. TRẦN HINH
Đã 40 năm kể từ khi tiểu thuyết Người tình (L’Amant) - cuốn tiểu thuyết đoạt giải Goncourt 1984 của nữ văn sĩ người Pháp Marguerite Duras - ra đời, những câu hỏi chưa bao giờ được giải đáp một cách rõ ràng về tác phẩm và người đã viết ra nó vẫn luôn là điều bí ẩn, gây tò mò với đông đảo người đọc tại Việt Nam và ngay cả tại Pháp. Đây là một cuốn truyện hư cấu hay là một tác phẩm tự thuật? Câu chuyện tình về một “cô bé 15 tuổi rưỡi” da trắng yêu một người đàn ông Trung Hoa gần gấp đôi tuổi mình, cách đó hơn nửa thế kỉ ở một xứ sở thuộc địa, phải chăng là câu chuyện của chính bà? Hay đó chỉ là câu chuyện tình của người mẹ? Ngôi nhà mang tên người đàn ông Trung Hoa Huỳnh Thủy Lê hiện ở Sa Đéc, Đồng Tháp có phải là một chứng tích còn lại hồi đó? Mối xung khắc giữa M. Duras với đạo diễn Jean Jacques Annaud, người đã thực hiện bộ phim Người tình có thật, và vì nó mà nữ văn sĩ buộc phải công bố câu chuyện tình thứ hai của mình với người đàn ông Trung Hoa có đúng vậy không? Vẫn còn rất nhiều vấn đề nữa cần được làm sáng tỏ xung quanh nhà văn và tác phẩm sau 40 năm. Duras là ai và câu chuyện thật trong Người tình rốt cục là gì? Chúng tôi sẽ lần lượt trả lời từng câu hỏi đó…
Duras tên thật đầy đủ là Marguerite Germaine Marie Donnadieu, có cha là một công chức thường trong bộ máy chính quyền thuộc địa, và mẹ là giáo viên dạy toán, từng có thời gian là Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Vĩnh Long những năm đầu thế kỉ XX. Do người cha ốm đau bệnh tật và thường xuyên phải xa nhà, nên Duras chủ yếu sống với mẹ và hai người anh trai, trong một hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, túng thiếu. Sinh ngày 4/4/1914, ở Việt Nam, nhưng mãi đến tận 16 năm sau, Duras mới quay trở lại Pháp, làm việc tại Bộ Thuộc địa. Kể từ đó, bà không hề một lần quay trở lại Việt Nam, mặc dù, theo người con trai còn lại duy nhất của bà (Jean Mascolo), Duras là người rất yêu Việt Nam, nói tiếng Việt thông thạo (hồi nhỏ bà được học cả tiếng Việt và tiếng Pháp); thậm chí, thứ ngôn ngữ đơn âm cất lên như tiếng chim hót ở xứ nhiệt đới xa xôi này còn ảnh hưởng đến cả phong cách viết của bà (đặc biệt trong tiểu thuyết Người tình). Trong số các nhà văn Pháp được biết đến ở Việt Nam hiện nay, Duras có lẽ là người phức tạp nhất, nhưng cũng để lại nhiều ấn tượng nhất. Chỉ nói riêng tiểu thuyết Người tình, cho đến tận lúc này, 40 năm sau khi ra đời, đã được dựng thành phim ngay tại xứ sở của câu chuyện tình bất hủ, vẫn chưa hề có một câu trả lời đầy đủ và thuyết phục những điều nhà văn muốn kể. Chẳng hạn, “người tình” có chính xác là người đàn ông Trung Hoa, lớn tuổi gấp hơn hai lần yêu “cô bé da trắng 15 tuổi rưỡi” (là Duras) hồi ấy? Hay chỉ là câu chuyện hư cấu? Còn nữa: Có phải sau nhiều năm chia tay nhau vì người cha không chấp nhận con trai mình kết hôn với một cô gái da trắng, những năm cuối đời, “người tình” đã một lần ghé thăm người yêu tại Paris khi nàng đã trở thành một nhà văn nổi tiếng? Rồi thì sau khi bộ phim Người tình do đạo diễn Jean Jacques Annaud thực hiện tại Việt Nam (1991), Duras “nổi giận”. Bà phản ứng với vị đạo diễn nọ bằng cách viết câu chuyện tình thứ hai có tên Người tình Hoa Bắc (1994); nữ văn sĩ còn kể chi tiết, tường tận hơn câu chuyện tình hơn nửa thế kỉ trước của mình với người đàn ông Trung Hoa. Trên trang bìa 2, bà còn đề tặng Thanh. Nhưng Thanh là ai, độc giả cũng không hề biết rõ. Tên thật của người đàn ông Trung Hoa, như ta được biết là Huỳnh Thủy Lê. Căn nhà ông ở Sa Đéc, Đồng Tháp trước đây không biết có sơn màu thiên thanh như bây giờ? Ở thời điểm đó, Duras vẫn còn sống. Chắc chắn bà nghe được những câu chuyện kể lại của Laure Adler, tác giả của công trình chân dung đồ sộ về bà Marguerite Duras (dài gần ngàn trang), sau khi anh này có chuyến đi nhiều ngày về nơi chốn “tình cũ” của Duras lấy tư liệu để viết sách. Chính Laure Adler trong cuốn chân dung Duras cũng khẳng định, quả thật có một số chi tiết được kể trong Người tình: người đàn ông Trung Hoa và cuộc gặp gỡ của Duras với anh ta là có thật, ngôi nhà màu thiên thanh ở Sa Đéc cũng là có thật… Nhưng chỉ chừng ấy chi tiết, chưa thể khẳng định câu chuyện hoàn toàn có thật như những gì Duras kể trong tác phẩm của bà. Thêm nữa, trong cuốn tiểu sử Marguerite Duras, Laure Adler còn đưa ra một giả định như ở trên đã nói, câu chuyện tình ấy có thể là của chính mẹ bà. Trong suốt thời gian dài người cha bệnh tật rồi trở về Pháp, bà mẹ Duras phải gồng lên nuôi ba đứa con của mình. Gương mặt xinh đẹp, bầu bĩnh của Duras sở dĩ giống hình một búp bê Trung Hoa biết đâu là sản phẩm của thời khó khăn thiếu thốn đó?... Tóm lại, có quá nhiều lí do khiến người ta phải nghi ngờ! Để khẳng định những gì nhà văn viết trong sách là có thật không hề đơn giản, nhất là với những nhà văn “có nhiều khuôn mặt” như Duras! Tại sao lại thế?...
Để hiểu ngọn ngành, xin được giải thích rõ hơn xung quanh sự ra đời của tiểu thuyết Người tình. Như trên đã nói, cuốn tiểu thuyết được công bố từ năm 1984, ở thời điểm Duras đã rời xa Việt Nam hơn 50 năm (1930). Bình thường, có lẽ, nếu không có sự trả lời “lấp lửng” của tác giả về cội nguồn và thể loại của cuốn sách trong cuộc phỏng vấn của tạp chí Người quan sát mới, thì hẳn sẽ không nảy sinh những rắc rối như thế… Cụ thể, về “cội nguồn” tác phẩm, Duras khẳng định, trước tiên, nó là một “hình ảnh nguyên bản”, liên quan tới “chuyến phà qua sông Mê Kông”, là bức ảnh “chụp mẹ tôi và ba người con” đứng quây quần bên cạnh bà; về thể loại cuốn sách, khi phóng viên hỏi, đó phải chăng là một tác phẩm tự truyện (autobiographie), Duras trả lời: “Đây không phải là một cuốn tiểu thuyết, cũng không phải là một cuốn tự truyện, ngay cả một truyện thuật lại theo đúng nghĩa cổ điển cũng không phải nốt”. Với cách trả lời này, Duras đã cố tình để cho những giai thoại về Người tình cứ mỗi ngày một lan rộng ra, giống như khi người ta ném một tảng đá lớn xuống ao bèo vậy…
