. TRỊNH BÁ ĐĨNH
Đây lắng hồn núi sông ngàn năm/ Đây, Thăng Long/ Đây, Đông Đô/ Đây, Hà Nội… (Nguyễn Đình Thi). Những tên gọi âm vang, khơi gợi suy nghĩ về một nơi chốn, một thành phố vừa huyền ảo “lịch sử”, vừa chân thực. Hà Nội là một tên gọi, một nơi chốn, một thành phố hữu thực, một hình ảnh đặc biệt, là một thành phố - biểu tượng. Thành phố - biểu tượng là thành phố trong văn hóa, hình ảnh thành phố trong tâm tưởng cá nhân và cộng đồng, trong “trò chơi trí tuệ đẹp đẽ” (nghệ thuật). Biểu tượng Hà Nội là một hình ảnh tổng hợp, kết quả của việc thường xuyên diễn giải về nó. Nói riêng với nghệ thuật, có một Hà Nội trong kiến trúc, hội họa, âm nhạc, điện ảnh và trong văn học.
Thăng Long, Hà Nội, hai tên gọi được biết đến nhiều nhất, là đề tài xuyên suốt lịch sử văn học Việt Nam. Hà Nội hiện lên qua sự cảm nhận, diễn giải, biểu đạt của nhiều nhà văn thuộc những thời đại văn học khác nhau. Trong các văn bia, các truyện truyền kì của văn học trung đại, đó là một không gian tâm linh dày đặc các di tích tôn giáo, tín ngưỡng. Trong văn xuôi thế kỉ XVIII, Thăng Long hiện lên như một sân khấu chính trị đậm “mùi thời thế” (chữ của Nguyễn Tuân). Đó là thành phố thuộc địa với hai nửa: khu quan Tây và khu dân bản xứ trong văn học đầu thế kỉ XX, còn là thành phố trong “những giấc mơ hoa” của những văn nhân xa Hà thành, như thơ Quang Dũng, văn xuôi Nguyễn Tuân, Vũ Bằng... Trong kí ức tâm thức Việt, hoài nhớ Thăng Long đã thành một cổ mẫu (Archetipe), tức một kiến trúc tâm lí - ngôn ngữ gốc từ đó tạo nên vô vàn các “dị bản”, các biến thể, tương đương với cổ mẫu: về giống nòi, đất ông cha... như trong những câu thơ Ai đi về Bắc ta đi với/ Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/ Từ thuở mang gươm đi mở nước/ Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long (Huỳnh Văn Nghệ).
Biểu tượng Hà Nội mang rất nhiều hàm nghĩa, một “vũ trụ nghĩa” và là một đề tài lớn. Ở đây tôi chỉ nêu lên khía cạnh thiêng liêng của biểu tượng Hà Nội trong văn học.
Tên gọi “chốn thiêng”, “đất thiêng” là để chỉ một không gian đặc biệt theo hai nghĩa: nghĩa tôn giáo (hay tín ngưỡng) tức là chốn linh thiêng huyền bí, siêu nhiên và nghĩa thông thường: một nơi có những kỉ niệm đặc biệt nào đó như mối tình đầu, thành phố thời tuổi trẻ… Ở đây nói theo nghĩa thứ nhất.
Nguyễn Tuân, một trong số nhà văn Hà Nội nhất trong những nhà văn Hà Nội, đã viết: “Hà Nội không phải là một đất Thánh theo cái nghĩa tín đồ hành hương, mà là đất Thiêng” (Nguyễn Huy Tưởng - Về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, 2000, tr. 270). Để là “đất thiêng” thì cần phải có cái gì đó khác biệt với những không gian trần tục bao quanh. Từ buổi khởi đầu của văn học viết, Thăng Long - Hà Nội đã được luận giải theo hướng là một thành phố đặc biệt. Trên thực tế, nó được chọn làm kinh đô của nước Đại Việt ngay buổi đầu thiết lập quốc gia phong kiến tự chủ. Việc chọn Thăng Long làm kinh đô theo cách diễn giải bấy giờ là một hiện tượng phi truyền thống so với các triều vua Đinh, Lê trước đó… Các nhà Đinh, Lê (tiền Lê) khi lên ngôi đều dựng đô ở Hoa Lư (Yên ở nơi quê quán - Thiên đô chiếu). Lý Công Uẩn theo sử sách ít ỏi và tương truyền vốn quê châu Cổ Pháp (Bắc Giang) lớn lên dưới triều Đinh - Lê. Đại La dù thế nào đi nữa thì cũng rõ ràng không phải quê hương của ông. Năm 1009, Lý Công Uẩn lập ra nhà Lý, dời đô ra thành Đại La, lấy tên kinh đô mới là Thăng Long. Luận giải cho việc dời đô này, sử sách bấy giờ đều cắt nghĩa là do nhà vua nhìn thấy Đại La là một chốn “khác biệt”.
