VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này
NHÀ VẬT LÝ LÝ THUYẾT, DỊCH GIẢ PHẠM VĂN THIỀU

Người đặt móng xây dựng Tủ sách “Khoa học & Khám phá”

Thứ Tư, 04/12/2024 07:27

 

Dịch giả Phạm Văn Thiều vừa nhận giải thưởng Sách hay, Giải Sách Quốc gia 2024. Ông cũng là một trong những người chủ biên Tủ sách "Khoa học & Khám phá" của Nhà xuất bản Trẻ, bộ sách lừng lẫy được tái bản 33 lần trong suốt những năm qua. Bài viết dưới đây nói về mối duyên ban đầu của ông khi dịch cuốn "Lược sử thời gian", cuốn sách đứng số 1 trong Tủ sách "Khoa học & Khám phá". 

Khi đi tìm tư liệu cho tập bản thảo kí ức của người làm sách, thật tình cờ, tôi gặp lại những dòng đề tặng gần 10 năm trước của dịch giả Phạm Văn Thiều, một trong những người chủ chốt dựng nên “Tủ sách Khoa học & Khám phá” của Nhà xuất bản Trẻ, ghi ở đầu trang 1 cuốn “Lược sử thời gian“ của Stephen Hawking, bản in lần thứ 10: ”Thân quý tặng Lê Huy Hòa, người đã dũng cảm in bản đầu tiên của quyển sách này! (Phạm Văn Thiều. Hà Nội, 24/03/2014).

Chắc bạn đọc quan tâm tới tủ sách kể trên, trong đó có cuốn “Lược sử thời gian“ đã được Nhà xuất bản Khoa học và Kĩ thuật in hơn 10 lần (không kể sách in “ngoài luồng”) và Nhà xuất bản Trẻ in tới 33 lần (tính đến đầu năm 2024) sẽ khó tránh được sự tò mò muốn tìm hiểu cơ duyên nào đã đưa cuốn sách nguyên tác tiếng Anh của nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng người Anh vào Việt Nam, và biết thêm về một trong những dịch giả cũng rất “can đảm” nhận lời chuyển ngữ tác phẩm này sang tiếng Việt! 

Chân dung ịch giả Phạm Văn Thiều dưới góc nhìn hội họa.

Tôi còn nhớ là vào cuối những năm 80 của thế kỉ trước, nhiều nhà xuất bản trong nước đã chuyển hướng tìm đến các đầu sách tiếng Anh, tiếng Pháp từ các nhà xuất bản Phương Tây có tên tuổi ở Mỹ, Anh, Pháp…, trong đó ưu tiên hàng đầu vẫn là sách văn học với những tác phẩm “bestseller” của các nhà văn nổi tiếng để dịch và giới thiệu ở Việt Nam, và thực tế, loại sách này đã trở nên ăn khách, nhiều cuốn sách liên tục tái bản mà vẫn “cháy hàng”. Riêng dòng sách về kiến thức khoa học cơ bản, thường thức xem ra ít được chú ý và chưa có định hướng khai thác, dịch thuật. Cũng dễ hiểu vì ngành xuất bản cũng như các ngành kinh tế khác nước ta đã chuyển sang kinh tế thị trường. Các nhà xuất bản phải tự chủ về tài chính, không dư dả về vốn… Đề tài mà các nhà xuất bản, các công ty sách tư nhân ưu tiên khai thác, xuất bản phải đảm bảo “đầu ra”, tức là sách in ra phải bán được… Riêng tôi, vẫn nghĩ, đọc sách, ngoài việc giải trí thuần túy, người đọc sách còn có nhu cầu thu nạp kiến thức, trau dồi thêm tri thức mới mọi mặt từ kho tàng tri thức của nhân loại. Hơn thế, độc giả lại thuộc nhiều đối tượng, nhiều “gu” đọc khác nhau, sách khoa học nền tảng sẽ cần cho những người say mê khám phá!