Nhiều chuyên gia về Duras, cả Pháp và Việt Nam, đều có băn khoăn giống nhau về thời điểm ra đời của tác phẩm Người tình: Trở lại Pháp ngay từ năm đầu thập niên 1930, nhưng tại sao mãi đến tận năm 1984 (tức là đã hơn nửa thế kỉ), nữ văn sĩ mới kể lại câu chuyện tình mùi mẫn ở Việt Nam của mình? Trong nội dung cuốn truyện, có lẽ chỉ trừ một số yếu tố như địa danh (Vĩnh Long, Sài Gòn, Mê Kông, bến phà Bắc Bình Thuận, rạp chiếu phim Eden, trường trung học Chasseloup-Laubat dành cho học sinh người Pháp tại Sài Gòn mà Duras từng theo học..., còn thì các nhân vật chính trong tác phẩm, người tình Trung Hoa, cô bạn thân tên là Hélène Lagonelle “có làn da mịn và trắng như lụa” thường khỏa thân đi lại trên sân trường, căn phòng trai xuân nằm lọt thỏm giữa khu phố đông đúc ồn ào, chợ Lớn (Duras bộc lộ những “thèm khát” được vuốt ve làn da mịn màng, trắng như tuyết của cô gái này - một dấu hiệu của đồng tính)… thật khó đảm bảo rằng chúng là có thật! Vậy lí do nào khiến nữ văn sĩ kể lại câu chuyện tưởng như có thật của mình trong tình trạng lấp lửng không rõ ràng như thế? Chúng ta hãy thử soi xét kĩ một vài chi tiết xung quanh thời điểm tác phẩm ra đời để làm rõ “sự thật” trên. Ở thời điểm trước 1984, tức khoảng đầu những năm 1980, Duras đã trải qua vài cuộc hôn nhân đổ vỡ. Ban đầu kết hôn với một nhà văn và là đồng chí của mình trong một tổ chức chống phát xít, là Robert Antelme. Cuộc hôn nhân không mang lại hạnh phúc cho bà. Robert Antelme sau đó bị bắt làm tù binh. Ở lại Paris, Duras yêu và sống như vợ chồng với Dionys Mascolo, bạn thân của chồng. Người con trai duy nhất của bà trong cuộc tình này là Jean Mascolo. Duras đã viết tiểu thuyết tự truyện Nỗi đau kể lại câu chuyện về cuộc hôn nhân thứ nhất. Những câu chuyện này có lẽ ít liên quan đến tiểu thuyết Người tình. Trong những năm này, Duras sống độc thân, gần như xa lánh mọi cuộc vui bên ngoài, mà chỉ lao vào viết sách. Hơn 40 tác phẩm gồm cả tiểu thuyết, sân khấu và điện ảnh, kể từ Những kẻ trâng tráo (1943) được viết ra trong những năm này. Nhưng một bất ngờ đã đến với Duras khi bà gặp một chàng sinh viên trẻ (kém Duras 23 tuổi) tên là Yann. Vì quá ngưỡng mộ nữ văn sĩ trong một lần nghe bà nói chuyện, Yann tìm mọi cách tiếp cận bà. Ban đầu thì Duras giả bộ làm ngơ. Nhưng về sau, bà đồng ý cuộc gặp gỡ. Và thế là Andréa (cái tên do Duras đặt cho ra vẻ “tiểu thuyết”) và người đàn bà “lớn tuổi gấp hai lần” rơi vào một cuộc tình “éo le” và “trái khoáy” (ngược với chuyện tình về người đàn ông Hoa Bắc). Laure Adler, tác giả cuốn tiểu sử đồ sộ về Duras, in tại Nhà xuất bản Gallimard, 1998, có kể chi tiết về câu chuyện này, nhưng không hề nhắc tới sự liên quan của nó tới Người tình. Nhưng Duras, theo rất nhiều chuyên gia về bà, là một người phụ nữ không hề đơn giản. Trước tiên, theo Adler, cả Duras và Yann, đều là những người “đồng tính”. Họ đều từng yêu những người cùng giới với mình. Cuộc tình “bốc lửa” này không hề giống với một tình yêu “tự nhiên”. Họ đến với nhau có lẽ chỉ vì một bên thì ngưỡng mộ tài năng của người kia, còn một bên thì “khát khao” tuổi trẻ. Duras không chỉ có thế. Các chuyên gia nghiên cứu về bà thường cho rằng, nữ văn sĩ này là một người đàn bà “lắm tài nhiều tật’: nghiện rượu đến nỗi khi về già “trên gương mặt hằn lên dấu vết nhàu nát và tàn tạ” (thời trẻ, Duras xinh đẹp biết bao