Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 1061 (cuối tháng 5/2025)

Thứ Hai, 19/05/2025 09:52

 PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ sinh năm 1960 tại Nghệ An. Ông từng giữ cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương. Hiện nay, ông là Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chuyên về mảng văn học, nghệ thuật. Không chỉ là một chính khách, một nhà khoa học, một nhà quản lý văn hóa, văn nghệ, PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ còn là một nhà văn, một nghệ sĩ. Nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông sắp cho ra mắt bộ tiểu thuyết 5 tập Nước non vạn dặm, phục dựng cuộc đời, con người và sự nghiệp vĩ đại của Bác dưới góc nhìn văn học, nghệ thuật. Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Nguyễn Thế Kỷ xoay quanh bộ sách cũng như những suy tư trong sáng tạo nghệ thuật về đề tài Bác Hồ. Bài trò chuyện mang tên Ta bỗng lớn ở bên Người một chút… sẽ mở đầu Tạp chí số này.

Phần Văn xuôi được tiếp tục với các tác phẩm, bài viết ấn tượng.

Truyện ngắn Chiếc hộp kỉ vật của Nguyễn Quốc Hùng mang đến nhiều cảm xúc cho bạn đọc bởi giọng văn dung dị, sâu sắc và những câu chuyện của một người lính từng trực tiếp tham gia những trận đánh bảo vệ biên giới phía Bắc. Mấy chục năm đã trôi qua, Thương vẫn đứng đợi một người lính quay lại nhận chiếc hộp kỉ vật mà anh gửi lại trước khi lên biên giới. Đó cũng là nỗi nhớ, là sự đau đáu về những đồng đội đã không thể trở về của nhà văn. Thương không chờ được người lính trở lại nhưng hành trình của Thương, của Bình, của những người ở lại là một hành trình đầy ấm áp, đáng quý dành cho người không trở lại…

Truyện ngắn Những người đàn bà khăn vuông đen của Đoàn Ngọc Hà hấp dẫn người đọc bởi giọng văn dí dỏm nhưng đầy chiều sâu của một người viết trải văn, trải đời. Nổi bật trong dòng văn học viết về nông thôn Việt Nam thời hậu chiến và thời kì đổi mới, những tác phẩm của Đoàn Ngọc Hà luôn tạo được dấu ấn mạnh trong lòng bạn đọc. Những người đàn bà khăn vuông đen là một truyện ngắn như thế. Tác phẩm viết về những người riu tép giữ nghề làm mắm cổ truyền. Nhưng không đơn thuần chỉ có vậy, trong đời sống hiện đại hôm nay, họ phải đối diện với những điều gì và phải làm gì để giữ được nghề truyền thống?

Truyện ngắn Mả ông ăn mày của Phan Xuân Luật mang màu sắc hiện thực pha lẫn sự liêu trai, huyền ảo. Cuộc đời của ông ăn mày trong tác phẩm để lại nhiều trăn trở, suy ngẫm cho người đọc. Đỗ cử nhân, là người nổi tiếng hay chữ, chỉ chờ ra làm quan… Giấc mộng công danh của một kẻ sĩ ngày xưa tưởng như thế đã là đáng kể. Thế nhưng… chỉ vì mua một con bò cái đang có chửa về mổ khao làng, khao họ, mà cuộc đời cụ Phan Tích đã rẽ sang một hướng không ai ngờ tới. Phải chăng, câu chuyện nhắn nhủ chúng ta đúng theo lời người xưa vẫn dạy, “tiên học lễ, hậu học văn”, chúng ta phải tu dưỡng đạo đức nhân cách trước khi học chữ nghĩa…

Bút kí Tấm bản đồ trong tim của Nguyễn Mạnh Hùng là bài viết nhiều cảm xúc, nhiều tư liệu chân thực về vùng đất Tây Nguyên, nơi gắn với những người lính của Binh đoàn 15. “Họ luôn thao thức để làm sao cái nét đậm viền biên phía Tây, nơi miền thượng du che chắn cho đất mẹ luôn vững chãi, luôn được bồi đắp dầy thêm bởi những rừng cao su đâm rễ sâu vào đất, những bản làng đời nọ sang đời kia an cư lạc nghiệp…”

Tản văn Cỏ đê sông Hồng của Uông Triều là sự chiêm nghiệm về kiếp người qua hình ảnh của cỏ. Ở một góc nhìn khác, đó còn là sự cô độc và can đảm của người viết trong việc đối diện với chính mình và cuộc đời.

Phần Thơ với sự góp mặt của các tác giả: Nguyễn Trọng Luân, Nguyễn Văn Biên, Trương Thị Bách Mỵ, Võ Văn Luyến, Phùng Thị Hương Ly, Nguyên Như, Huỳnh Minh Tâm, Nguyễn Thế Nhân, Phạm Vân Anh, Lê Na, Lương Minh Cừ, Phùng Văn Khai, Thuận Vy, Nguyễn Đức Hạnh.

Những không gian văn hóa, lịch sử sẽ được mở ra trong thơ từ mọi góc nhìn, mọi chiều kích. Những vẻ đẹp, những ẩn khuất của đời sống ở các khía cạnh của tình yêu, gia đình, xã hội với những vui, buồn, quá vãng, giấc mơ, xao động… cũng là nguồn chất liệu bất tận cho thơ. Qua thi phẩm của mình, người viết đã cho thấy khát vọng được chạm sâu vào những thăm thẳm của mọi đề tài nhằm sáng tạo nên một đời sống khác.

