GS.TS, Đại tá Đinh Xuân Dũng sinh năm 1945, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương. Ông là một nhà khoa học có rất nhiều đóng góp cho việc nghiên cứu văn hóa - văn nghệ Việt Nam, gắn với hiện thực chiến tranh cách mạng, tiến trình đổi mới, hội nhập và toàn cầu hóa của đất nước, tư tưởng - đường lối lãnh đạo của Đảng, đời sống tinh thần của người lính và các giá trị văn hóa trong thời đại Hồ Chí Minh. Hơn 30 đầu sách - công trình nghiên cứu, trong đó có những tác phẩm liên quan trực tiếp đến văn hóa - văn nghệ - chiến tranh - người lính và thời cuộc như Hiện thực chiến tranh và sáng tạo văn học (1990), Văn hóa, văn nghệ và đời sống quân đội (1998), Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về văn hóa, văn nghệ - những cột mốc phát triển (2011), Mấy vấn đề văn hóa, văn nghệ Việt Nam hiện nay - thực tiễn và suy nghĩ (2014), Văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam đương đại - một số vấn đề lí luận và thực tiễn (2015), Công tác tư tưởng - văn hóa trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam (2016), Văn nghệ với người lính và thời cuộc (2018), Tổ quốc, đồng đội và văn nghệ (2019), Văn hóa - động lực và hệ điều tiết sự phát triển (2022)… đã nói lên quá trình nghiên cứu lâu dài, bền bỉ với đóng góp to lớn của GS.TS Đinh Xuân Dũng. Nhân kỉ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 80 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã có cuộc trò chuyện với GS.TS, Đại tá Đinh Xuân Dũng, xoay quanh những vấn đề chủ chốt mà ông dành cả cuộc đời mình để nghiên cứu.
- Thưa GS.TS, Đại tá Đinh Xuân Dũng, xuất thân là một cán bộ giảng dạy Khoa Văn (Đại học Tổng hợp Hà Nội), nhưng trong hơn 50 năm công tác, ông đã có 24 năm khoác lên mình màu áo lính. Đó là màu áo vinh quang, rất đỗi tự hào của đội quân bách chiến, bách thắng, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân - Tổ quốc mà chiến đấu, phục vụ. Sau chừng ấy năm gắn bó với binh nghiệp, ông nghĩ gì về đời quân ngũ của mình, về đồng đội và Tổ quốc?
+ Tôi nhớ lắm ngày lên đường ra trận. Ba mẹ tôi có 8 con trai, qua hai cuộc kháng chiến, 7 người tham gia chiến đấu trên khắp các chiến trường. Tôi lên đường khi mẹ tôi gần 70 tuổi. Hai chị gái tôi phải xốc nách mẹ, tiễn tôi đi, nhưng mẹ không khóc. Đôi mắt tràn ngập yêu thương, lo lắng mà kiên nghị đến không ngờ. Hình ảnh mẹ làm tôi nhớ đến hai câu thơ của nhà thơ Nguyễn Khắc Phục: Sao bóng mẹ yên lòng con đến thế/ Dù bên kia sông, pháo giặc chớp đầu nòng.
Chúng tôi lên ô tô bịt bùng ra đi. Vợ trẻ xanh gầy ẵm con thơ đầu lòng mới hơn 3 tháng tuổi lặng thầm đứng bên cửa túp lều gianh vách rơm trộn bùn hơn 10m2 nuốt nước mắt vào lòng, tiễn tôi đi. Hàng trăm sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội lúc đó chạy theo gọi tên bạn cùng lớp và cả gọi tên tôi với lời nhắn gửi: Thầy ơi, thầy đi nhé! Tất cả thế hệ chúng ta đã ra trận… đi theo ánh lửa từ trái tim mình.
