Đôi nét về dòng tranh Bờ Hồ

Thứ Hai, 16/09/2024 00:46

. THU SANG
 

Khi còn là sinh viên trường Mĩ thuật cách đây hơn 10 năm, tôi đã có ý định tìm hiểu dòng tranh Bờ Hồ. Tranh Bờ Hồ xuất hiện từ khi nào, có gì khác biệt với các dòng tranh khác như tranh dân gian Đông Hồ ở Thuận Thành, Bắc Ninh hay tranh Hàng Trống? Theo quan sát của tôi, đến nay chưa có một tài liệu nào bàn sâu về tranh Bờ Hồ. Những thông tin về dòng tranh này đều do những người hoạ sĩ trong nghề truyền tai nhau theo ý hiểu và nhận thức riêng của bản thân.

Tôi may mắn được họa sĩ Lê Huy Tiếp kết nối với họa sĩ Bảo Sinh - năm nay đã ngoài 80 tuổi, sinh sống trên Hàng Đào lâu năm - để tìm hiểu về dòng tranh này. Theo họa sĩ Bảo Sinh, tranh Bờ Hồ ra đời ngay sau khi kết thúc chiến tranh chống Pháp (1954) nhằm mục đích phục vụ việc trang trí, khởi tạo nhà cửa, phục hồi lại cuộc sống, đáp ứng nhu cầu thẩm mĩ của đa số tầng lớp thị dân.

Địa điểm xuất phát và phát triển rẩm rộ nhất cho dòng tranh này có lẽ cũng chính là ở Bờ Hồ (hồ Hoàn Kiếm), cái tên dòng tranh cũng lấy từ đấy. Trong những thập niên 50, 60 của thế kỉ trước, những người dân thường hay lên Bách hóa 12 Bờ Hồ, rẽ vào một cái chợ vỉa hè để mua tranh với nhiều mục đích khác nhau. Người mua về trang trí nhà cửa, người mua làm quà cho người thân sau một lần đi thăm Thủ đô…

Vì ra đời sau chiến tranh nên đề tài của dòng tranh Bờ Hồ thường là những cảnh bình yên giản dị, gợi nhớ quê hương thân thuộc, đa phần là phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hữu tình. Những phong cảnh hầu hết đều được họa sĩ quan sát rồi vẽ theo trí nhớ, được lắp ghép mỗi nơi một ít, không hề tuân theo một quy tắc hội họa nào. Không có không gian cũng không có thời gian, tất cả đều giản dị như một ước lệ. Dù vẽ về thành thị hay nông thôn thì tranh Bờ Hồ bao giờ cũng liên quan đến nước. Có thể là một cái hồ nước, bờ hồ, dòng sông, con suối, đầm, ao hay xa hơn là biển cả. Mười tranh thì cả mười đều như vậy. Ngoài hồ Gươm với cầu Thê Húc, tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, hàng liễu xanh mát soi bóng xuống mặt hồ, theo thời gian, không gian của dòng tranh Bờ Hồ cũng được mở rộng ra. Nhiều tranh lấy bối cảnh cầu Hiền Lương bắc qua dòng sông Bến Hải hay vịnh Hạ Long… Hình ảnh xung quanh cũng rất đa dạng, có thể là cây đa, cầu khỉ, đồng lúa chín vàng, xa xa thấp thoáng cái miếu canh, một nếp nhà tranh, có con đường dẫn vào nhà, trên trời có đám mây xanh với vài chú chim non hay đàn cò đang bay. Hình ảnh con người thì có vài cảnh quen thuộc như đôi cô gái xắn quần ống cao thấp đang gánh thúng đi lại, hay mặc áo dài trắng đi dạo, đôi tình nhân đang ngồi trên bãi cỏ hẹn hò… Sau này tranh Bờ Hồ phát triển theo hơi hướng tranh Trung Quốc. Họa sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết, tranh Bờ Hồ không chỉ dừng lại ở việc vẽ phong cảnh có tính chất trong nước mà còn bắt chước vẽ theo phong cảnh của Tàu như các tích truyện trong Tam quốc, Thủy hử, chim đại bàng đậu trên hòn non với cây tùng cây bách, có mặt trăng mặt trời...

