Nguyễn Minh Khiêm, gió không vặn mà cây rừng bật gốc

Thứ Hai, 28/10/2024 17:50

Trả nợ ngọn đèn là một tập thơ có nhiều bài hay, câu hay của Nguyễn Minh Khiêm. Hay từ tên sách đến tên bài thơ, cầm đọc đã thấy gợi, muốn khám phá, muốn đọc tiếp. Có lẽ, đó là điều cần có đầu tiên của một tác phẩm, nếu muốn người đọc đi xa hơn.
 

Thơ Nguyễn Minh Khiêm đa phần chắc chắn về tứ, mạch lạc về ngữ nghĩa, sâu sắc về suy ngẫm, có sức gợi. Tôi thích cái cách anh "điều hành" cảm xúc, cả khi "lấn đà" mà vẫn không bị lạc.

Mở đầu tập thơ là bài Phơi lại.

Đọc lên thấy thú vị. Thứ mà tác giả muốn đem phơi, thi nhân mới có thôi:

Phơi lại

Những tháng năm dột mốc

Những ý nghĩ một thời ẩm ướt

Những nỗi buồn chưa khô

Những ngọn lửa mọc rêu mọc nấm.

Không dừng lại ở việc đem phơi cho khô, cho bay đi ẩm mốc..., cao hơn sự phơi phóng ấy là việc bắt mạch, tìm thuốc, là vắt nồm cho những thói quen, là đặt tên cho gió, là nâng trần cho những ngọn núi, tạo cho tâm hồn khoảng không để tiếng sáo diều vút lên... Tứ thơ được khơi thông, cơi rộng ra, gợi mở triết lí sống, tưởng chừng vô lí mà sao nghe hoài cảm khôn cùng:

Phơi lại

Chỗ ngọn núi bị vít đầu đắp chiếu

Chỗ dòng sông bị nhét vào bao

Chỗ cánh buồm bị mang đi xét nghiệm

Chỗ tiếng sáo diều bị xếp đáy kho

Chưa hết, việc “phơi lại” không chỉ còn ý nghĩa của chuyện khô ướt hay khâu vá làm lành những thói quen rậm rạp, những ý nghĩ chật chội, cho cái tôi cái ta cố hữu. Đích đến của việc phơi phóng là cách vượt ra ngoài hữu hạn để đến với vô cùng:

Phơi lại

Chiếc lẫy nỏ vừa bóc dấu niêm phong

Con thác vừa nhận được giấy thông hành

Đôi cánh vừa được trút bỏ đi tấm lưới

Và lưỡi dao không còn phải nằm im trong vỏ.

Đó cũng chính là tứ của bài thơ mà tác giả muốn xác lập và muốn đạt tới.
Điểm mạnh của thơ Nguyễn Minh Khiêm là cách anh lập tứ. Lưu Hiệp, đời nhà Lương, Trung Quốc từng bàn: “Cái tứ của văn chương, cái thần của nó xa lắm. Cho nên khi ta lặng lẽ ngừng suy nghĩ lại một chỗ thì cái tứ tiếp với ngàn năm. Ta trầm lặng thay đổi sắc mặt một chút thì cái nhìn của ta đã thông suốt đến vạn dặm”. Một bài thơ có tứ hay như tiếng cồng, tiếng chiêng thôi vỗ rồi tiếng vẫn còn ngân xa mãi.

Trả nợ ngọn đèn, tập thơ mới của nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm

Thơ Nguyễn Minh Khiêm không phải bài nào cũng có tứ hay, đôi lúc anh không tránh khỏi mắc vào sự dễ dãi, giản đơn, (đó là điều dễ hiểu với người đi tìm cái đẹp toàn bích). Nhưng ta vẫn bắt gặp những bất ngờ thú vị ở ngã ba, ngã bảy nào đó nơi ngữ nghĩa tụ về:

Bọn sát nhân đang biến các quốc gia yêu tự do thành những quân cờ

Chúng gọi quốc gia này là xe quốc gia kia là tốt

Mỗi quân cờ bao nhiêu đầu rơi máu chảy

Chẳng nhẽ thế giới không còn gì hay hơn những cỗ quan tài?

