Han Kang: Nhà văn của những chấn thương thể xác và tinh thần

Thứ Năm, 10/10/2024 21:56

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo “The Guardian” uy tín của Anh, Han Kang từng cho biết: "Khi mẹ mang thai tôi, sức khỏe bà rất kém, phải uống nhiều thuốc, và đã nghĩ đến việc phá thai. Nhưng ở một khoảnh khắc mẹ cảm nhận cử động của tôi, bà đã quyết định từ bỏ việc phá thai. Tôi cho rằng đời người thật ngắn ngủi và tôi đến với cuộc sống trần gian này nhờ vào sự may mắn".

Có lẽ vì vậy mà xuyên suốt trong các tác phẩm của bà, như lời nhận xét của ông Anders Olsson, Chủ tịch Ủy ban trao giải Nobel Văn học: “Han Kang đối diện với những chấn thương lịch sử và những quy tắc vô hình, trong mỗi tác phẩm bà đều phơi bày sự mong manh của cuộc sống con người. Bà có ý thức sâu sắc về mối liên hệ giữa thân thể và linh hồn, giữa người sống và kẻ chết, và với phong cách viết giàu chất thơ ca và thể nghiệm của mình, bà đã trở thành một nhà cách tân trong văn xuôi đương đại”.

Tác phẩm của Han Kang có những đặc trưng dễ nhận diện như sự phơi bày của nỗi đau, sự tương ứng giữa sự dằn vặt về tinh thần và thể xác. Hai tác phẩm của bà đã được chuyển thể thành phim; "The Vegetarian" năm 2009, do Lim Woo-Seong đạo diễn, và "Scars" năm 2011, do cùng đạo diễn thực hiện.

Nhà văn Han Kang.

Cuốn tiểu thuyết “Your Cold Hands” (Tạm dịch: Đôi tay lạnh giá của anh), thể hiện rõ ràng sự quan tâm của Han Kang đối với nghệ thuật. Cuốn sách tái hiện cuộc sống của một nhà điêu khắc mất tích, người bị ám ảnh với việc đúc khuôn thạch cao cơ thể phụ nữ. Có một sự ám ảnh với cơ thể con người và sự chơi đùa giữa cá nhân và trải nghiệm, khi xung đột nảy sinh trong tác phẩm của nhà điêu khắc thông qua giữa những gì cơ thể con người tiết lộ và những gì nó che giấu. “Cuộc sống là một tấm vải phủ trên vực thẳm, và chúng ta sống trên đó như những nghệ sĩ xiếc đeo mặt nạ”, một câu ở cuối cuốn sách đã nói lên đầy ẩn ý.

Danh tiếng quốc tế của Han Kang đến từ tiểu thuyết “The Vegetarian” (“Người ăn chay”) khi tác phẩm này được dịch ra tiếng Anh. Ở Việt Nam cũng đã dịch tác phẩm này. Được viết thành ba phần, cuốn sách miêu tả những hậu quả bạo lực xảy ra khi nhân vật chính Yeong-hye từ chối tuân theo các chuẩn mực ăn uống. Quyết định không ăn thịt của cô nhận được những phản ứng khác nhau. Hành vi của cô bị từ chối bởi cả chồng và người cha độc đoán của cô, và cô bị lợi dụng về cả mặt tình dục lẫn sáng tạo nghệ thuật bởi anh rể, một nghệ sĩ video bị ám ảnh với cơ thể thụ động của cô. Cuối cùng, cô bị đưa vào bệnh viện tâm thần, nơi chị gái cố gắng cứu cô và đưa cô trở lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, Yeong-hye càng lúc càng chìm sâu vào một tình trạng giống như tâm thần, thể hiện qua hình ảnh cái cây cháy rực, biểu tượng cho một vương quốc thực vật vừa quyến rũ vừa nguy hiểm. Giới nghiên cứu văn chương cho rằng trong những năm đại học, Han Kang đã bị ám ảnh bởi một câu thơ của nhà thơ hiện đại người Hàn Quốc Yi Sang: "Tôi tin rằng con người nên là thực vật" và đó là nguồn cảm hứng để bà viết nên tác phẩm “Người ăn chay”.