Mỗi dịp cuối năm, trước bàn thờ tổ tiên và bàn thờ Bác Hồ của gia đình mình, tôi thường đứng lặng, hình dung ra những gương mặt đồng đội thân yêu của tôi; thắp nén nhang thơm kính cẩn gửi “lời chào đặc biệt”, lời chào với tình yêu thương sâu thẳm đến các bạn, những Tuân, Hoằng, Cước, Châu, Nam, Bang… và tất cả đồng đội của chúng ta đã vĩnh viễn ra đi. Dù thời gian có trôi qua, nhưng trong tâm khảm của mỗi người Việt Nam, những người con ưu tú ấy vẫn luôn “hiển linh” trong cuộc sống của chúng ta, bởi vì, xương máu, cuộc đời họ đã góp phần bồi đắp và hóa thân vào đất nước này, như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã viết: Ôi đất nước bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy/ Những cuộc đời đã hóa núi sông ta… Âm dương cách biệt, mà tình yêu, sự hiển linh, thấu hiểu vẫn còn nguyên vẹn và luôn dõi theo chúng ta. Trên bàn thờ tổ tiên của mỗi gia đình Việt Nam, hình bóng các liệt sĩ vẫn còn mãi. Ngàn năm nay, hàng triệu người con ưu tú của Tổ quốc đã ngã xuống, để Tổ quốc này trụ vững, tạo nên “dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỉ”. Tuổi trẻ không thể quên được tổ tiên, cha ông của mình. Những người đang sống không thể, không được quên hàng triệu đồng bào, đồng chí, đồng đội đã ngã xuống cho Tổ quốc hôm nay.
- Vâng! Thật thiêng liêng, thật tự hào và xúc động! Thưa ông, Bộ đội Cụ Hồ đã trở thành một tên gọi thân thương, trìu mến, vô cùng cao quý mà nhân dân dành cho người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN). Nhân dịp kỉ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội, ông có thể nói rõ hơn về danh hiệu - danh vị này?
+ Hình ảnh và tên gọi “Bộ đội Cụ Hồ” là hiện tượng rất độc đáo trong lịch sử đấu tranh vũ trang của dân tộc Việt Nam nói chung và văn hóa quân sự Việt Nam nói riêng. Ít thấy có dân tộc nào trên thế giới mà nhân dân lấy tên vị lãnh tụ tối cao của mình đặt cho quân đội. Đây vừa là tình cảm, vừa là niềm tin của quần chúng dành cho lực lượng vũ trang. Hiếm có một dân tộc nào mà hình ảnh người lính lại được toàn dân coi đó là hình mẫu của con người trong thời đại mới, để hết lòng tin yêu, quý trọng, động viên mọi thế hệ con cháu kế tiếp và noi theo gương sáng Bộ đội Cụ Hồ như dân tộc Việt Nam ta.
“Bộ đội Cụ Hồ” là cách gọi rất Việt Nam, thật gần gũi. Đó không chỉ là một tên gọi trìu mến mà nhân dân dành cho quân đội mà còn là một danh hiệu, một vinh dự lớn đối với những chiến sĩ của nhân dân.
Nhân dân ta gọi “Bộ đội Cụ Hồ” vì “Cụ Hồ” - tên gọi trìu mến của nhân dân ta đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, là người tiêu biểu cho tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân ta, là hiện thân của niềm tin và sức mạnh, là hình ảnh tiêu biểu cho tất cả những giá trị cao đẹp của dân tộc Việt Nam, của văn hóa Việt Nam. Nhân dân ta gọi quân đội của mình là bộ đội của Cụ Hồ vì cảm nhận một cách sâu sắc quan hệ đặc biệt hiếm có giữa Bác và quân đội, Bác và những người chiến sĩ.
Mỗi bước trưởng thành, mỗi chiến công của quân đội đều gắn liền với sự giáo dục, rèn luyện của “người cha thân yêu”, nên nhân dân gọi là “Bộ đội Cụ Hồ”. Gọi là “Bộ đội Cụ Hồ” còn là vì bản thân các chiến sĩ quân đội đã luôn luôn xứng đáng với niềm tin của Người. Hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” đã trở thành một mẫu hình về con người mới có lí tưởng cao đẹp, có đạo đức trong sáng, thực hiện trọn vẹn, xuất sắc chỉ thị, những lời căn dặn và niềm tin sâu sắc của Bác.
- Nhạc sĩ Doãn Quang Khải đã viết ca khúc nổi tiếng Vì nhân dân quên mình dành cho chiến sĩ ta. Từ lịch sử vinh quang, hào hùng của QĐNDVN, trong mối quan hệ máu thịt với nhân dân, ông nghĩ như thế nào về phẩm chất ấy?