Dạo này tôi được làm quen với nhiều dịch giả, các nhà nghiên cứu khoa học là cộng tác viên cùng tham gia biên soạn các bộ sách Bách khoa tri thức. Trong số này, người mà tôi ấn tượng nhất là dịch giả Phạm Văn Thiều, dân vật lý lí thuyết, một cựu quân nhân, người từ Đại học Kỹ thuật Quân sự chuyển ngành ra một cơ quan thuộc Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam ), có trụ ở 70 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, cạnh Nhà xuất bản Khoa học Kỹ thuật. Thời gian này, tôi là biên tập viên Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Tiếp xúc lần đầu với ông và mời ông cộng tác lại là mảng truyện trinh thám. Đó là hai cuốn “Những xác chết câm lặng”Những que diêm bí ẩn“ của nhà văn Anh nổi tiếng thế giới chuyên viết truyện trinh thám hành động James Hadley CHASE (dịch qua bản tiếng Nga). Nhận bản dịch, đọc biên tập, tôi nhận thấy văn dịch của ông Thiều rất có duyên và đậm chất văn. Khi đã thành người thân thiết, tôi biết ông là người sử dụng thành thạo 3 ngoại ngữ: Anh. Nga, Pháp; là người rất thích đọc văn học Việt Nam, nhất là các nhà văn tiền chiến, nhóm Tự lực Văn đoàn như Vũ Bằng, Nhất Linh, Khái Hưng, Thế Lữ…, đặc biệt ông rất mê văn của Thạch Lam.

Ấn tượng với những lần gặp và trò chuyện cùng ông, cũng như trực tiếp biên tập các đầu sách ông dịch, tôi cứ ám ảnh với suy nghĩ, ông là dân khoa học tự nhiên, một người có kiến thức rộng, có ngoại ngữ lại mê văn Việt, mê tiếng Việt - trong ông hội tụ những tố chất của người dịch thuật, nhất là dịch sách tham khảo giáo dục, mảng sách phổ biến khoa học mà ở ta còn trống vắng? – nếu dịch những cuốn sách khoa học thường thức, chắc sẽ “đắc địa” và hợp với cái “tạng” của ông … Và tôi nuôi ý định chờ dịp để kiểm chứng dự cảm chuyên môn về người cộng tác viên này.

Như lời tiền nhân: điều gì sẽ đến cũng đến. Số là, trong số những bạn trẻ yêu sách mà tôi quen là tiến sĩ Vật lý trẻ tuổi Nguyễn Hồng Chương, dân chuyên toán, và cũng là chỗ quen biết của ông Thiều. Tôi gặp Chương trước ngày sang Italia công tác, ngỏ ý nhờ tìm bên bạn có cuốn sách nào về mảng khoa học thường thức mà được nhiều người tìm đọc, Chương vốn là nguời mê sách nên vui vẻ nhận lời. Nửa tháng sau, đi công tác về, Chương nhắn tin muốn gặp. Khi tôi tới điểm hẹn, Chương rút từ trong cặp sách bản photocopy tiếng Anh cuốn “Lược sử thời gian” của Stephen Hawking, Chương nói, vì không có thời gian tìm được bản in nên phải vào thư viện nhờ photocopy cuốn sách này mang về. Chương cho biết ở bên ấy, đây là cuốn sách các bạn trẻ rất thích đọc, nhất là các học sinh trung học phổ thông và sinh viên đại học. Bản  in 2 mặt nên cảm giác cuốn sách có độ dày vừa phải, nếu chuyển sang tiếng Việt cũng chỉ chừng 300 trang khổ bỏ túi, tôi chỉ kịp nghĩ vậy khi nhận quà sách của Chương. Ngay sau đấy, tôi tranh thủ ghé văn phòng ông Thiều, dù không hẹn trước nhưng tôi biết giờ này ông vẫn còn ở đấy. Sau khi hai chúng tôi uống hết tuần trà và hút chưa hết điếu thuốc, tôi liền lấy bản photocoppy cuốn sách vừa nhận, đặt trước bàn ông, nói dõng dạc: Hàng “xách tay” mới cho ông anh đây!”. Ông Thiều xoay lại tập giấy photo tôi vừa đặt trước mặt, liếc nhìn dòng chữ tên sách và nét mặt như tươi hẳn ra. Ông nói, mình nghe nhắc tới cuốn này khá lâu mà chưa đọc được. Ông hứa sẽ trả lời sớm nhất có thể.

Cuốn "Lược sử thời gian" bản tiếng Anh.