Bìa tiểu thuyết "Người ăn chay" của Han Kang do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành.

Sự thấu cảm của Han Kang đối với những cuộc đời khắc nghiệt, bất hạnh của con người được củng cố bởi phong cách viết ẩn dụ ngày càng mạnh mẽ của bà. Tác phẩm “Greek Lessons” (Tạm dịch: Những bài học tiếng Hy Lạp) là một sự miêu tả cuốn hút về mối quan hệ đặc biệt giữa hai cá nhân dễ tổn thương. Một người phụ nữ trẻ, sau hàng loạt trải nghiệm chấn thương, đã mất khả năng nói. Cô kết nối với người giáo viên dạy tiếng Hy Lạp cổ đại của cô, người mà bản thân cũng đang mất dần thị lực. Từ những khiếm khuyết của họ, một mối tình mong manh phát triển. Cuốn sách được giới nghiên cứu ca tụng là một sự thiền định tuyệt đẹp về nỗi đau mất mát, sự thân mật của con người trong bối cảnh níu lại bản thân mình bằng cách học một từ ngữ.

Trong tiểu thuyết “Human Acts” (“Bản chất của người”) đã được dịch ở Việt Nam, Han Kang lấy đề tài từ một sự kiện lịch sử ở thành phố Gwangju, nơi bà sinh ra và cũng là nơi hàng trăm sinh viên và thường dân bị quân đội Hàn Quốc thảm sát vào năm 1980 dưới chế độ độc tài. Cuốn sách viết về tập thể nạn nhân với hiện thực khắc nghiệt và táo bạo, đưa nó tiếp cận gần với thể loại văn học nhân chứng. Phong cách viết của Han Kang trong tác phẩm này vừa trực quan vừa súc tích, có những trang viết gây ám ảnh như viết về những linh hồn của người chết tách khỏi cơ thể họ, cho phép họ chứng kiến sự chết đi của chính mình. Tác phẩm này của Han Kang được khen ngợi là làm gợi nhớ đến vở bi kịch Hy Lạp cổ đại “Antigone” của Sophocles.

Tác phẩm "Bản chất của người" của Han Kang được giới thiệu bởi Nhã Nam.

Trong tác phẩm “The White Book” (Tạm dịch: Sách Trắng), phong cách văn xuôi giàu chất thơ ca của Han Kang được thể hiện triệt để. Cuốn sách là một khúc ca buồn dành cho người chị của nhân vật chính, người đã qua đời chỉ vài giờ sau khi sinh. Trong một chuỗi các câu văn, tất cả đều đề cập đến các vật thể màu trắng và nỗi buồn được thể hiện qua màu sắc này. Điều này khiến tác phẩm ít mang màu sắc tiểu thuyết mà giống như một cuốn sách cầu nguyện cho linh hồn con người. Nhân vật chính lí luận rằng người chị được phép sống, thì cô sẽ không được tồn tại. Tác phẩm kết thúc với câu văn cuối: “Trong tất cả những gì là màu trắng ấy, tôi sẽ hít vào hơi thở cuối cùng mà bạn thở ra.”

Một tác phẩm đáng chú ý khác là “I Do Not Bid Farewell” (Tạm dịch: Tôi không nói lời tạm biệt) Câu chuyện trong tác phẩm mang bóng dáng một vụ thảm sát trên đảo Jeju, Hàn Quốc vào cuối những năm 1940, nơi hàng chục nghìn người bị bắn vì bị cáo buộc hợp tác với Nhật. Cuốn sách có nhân vật người kể chuyện và bạn cô là Inseon, họ là những người vẫn mang theo nỗi đau và ký ức về thảm kịch đổ lên gia đình họ. Với hình ảnh và ngôn ngữ chính xác, súc tích, tác phẩm không chỉ cho thấy những ám ảnh của quá khứ đối với hiện tại, mà còn theo dõi nỗ lực kiên cường của hai con người trong việc làm sáng tỏ những gì đã rơi vào lãng quên tập thể và biến đau thương thành một dự án nghệ thuật chung.

HÀ THANH VÂN dịch tổng hợp từ nhiều nguồn

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)