“Thơ trong những tập thơ” là bài viết Những suy tưởng khi yêu của Mã Giang Lân giới thiệu thi tập Luẩn quẩn khi yêu của Mai Quỳnh Nam.

Văn học nước ngoài giới thiệu truyện ngắn Tre nở hoa của Tsutomu Mizukam, do Trần Ngọc Hồ Trường lược dịch từ bản tiếng Anh.

Phần Bình luận văn nghệ với sự góp mặt của các tác giả: Võ Xuân Quế, Thái Phan Vàng Anh, Mai Nam Thắng, Lê Thành Nghị, Mai Văn Phấn, Lê Trọng Nghĩa, Bùi Tuấn Minh.

Chiến tranh và người lính luôn luôn là một đề tài hấp dẫn của các thế hệ nhà văn ở mọi quốc gia, mọi thời đại. Trên thế giới, văn học về chiến tranh và người lính là một bộ phận không nhỏ của kho tàng văn hóa nhân loại, trong đó có nhiều tác phẩm bất hủ, vượt thời gian. Ở nước ta, đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng là một dòng chảy văn học lớn, có nhiều thành tựu rực rỡ, hợp lưu cùng văn học Việt Nam hiện đại. Bài Nghĩ thêm về đội ngũ nhà văn hôm nay viết về đề tài chiến tranh và người lính sẽ góp thêm những lời bàn về đề tài này.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã chi phối mạnh mẽ đến đời sống của nhân loại. Không một ai, không một loại hình văn hóa nghệ thuật nào có thể đứng ngoài và không bị chi phối bởi những thành tựu của nó. Văn học Việt Nam hiện đại vì vậy cũng chịu tác động không nhỏ của kỉ nguyên số với nhiều cơ hội và thách thức. Bài viết Thời cơ và thách thức của văn học Việt Nam trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư đưa đến những góc nhìn sâu sắc.

Bên cạnh đó, chúng ta sẽ được tiếp cận với những bài nghiên cứu, bình luận sâu sắc, thú vị về các vấn đề khác nhau của văn học nghệ thuật.

Tạp chí VNQĐ số 1061 dày 120 trang dự kiến sẽ phát hành ngày 20/5/2025. Thân mời các bạn đón đọc!

Văn

Nguyễn Thanh Tâm - Nguyễn Thế Kỷ

Ta bỗng lớn ở bên Người một chút

Nguyễn Quốc Hùng

Chiếc hộp kỉ vật

Nguyễn Mạnh Hùng

Tấm bản đồ trong tim

Uông Triều

Cỏ đê sông Hồng

Đoàn Ngọc Hà

Những người đàn bà khăn vuông đen

Phan Xuân Luật

Mả ông ăn mày

 

Thơ

Nguyễn Trọng Luân

Bình minh Đồng Dù; Nắng ở cầu Bông

Nguyễn Văn Biên

Đời lính của tôi; Trưa Hà Nội

Trương Thị Bách Mỵ

Đường về nhà; Cơn mưa đền đài

Võ Văn Luyến

Đất mở yêu thương rộng dài; Mạch sống

Phùng Thị Hương Ly

Của hồi môn; Viết từ nông trại

Nguyên Như

Câu xường rám khói; Già

Huỳnh Minh Tâm

Ngôi sao của tôi; Góc phố

Nguyễn Thế Nhân

Lá đỏ, lá xanh

Phạm Vân Anh

Mường Phăng

Lê Na

Nà Mụ một đêm

Lương Minh Cừ

Về ngôi nhà Bác ở Udon

Mã Giang Lân

Những suy tưởng khi yêu

(Đọc Luẩn quẩn khi yêu của Mai Quỳnh Nam)

Phùng Văn Khai

Chuyện ở dốc Pha Đin; Nói với con

Thuận Vy

Chiều đường núi; Câu ca trước ngõ

Nguyễn Đức Hạnh

Mình đang thay lá; Nhớ Hoà Bình; Sinh ở bến Tượng

 

Văn học nước ngoài

Tsutomu Mizukam

Tre nở hoa

(Trần Ngọc Hồ Trường lược dịch từ bản tiếng Anh)

 

Bình luận văn nghệ

Võ Xuân Quế

Nhà thơ Sargon Boulus và bản dịch

Nhật kí trong tù tiếng Ả Rập chưa được biết ở Việt Nam

Thái Phan Vàng Anh

Thời cơ và thách thức của văn học Việt Nam trong thời

đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Mai Nam Thắng

Nghĩ thêm về đội ngũ nhà văn hôm nay

viết về đề tài chiến tranh và người lính

Lê Thành Nghị

Trần Nhương - vẫn bao giây phút bần thần

Mai Văn Phấn

Về một cuốn sách

Lê Trọng Nghĩa

Nghệ thuật của sự lặng im và kí ức dang dở

Bùi Tuấn Minh

Người cựu binh chiến trường K

 

Minh hoạ, ảnh

Bìa 1: Tình mẹ Tranh của họa sĩ Trương Đình Thọ

Minh họa: Trương Đình Dung, Lê Trí Dũng, Phạm Hà Hải,

Nguyễn Bá Kiên, Nguyễn Văn Minh, Chiết Tô

VNQD
Thống kê