Năm 2024 khép lại với nhiều sự kiện lớn của đất nước, của Quân đội, trong đó Quân đội nhân dân Việt Nam của chúng ta vừa kỉ niệm 80 năm ngày thành lập với nhiều hoạt động sôi nổi, rộng khắp. Chào năm mới 2025 với những nhiệm vụ mới, những thử thách mới của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, PV VNQĐ đã có cuộc phỏng vấn Đại tá Nguyễn Văn Hòa, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng về bề dày truyền thống cách mạng, sự nỗ lực phấn đấu và những thành tích đạt được của lực lượng vũ trang thành phố trong những năm qua, cũng là một cách nhìn lại để bước vào một năm mới.
Bài đối thoại mang tên Truyền thống của lực lượng vũ trang thành phố Đà Nẵng đã được kế tục và tô thắm sẽ mở đầu Tạp chí số đầu tiên của năm 2025.
Phần Văn xuôi với các tác phẩm, bài viết ấn tượng.
Truyện ngắn Vẫn còn kịp tết của Nguyễn Ngọc Lợi là câu chuyện dung dị, gần gũi và xúc động kể về một người lính về thăm gia đình trong ngày giáp tết. Không khí tết, vẻ đẹp của những ngày chớm xuân như xua tan đi những gian khổ, hiểm nguy mà người lính phải trải qua. Tình yêu, sự cảm thông đã giúp người lính và hậu phương luôn vững vàng trong mọi bối cảnh. Truyện ca ngợi những vẻ đẹp bình dị mà sâu sắc, bền chặt.
Truyện ngắn Lũy Thầy khói lửa của Nguyễn Anh Tuấn tái hiện lại giai đoạn Trịnh Nguyễn phân tranh nhưng không sa vào cắt nghĩa lịch sử mà tác giả đào sâu vào câu chuyện thân phận con người. Những người lính của hai bên, họ đều mơ ước được trở về với người thân, được sống cuộc đời bình dị. Tác giả gây ấn tượng với cách miêu tả tâm lí nhân vật sâu sắc và đưa đến cái nhìn nhân văn hơn, con người hơn giữa những người lính ở hai bên chiến tuyến.
Truyện ngắn Gò Mù Sa của Ngô Tú Ngân đượm buồn nhưng nhẹ nhõm, bi kịch nhưng không tuyệt vọng, éo le nhưng không phải đường cùng. Tác giả khéo léo dẫn dắt câu chuyện để bạn đọc trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Và cuối cùng đọng lại tinh thần nhân văn, thấu suốt. "Đôi khi chỉ là một lời nói, một chấp niệm, một giấu giếm, một oán giận mà giam cầm con người còn dữ tợn hơn cả ngục tù".
Gi chép Những dấu chân xanh trên đất phòng tô của Hà Minh Hưng là những khắc họa chân thực về người lính biên phòng; Bút kí Mở đường vào bến Vũng Rô của Hồ Đắc Thạnh là bài viết xúc động về những chuyến tàu không số trong chiến tranh chống Mĩ.
“Truyện ngắn hay tác giả tự chọn” giới thiệu truyện ngắn Một chút Tân Lang của nhà văn Lê Minh Hà.
Phần Thơ với sự góp mặt của các tác giả: Vũ Ngọc Thư, Vũ Quang Trạch, Nguyễn Quang Việt, Trần Sang, Đinh Minh Thiện, Tô Hoàn, Lữ Hồng, Nguyên Như, Võ Văn Hân, Nhiên Đăng, Từ Ngàn Phố, Lê Na, Mai Tuyết.
Trang thơ là những suy tư, trải nghiệm của các tác giả với các không gian vùng miền, văn hóa, những cảm xúc riêng tư trước khung cảnh quê hương, trước những sự vật quen thuộc hay những biến động làm gợi lên tình cảm, trước nhiều mặt của đời sống và con người. Những bài thơ độc đáo, giàu rung cảm và mang hơi thở đương đại sẽ góp phần vào dòng chảy thơ ca hôm nay.
“VNQĐ giới thiệu” số này giới thiệu chân dung tác giả Lê Vĩnh Thái cùng chùm thơ ấn tượng của anh.
Phần Bình luận văn nghệ với sự góp mặt của các tác giả: Mai Bá Ẩn, Lê Dục Tú, Nguyễn Thanh Tú, Đỗ Thị Hường, Nguyễn Hoàng Thi Thơ, Văn Giá.
Đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đã để lại dấu ấn khó phai mờ trong lịch sử dân tộc và quá trình phát triển của nền thơ ca cách mạng Việt Nam. Cảm xúc như vỡ òa trong lòng những nhà thơ - chiến sĩ, từ những nhà thơ ở miền Bắc hướng về Nam đến những nhà thơ trực tiếp từ Trường Sơn đi theo bước chân chiến dịch và cả những nhà thơ trẻ sống giữa lòng đô thị miền Nam. Bài viết Xuân đại thắng - vang vọng những lời thơ sẽ giới thiệu những câu thơ ấn tượng viết về sự kiện trọng đại này.
Với mỗi dân tộc, bản sắc văn hóa luôn là vấn đề được quan tâm. Trong đời sống đương đại, khi Việt Nam đang trên đường đổi mới và hội nhập thì vấn đề này càng được đặt ra một cách bức thiết. Làm thế nào để hội nhập mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa Việt? Điều này đòi hỏi chúng ta phải có những quan điểm văn hóa đúng đắn để xã hội ngày càng phát triển một cách bền vững chứ không chỉ chạy theo sự hào nhoáng nhất thời. Bằng sự nhạy cảm, các nhà văn đã nhận ra và đưa lên trang viết của mình những điểm hạn chế, bất cập của văn hoá trong đời sống hôm nay. Bài viết Một số quan điểm mới về văn hóa - thẩm mĩ trong tiểu thuyết Việt Nam những năm đầu thế kỉ XXI sẽ có những bàn luận sâu sắc xung quanh câu chuyện này.
Còn nhiều bài viết sinh động, hấp dẫn về những chân dung tác giả - tác phẩm hay những vấn đề đáng quan tâm của nền văn học nghệ thuật sẽ được đề cập đến trong phần này.
Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 1052 dày 120 trang dự kiến sẽ phát hành ngày 5/1/2025. Thân mời các bạn đón đọc!
Văn
PV
Truyền thống của lực lượng vũ trang thành phố Đà Nẵng
đã được kế tục và tô thắm
Nguyễn Ngọc Lợi
Vẫn còn kịp tết
Hà Minh Hưng
Những dấu chân xanh trên đất phòng tô
Lê Minh Hà
Một chút Tân Lang
Nguyễn Anh Tuấn
Luỹ Thầy khói lửa
Ngô Tú Ngân
Gò Mù Sa
Hồ Đắc Thạnh
Mở đường vào bến Vũng Rô
Thơ
Vũ Ngọc Thư
Nợ một cơn mưa; Viết ở Bạch Đằng giang
Vũ Quang Trạch
Mẹ đất; Cánh bay chim biển
Nguyễn Quang Việt
Chiếc thuyền câu đêm; Bên cây cầu cũ
Trần Sang
Trên nền nhà xưa; Nghe hoa quỳnh toả hương
Đinh Minh Thiện
Biển mùa đông; Mừng tuổi mẹ
Tô Hoàn
Mẹ rừng Trường Sơn; Tôi gọi rừng già
Lữ Hồng
Chờ anh về lang thang trong em; Nếu mùa xuân
Nguyên Như
Chiều Truông Băng; Ngàn ngọn gió đến
Võ Văn Hân
Tìm cha
VNQĐ giới thiệu thơ Lê Vĩnh Thái
Và tháng ngày Bảo Lộc; Đêm trên đồi phấn; Qua nhà mình nhớ ngõ nhà xa
Nhiên Đăng
Trong đêm đen một ngọn đèn sưởi ấm; Ngày mai nắng lên
Từ Ngàn Phố
Hãy trả lại cho tôi; Anh về với mẹ
Lê Na
Bác thợ rèn làng tôi; Gửi em bé Phù Lá
Mai Tuyết
Bên những ngôi mộ không tên
Bình luận văn nghệ
Mai Bá Ấn
Xuân đại thắng - vang vọng những lời thơ
Lê Dục Tú
Một số quan điểm mới về văn hoá - thẩm mĩ trong tiểu thuyết Việt Nam những năm đầu thế kỉ XXI
Nguyễn Thanh Tú
Bài ca về sự sống, tình yêu và hi vọng
Đỗ Thị Hường
Milan Kundera và trò chơi đi tìm căn cước
Nguyễn Hoàng Thi Thơ
Thần dược - sự giễu nhại cái nhìn nam giới
Văn Giá
Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương
Minh hoạ, ảnh
Bìa 1: Tĩnh vật mùa xuân
Tranh của họa sĩ Nguyễn Tùng
Minh họa: Trương Đình Dung, Lê Trí Dũng,
Nguyễn Văn Đức, Hải Kiên, Vũ Đình Tuấn
VNQD