(Những người chơi cờ không chơi cờ nữa)

Nguyễn Minh Khiêm có nhiều bài thơ viết về thế sự. Anh chỉ cần gợi, mà không cần biện giải, không cần những lập luận, những phản biện rối rắm mà vẫn sâu sắc, vẫn có sức thu phục lòng người. Bài Cỏ trong từ điển con người là một ví dụ. Anh nêu cách ứng xử của cỏ với con người:

Trong từ điển của cỏ

Mục quan hệ với người

Có rất nhiều từ: tổ ấm, chở che, đùm bọ

Ân tình, chung thủy, sẻ chia

Không có từ giận hờn, tức bực

Không có từ đứt gan, đứt ruột.

Rồi anh nêu cách ứng xử giữa con người với cỏ:

Nhưng trong từ điển của con người

Mục quan hệ với cỏ

Có rất nhiều từ

Đồ cỏ rác/Nhổ sạch cỏ

Nhổ cỏ nhổ tận gốc...

Để rồi mọi người tự cắt nghĩa lấy những nghịch lí của cuộc đời. Thấy được sự tồn tại hợp lí trong cái nghịch lí của nó, để rồi không cố chấp, để rồi vị tha, để rồi biết cách mà độ lượng:

Cỏ vẫn xanh cho gái trai lãng mạn quên đêm

Cỏ vẫn mượt cho ánh trăng vào thơ không chớp mắt


Tôi muốn đi sâu thêm một chút về cách Nguyễn Minh Khiêm lập ngôn lập tứ, cách anh sắp đặt, khai thác năng lượng con chữ trong bàn cờ thế sự ngữ nghĩa, thông qua bài thơ Trao đũa. Đây là một bài thơ hay, có tứ độc đáo, sắc lẹm của Nguyễn Minh Khiêm. Nó hay ở độ khó của việc giải phẫu tình cảm, của cách trình diễn ngôn từ, diễn đạt những gai góc của con tim mà vẫn không làm nhỏ đi tư tưởng của bài thơ. Mở đầu, anh viết:

Anh vẫn đũa đủ đôi

Nhưng một chiếc từ lâu không gắp được!

Anh kể về hoàn cảnh của mình, về người vợ mà anh yêu quý đã mấy chục năm liệt giường thực vật, về chiếc đũa ngày ngày bên anh nhưng thiếu đi sự sẻ chia, thấu hiểu:

Đôi đũa đẹp chỉ gắp một chiếc thôi

Một phần nâng lên chín phần rớt xuống.

Rất ngắn gọn, hàm súc. Bằng hai câu thơ với mười sáu chữ, anh đã cô đặc, phô diễn được nghịch cảnh của số phận. Không một câu oán hờn mà đọc lên thấy xót. Không một tiếng gió vặn mà cây rừng bật gốc. Giọng thơ cứ đều đều mà tim người rỉ máu. Cứ tưởng bi kịch đến đó là kết thúc. Cứ tưởng sự xuất hiện của chiếc đũa thứ ba là giải quyết được bi kịch trên mâm cơm số phận. Tứ thơ được đẩy lên bằng những éo le mang bi kịch con người :

Em sẵn lòng mang đũa đặt vào tay

Mâm thì quen mà đũa thì thật lạ

Chưa từng cầm đũa ba sợ cầm rồi rơi cả

Một chiếc đũa văng biết mâm vỡ góc nào?

Và đến đây thì:

Đũa đứng đũa nằm so cách chi cũng lệch

Có một chỗ đũa bằng ở phía không so.