+ Từ khi bắt đầu vào quân ngũ, mỗi chiến sĩ QĐNDVN đều tập và hát vang bài ca Vì nhân dân quên mình. Hàng ngàn vạn cán bộ, chiến sĩ - “Bộ đội Cụ Hồ” đã cống hiến, hi sinh và lập nên những chiến công chói lọi từ khát vọng, lí tưởng cao quý đó. Song, đôi khi chúng ta thuộc lòng bài hành khúc hết sức mộc mạc giản dị đó mà không nghĩ tới cùng ý nghĩa sâu xa ẩn chứa trong đó. Điệp khúc vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hi sinh, anh em ơi, vì nhân dân quên mình hoàn toàn không phải là sự lặp lại lời ca, mà đó chính là lời thề sắt son, kiên định của quân nhân cách mạng đối với nhân dân, dân tộc mình, và đó cũng là lí do hiển nhiên và sâu sắc của sự ra đời, tồn tại và phát triển của quân đội ta, của mỗi người chiến sĩ chúng ta. Thiếu đi lí tưởng, khát vọng cao cả đó, người chiến sĩ sẽ mất động lực chiến đấu. Chân lí giản dị đã được đúc kết từ thực tiễn chiến đấu và trưởng thành của quân đội ta, hàng ngàn vạn chiến công, dù lớn hay nhỏ, những hi sinh được biết đến và cả muôn vàn hi sinh thầm lặng của người chiến sĩ đều bắt nguồn từ khát vọng bỏng cháy “vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hi sinh”.
Bác Hồ dặn quân đội “trung với nước”, “trung với Đảng”, nhưng từ trong bản chất sâu thẳm nhất của mình, ở Việt Nam ta, nước là dân, Đảng là dân. Nước phải là của dân và Đảng cũng phải là của dân - không thể khác được. Vì vậy, Bác Hồ dặn tiếp: “hiếu với dân”. Bộ đội là con em của dân, theo truyền thống ngàn đời của dân tộc, con cái bao giờ cũng giữ đạo hiếu với cha mẹ mình. Thế là, Nước, Đảng và Dân, trong trái tim người chiến sĩ QĐNDVN luôn hòa quyện làm một.
![](http://vannghequandoi.com.vn/thumbnail/VNQD-480-2025-2-3/hoc-vien-tim-hieu-nhung-cuon-sach-trong-buoi-trung-bay-va-gioi-thieu-sach-o-truong-sqct.jpg)
Học viên Trường Sĩ quan Chính trị trong Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam. Ảnh: Văn Hải
- GS.TS, Đại tá Đinh Xuân Dũng từng là người lính, từng công tác nhiều năm trong ngành tuyên huấn quân đội, giữ trọng trách Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn. Nhìn lại công tác tư tưởng - văn hóa trong quân đội, gắn với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, ông có thể phân tích rõ hơn thành tựu nổi bật của công tác tư tưởng - văn hóa trong quân đội 80 năm qua?
+ Thành tựu nổi bật trước hết của công tác tư tưởng - văn hóa trong quân đội là đã góp phần trực tiếp xác lập, củng cố và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quân đội. Nhận thức ngày càng sâu sắc nhiệm vụ trên, công tác tư tưởng - văn hóa trong quân đội đã kiên trì triển khai các công việc như tập trung giác ngộ về Đảng, làm cho cán bộ - chiến sĩ thấu hiểu mục tiêu, lí tưởng của Đảng, làm cho quân đội ta mang đầy đủ bản chất giai cấp công nhân, tính dân tộc, tính nhân dân sâu sắc. Trong mọi hoạt động của mình, công tác tư tưởng - văn hóa nói chung, công tác giáo dục nói riêng luôn lấy mục tiêu trên làm nội dung cốt lõi và thước đo hiệu quả của mình. Công tác tư tưởng - văn hóa luôn coi việc đưa những nội dung, quan điểm, đường lối của Đảng đến với mọi quân nhân, làm cho nó ăn sâu, bám chắc vào từng con người, biến nó thành tình cảm cách mạng sâu sắc, hành động cách mạng tự giác của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ. Từ đó, sản phẩm đẹp nhất, độc đáo nhất của công tác tư tưởng - văn hóa chính là góp phần trực tiếp nuôi dưỡng, đào tạo và xây dựng các thế hệ người chiến sĩ cách mạng của Đảng, của dân tộc và nhân dân, được đúc kết trong kiểu mẫu: “Bộ đội Cụ Hồ”.