nhiêu!). Và còn nữa, Duras là người thích “nói dối”, “đỏng đảnh”, “giả bộ”, thậm chí có lúc mắc chứng hoang tưởng (luôn coi mình là thiên tài). Bằng cứ là rất thích chàng sinh viên Yann, nhưng khi được hỏi, bà lại quay mặt đi; cuốn sách viết ra có thể là hư cấu nhưng lại “lửng lơ” nói là tự truyện. Chính cách viết “không rõ ràng” của bà trong bộ ba tác phẩm Người tình Đông Dương - câu chuyện về gia đình, bà mẹ và những đứa con, cũng khiến có người cho rằng, mối quan hệ đó ít nhiều để lại “tai tiếng”. Nhà nghiên cứu Trần Văn Công, chuyên gia về Duras trong luận án tiến sĩ thực hiện tại Pháp của mình còn cho rằng, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình bà “có màu sắc loạn luân”. Người mẹ “yêu” người con trai lớn (Piere). Trong Người tình, Duras kể mẹ mình rất “cưng chiều” anh ta. Tiền dành dụm chi tiêu của gia đình đều giấu đưa cho anh này “hút xách”; thậm chí còn “xúi giục” cô con gái “yêu” người đàn ông Trung Hoa để kiếm tiền cho người anh lớn trở về Pháp. Trong khi, cô em gái út là Duras lại “yêu thương” người anh trai nhỏ (Paul). Nhìn bộ mặt đau khổ của cô khi phải chứng kiến sự hành hạ của anh lớn đối với anh nhỏ thì biết! Nó có thể là thật cũng có thể là “bịa” y như thật để người đọc phải tin. Với Duras thì tất cả đều có thể. Nhưng quả thật, chúng ta rất khó tin một câu chuyện từ hơn nửa thế kỉ trước như được kể trong Người tình lại nằm im trong kí ức một người từng yêu “điên cuồng” và mãnh liệt đến như vậy. Người ta có thể nhớ được đầy đủ và chi tiết về một câu chuyện như vậy không khi những điều đã xảy ra từng ấy năm? Trong chân dung tiểu sử Marguerite Duras, Adler có nhắc đến “ba người tình” trong ba tác phẩm Một đập chắn Thái Bình Dương (1950), Người tình (1984) và Người tình Hoa Bắc (1994). Ba người đàn ông đó đều mang những cái tên khác nhau, và có vẻ không giống với người đàn ông Trung Hoa trong tiểu thuyết Người tình. Năm 1984, trên bìa 2 tác phẩm Người tình, không thấy có lời đề tặng Thanh hay Huỳnh Thủy Lê, mà là một cái tên khác: Bruno Nuyten. Cụ thể là ai, chúng ta không biết! Là người tìm hiểu rất kĩ Người tình và Duras, Adler có lẽ đã nói rõ quan điểm của mình về tác phẩm và nhà văn, như đã nói ở trên. Để không làm thất vọng người đọc yêu bà, ông nói rõ thêm, về sau này, người ta nói, Duras có để lại một cuốn nhật kí rất “hỗn độn” có hình ảnh người tình Trung Hoa. Nhưng thật khó tin rằng đó là sự thật. Những năm cuối đời, thần kinh và trí óc của Duras không thật sự ổn định. Bà triền miên trong rượu và bệnh tật. Nhưng để cho câu chuyện về cuộc đời mình có vẻ thuyết phục hơn, ở phần mở đầu Người tình Hoa Bắc, bà lại viết những điều có vẻ rất thật: “Tôi được tin anh đã mất từ nhiều năm nay. Đó là vào tháng 5/1990, vậy là cách đây một năm. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến cái chết của anh. Người ta cũng bảo tôi rằng, anh được chôn cất tại Sa Đéc, rằng ngôi nhà màu lam vẫn ở đó, nơi gia đình và con cái anh cư ngụ. Rằng ở Sa Đéc, anh được mọi người yêu mến vì lòng nhân hậu, vì tính giản dị, và họ cũng bảo rằng về cuối đời, anh trở nên rất mộ đạo”.