Bài thơ chặt ý chắc tứ. Nó độc đáo ở cách tổ chức ngôn ngữ, bắt người tiếp nhận phải nhớ, phải ngạc nhiên. Nó biến hoá trong một trường cảm xúc mờ ảo, long lanh. Nó kết thúc trong sự lặng lẽ mà tứ thơ còn tiếp đến trăm năm. Đó cũng là cách Nguyễn Minh Khiêm lấy cái hữu hạn để ứng xử với vô cùng :

Bảy mươi tuổi em lại như đứa trẻ

Không biết lẫy biết bò

...
Hơn hai mươi năm

Anh đã làm tất cả

Để ánh mắt em

Luôn sáng lên ánh lửa.

(Để ánh mắt em luôn sáng lên ánh lửa)

Nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm


Ở mảng thơ tình, Nguyễn Minh Khiêm viết không nhiều. Có một sự kìm nén, một sự khát khao thiêu đốt. Cái cách anh chống chọi với bản năng đến ngờ nghệch. Giấu sau những viên mãn là một bi kịch - đũa đủ đôi nhưng chỉ gắp được một chiếc. Ở góc khuất đằng đẵng này, anh có những câu thơ "chết lặng":

Vuốt tóc nhau không cần gương lược soi

Lời xa xỉ không có trong chăn gối

Chỉ than lửa nồng nàn những điều chưa kịp nói

Chỉ sóng dâng trào những cơn khát đợi mưa.


Vòng tay mềm ghì chặt nỗi niềm xưa

Khoảng lặng xé đêm tua tủa mầm bật dậy

Năm tháng dồn về nghe thịt da tan chảy

Sóng bạc đâu giờ biển mới non tơ

(Sóng bạc đâu giờ biển mới non tơ)

Nguyễn Minh Khiêm không có cái bay, cái khờ khạo của tuổi đang yêu, của tuổi được yêu, phần vì tuổi tác, phần vì hoàn cảnh anh không thể! Thành thử, đâu đó có người phụ nữ đem lòng yêu anh, thương anh. Bản năng thì thúc giục, lỏng lẻo mà lí trí thì cầm chừng, thắt thít. Anh tỉnh quá. Anh tỉnh thì làm sao "kêu gọi" đối tượng mình "dữ dội" với mình được :

Hãy ôm chầm lấy anh

Ngay lần đầu gặp gỡ

Ôm như ôm người tình

Đừng sợ gì sàm sỡ


Và em hãy ghì hôn

Như hôn người trong mộng

(Ngay lần đầu gặp gỡ)

Rồi tư duy bị đẩy kịch trần, lý trí quá câu thơ thiếu đi cảm giác:

Ta ru nhau bằng những mùa trăng ướp lên mái tóc

Xẻ kỷ niệm xưa đóng thuyền chèo ngược hoàng hôn

Kéo hai phía chân trời buộc tuổi mình làm võng

Đặt quả cau lá trầu ru chú rể cô dâu.

(Ru nhau)

Con đường đi đến rườm rà chỉ trong gang tấc. Nó đến lúc nào có khi vô thức như người chạy đua quá đà, cứ thế đánh đố cảm xúc bằng phô diễn ngôn từ.
Nguyễn Minh Khiêm đọc nhiều, đi ít. Đó là một hạn chế. Dù vẫn biết hoàn cảnh của anh không cho phép đi xa, đi dài ngày. Dù vẫn biết anh có nhiều cố gắng. Dù vẫn biết thế giới bây giờ là phẳng, mọi thứ đưa nhau hết cả lên trên google... Ác một nỗi thơ vốn sáng tạo theo quy luật của cái đẹp, cái độc đáo, kì lạ, thú vị, nó nghiện cái vần vũ của đất trời, cái chiêm nghiệm của dòng sông,... Cuộc sống cần thân gỗ làm trụ đỡ nhưng không thể thiếu tươi mát lá non. Đó là màu xanh mà các thi sĩ lớn tuổi phải đi tìm, phải tự quang hợp nếu không muốn biến mình thành vỏ. Thơ cần kỹ thuật, nhưng kỹ thuật hoá cảm xúc thì xin đừng lạm dụng. Việc đọc cần thiết để bồi bổ năng lực cho cảm xúc. Thiếu nó như người đói bữa thèm ăn, uể oải, lười biếng. Nhưng ỉ vào sự đọc lại sa vào triết lí rườm rà, lạm chữ. Nguyễn Minh Khiêm viết nhiều, viết ào ạt đó là cách khơi thông luồng chảy cảm xúc xuống con chữ. Thi sĩ khác thợ thơ là biết điều tiết, biết chế ngự cảm xúc, khi cần biết ủ lửa để xúc cảm không bị cháy xém. Nguyễn Minh Khiêm đôi lúc không kiềm chế để lửa cảm xúc bốc quá, sinh khói làm mờ đi không gian sinh tồn của thơ. Bài Sử thi trên đá là một ví dụ. Triết luận không tới, nghĩ nhiều hơn cảm, chữ nghĩa nghèo đi sức gợi vốn là đặc tính cốt lõi của thơ:

...
Từ những bức tường đất nện vọng lên

Tiếng sáo Mèo hồn đá

Tiếng khèn Mèo tình đá

Bát thắng cố đậm hương vị đá

Nhạc ngựa rung tình yêu nhạc đá

Con chim có thể bỏ rừng bỏ núi

Con sóc con chồn có thể bỏ hốc bỏ hang

Người Mông không bỏ bản bỏ chòm

Không bỏ cao nguyên đá

Bởi mỗi bức tường đất nện

Không phải một hai tiếng vỗ có được

Mỗi bức tường được dựng lên từ trăm ngàn tiếng vỗ của chòm của bản

Được lèn chắc bởi nhiều mồ hôi của bản

Được làm đẹp bởi nhiều bàn tay, con mắt của bản

...
Mông hoá ư?

Việt hoá ư?

Cả hai tôi không tin là âm thanh của thơ .

Viết về quê hương, chòm xóm, viết về mẹ thơ anh có nhiều câu đọng mật, quặn thắt. Trước ngọn đèn hàng đêm vẫn rọi chiếu trang văn, anh viết như để trả nợ trời đất, như để nhắc nhở cháu con giữ đạo làm người:

Dáng người dáng giông dáng bão

Ru con vị nắng vị mưa

Nước ngon vị sim vị vối

Miếng cơm treo ở cày bừa.

(Câu thơ dâng mẹ)


Hay:
Sông không dạy ta biết cách tự lọc mình trong

Không dạy ta biết cách tự tìm đường ra biển

Không dạy ta biết cách cuốn phăng mọi vật cản không bao giờ khuất phục

Nhưng ta học được ở sông từ giọt nước tận ngọn nguồn.

(Cây lặng im không giao giảng một lời)

Số phận, lòng đam mê đã giữ Nguyễn Minh Khiêm đủ nhân cách đi trên con đường thơ. Chọn cho anh cách sống với nó và chết cùng nó. Quả cũng không thật dễ dàng. Anh như dòng sông " Nuôi đất nghìn năm chỉ để lại hồn mình". Anh vật vã với những gì đã làm được cũng như những gì còn đó. Anh biết giới hạn của mình và muốn thay đổi:

Nhưng ngày ngày nó vẫn bám lấy tôi

Vẫn quanh quẩn bên tôi

Dẫu tôi đẩy nó sang một căn buồng khoá kín.

(Mỗi bài thơ là một đứa con mình)

Đó cũng là cách giữ anh tồn tại và lựa chọn:

Có thể mất hết mọi công lao sức lực

Mất hết mọi của cải gia tài

Mất hết mọi thứ mình thương yêu nhất

Nhưng

Không thể mất khát vọng niềm tin và nhân cách sống.

(Có thể và không thể)

Thơ và người Nguyễn Minh Khiêm là vậy đó. Cái cách anh tận dụng từng phút, từng giây cố gắng cô đặc trời đất với mình, hi vọng để lại một dấu ấn nào đó. Cũng là cái cách anh lấy cái hữu hạn ứng xử với vô cùng.

LÊ QUANG SINH


 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)