Nói về tên gọi: Tên gọi Thăng Long gắn với một truyền thuyết, hay một câu chuyện được truyền thuyết hóa, rồi chính thống hóa, nghĩa là nó được ghi trong các bộ sử. Đại Việt sử kí toàn thư ghi chép: “Mùa thu, tháng 7, vua dời kinh đô từ thành Hoa Lư sang kinh đô là Đại La của kinh phủ. Thuyền tạm đỗ ở dưới thành, có rồng vàng hiện ra ở thuyền ngự. Vì thế đổi gọi là thành Thăng Long” (Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử kí toàn thư, Nxb Thời đại, 1913, tr. 160).
Thăng Long - rồng bay - hiển nhiên chỉ là huyền thoại nhằm thiêng hóa kinh đô, trong tên gọi đó cũng hàm một ước mơ về sự cường thịnh của quốc gia phong kiến non trẻ. Cũng có thể có hạt nhân sự thật nào đấy: thuyền ngự của vua có gặp một con “rồng” thực. Nếu có thì con rồng ở đây theo các nhà nghiên cứu truyền thuyết thực ra là con thuồng luồng, một thứ rắn - giao long khá quen thuộc với cư dân sông nước Bắc Bộ (Phan Đăng Nhật). Truyền thuyết “rồng hiện ra nơi thuyền ngự” và tên gọi Thăng Long có một quan hệ liên văn bản với truyền thuyết về Lạc Long Quân (Kinh Dương Vương) và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt, “văn hóa sông nước, sông hồ” (Trần Quốc Vượng).
Tên gọi Thăng Long là một huyền thoại, bản thân ở người sáng lập ra thành phố - kinh đô cũng có các yếu tố của nhân vật bán huyền thoại.
Thân thế của Lý Công Uẩn, người được coi là sáng lập ra kinh đô Thăng Long được dệt bằng những truyện truyền kì. Quê quán, thân sinh đều là “tương truyền” đúng theo thi pháp của nhân vật huyền thoại. Cũng có tư liệu ghi cụ thể thân thế ông, nhưng bản thân người ghi chép cũng thể hiện sự hồ nghi. Khá chắc chắn là sự thực thì chỉ có một người gắn với gốc tích của ông là thiền sư Vạn Hạnh. Sách Thiên Nam ngữ lục chép, Lý Công Uẩn là con bà Phạm Thị (cha thì không rõ như phong cách kể chuyện của văn hóa mẫu hệ thường thấy) ở chùa Ứng Đại (chùa Tiêu). Biết bà có thai, sư trụ trì chùa ấy là Vạn Hạnh đã đuổi bà ra khỏi chùa vì sợ mang tiếng, “bà đi lang thang hành khất rồi sinh ra vua”. Sau này, Lý Công Uẩn lại được chính sư Vạn Hạnh đào tạo về Phật pháp, Nho học, chính trị học (thuật trị nước) rồi tìm cách đưa ông lên ngôi vua, lập ra nhà Lý. Những câu chuyện thật khó tin, các sự kiện khó kiểm chứng, song có điều chắc là sư Vạn Hạnh có vai trò rất quan trọng đối với số phận và sự nghiệp của Lý Công Uẩn. Trong cuộc vận động đưa Lý Công Uẩn lên ngôi, Vạn Hạnh đã dùng rất nhiều lời sấm truyền khiến cho nhân vật càng nhiều thêm màu sắc huyền ảo.
Đất thiêng cũng là một không gian có giới hạn, theo thế giới quan trung đại, bên ngoài nó là thế giới phàm tục mở ra vô hạn. Theo cách diễn giải bấy giờ thì đó là nơi “sơn chầu, thủy tụ”, “nhìn sông, tựa núi”, “anh linh, tú khí”. Bài Thiên đô chiếu của Lý Thái Tổ là sự diễn giải đất thiêng Thăng Long theo tinh thần ấy.
“Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực của trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã chính ngôi Nam, Bắc, Đông, Tây, lại thêm hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng, dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt, muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp nước Việt thật là nơi thắng địa. Thật là chốn tụ hội của non sông đất nước; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời.”
“Chốn tụ hội” của đất nước, “thắng địa”, “thế rồng cuộn hổ ngồi”, “chính ngôi”, “hướng nhìn sông dựa núi”..., tất cả đều nhằm nói hình thế đặc biệt của mảnh đất Thăng Long. Nhìn chung, trong sự diễn giải của văn học thời Lý - Trần, Thăng Long có hình thế của một “quý địa” (Thiên sơn vạn thủy triều lai/ Can chi bát quái trong ngoài tôn vinh - Tả Ao). Trong ca dao cũng thấy những câu nói về Thăng Long như một chốn hội tụ theo tinh thần bình dân, tức là thuận lợi cho các hoạt động sống: Nhị Hà quanh bắc sang đông/ Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này. Thế giới quan của các trí thức trung đại của ta hầu hết là pha tạp, đồng thời có thể bao gồm cả các tín ngưỡng dân gian, quan điểm về đất ông cha, các tư tưởng Phật, Nho, Đạo… Nhiều khi thật khó phân biệt rạch ròi các yếu tố đó thuộc về truyền thống nào. Chẳng hạn những câu thơ sau đây của Phạm Sư Mạnh, một nhà thơ đời Trần khi làm thơ tặng sứ Minh, trong cảm hứng về vẻ đẹp của kinh đô Thăng Long: Sông Nhị như ngọc, sáng mát thấm đồng ruộng/ Tản Viên khi tạnh, sắc núi chiếu đến Thăng Long/ Thành cổ Văn Lang, núi non trùng điệp/ Đền Ông Trọng thâm nghiêm, mây đậm nhạt (Ngọc Nhị hàn quang xâm quảng dã/ Tản Viên tễ sắc chiếu Thăng Long/ Văn Lang thành cổ sơn trùng điệp/ Ông Trọng từ thâm vân đạm nùng).
Thăng Long có hình thế “quý” cũng còn là đất cũ, đất tổ. Đất tổ cũng là đất thiêng. Trong không gian thiêng này dày đặc những di tích, danh thắng, mỗi địa chỉ đều gắn với một số huyền thoại, “chuyện lạ”: Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây (Lãng Bạc), Đền Ngọc Sơn… Đặc biệt các cổng thành như là ranh giới giữa thế giới của cái thiêng và thế giới trần tục xung quanh. “Nhân vật chính” trong các diễn ngôn nghệ thuật về đất thiêng Thăng Long chính là các ranh giới. Ranh giới rộng như Nhị Hà, ranh giới hẹp là các tường thành. Những cổng thành, lối ra vào giữa đất thiêng và đất tục được đặc biệt chú ý. Theo quan điểm của Kí hiệu học văn hóa, vì đây là nơi canh giữ không cho kẻ lạ, ma quỷ xâm nhập vào đất thiêng, nên ở đây phải có những kí hiệu đặc biệt như những lá bùa, dòng chữ huyền hoặc biểu đạt kẻ canh giữ... Trong tác phẩm Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án cuối thế kỉ XVIII có rất nhiều truyện truyền kì thể hiện quan điểm như vậy. Chẳng hạn truyện Cửa kinh thành:
“Bốn cửa kinh thành đều xây từ thời Lý Thái Tổ. Năm gần đây phá bớt tường ngoài cửa Đại Hưng. Phá được nửa chừng thấy con rắn to bằng đòn tay, mình đen vằn trắng, từ trong gạch đá chui ra, bò sang nóc nhà bên cạnh vùn vụt đi đàng nào mất. Bắt được ba con con, đều giết chết.
Tục truyền năm Cảnh Hưng, phá cửa Bạch Hổ, bắt được trong khe gạch một con rùa giống như đồng tiền đầu và chân vẫn còn cựa quậy. Vậy cũng phụ chép vào đây.”