Hai tuần sau, cũng vào cuối giờ chiều, giờ mà sau này tôi thường ghé vào uống trà với ông sau mỗi ngày làm về, tôi tới gặp ông. Ông thông báo, bọn mình sẽ nhận ký hợp đồng dịch tác phẩm này. Ông nói, sở dĩ chưa hồi âm sớm hơn vì cần tìm gặp một nhà vật lý đàn anh, một người rất uyên thâm và có một nền tảng văn hóa chung rất đáng nể mà mình coi như thầy, muốn cùng thầy dịch chung tác phẩm này. Người thầy mà mà ông nhắc tới chính là GS. Cao Chi – (đã mất). Tôi thầm hiểu ý ông, ông vốn là người nghiêm túc và kĩ tính trong công việc, nhất là dịch một cuốn sách của một tác giả có tên tuổi lẫy lừng như tác giả cuốn sách này. Trong thâm tâm, tôi nghĩ, việc tôi gửi gắm nơi ông coi như ổn. Về phần mình, để chuẩn bị giới thiệu khi sách in ra, tôi tìm hiểu qua các kênh thông tin nước ngoài về tác giả và tác phẩm, hiểu được ”Lược sử thời gian” là cuốn sách trình bày những vấn đề hiện đại nhất của vật lý và vũ trụ học dưới dạng phổ biến dành cho đông đảo độc giả không cần có một hành trang khoa học nào, mà theo một biên tập viên người Mĩ, sách phải phổ biến đến mức “có thể bán được ở các bến tàu, bến xe,…”. Hi vọng, việc dịch và giới thiệu với bạn đọc trong nước sẽ làm rõ một cách sống động tại sao tác phẩm kinh điển của Giáo sư Hawking làm thay đổi cách nhìn của chúng ta về vũ trụ. Sau này, trong Lời Giới thiệu của Nhà xuất bản Trẻ cho lần xuất bản thứ 10 cuốn sách, có viết: ”Kể từ lần xuất bản đầu tiên, năm 1988, trong 10 năm qua tác phẩm kinh điển “Lược sử thời gian” của Stephen Hawking đã tạo nên một bước ngoặt trong các tác phẩm phổ biến khoa học : hơn 9 triệu bản in, dịch sang 40 thứ tiếng và được bán trên toàn thế giới”. (Nhà xuất bản Trẻ.2012). Nhưng đấy là những tín hiệu tích cực có được khi sách đã in ra và được đông đảo bạn đọc ngoài nước tiếp nhận. … Ba tháng sau, ông Thiều báo tin, bản thảo “Lược sử thời gian” đã dịch xong và hẹn tôi tới nhận. ông nói tôi yên tâm, những người dịch đã kỹ lưỡng, kiểm tra chéo bản dịch, có tham khảo, đối chiếu các bản in tiếng nước ngoài khác. Khi tôi mang bản thảo tới gặp ông Giám đốc Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật để đăng kí cấp phép in tập sách này, tôi càng thêm bất ngờ vì khi nhận bản thảo, ông ta nhìn tôi với ánh mắt ái ngại, nói với giọng thông cảm: thật tình mình nghĩ, cậu in sách này e khó bán đấy! Tôi không quên cám ơn ông và nói đại ý, tôi tin, bạn đọc nước ngoài yêu thích cuốn sách thì chắc bạn đọc trong nước cũng sẽ chung niềm yêu thích ấy. Tôi có nói chuyện này với ông Thiều, ông có chút ái ngại vì như vậy tôi phải lo kinh phí in ấn, phát hành, và không biết, cuốn sách in ra có bán được không!? Đọc được ý nghĩ của ông, tôi nói đã mời được đối tác đầu tư cho chi phí in, việc phát hành sách sẽ cùng tổ chức hai miền. Nói vậy để ông bớt lo, nhưng thực ra lúc bấy giờ tôi đã kịp làm việc với đối tác cụ thể nào đâu. Bước tiếp sau là công việc chế bản bản thảo, ra can và đọc soát lỗi morat (trên giấy can), ông Thiều là người cuối cùng giúp chúng tôi công đoạn này. Bìa sách được chính Hoạ sĩ Văn Sáng thiết kế. Có thể nói, nếu có chương trình bình chọn bìa sách Đẹp của năm, bìa cuốn “Lược sử thời gian” năm ấy chắc chắn nằm ở top đầu.

Cuốn "Lược sử thời gian" do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành trong Tủ sách "Khoa học - Khám phá".