Công tác tư tưởng - văn hóa trong quân đội, từ nhiều năm qua, đã tham gia trực tiếp vào việc xây dựng và khẳng định môi trường quân đội là một trường học lớn rèn luyện con người, không chỉ là người chiến sĩ kiên cường bảo vệ Tổ quốc, mà còn trở thành người công dân gương mẫu với những vẻ đẹp tinh thần sâu sắc. Môi trường đó đã tạo nên một tập thể có chung lí tưởng và khát vọng chiến đấu vì độc lập, tự do, bảo vệ Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội và đó là một tập thể của tình đồng chí, đồng đội trong sáng, nghĩa tình gắn bó. Bản thân môi trường đó có sức cảm hóa và nâng đỡ con người, giúp họ trưởng thành và thay đổi về chất lượng sống - với ý nghĩa về mặt tinh thần, trí tuệ, tình cảm và văn hóa. Đó là nơi rèn luyện, đào luyện, xây đắp con người.
- Để tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa trong các đơn vị quân đội, lưu ý đến đặc điểm lịch sử - thời đại, yêu cầu nhiệm vụ cách mạng và đối tượng của hoạt động tư tưởng - văn hóa, theo ông, đâu là những điểm mới của tình hình hiện nay và cần phải chú trọng những vấn đề căn bản, then chốt gì để làm tốt công tác tư tưởng - văn hóa trong quân đội?
+ Đặc điểm lịch sử - thời đại, yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, đối tượng tác động của công tác tư tưởng - văn hóa là những điều kiện tiên quyết để vạch ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của công tác tư tưởng - văn hóa. Thiếu một trong ba nhân tố trên sẽ khó tiến hành đúng hướng và có hiệu quả công tác này. Trong tình hình hiện nay, ba nhân tố trên đã và đang có những biến đổi sâu sắc, xuất hiện rất nhiều đặc điểm mới, chưa từng thấy trong các thời kì trước.
Cùng với nhiệm vụ xây dựng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nhiệm vụ “bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình” đã được Đảng ta khẳng định mạnh mẽ. Hai nhiệm vụ chiến lược đó không thể tách rời, đặc biệt trong tình hình mới, khi biển Đông đang nổi sóng, khi thế giới đang phải đối phó với các lực lượng khủng bố quốc tế và các cuộc xung đột mới.
Các thế lực thù địch chống chủ nghĩa xã hội, các phần tử và tổ chức cơ hội chính trị đang đẩy mạnh thực hiện âm mưu, thủ đoạn diễn biến hòa bình đối với nước ta nhằm xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa và những thành tựu của cách mạng, của công cuộc đổi mới.
Đối tượng công tác tư tưởng - văn hóa trong quân đội, từ nay về sau, đang có những biến đổi, biến động rất cơ bản. Những người trực tiếp đã trải qua chiến đấu đang giảm đến mức tối đa; đội ngũ sĩ quan phần lớn được rèn luyện, trưởng thành trong thời bình là chủ yếu; trình độ văn hóa của quân nhân được nâng cao; song theo chế độ nghĩa vụ, quân nhân, chiến sĩ luân chuyển liên tục và đang có sự phân hóa mạnh về nhiều mặt, chịu tác động (cả tích cực và tiêu cực) của đời sống kinh tế - chính trị - xã hội - văn hóa với nhiều đặc điểm khác trước, đa dạng và phức tạp hơn.
Trước những đặc điểm đó, để công tác tư tưởng - văn hóa phục vụ trực tiếp cho nhiệm vụ thiêng liêng của quân đội là “bảo vệ Tổ quốc”, cần kiên trì, kiên quyết đổi mới sâu sắc, toàn diện và đồng bộ. Kinh nghiệm quá khứ là vô cùng quý báu, song điều đó không hề hạn chế việc sáng tạo và phát triển trước thực tiễn mới. Tôi nghĩ rằng, trong sách lược và chiến lược, cần kiên trì, có kế hoạch nâng cao bản lĩnh, trình độ chính trị của quân nhân, trong đó, trước hết và quan trọng nhất là đội ngũ sĩ quan trung, cao cấp (đội ngũ cán bộ chính trị, cán bộ Đảng, cán bộ quân sự cấp chiến dịch, chiến lược, cán bộ chuyên môn, kĩ thuật…) Nhận thức chính trị phải gắn với tình cảm cách mạng, năng lực trí tuệ, định hướng hành động để đội ngũ này có năng lực hoạt động thực tiễn trong những tình thế phức tạp và có cả trình độ đấu tranh về mặt lí luận chống lại các thế lực thù địch, cơ hội chính trị - đó là phương thức đấu tranh phi vũ trang, gắn chặt với đấu tranh vũ trang, khi cần thiết.
