùi hương thơm ngát ở đâu đưa tới. Anh ngẩng đầu lên nhìn và phát hiện ra một cây trầm vừa bị bom phạt đứt tán còn trơ lại một thân cây đẫm lửa, nghi ngút cháy như nột cây nhang cắm trước mồ người chiến sĩ.
Từ đó cái mùi hương của cây trầm trong thơ Nguyễn Đức Mậu đã theo tôi đi suốt cuộc chiến tranh. Tôi không có khả năng phát hiện ra trong hàng tỉ cây rừng, cây nào là trầm, cây nào không phải trầm như Nguyễn Đức Mậu. Nhưng tôi thừa khả năng hồ nghi tính trầm, chất trầm trong hầu hết các loài cây bị bom đốt cháy đêm đêm lửa ngậm nhấm và tỏa ra cái mùi hương vĩnh biệt khi tôi phải đi chôn cất bạn bè. Đôi mắt của kí ức tôi hôm nay còn nhìn thấy hàng triệu cây trầm vẫn đang thơm lặng lẽ suốt dọc Trường Sơn, vẫn cứ cháy lên cái niềm thơ của Nguyễn Đức Mậu. Biết đâu, vẫn còn những người đi ra từ cánh rừng như một cây trầm mất tán biết di động, và chiến tranh còn nghi ngút cháy bên trong. Cám ơn Nguyễn Đức Mậu, bằng thi ca, đã thắp một nén nhang vĩnh cửu và vĩ đại cho cuộc chiến tranh.
Chỉ tiếc rằng bài thơ này hơi dài, nên đôi khi bị loãng. Tâm lí người thưởng ngoạn muôn đời là vậy: được voi đòi tiên. Cây trầm kia đã trở thành cột mốc trong thơ Nguyễn Đức Mậu. Cái ngọn khói đầy phát hiện của nó hóa ra đủ sức vóc cõng hàng mấy chục câu thơ đến với lòng người. Từ đây dư luận trong giới văn học đã nhìn Nguyễn Đức Mậu với cái nhìn khác; ông đã trở thành một nhà thơ khoác áo lính.
Người ta vượt Trường Sơn bằng gậy tre, gậy trúc như bài ca một thời của nhạc sĩ Vũ Trọng Hối, còn Nguyễn Đức Mậu đã vượt qua dãy Trường Sơn của thi ca bằng cây gậy của tâm hồn là cây trầm nghi ngút thơm mà ông vừa tìm thấy. Cùng với giải Nhất cuộc thi thơ năm 1973 của tuần báo Văn nghệ, cây trầm kia đã đưa Nguyễn Đức Mậu trở thành một trong những nhà thơ hàng đầu của thời chống Mĩ.
Hệt như một viên đại bác được bắn qua nòng pháo khổng lồ là dãy Trường Sơn, cũng năm 1973, chúng tôi bất ngờ được gặp lại Nguyễn Đức Mậu trong rừng cao su Lộc Ninh, ông vẫn thức suốt đêm dưới hầm, hì hụp ngụp lặn xuống trang bản thảo như anh lực điền lặn xuống ao móc đất bùn. Nếu thi ca được ví với các loài chim, thì tôi hình dung thơ Nguyễn Đức Mậu là một con chim chả. Con chim này không làm tổ trên cây mà khoét dưới đất như hang chuột nơi bờ ao đầm hoặc sông ngòi. Nguyễn Đức Mậu đã học được phép khoét lỗ của con chim chả, để khoét tổ dưới mỗi câu thơ cho cảm xúc mình trú ngụ. Thơ ông là loài thơ ít lộ thiên, ưa tiềm ẩn, ló ra ở chỗ vắng lặng, nhưng khi đã vọt bay lên thì cũng óng ánh, cũng rực rỡ như bộ lông của chú chim chả kia. Có điều, con chim chả thì ăn cá, nhưng thơ Nguyễn Đức Mậu nhìn chung thì ăn cái chân, chân, chân, thật, thật, thật, như