Mọi công việc chuẩn bị đưa bản thảo đi in đã hoàn tất, tôi liên hệ trực tiếp với “nhà đầu tư” Trần Đình Sơn ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông vui vẻ nhận lời và không quên nhắc tôi gửi Giấy phép và bản can vào sớm nhất có thể. Bản can, phim bìa và Giấy phép xuất bản cuốn sách được gửi phát chuyển nhanh theo đường Bưu điện ngay sau đó. Lại là những ngày chờ sách in ra… Khi nhận được sách gửi ra nộp lưu chiểu, tôi mang một cuốn tới ông Thiều để nhờ ông đọc kiểm tra giúp lần cuối trước khi nộp lưu chiểu cho nhà xuất bản. Ông Thiều nhận sách, tôi thấy ông rất vui, cảm kích… khác với những lần trước ông nhận sách. Tôi nghĩ, rất có thể, cuốn sách ông dịch lần này đã đưa ông sang một bước ngoặt mới trên hành trình kiếm tìm và đặt móng cho một tủ sách mới nào đấy đang hình thành trong ông! Tôi chợt có ý nghĩ như vậy nhưng không nói với ông.

Cuốn sách “Lược sử thời gian” sau này tái bản nhiều lần, có cả những bản sách “nối bản” ngoài luồng. Dịch giả Phạm Văn Thiều cùng các cộng sự, những người bạn làm khoa học cơ bản, tâm huyết đã hợp nhau lại và xây dựng Tủ sách “Khoa học và Khám phá” ở Nhà xuất bản Trẻ. Sau 15 năm tủ sách ra đời, nối tiếp “Lược sử thời gian”, các anh đã “cắt rốn” thêm hàng chục đầu sách, đưa chúng đăng kí hộ khẩu trong “ngôi nhà tri thức” tại Đường sách. Cuốn sách “Lược sử thời gian” được đánh số 1 của Tủ sách này đã vào tuổi 35, và đến nay (đầu năm 2024) riêng ở Nhà xuất bản Trẻ, nó đã được in tới 33 lần, người anh Cả ấy vẫn sống mãnh mẽ bên đàn em sống động và lôi cuốn nhiều thế hệ bạn đọc…

Dịch giả Phạm Văn Thiều (giữa) cùng các dịch giả Nguyễn Văn Liễn, Vũ Công Lập là những người chủ biên Tủ sách "Khoa học & Khám phá" với nhiều lần ấn bản.

Sau này anh Phạm Văn Thiều trở thành người tiên phong dịch một cách có hệ thống hàng loạt sách phổ biến khoa học nổi tiếng, được trao Giải thưởng thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh về dịch thuật và hai Giải thưởng sách Quốc gia. Năm nay, 2024, cuốn Từ điển “Yêu thích Bầu trời và Những vì sao” (Phạm Văn Thiều - Lô Vũ dịch) đã nhận Giải Sách Quốc gia 2024. Như vậy, cùng với hai lần nhận Giải vào các năm 2016 cho dịch phẩm “17 phương trình làm thay đổi thế giới”, và năm 2019 cho tác phẩm dịch ”Vũ trụ toàn ảnh” , riêng với Giải thưởng Sách Quốc gia, ông đã lập 1 “hat -trick”! Trộm nghĩ, phải chăng ông Thiều đã đạt được những thành tựu như thế là do cái duyên ông đã khởi đi từ cuốn “Lược sử thời gian “ của Stephen Hawking?!

Dịch giả Phạm Văn Thiều (thứ hai từ trái qua) tại Lễ trao giải Sách Quốc gia lần thứ VII, năm 2024.

Kể lại những chuyện bên lề về cuốn sách sau khoảng thời gian khá dài, cả những điều bây giờ mới có dịp nhớ lại, tôi nghĩ, hành trình mỗi cuốn sách đi vào Đường sách có những số phận khác nhau, cũng như hành trình của những người làm sách, viết sách, dịch sách… lắm chông gai nhưng hẳn ai cũng có niềm tin, những công việc hết sức lặng lẽ ở nghề này vẫn mang nhiều ý nghĩa, đem đến những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống. Người đọc sách, yêu sách hẳn cũng thầm biết ơn họ về những đóng góp thầm lặng mà giàu chất nhân văn…

LÊ HUY HÒA

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)