“Thăng Long phi chiến địa”, câu nói có màu sấm kí ấy không biết có từ khi nào. Đó có thể là một mong ước cũng có thể là một đề xuất chiến lược: không giao chiến với quân thù tại kinh đô mà tạm thời làm thành không nhà trống, rút lui chiến lược chờ thời cơ. Thời Trần, ba lần quân Nguyên - Mông tiến đến Thăng Long, cả ba lần triều đình nhà Trần tổ chức rút lui chiến lược, bỏ thành Thăng Long để rồi khi quân địch gặp khó khăn lương thực, nhuệ khí suy giảm... quay lại lấy thành giành chiến thắng (các năm 1258, 1285 và 1287). Năm 1946, quân đội và tự vệ Hà Nội cũng rút khỏi thành phố lên chiến khu Việt Bắc để bảo toàn lực lượng làm cuộc kháng chiến 9 năm… Thực tế ấy có thể là cơ sở để lưu truyền những câu sấm kiểu như vậy. Dẫu sao thì nó cũng hàm chứa một quan niệm về “đất thiêng” dù điều này không đúng với thực tế, vì rất nhiều cuộc chiến lớn đã đi qua và để lại dấu vết ở đây.
Nguyễn Tuân có cái ý rằng Hà Nội là đất thiêng nên “bất kì kẻ ngoài nào động đến nó là phải đền tội”. Ông dẫn ra bằng chứng hai lần Pháp tấn công thành Hà Nội (1873 và 1882) đều mất hai “chủ tướng”, lần thứ nhất “tên chủ tướng Francis Garnier chết và lần thứ hai “Tây lại ngoẻo nốt chủ tướng Henri Rivière”. Rồi thời toàn quốc kháng chiến, tại thành Hà Nội lại chết hai danh tướng Pháp Lectere và De Tassigny. Cách lập luận diễn giải của ông dù sao cũng có “tính nghệ thuật” bởi vì trong hai lần đánh thành Hà Nội, bên người giữ thành cũng mất hai chủ tướng là Hoàng Diệu và Nguyễn Tri Phương và kết quả là “Hà thành thất thủ”. Dù sao cách diễn giải Hà Nội như là nơi kết thúc thắng lợi trong các cuộc chiến tranh chống ngoại bang được phản ánh đậm nét trong văn học.
Vị tướng quý tộc Trần Quang Khải trên đường “tụng giá hoàn kinh” sau chiến thắng Nguyên - Mông cũng nhìn kinh thành Thăng Long từ điểm ranh giới này với con mắt của vị tướng: Đoạt sáo Chương Dương độ/ Cầm Hồ Hàm Tử quan/ Thái bình tu trí lực/ Vạn cổ thử giang san.
Trong kịch bản phim Lũy hoa (1960), Nguyễn Huy Tưởng kể một đoạn rất cảm động về cuộc rút lui chiến lược của bộ đội và tự vệ Thủ đô ra khỏi thành Hà Nội (năm 1946), khi họ đã sang bên kia sông Hồng:
“Họ tần ngần. Chân chưa muốn bước.
Tất cả các chiến sĩ đều kiễng chân lên để nhìn Hà Nội một lần nữa trước khi đi xa.
(…)
Lời thề vang lên như trong ngày lễ quyết tử. Tiếng vang vang trong gió, tiếng vang vang trên sóng nước. Những ngón tay trỏ in bóng dưới lòng nước đỏ như máu (ánh lửa của kinh thành cháy).
... Dân chỉ dãy núi và nói:
- Đấy Tam Đảo. Đấy là bình phong của chiến khu Việt Bắc. Chúng ta sẽ ở sau dãy núi ấy. Chúng ta bắt đầu ở Hà Nội, cuối cùng chúng ta sẽ trở về Hà Nội.”
Một không khí rất thiêng liêng khi biểu đạt về Hà Nội! Và họ đã trở về tháng 10 năm 1954.
T.B.Đ
Bài viết này trích từ công trình nghiên cứu Biểu tượng Hà Nội trong văn học (Kí hiệu học văn chương, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2024) của PGS.TS. Trịnh Bá Đĩnh. Công trình đề cập đến nhiều khía cạnh, lớp nghĩa của biểu tượng Hà Nội: Chốn thiêng, Thành phố lãng mạn, Thành phố - Quốc gia (BTV).
VNQD