Cách mạng tháng Tám – bài học giáo dục bản lĩnh cách mạng cho hôm nay

Thứ Sáu, 16/08/2024 08:00

. TRẦN MẠNH TIẾN


Quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ta là điểm tựa để đất nước ta đổi mới, phát triển: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Nghị quyết cũng đề ra phương pháp luận chung là nguyên lý hành động: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam…”. Và những biện pháp cụ thể, thiết thực: “Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện; tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng; đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; làm tốt công tác tư tưởng, lý luận; chú trọng công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và công tác dân vận của Đảng”. Lấy đó làm điểm tựa lý luận, bài viết xin đi sâu vào nội dung:

Ngày 01/7/1922 trên báo Người cùng khổ (tiếng Pháp) Nguyễn Ái Quốc cho in truyện Lời than vãn của bà Trưng Trắc lên án Khải Định (đang tham dự cuộc Đấu xảo thuộc địa tại Pháp) tội dứt bỏ truyền thống vẻ vang của Tổ quốc để đi ôm chân kẻ xâm lược là thực dân Pháp. Ấn tượng mạnh với độc giả Pháp đến mức hôm nay họ vẫn lấy truyện làm bài học giáo dục biết ơn quá khứ lịch sử, biết ơn tiền nhân. Có học giả lại lấy nội dung truyện minh họa cho câu phương ngôn nổi tiếng: nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác. Giới phê bình hàn lâm thì coi truyện là mẫu mực cho nghệ thuật tự sự - trào phúng: kết cấu linh hoạt, lời văn thâm thúy mà tinh tế, vận dụng nhiều thủ pháp hiện đại như huyền ảo, giễu nhại, “hài hước đen” (black humor)...

Một biểu hiện bản lĩnh Hồ Chí Minh là sự nhất quán tuyệt vời. Mục đích đặt ra khi bước chân xuống tàu tìm đường cứu nước cho đến khi tuổi cao đều không thay đổi và Người cố gắng thực hiện trọn vẹn nhất có thể. Đó là mẫu nhân cách tự trọng, thủy chung, trước sau như một với chính mình, lấy đó làm cái “bất biến” để “ứng” với cái “vạn biến” trong cuộc đời.

Bác Hồ là tấm gương đẹp nhất về sự tiếp thu, kế thừa, kết tinh, phát triển và nâng cáo các giá trị truyền thống. Nhiều nghiên cứu văn hóa trên thế giới hôm nay lấy câu nói của Người làm phương pháp luận: những dòng suối tiến bộ luôn chảy ra từ ngọn núi cổ điển. Triết học văn hóa đương đại khuyến khích đa dạng cách tiếp cận nhưng vẫn nhấn vào hướng đổi mới trên nền truyền thống. Người ta càng thấy câu nói ấy không chỉ là nguyên lý khoa học, còn là chân lý lịch sử và đạo lý ứng xử.

Trong tác phẩm của Người, nhất là từ 1941 đến 1945 xuất hiện nhiều lần các cụm từ chỉ dòng giống vinh quang của người Việt: Hồng Lạc, Lạc Hồng, Con Hồng cháu Lạc, Con Rồng cháu Tiên, Rồng Tiên… vừa gợi lên niềm tự hào về truyền thống cao quý vừa gợi nhắc một ý thức đoàn kết. Hơn thế, còn là bài học biết ơn quá khứ nguồn cội.

Người cán bộ đảng viên hôm nay phải thấm nhuần hơn nữa lời của Bác: “Những người cộng sản chúng ta phải rất quý trọng cổ điển. Có nhiều dòng suối tiến bộ chảy từ ngọn núi cổ điển đó. Càng thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lênin, càng phải coi trọng những truyền thống tốt đẹp của cha ông”. Phải coi đây là bài học đạo đức đầu tiên vì đó là cách làm vững cái gốc truyền thống để tươi tốt phần thân ngọn nhân cách! Bác là sự kết tinh đạo lý dân tộc “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Bác dạy cán bộ phải rèn luyện đủ đức đủ tài, lấy đức làm gốc để phục vụ nhân dân thật tốt. Cuộc đời và sự nghiệp của Người là mẫu mực sinh động, thuyết phục cho chính những điều ấy.

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ không chỉ là “kim chỉ nam” cho đất nước ta đổi mới, phát triển mà còn ảnh hưởng ở tầm nhân loại. Gần đây (05/10/2019), Hội thảo khoa học quốc tế có chủ đề Global Ho Chi Minh (Hồ Chí Minh toàn cầu) được tổ chức ở New York (Mỹ) cho thấy thế giới nghiên cứu Bác Hồ như là một đối tượng ưu tiên. Các chủ đề được các học giả Mỹ và Đại học Columbia đề xuất khi cùng đứng ra tổ chức hội thảo đều tập trung khẳng định không chỉ là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa, Hồ Chí Minh còn là cầu nối Việt Nam và thế giới, nhân cách của Người sẽ mãi tỏa sáng khắp các châu lục. Di sản tư tưởng và những giá trị văn hoá cao đẹp của Bác Hồ đang được cả nhân loại đón nhận.