Tập trung mọi sức mạnh, ưu thế của công tác tư tưởng - văn hóa trong quân đội kiên trì củng cố, phát triển kiểu mẫu nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” trong điều kiện mới. Lấy nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa, đặc biệt ở các đơn vị cơ sở; phối hợp chặt chẽ với địa phương, với nhân dân nơi đơn vị đóng quân; lấy chuẩn mực, giá trị nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” để rèn luyện, đào tạo chiến sĩ, sĩ quan trẻ. Đồng thời, kiên quyết, tỉnh táo phê phán, ngăn chặn những mặt tiêu cực từ bên ngoài tác động vào nội bộ các đơn vị quân đội. Đặc biệt, phải bảo vệ bằng được các giá trị của tình đồng đội, bạn chiến đấu, tính dân chủ và kỉ luật nghiêm minh.
Tiếp tục sử dụng đồng bộ, nhuần nhuyễn “hợp đồng tác chiến” giữa các “binh chủng” của công tác tư tưởng - văn hóa (giáo dục, tuyên truyền, cổ động, thi đua, báo chí, xuất bản, văn hóa - văn nghệ…) theo hướng sáng tạo các phương thức hoạt động mới, phù hợp với từng loại hình đối tượng trong quân đội và lựa chọn các sản phẩm có giá trị nuôi dưỡng tình yêu Tổ quốc, sự gắn bó với nhân dân, truyền thống đấu tranh của dân tộc và của quân đội, những giá trị chân - thiện - mĩ của con người… để quy tụ sức mạnh của các “binh chủng” đó vào nhiệm vụ xây đắp ý chí, bản lĩnh, quyết tâm hành động bảo vệ Tổ quốc của cán bộ, chiến sĩ.
Đổi mới toàn diện chương trình, nội dung giáo dục chính trị các cấp trong quân đội, đặc biệt đối với sĩ quan trẻ và chiến sĩ ở các đơn vị cơ sở trong toàn quân theo hướng gắn chặt các cụm nội dung như: Tổ quốc, dân tộc và nhân dân với người chiến sĩ, những quan điểm cơ bản nhất của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng - đường lối quân sự của Đảng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến bài học về nhận diện kẻ thù, đối tượng tác chiến của quân đội ở từng thời điểm cụ thể; truyền thống văn hiến Việt Nam, truyền thống quân đội đối với đời sống người chiến sĩ.
- Vâng! Những điểm mới của tình hình hiện nay cũng như những yêu cầu cốt thiết mà GS vừa nêu đã đem đến hình dung bao quát nhưng cũng rất cụ thể cho việc xây dựng tư tưởng - văn hóa trong quân đội. Tập trung cái nhìn vào một “binh chủng”, văn học nghệ thuật, đó là một hình thái ý thức xã hội đặc thù. Tính đặc thù ấy là sinh mệnh của văn học nghệ thuật, cũng là địa hạt mà văn học nghệ thuật có thể thâm nhập nhằm xây dựng, bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách con người. Mở rộng ra, ông thấy văn học nghệ thuật Việt Nam từ sau 1975 đã biểu đạt văn hóa - xã hội - con người và các giá trị như thế nào?
+ Từ 1975 đến nay, xã hội Việt Nam đang trong thời kì biến đổi có tính bước ngoặt cực kì sâu sắc, theo đó văn học nghệ thuật cũng đang trong quá trình biến động mạnh mẽ, tìm kiếm không mệt mỏi, có cả những thành công và thất bại.