Người tình không chỉ rắc rối trong văn bản tiểu thuyết. Ngay cả khi tác phẩm được dựng thành phim vào năm 1991 (trình chiếu tại Việt Nam 1992), nó vẫn cứ tiếp tục gây rắc rối. Ban đầu, đạo diễn Jean - Jacques Annaud vì ngưỡng mộ tài năng của nữ văn sĩ này, lại từng biết bà là tác giả kịch bản phim Hiroshima tình yêu của tôi của Alain Rénais, từng đoạt giải thưởng lớn của Hiệp hội Phê bình điện ảnh Pháp trong Liên hoan phim Cannes (1959). Nhưng có lẽ, cách viết quá nặng về “văn chương” của Duras không phù hợp với ý đồ mà ông muốn làm, nên hợp đồng bị hủy bỏ. Annaud muốn làm một bộ phim về Việt Nam thật hấp dẫn không phải như Duras thể hiện. Ông cảm nhận được tính hấp dẫn của đề tài Việt Nam, kể từ sau khi nó được dịch sang tiếng Việt. Việc làm một bộ phim về mối tình này rất dễ tạo nên “cơn sốt” với các khán giả trẻ. Vì thế, mặc dù biết Duras sẽ “giận”, nhưng ông vẫn quyết tâm tự mình cùng với một số nhà biên kịch khác trực tiếp viết kịch bản Người tình. Kết quả bộ phim như thế nào thì hẳn những ai có may mắn được xem bản nguyên gốc ngay từ đầu đã rõ. Dù không đi quá xa tác phẩm gốc, nhưng phim có rất nhiều “cảnh nóng”. Thậm chí lần đầu được công chiếu tại Việt Nam, những cảnh phim “mùi mẫn” này gần như đã bị cắt bỏ (tác phẩm nguyên gốc chỉ được chiếu chính thức tại Đại sứ quán Pháp và sau này được phát hành trên các bản DVD). Duras phản ứng với bộ phim bằng cách viết tiếp câu chuyện “người tình” năm xưa bằng một tác phẩm mới đậm đặc chất điện ảnh, có tên là Người tình Hoa Bắc như trên đã nói. Trong tác phẩm mới cùng đề tài này, bà đã có các ghi chú rất điện ảnh (cũng là một cách phản ứng với đạo diễn Jean Jacques Annaud: “Tôi cho rằng nữ diễn viên (Jane March) được chọn quá đẹp, cô sẽ không nhìn ai, không nhìn gì hết, mà để cho người ta nhìn mình, ngắm mình. (...) Trong trường hợp làm phim, cô bé không nên chỉ có đẹp. Nếu vậy, có thể là nguy hiểm cho bộ phim. Trong cô bé còn có một cái khác khó tránh khỏi. Một sự tò mò hoang dã, một sự thiếu giáo dục, thiếu… phải, thiếu sự rụt rè. Nếu là hoa hậu Pháp thì bộ phim có thể hoàn toàn sụp đổ” (Duras, Người tình Hoa Bắc, Lê Hồng Sâm dịch, Nxb Văn học, tr. 93). Dù vậy, Người tình vẫn được người xem đặc biệt quan tâm, có lẽ vì nó liên quan đến đề tài Việt Nam. Và còn một sự tò mò khác: Liệu nữ nhân vật chính trong tác phẩm có phải là Duras? Bất chấp tất cả, phim vẫn hấp dẫn người xem trẻ, những cuộc tranh cãi vẫn không ngừng. Hai nhân vật chính trong phim liệu có phải là có thật? Sự tranh cãi này đã tạo nên tính hấp dẫn cho những cuộc hành trình trở lại khám phá Việt Nam của cả người xem Pháp và Việt Nam. Mặc dù, Người tình không phải là phim có giá trị nhất trong số bốn tác phẩm chúng tôi khảo sát trong bài viết này, nhưng rõ ràng đây là tác phẩm để lại nhiều ấn tượng nhất… Ấn tượng đó, trước tiên thuộc về tác phẩm của Marguerite Duras. 40 năm sau, nhìn lại Người tình, nhiều sự thật đã được làm sáng tỏ. Hi vọng, những điều đó không hề làm tổn hại đến tên tuổi nhà văn và một kiệt tác bất hủ như Người tình.
T.H
VNQD