khẩu hiệu của Xuân Diệu một thời. Con chim thơ cần phải ăn cái hạt cụ thể để sinh ra tiếng hót hư ảo: Một thời Bèo dạt mây trôi/ Thương ai mượn đất vay trời thở than/ Giờ anh gặp đám mây vàng/ Gặp hoa bèo tím còn mang phận bèo (Dọc miền quan họ). Ơ hay, hoa bèo tím chẳng mang phận bèo thì còn mang phận gì nữa? Dưỡng khí của thơ lại nằm chính ở chỗ ấm ớ này đây. Câu thơ đọc xong sao nghe xon xót trong lòng. Hóa ra, cái đám mây vàng kia cũng mang phận bèo cả thôi trước mưa sa và gió dài. Thơ như chim phải đi bằng chân, chân, chân, nhưng khi bay thì phải hư, hư, hư, ảo, ảo, ảo. Nguyễn Đức Mậu lấy chân làm cánh. Những dấu chân thơ để lại trên cát sau lưng rồi cũng phải tự bay theo gió cả: Tôi gọi cả hai bàn chân đã mất/ Hai bàn chân lạc trong hố bom cày/ Đêm Thành Cổ mưa rơi lấp mặt/ Tôi ôm Bường rụng buốt cả vòng tay (Đêm Thành Cổ năm 1972). Đôi bàn chân của người lính bị bom cắt mang đi không phải theo gió mà theo sự kiếm tìm vô vọng của nhà thơ suốt hai mươi năm qua. Bường, người đồng đội của tác giả đã chết, nhưng chừng như hai bàn chân của anh chưa chịu chết. Bằng chứng là nó đang buông một dấu hỏi trên khổ thơ kia. Chừng như thiên chức của thơ ca là tìm cho ra đôi bàn chân mà chiến tranh đã giấu biến đi, để linh hồn người đã hi sinh biết đường mà lẽo đẽo đi về chiêm bao. Cần phải tìm ra đôi chân của quá khứ để đến tương lai. Hòa bình đã gần hai mươi năm rồi, bằng thơ ca của mình, tâm hồn Nguyễn Đức Mậu hầu như vẫn đi bằng đôi chân chiến tranh, đôi chân Bường bị cắt đứt và bay vào vô tận?
Chiến tranh đã qua lâu rồi, nhưng thơ ca của Nguyễn Đức Mậu hầu như chưa có được một ngày bình yên. Hầu như trái tim ông đã biến thành quả bom của kí ức, đêm đêm ném xuống trang bản thảo tất cả nỗi đau chưa nguôi ngoai của chiến tranh, khiến các con chữ bị thương nghiêng ngả. Những cái chết của đồng đội chính là những vết thương không biết cách cầm máu trong tâm hồn nhà thơ. Ngôi sao anh mọc lên từ bia đá. Nguyễn Đức Mậu mang ngôi sao kia đi trong đời như mang một vết thương, một niềm cứu rỗi. Thơ ca của ông không chỉ dừng lại ở nghệ thuật, ở cái lạ và cái hay, mà hơn thế nữa, còn vươn lên khoảng trời đầy trách nhiệm của thiên chức, của một niềm thiêng liêng còn cao hơn cả sự sống và cái chết. Đã biết bao lần ngọn gió rơm rớm máu, rơm rớm mồ hôi từng thổi qua những câu thơ quằn quại và yêu dấu của ông. Nay, nó lại đến và bò như cỏ quanh xác đồng đội hi sinh: Ngọn gió qua đồi hóa ngọn gió mồ côi/ Khuôn mặt bạn cháy đen, chỉ đôi mắt nhìn tôi không chịu khép/ Như hai hốc đất sâu, hai vết thủng vòm trời (Chân dung I). Chừng như mọi người đã giã từ vũ khí, giã từ mặt trận, sao chỉ còn mình