Kỉ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 80 năm Ngày thành lập Tổng cục Chính trị (22/12/1944 - 22/12/2024), Tạp chí Văn nghệ Quân đội số đặc biệt 1050+1051 xin gửi đến bạn đọc những sáng tác, những bài viết, những tác phẩm đặc sắc, ấn tượng về đề tài quân đội và người lính. Qua đó góp phần khắc hoạ chân thực và sinh động chân dung anh “Bộ đội cụ Hồ” trong suốt chiều dài 80 năm vẻ vang.
80 năm kể từ khi ra đời, hình tượng “Bộ đội Cụ Hồ” với các giá trị cao quý luôn được gìn giữ và tiếp tục toả sáng trong các nhiệm vụ của Quân đội, trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế. Số Tạp chí đặc biệt chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 80 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Tạp chí Văn nghệ Quân đội xin trân trọng giới thiệu những chia sẻ của Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân uỷ Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam về hình tượng cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” với sự kết nối mở rộng ra lĩnh vực công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội hôm qua và hôm nay…
Bài đối thoại Sáng mãi phẩm chất "Bộ đội cụ Hồ" trong tình hình mới sẽ mở đầu Tạp chí Văn nghệ Quân đội số đặc biệt này.
GS.TS, Đại tá Đinh Xuân Dũng là một nhà khoa học có rất nhiều đóng góp cho việc nghiên cứu văn hóa - văn nghệ Việt Nam, gắn với hiện thực chiến tranh cách mạng, tiến trình đổi mới, hội nhập và toàn cầu hóa của đất nước, tư tưởng - đường lối lãnh đạo của Đảng, đời sống tinh thần của người lính và các giá trị văn hóa trong thời đại Hồ Chí Minh. Nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 80 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã có cuộc trò chuyện với GS.TS, Đại tá Đinh Xuân Dũng, xoay quanh những vấn đề chủ chốt mà ông dành cả cuộc đời để nghiên cứu. Bài trò chuyện mang tên Văn hóa - văn nghệ - người lính và thời cuộc.
Phần Văn xuôi với những tác phẩm và bài viết ấn tượng về người lính.
Truyện ngắn Vũng nước xoáy của Hồ Tĩnh Tâm là câu chuyện về một người lính, sinh ra và lớn lên ở miền Tây Nam Bộ. Thuở trước vốn có xuất thân nghèo khó, cơ cực, vì để trốn bị bắt lính mà tìm đến với Việt Minh. Trải qua quá trình được giác ngộ, người lính ấy đã từng bước trưởng thành vượt bậc, trở thành một vị chỉ huy tài giỏi. Và dù có ở đâu, người lính ấy vẫn đau đáu mong có ngày được trở về chiến đấu, giải phóng chính quê hương mình và tìm lại gia đình bị lưu lạc... Chiến tranh luôn tiềm ẩn những bất ngờ và cuộc hội ngộ âm thầm của cha con người lính ấy là những bất ngờ ở góc độ cá nhân, của những đời tư người lính trong thời tao loạn, chiến tranh khốc liệt đậm phong vị Nam Bộ.
Truyện ngắn Bông cúc biển của Đinh Thanh Dậu xúc động bởi câu chuyện tình yêu trong sáng và sâu đậm của đôi lứa trong những năm tháng chiến tranh như Lê Khang và Thu Cúc. Cái chết, sự cách chia cũng vẫn không làm phai đi câu chuyện đẹp mà họ đã vẽ lên. Không chỉ ca ngợi tình yêu, lí tưởng, truyện còn xúc động bởi những ruột rà tình thâm, tình đồng chí thiêng liêng, sâu nặng.
Truyện ngắn Người lính trẻ và chú mèo trong hang đá của Hồng Chiến là một góc khác của chiến tranh. Một người lính trẻ tránh bom, bị mắc kẹt trong hanh đá, bom lấp cửa hang. Chú mèo rừng là người bạn đồng hành cùng anh trong những ngày tăm tối đến tuyệt vọng ấy. Sức mạnh vô hình hay nghị lực của người lính đã giúp anh vượt qua được thử thách ngặt nghèo ấy để rồi khi trở về sống trong những năm tháng hoà bình thì kỉ niệm về chú mèo rừng luôn đeo bám.
Truyện ngắn Những cơn mưa đồng bằng của Bùi Tuấn Minh khắc họa chân dung người mẹ, người vợ có con, có chồng hi sinh trong chiến tranh với những khắc khoải, mỏi mòn và cả lòng son sắt. Nỗi đau càng nhân lên khi người lính hi sinh nhưng không tìm thấy mộ. Bình đã tiếp bước anh Hòa để trở thành người lính, để đi tìm anh trai. Liệu đó có phải là cách để Bình xoa dịu nỗi đau trong lòng mẹ, trong lòng chị Liên...