Ngư­ời nghệ sĩ vẽ tranh Bờ Hồ đa phần không đư­ợc học hội họa bài bản. Họ chỉ là những người có chút năng khiếu hội họa, vì ham thích và cũng vì mưu sinh nên cầm lấy cây cọ. Khi ấy còn nghèo và thiếu thốn nhiều thứ, người vẽ tranh sử dụng bột màu vẽ lên bìa giấy nứa - một loại giấy khá dày, màu vàng xám, có những sợi xơ lởm chởm chìa ra ngoài - nên không được mềm mại. Màu của tranh Bờ Hồ không lẫn vào đâu được bởi luôn dùng màu nguyên bản. Tông xanh rất xanh, vàng thì vàng choé, nếu có chuyển màu thì chuyển đậm sang sáng bằng cách pha thêm trắng hoặc vàng… Người vẽ luôn dùng bút to để pha màu và dùng chính chúng để thể hiện những mảng màu lớn như ụ đất, bãi cỏ, cánh đồng lúa, mảng trời xanh to lớn… Khi muốn vẽ nhanh hơn, sản xuất hàng loạt kiểu “dây chuyền” thì họ trổ những tấm bìa hay tấm phim nhựa hình cơ bản mà bức tranh cần thể hiện, đặt lên giấy nứa, dùng bút khổ to quét màu trùm lên để không chờm sang hình bên cạnh. Ví như muốn tạo cái cây có lớp lang tầng lá thì lấy một bút lông cứng, đập bẹp hoặc xơ dừ chấm màu đập dập là xong (hồi đó chưa có xốp).

Dòng tranh Bờ Hồ đạt đến đỉnh cao nhờ dạng tranh cuốn thư Bác Hồ do người một họa sĩ vẽ truyền thần nhà ở phố Hàng Đường sáng tạo nên. Dù tranh có nội dung gì và màu chủ đạo thế nào đi nữa thì ở giữa tranh bao giờ cũng là một cuốn thư, trên đó có dòng chữ trang trí như “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” hay “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh”, hình ảnh Bác Hồ được cắt sẵn, dán đè lên trên đỉnh. Không gian xung quanh được điểm cành đào, cành mai, hoa sen… nhằm tạo điểm nhấn. Nắm bắt xu hướng, trào lưu, vào thời điểm những năm 60 của thế kỉ trước, Nhà xuất bản Văn hóa cũng đã nhanh tay in một loạt hình ảnh Bác Hồ để phục vụ riêng cho dòng tranh này. Tranh cuốn thư bán rộng rãi khắp cả nước. Người dân tranh nhau mua về chơi tết. Tranh cuốn thư ăn khách nên được sản xuất với số lượng lớn. Nhiều “dân buôn” ở các tỉnh sau một thời gian về Thủ đô buôn tranh thấy lãi quá nên đã tự học, tự sản xuất tại chỗ để bán. Dòng tranh Bờ Hồ nhờ vậy được lan truyền xa, không còn là “độc quyền” của những người thợ ở không gian Bờ Hồ ban đầu.

Sau thời gian phát triển rầm rộ, dòng tranh Bờ Hồ phải đối mặt với sự “cạnh tranh gay gắt” đến từ những bức ảnh bóng loáng in hình hoa quả rất tươi, rất thật của Thái Lan. Những bức ảnh này màu sắc bắt mắt hơn, giá lại rẻ hơn nên được người dân ưa chuộng. Dòng tranh Bờ Hồ lâm vào cảnh thoái trào, và đến những năm 80 của thế kỉ XX thì đã hoàn toàn vắng bóng. Đến nay, dấu vết sót lại của dòng tranh Bờ Hồ là thông qua dòng tranh tường. Nhiều gia đình không có tranh đã tự tay vẽ hoặc thuê sinh viên trường Mĩ thuật, họa sĩ nghiệp dư vẽ một tranh sơn thủy vào mảng tường trắng cho đỡ trống trải và… vui mắt.

Hiện tại nhu cầu chơi tranh, thưởng thức tranh của người Hà Nội nói riêng, người dân cả nước nói chung đã được nâng cao rất nhiều. Nhiều người đã có trong tay những bộ sưu tập tranh của các họa sĩ trong và ngoài nước rất giá trị về nghệ thuật. Tuy nhiên không thể vì thế mà chúng ta phủ nhận những giá trị của dòng tranh Bờ Hồ trong lịch sử mĩ thuật Việt Nam. Dòng tranh này không chỉ đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ cái đẹp một cách cơ bản nhất của người dân mà còn là một hoài niệm không thể nào quên về một thời kì đáng nhớ trong tiến trình phát triển của dân tộc.

T.S

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)