nhà thơ ở lại với cuộc chiến? Thơ ca không chỉ biết hát ru nôi mà còn biết cách vuốt mắt cho người thân khi ngã xuống. Thơ Nguyễn Đức Mậu bám trụ cả hồn lẫn xác nơi hốc mắt tinh thần không bao giờ chịu nhắm của người tử sĩ. Như hai hốc đất sâu, hai vết thủng vòm trời. Thơ viết về chiến tranh, về cái chết mà đụng tới đáy của nỗi cô đơn để chạm vào cái đỉnh hư vô như thế này phải nói là thật giỏi, thật hay. Tôi, người viết bài này, từng hơn một lần được vinh hạnh cay đắng là vuốt mắt cho bạn bè. Nay, được đọc những câu thơ dữ dội của Nguyễn Đức Mậu, chợt nhận ra cái bản chất của thế giới này trong đôi mắt đang trắng bệch, đang dại đi như hai cái đèn pha của chiến tranh. Ở đó, trời và đất gặp nhau trong hai lỗ thủng hư vô không đáy. Hai hốc đất sâu, hai vết thủng vòm trời kia đã hóa căn hầm trú ẩn cho không chỉ thơ ca mà còn cho lương tri không hề được yên ổn của con người. Thảo nào, cái dằm lim của chiến tranh vẫn còn bám vào ngọn gió trong thơ Nguyễn Đức Mậu không phải dễ thương như đám cỏ may bám vào vạt gió mùa thu, mà nhức buốt cả trời xanh. Ngọn gió lang thang thổi buốt lòng trời. Vâng, thổi rỗng cả vòm trời như một câu thơ hồi nào ông đã viết.
Đối với Nguyễn Đức Mậu, cái chết vẫn giơ tay đòi phát biểu ý kiến. Nó đã phát biểu bằng chiến tranh. Nay, nó - cái chết - còn phát biểu bằng im lặng. Cái cách phát biểu hòa bình này sao mà nghe đau hơn, thấm thía và cô đơn hơn tiếng bom đạn. Những tấm bia như bàn tay mọc trên mặt đất. Có phải là bàn tay của cái chết, bàn tay của thơ ca hay chính là những bàn tay bạn bè, đồng đội đã khuất chìa ra toan bấu víu vào cái phần lương thiện của chúng ta, rằng các bạn sống sót may mắn ơi, hãy thử một lần dìu chúng tôi qua cuộc chiến tranh bằng cách đừng ngoảnh mặt đi với quá khứ. Thơ ca đã biết tồn tại bằng cách làm gạch nối giữa hòa bình và chiến tranh, làm gạch nối giữa người sống và kẻ chết, giữa nỗi đau và niềm hạnh phúc.
Nhà thơ Thổ Nhĩ Kỳ Nâzim Hikmet từng định nghĩa: Nhà thơ là một người đưa thư, mà túi thư là trái tim của thi sĩ. Nguyễn Đức Mậu cũng có một túi thư của mình. Ông đã phát thư cho người sống. Nhưng quan trọng hơn, ông còn tìm cách phát thư cho những người dở chết: Những lá thư như cánh chim trúng đạn/ Rơi hoài giữa khoảng hư vô/ Dòng địa chỉ rối bời sắc cỏ/ Khi kẻ mong thư hóa nấm mồ. Nhà thơ đâu phải là con chim lợn của chiến tranh, ưa hót lên điềm gở, điềm báo tử. Suốt dọc dãy Trường Sơn, ở hai đầu đất nước, có khi người yêu đã thành nấm mộ mà lá thư tình của người con gái hàng mấy năm trời còn bay như chim trong vòm trời của nhà thơ, vẫn còn bay trắng xóa như bươm bướm Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài.