Bút kí Những chặng đường hàng quân của Nguyễn Hội là những kỉ niệm đáng nhớ của người lính: "Hai mươi lăm năm quân ngũ, tôi đã đi nhiều nơi trên dặm dài đất nước, từ ngày đầu ngập ngừng, bỡ ngỡ đến những bước chân hăm hở, tự tin. Trên mỗi chặng đường, trái tim tôi đều ghi đậm tình yêu với những con người và miền đất quê hương".
A Pa Chải, đất ấy vẫn ràn rạt gió là bút kí đầy cảm xúc và trải nghiệm của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy trong chuyến đi đến vùng đất cực Tây của Việt Nam. Bút kí đã khắc họa sâu sắc hình ảnh những người lính hôm qua và hôm nay, họ đã và đang sống - chiến đấu một cách bền bỉ và hết mình để canh giữ một vùng thiêng của Tổ quốc.
Những khoảnh khắc không thể nào quên của Nguyễn Đức Hà, Như những cánh chim gọi đàn của Nguyễn Thế Hùng là bài viết hướng đến kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị.
Phần Thơ với sự góp mặt của những tên tuổi quen thuộc như: Nguyễn Minh Khiêm, Phạm Trọng Thanh, P.N.Thường Đoan, Hoàng Dương, Trần Thế Vinh, Bùi Việt Phương, Ngô Đức Hành, Nguyễn Xuân Việt, Trương Công Tưởng…
Những trang thơ số này mang đậm dấu ấn, cảm hứng sáng tác về người lính, chiến tranh, cách mạng và cả hình ảnh về những người lính hôm nay. Vừa có tính lịch sử vừa có tính thời đại trang thơ tạo nên không khí vừa hào hùng vừa lãng mạn, chân thực mà đầy mĩ cảm. Bên cạnh đó là những sáng tác về đề tài văn hoá, đời sống, quê hương, đất nước…
“VNQĐ giới thiệu” là chân dung tác giả Bùi Thuý cùng chùm thơ ấn tượng của chị.
“Thơ trong những tập thơ” là bài viết Đằng sau tiếng gõ cửa… của Nguyễn Hưng Hải giới thiệu thi tập Có tiếng ai gõ cửa? của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu.
Văn học nước ngoài giới thiệu truyện ngắn Sau cuộc rượu của Lăng Thúc Hoa. Truyện do Châu Hải Đường dịch từ nguyên bản tiếng Trung.
Phần Bình luận văn nghệ với sự tham gia của các tác giả: Đoàn Minh Tâm, Trình Quang Phú, Ngô Vĩnh Bình, Bùi Việt Thắng, Phạm Khánh Duy, Thanh Thảo, Tâm Anh, Hoàng Đình Bường, Nguyễn Hữu Quý.
Hướng đến kỉ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và ngày truyền thống Tổng cục Chính trị, trong hai năm qua Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã cho ra mắt bạn đọc các bộ sách chất lượng về các thế hệ văn nghệ sĩ - chiến sĩ trong quân đội. Nếu như Tổng tập Nhà văn Quân đội (bộ mới, Nxb Văn học, 2023) cung cấp một cái nhìn toàn diện, cơ bản về các thế hệ nhà văn quân đội từ thời kháng chiến chống Pháp cho đến kỉ nguyên thống nhất, hòa bình, phát triển hôm nay thông qua 336 gương mặt tiêu biểu, Người chiến sĩ ấy (Nxb Văn học, 2024) là một “tập hợp thu nhỏ” các tác phẩm hay viết về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính, thì Người trước súng sau (Nxb Văn học, 2024) lại là một khắc họa đa dạng, đầy đủ, thấu đáo, toàn diện nhất về lĩnh vực văn hóa văn nghệ trong quân đội dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Bài viết Cuốn “cẩm nang” quý giá về các văn nghệ sĩ - chiến sĩ sẽ có những phân tích, nhìn nhận sâu sắc về cuốn sách này.
Vài kỉ niệm về những nhà văn mặc áo lính là bài viết ấn tượng, giàu cảm xúc của nhà văn Trình Quang Phú kể về những kỉ niệm đáng nhớ với một thế hệ những nhà văn mặc áo lính như: Lê Anh Xuân, Thu Bồn, Nguyễn Mỹ.
Những chiến binh Việt Nam, muôn đời nay, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu hi sinh. Cậu bé làng Gióng thuở sơ nguyên hay những dân binh, dân vệ, rồi anh Vệ quốc quân, Giải phóng quân, anh bộ đội Cụ Hồ, Quân đội nhân dân Việt Nam… là sự kết tinh ở những thời kì khác nhau phẩm chất tốt đẹp, cao cả của tinh thần, lí tưởng cách mạng, ý chí, sức mạnh dân tộc. Văn học kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), trong chín năm máu lửa, đã minh chứng hùng hồn cho truyền thống lịch sử kiêu hùng ấy. Bài viết Vẻ đẹp của hình tượng Bộ đội Cụ Hồ trong văn học kháng chiến chống Pháp 1945 - 1954 sẽ đưa ra những dẫn chứng xác đáng về điều này.