Có thể nói, văn học nghệ thuật là một kênh quan trọng để cảnh báo sự cần thiết phải cáo chung cái cũ (thời quan liêu, bao cấp) và gợi mở cho thời kì mới: cần đổi mới để tồn tại và phát triển. Đó là thời kì tiền đổi mới, những năm từ 1982 đến 1986, đã xuất hiện trong văn học nghệ thuật thời kì này những nhân cách kiểu mới: con người đoạn tuyệt với cái cũ, cái lạc hậu, sự giả dối và kiên cường vươn lên tự khẳng định mình, kể cả những lúc phải chịu thất bại. Chúng ta nhớ lại các tác phẩm của Lưu Quang Vũ, Tào Mạt, Xuân Trình, Nguyễn Minh Châu, Đặng Nhật Minh… đã để lại ấn tượng sâu đậm của tiếng nói nghệ thuật không chỉ đồng tình với đổi mới, mà còn là sự dự báo, sự thúc giục phải đổi mới. Khác với văn học nghệ thuật thời chiến, không chỉ là sự cổ vũ, vẫy gọi con người đi tới tương lai, mà còn nỗ lực “can thiệp trực tiếp” vào hiện thực, đối thoại, phân tích và đánh giá thẳng thắn với cuộc sống và con người đương đại…
Văn học nghệ thuật những năm gần đây vẫn tiếp tục xu hướng trên song có những biến động mới. Cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, trong con người, trong cộng đồng diễn ra cực kì phức tạp, nhiều lúc sự ngang ngược của cái xấu, cái ác đã thắng thế, nhưng cái mới vẫn vật vã vươn lên. Đó là chủ đề hấp dẫn của nhiều sáng tạo văn học nghệ thuật từ 1986 đến nay. Văn xuôi (tiểu thuyết, truyện ngắn, kí…), kịch, phim… đã là những loại hình, loại thể có vai trò xung kích khám phá, thể hiện cuộc đấu tranh này. Thực tế nghiệt ngã của cuộc sống, phải chăng, đã là một nguyên nhân dẫn tới một cái nhìn khá phổ biến trong nhiều tác phẩm: cái ác mạnh hơn cái thiện, nỗi đau nhiều hơn niềm vui, cái mầm mống của nhân cách kiểu mới yếu hơn sức sống dai dẳng của cái cũ, cái ác, bóng tối… Và hình như, niềm tin của người sáng tạo rằng, trong hoàn cảnh nghiệt ngã đó, những nhân cách lớn phải xuất hiện, niềm tin đó đang giảm thiểu, và vì thế, sự bức xúc và lo lắng dồn vào tác phẩm để bật lên những cảnh báo đau xót: cái ác đang thế thắng, cái xấu đang gặm nhấm và hủy hoại nhân cách tốt đẹp của con người hôm nay!
Thật đáng tiếc, đáng buồn và cả đáng trách nữa, đồng hành với đời sống văn học nghệ thuật, chúng ta nhận thấy đã và đang xuất hiện những tác phẩm né tránh việc miêu tả, thể hiện cuộc đấu tranh đang diễn ra hàng ngày, những tác giả coi văn học nghệ thuật chỉ là sự tự thể hiện không giới hạn cái tôi cá nhân và không ít những cái gọi là sáng tác văn học nghệ thuật nhưng chỉ vì thỏa mãn nhu cầu giải trí tầm thường, biến sản phẩm của mình thành hàng hóa rẻ tiền, câu khách do áp lực của kinh tế thị trường. Núp dưới luận điểm tưởng là thời thượng rằng đã qua rồi thời đại văn học nghệ thuật có sứ mệnh nuôi dưỡng và xây dựng nhân cách con người, văn học nghệ thuật chỉ còn là những “trò chơi” hình thức, “trò chơi” ngôn ngữ của những cá nhân “tài năng”.
- Rất tán thành với GS ở nhiều điểm trong ý kiến trên. Xin đi sâu hơn một chút vào đời sống văn học nghệ thuật đương đại, ông đã quan sát được gì từ sự vận động của văn học nghệ thuật hiện nay?
+ Theo M. Bakhtin, để đánh giá một giai đoạn hay một nền văn học, thể loại đóng vai trò rất quan trọng. Điều đó không chỉ đúng với văn học, mà có lẽ, còn đúng với các loại hình nghệ thuật khác.
Kể từ năm 1945 đến đầu những năm 80 thế kỉ XX, chúng ta vốn quen với các thể loại đã tương đối ổn định trong đời sống văn học Việt Nam, mà trước đó, giai đoạn từ 1930 đến 1945 đã có sự “chuẩn bị” với những đột phá táo bạo. Sự xuất hiện và phát triển của tiểu thuyết, truyện ngắn, phóng sự, thơ mới, tân nhạc, hội họa tả thực, kịch nói, kiến trúc kiểu Pháp… đã tạo ra một bước quan trọng, giúp cho văn học nghệ thuật Việt Nam bước sang giai đoạn hiện đại hóa, tiếp cận với các dòng chảy của văn học nghệ thuật phương Tây thời kì đó.