Có lẽ, suốt một đời, thi ca vẫn còn tìm mộ chí để đưa thư? Đấy chính là thiên chức cuối cùng của nhà thơ đối thoại với hư vô đồng thời với cái chết. Ở khoảng giữa hai câu thơ, ngỡ chỉ là vệt giấy trắng, ai dè, Nguyễn Đức Mậu đã cất giấu cả những tầng địa đạo của cảm xúc và biểu tượng. Chim chả thi ca của Nguyễn Đức Mậu không chỉ biết cách bay trong đất, mà dĩ nhiên, nó còn thừa khả năng bay bổng lên trời. Ông có khá nhiều câu thơ rất thi sĩ, tài hoa: Áo con mẹ đã may rồi/ Ướm vào trời đất hình hài trẻ thơ. Hãy xem ông nhìn núi: Có sương trắng và mây bay làm biển/ Núi như cánh buồm qua cơn bão nằm chơi (Với thiên nhiên trong xanh). Núi cũng ngồi cũng đứng khác chi anh. Đã bày ra núi ra non thì ắt phải tìm ra phép để vượt núi. Cái cách leo núi của nhà thơ thật lạ. Trước nghệ thuật, hầu như núi non chợt có tính đàn hồi. Nó co lại theo cảm xúc tùy hứng của thơ ca: Tiếng khèn ai thổi vơi đèo dốc. Cái hư và thực trong câu thơ cứ cuốn vào nhau như tiếng khèn cuốn vào kẽ núi. Quả thực, Nguyễn Đức Mậu cần phải có thêm những câu thơ viết như vớ được của rơi, viết như chơi, như không phải người tìm đến thơ mà ngược lại: Cốm xanh lẫn cả trăng vàng.
Nguyễn Đức Mậu chân thành quá, tâm huyết quá, lao động miệt mài quá, ông cần phải viết những câu thơ ở giờ ra chơi, giờ giải lao, thậm chí có chút lơi lả của thời gian rách việc. Thơ trang trọng đôi khi sẽ không còn là trang trọng khi ngọn gió ngây ngô của nỗi ù ù cạc cạc không biết cách thổi qua những kẽ chữ. Đôi khi chỉ một chút vơ vẩn mà cứu được vẻ nghiêm túc của bài thơ. Cái tuổi xanh của thơ Nguyễn Đức Mậu thật mướt, thật óng và thật bay, nhưng vẫn là cái óng mượt của bàn tay nhà nghề: Một tiếng chim vườn xanh lá ngâu/ Cũng rọi soi nắng mịn trên đầu/ Ở đây nhiều nắng hơn nơi khác/ Quấn quýt tơ trời vương lá dâu. Nguyễn Đức Mậu cần một bàn tay tài tử, cần cái nhún nhảy của tay chơi để cân bằng sinh thái thơ. Thảng hoặc, ông cần phải hạ bớt tay nghề bậc chín bậc mười đi một chút, cho thêm vẻ ngây thơ, hồn nhiên của kẻ theo học việc, học nghề. Không thể đòi hỏi một người đã định hình phong cách như ông phải liều lĩnh phá vỡ bản thân mình. Nhưng hình như cái mới, cái sáng tạo không chịu đúc theo khuôn hình của một phong cách? Thơ cũng cần học thêm ở sương ở gió cái không bao giờ biết định hình?
Chiến tranh đã đi qua nhưng thi ca dường như vẫn còn phải chiến đấu, như người đàn bà cô đơn phải chiến đấu với tiếng ru con bên nhà hàng xóm lúc khuya đêm: Nửa đêm gió lặng trăng mòn/ Có người nghe tiếng ru con khóc thầm (Người ấy). Người đàn ông của chị không trở về sau chiến tranh. Nhưng thi ca đã biết cách trở về với cả tiếng ru con và tiếng khóc. Đêm đêm, cùng với tiếng ru và tiếng khóc của chiến tranh, nhà thơ vẫn ngồi đợi sáng nghe tóc bạc một kiếp người. Nguyễn Đức Mậu ví sợi tóc bạc của mình như sợi tơ nhện chăng vào trang sách. Có lẽ, thi ca cũng cần phải biết cách hóa thành tơ nhện để chăng mắc tương lai vào quá khứ. Cầm con nhện thời gian trong tay, Nguyễn Đức Mậu làm thơ như làm cuộc chiến tranh của riêng mình.
T.M.H
VNQD