Còn nhiều bài viết hấp dẫn, mang tính phân tích, kiến giải, luận bình về các lĩnh vực của văn học nghệ thuật. Những đề tài cũ được nhìn nhận theo những nghiên cứu mới; những chân dung và tác phẩm được lí giải, phân tích kĩ lưỡng; những câu chuyện, trao đổi về nghề viết sẽ góp phần làm nên sự phong phú cho phần này.
Đặc biệt, cũng trong số này, Tạp chí Văn nghệ Quân đội sẽ công bố Tặng thưởng năm 2024 của Tạp chí cho các hạng mục Văn, Thơ, Lí luận phê bình, Văn học nước ngoài, Mĩ thuật, VNQĐ Điện tử.
Tạp chí VNQĐ số đặc biệt 1050 + 1051 dày 200 trang dự kiến sẽ phát hành ngày 8/12/2024. Thân mời các bạn đón đọc!
Văn
VNQĐ Sáng mãi phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới 3. Hồ Tĩnh Tâm Vũng nước xoáy 14. Nguyễn Hội Những chặng đường hành quân 23. Nguyễn Thế Hùng Như tiếng chim gọi đàn 33. Nguyễn Đức Hà Những khoảnh khắc không thể nào quên 38. TS. Nguyễn Thanh Tâm - GS.TS Đinh Xuân Dũng: Văn hoá - văn nghệ - người lính và thời cuộc 65. Đinh Thanh Dậu Bông cúc biển 77. Nguyễn Xuân Thuỷ A Pa Chải, đất ấy vẫn ràn rạt gió 100. Hồng Chiến Người lính trẻ và chú mèo trong hang đá 116. Phan Đức Nam Giấc mơ kí ức 125. Bùi Tuấn Minh Những cơn mưa đồng bằng 145
Thơ
Nguyễn Minh Khiêm Những bàn chân thắp lửa 42 Phạm Trọng Thanh Cậu Nhợi; Chưa khắc vào bia 50. Nguyễn Thị Kim Tuyến Cúi mình xuống lượm hột cơm rơi; Những người lính ở nghĩa trang biên giới Tam Nông; Tình yêu ở Trường Sa 53. P.N.Thường Đoan Bóng áo xanh trên bùn; Cội nguồn; Mưa đêm 59 Vân Phi Những ngôi sao thức; Cỏ xanh về phía cũ 62. Trần Văn Lợi Người lính già thăm đồi A1 64. Trần Thu Hà Cái lạ của ngày; Những cánh sóng ùa về 89. Lê Việt Hùng Chuyện của cha; Nhớ mùa đông 91. Hoàng Dương Những người lính Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Đời lính 93. Trần Thế Vinh Khúc ca thơ ngày “Tết quân dân”; Một ngày đón nắng biên cương; Trên gò Tháp cổ 95. Ngô Đức Hành Ba lô chung cư, Giọt nước Na Hang 98. VNQĐ giới thiệu thơ Bùi Thuý Đất quê hương; Chiếc giỏ mây trắng; Bóng lồng ấu thơ 113. Nguyễn Hưng Hải Đằng sau tiếng gõ cửa… (Đọc Có tiếng ai gõ cửa? của Nguyễn Đức Mậu) 134. Bùi Việt Phương Người lính; Trời quê hương 154. Nguyễn Xuân Việt Đường tuần tra; Tìm bạn 156. Đinh Tiến Hải Chiếc lá nơi cánh sóng; Thế giới trong mơ 158. Trương Công Tưởng Cánh chuồn chuồn bên suối; Bước đi của số phận; Hà Nội 160.
Văn học nước ngoài
Lăng Thúc Hoa Sau cuộc rượu (Châu Hải Đường dịch từ
nguyên bản tiếng Trung) 138.
Bình luận văn nghệ
Đoàn Minh Tâm Sen thắm giữa đời 163. Trình Quang Phú Vài kỉ niệm về những nhà văn mặc áo lính 166. Ngô Vĩnh Bình Nhớ hồi làm phim Nhà văn - chiến sĩ 172. Bùi Việt Thắng Vẻ đẹp của hình tượng Bộ đội Cụ Hồ trong văn học kháng chiến chống Pháp 1945 - 1954 175. Phạm Khánh Duy Thơ viết về đề tài người lính biển từ năm 1975 đến nay 180. Thanh Thảo Nhà thơ Chế Lan Viên đã ưu ái thơ tôi 185. Tâm Anh Cuốn “cẩm nang” quý giá về các văn nghệ sĩ - chiến sĩ 189. Hoàng Đình Bường Ánh thép từ Chân trần chí thép 193. Nguyễn Hữu Quý Tuổi học trò về giữa sáng mai nay 198.
Minh hoạ, ảnh
Bìa 1: Người lính Tranh của hoạ sĩ Đoàn Thân
Minh họa: Đỗ Dũng, Bùi Quang Đức, Công Quốc Hà,
Phạm Hà Hải, Nguyễn Bá Kiên, Ngô Xuân Khôi,
Vũ Đình Tuấn, PV,...
VNQD