Những năm gần đây, tình hình đã hoàn toàn khác trước, hay nói ít nhiều xác quyết hơn, đó là sự bùng nổ không cưỡng lại được, sự xâm nhập ồ ạt và cả sự lên ngôi, chiếm thị phần ngày một lớn hơn của các thể loại mới trong tất cả các loại hình văn học nghệ thuật. Đối với văn học là tiểu thuyết sắp đặt, là thơ trẻ hiện đại, là sự xâm nhập lẫn nhau giữa các thể loại. Đối với âm nhạc là các thể loại jazz, pop, hiphop, rap, bolero, âm nhạc dân gian đương đại và cả nhạc “ma túy”… Đối với mĩ thuật là các thể loại trừu tượng, lập thể, tượng trưng, sắp đặt, mà có người gọi chung là mĩ thuật đương đại! Đối với điện ảnh là các phim truyền hình nhiều tập, có lúc đến “phát sợ” (cười).
- Ông lí giải những vận động đó như thế nào?
+ Sự biến đổi, phát triển của các thể loại có thể nhìn thấy được, song, hiểu về nó và đi tìm nguyên nhân của sự xuất hiện các thể loại văn học nghệ thuật trong thời gian vừa qua lại không đơn giản. Cho rằng, nó là kết quả của quá trình hội nhập và giao lưu quốc tế, điều đó đúng, nhưng chắc rằng, chưa đủ. Có lẽ phải tìm ở nguyên nhân sâu hơn, bắt nguồn từ sự biến đổi trong quan niệm và tư duy sáng tạo của văn nghệ sĩ. Nghệ sĩ bao giờ cũng đi tìm một thể loại khả dĩ chuyển tải tốt nhất những gì mà họ ấp ủ, muốn thể hiện, muốn giãi bày. Tất nhiên, nguồn gốc của sự biến đổi tư duy sáng tạo lại bắt đầu từ việc nỗ lực vượt qua những hạn chế của giai đoạn trước và khát vọng đáp ứng nhu cầu mới của xã hội trong hiện tại. Bởi vậy, sự biến đổi tư duy sáng tạo là một dấu hiệu nổi bật, chi phối sâu sắc đặc điểm, diện mạo của văn học nghệ thuật Việt Nam những năm qua. Có nhiều khuynh hướng của sự biến đổi trên. Vượt qua tư duy miêu tả, phản ánh cái hiện thực đang diễn ra, tập trung cho khuynh hướng tích cực của hiện thực ấy, qua đó, cổ vũ, vẫy gọi con người vươn lên cái tốt đẹp, cái cao thượng… của giai đoạn văn học nghệ thuật trước, người sáng tạo hôm nay, bằng tư duy độc lập của mình, muốn phân tích, mổ xẻ hiện thực, qua đó, “can thiệp trực tiếp” (tất nhiên, phải bằng cách sáng tạo nghệ thuật) vào cái hiện thực được nhận thức đó (cả hiện thực quá khứ, hiện thực đương đại). Có lẽ, khuynh hướng tư duy này bắt đầu từ kịch của Lưu Quang Vũ, truyện của Nguyễn Minh Châu… Vượt qua những nỗ lực kể tả lại những biến cố, sự kiện lớn, tư duy sáng tạo của nghệ sĩ hôm nay khát khao khám phá, ở tận chiều sâu nhất số phận con người, cả vô thức, tiềm thức và ý thức, cả niềm vui và nỗi đau, cả anh hùng và bi kịch, cả bóng tối và ánh sáng…
- Quả đúng như thế. Tôi được biết, tại cuộc gặp gỡ của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với các văn nghệ sĩ tại Hà Nội trong hai ngày 6-7/10/1987, đã có ý kiến cho rằng, nền văn học của chúng ta (trước đó) còn nghèo nàn. Những xu hướng vận động mới mà GS vừa nêu cũng là những cách thức, con đường làm giàu có thêm nền văn học đương đại. Tuy nhiên, trong rất nhiều xu hướng của văn học nghệ thuật, có một số biểu hiện mà ta gọi là “sai trái”, “lệch lạc”, thậm chí là “phản động”, “thù địch”. Trước thực trạng đó, cần phải khẳng định và nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ. Nhưng, như chúng ta vừa nói, văn hóa - văn nghệ là lĩnh vực đặc thù, cách quản lí - lãnh đạo cũng cần tương thích, phù hợp để có thể phát huy tối đa năng lực sáng tạo, cống hiến của nghệ sĩ. Ông nghĩ sao về điều này?
+ Phê phán các quan điểm sai trái, lệch lạc trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ để khẳng định tính cấp thiết phải có sự lãnh đạo, định hướng của Đảng trên lĩnh vực có nhiều đặc thù này, song, khẳng định không phải là đủ, “yên tâm”, mà trái lại, cần phải tỉnh táo đặt ra yêu cầu mới về tầm nhìn xa, về năng lực lãnh đạo, về khả năng thấu hiểu và nắm vững những quy luật đặc thù trong lĩnh vực này để có thể lãnh đạo, chỉ đạo đúng và trúng.
Năm 1989, tôi đang phụ trách Phòng Văn nghệ Quân đội thì được Tổng cục Chính trị giao nhiệm vụ kiêm Trưởng đoàn ca múa Quân đội (nay là Nhà hát ca múa nhạc Quân đội). Xuống đoàn nhận nhiệm vụ, tôi xúc động khi nhìn tấm ảnh Bác Hồ ngồi trên thềm nhà giữa hàng trăm diễn viên, hình như Người đang trò chuyện rất thân tình với văn nghệ sĩ. Hình ảnh đó tác động sâu sắc đối với tôi. Tôi nghĩ rằng, xuống đoàn không phải chỉ để lãnh đạo, chỉ huy, mà phải để học thêm, yêu thêm nghệ thuật, để đồng cảm với sự sáng tạo của nghệ sĩ. Tình yêu, sự nhiệt huyết, sự thấu hiểu là điều kiện không thể thiếu, đảm bảo cho sự lãnh đạo văn hóa, văn nghệ. Từ tình yêu, sự đồng cảm và sự thấu hiểu đó, Bác Hồ đã chinh phục hoàn toàn tâm tư, sự kính phục của các thế hệ văn nghệ sĩ Việt Nam. Từ đó, Người đã có một tầm nhìn xa và cực kì sâu sắc về vai trò, vị trí của văn hóa - văn nghệ trong toàn bộ sự phát triển của đất nước, khi Người khẳng định dứt khoát rằng: Trong sự phát triển bền vững của dân tộc, cần coi trọng ngang nhau bốn yếu tố: chính trị - kinh tế - văn hóa và xã hội.
Tôi nhớ một câu chuyện của nhà thơ Hoàng Cầm kể về danh tướng quân sự - chính trị - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Vào khoảng 1952, khi đang làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã rất chân tình, thẳng thắn, khiêm nhường, tâm sự với Hoàng Cầm: “Tôi rất dốt về văn nghệ… Không biết gì về văn chương, nghệ thuật thì lãnh đạo thế nào được văn nghệ sĩ? Vậy các anh phải làm như giáo viên giảng giải cho tôi biết về thơ, nhạc, hội họa, kịch, cả múa nữa… Và như thế, tôi còn phải học mãi, học mãi để nắm chắc được cái vũ khí vô cùng lợi hại là văn nghệ, thì tôi làm việc của Đảng và Nhà nước giao phó mới có thể thành công”. Và từ đó, Đại tướng đã thực sự học trong nhiều năm. Sau này, nhà thơ Hoàng Cầm đã tâm sự: “Tôi thấy anh thực sự xứng đáng là người lãnh đạo mình và các văn nghệ sĩ trong nội bộ”. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã hoàn thành xuất sắc và vô cùng độc đáo vai trò lãnh đạo văn nghệ trong quân đội những năm từ 1950 đến khi ông vào Nam chiến đấu. Bài học đó thực sự sâu sắc đối với các thế hệ lãnh đạo văn nghệ. Điều đó nghĩa là khẳng định vai trò lãnh đạo văn nghệ của Đảng đồng thời phải gắn với yêu cầu không ngừng nâng cao tình yêu, sự thấu hiểu, đồng cảm, tầm nhìn xa và vốn hiểu biết sâu sắc văn hóa - văn nghệ. Đó là đòi hỏi khách quan, không thể né tránh.
- Xin trân trọng cảm ơn GS.TS, Đại tá Đinh Xuân Dũng về cuộc trò chuyện này!
NGUYỄN THANH TÂM thực hiện
VNQD