Thế mà tại sao ở ngày hôm nay, trên đất nước tự do và đổi mới do chính Bác Hồ và Đảng khai sinh, khởi xướng, lãnh đạo đang gặt hái những thành quả lớn lao, được quốc tế thừa nhận vẫn có những người, thậm chí được gọi là trí thức lại có ý phủ nhận đường lối, công lao Bác Hồ và Đảng ta? Tại sao lại có số ít người phủ nhận Cách mạng tháng Tám, phủ nhận hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại?...

Ai cũng biết năm 1945 nước ta bị 2 triệu người chết đói. Lịch sử đau đớn khắc ghi tội ác của bọn đế quốc, thực dân, phát xít, phong kiến vào đạo lý, lương tâm, lương tri mỗi người Việt yêu nước. Ngày nay thế giới ca ngợi Bác Hồ có cách giải quyết tuyệt vời nhất trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất để cố gắng mang hạnh phúc cho dân. Sau tháng 9/1945 nước ta sa vào tình trạng kiệt quệ, vận nước mong manh bởi thù trong giặc ngoài nhưng Bác vẫn chủ trương giải quyết hai nhiệm vụ cấp bách là diệt giặc đói, diệt giặc dốt. Đó là tinh thần nhân văn cao cả, là tầm trí tuệ kiệt xuất trên cơ sở một tình yêu nước, yêu dân lớn lao hiếm thấy. Dân đói, dân dốt là bất hạnh lớn nhất của bất cứ quốc gia nào và ngược lại!

Thế mà sao họ nỡ quên lịch sử? Sao họ nỡ quên hàng vạn hàng triệu người con ưu tú ngã xuống trong hai cuộc chiến tranh để đất nước vẻ vang có ngày hôm nay!?

Với mỗi con người thì thân thể là quý giá nhất. Thế mà bao đồng bào hy sinh cái quý giá nhất để Tổ quốc nở hoa độc lập, để hôm nay đất nước kiêu hãnh ngẩng cao đầu cùng các cường quốc. Đã là công dân, không một ai được quên lịch sử, càng không được phủ nhận lịch sử. Vì thế là đi ngược với tính người, đi ngược với đạo lý Việt! Lời cha ông dạy còn văng vẳng trong các kho sách cổ: thờ ơ là vô cảm, chối bỏ là vô tri, phủ nhận là vô luân!

Cái lõi của vấn đề là cách loại bỏ cái chủ nghĩa cá nhân ở số ít những người trên. Nếu không chúng sẽ là các khối u độc “di căn” khắp cơ thể xã hội. Điểm tựa vững chắc nhất cho công việc này là tư tưởng Hồ Chí Minh về “nâng cao đạo đức cách mạng”!

Một là, mỗi cán bộ đảng viên là tấm gương sáng.

Thế giới đang kêu gọi xây dựng một “xã hội học tập” mà hạt nhân của nó là sự học tập lẫn nhau, soi sáng, nâng đỡ nhau. Bác Hồ dạy cán bộ phải gần gũi học hỏi quần chúng, phải là tấm gương cho quần chúng, thì đó chính là bản chất của “xã hội học tập”. Bác đã đi trước thời đại về giáo dục. Đảng ta có hàng triệu đảng viên thực sự là “đầy tớ”, là “công bộc” của dân thì toàn dân tin Đảng, theo Đảng. Tự nhiên kẻ xấu sẽ không còn đất sống!

Hai là, giáo dục bằng truyền thống văn hóa.

Những giá trị văn hóa có từ lâu đời trong việc giáo dục đạo lý cần được kế thừa, phổ biến. Các giá trị ấy kết tinh trong văn học dân gian và bác học (như Hậu tự huấn, Gia huấn ca), trong các hương ước... rất có ích cho hôm nay. Phải tạo ra được một môi trường giáo dục lành mạnh, lấy việc xây dựng môi trường giáo dục gia đình làm căn bản. Vì bất cứ ai từ ấu thơ đến khi trư­ởng thành đều thấm nhuần các chuẩn mực giá trị văn hoá truyền thống từ “nếp nhà”. Gia đình cũng là nơi phát hiện sớm nhất và kịp thời ngăn chặn những hành vi, những hiện tư­ợng phi đạo đức của các thành viên. Phải biến quá trình giáo dục thành tự giáo dục ở mỗi cá nhân. Không ai có thể sống thay ai. Việc giáo dục một ý thức văn hóa tự làm chủ bản thân là cực kỳ quan trọng.

Ba là, tiếp thu tư tưởng giáo dục hiện đại của thế giới trên nền tảng cái dân tộc, truyền thống. Thế giới coi thế kỷ XXI là “thế kỷ của tâm linh” với ý nghĩa hướng con người về cội nguồn quá khứ tổ tiên, lấy đó làm các nguồn lực văn hóa tạo thành điểm tựa ứng phó với cách mạng 4.0 để tạo ra sự cân bằng trong đời sống. Do vậy lịch sử, tôn giáo, phong tục, tín ngưỡng...rất được quan tâm, chú ý. Cũng vì thế mà người ta rất coi trọng việc xây dựng nhân cách văn hóa. Như cây xanh cắm sâu rễ vào mảnh đất truyền thống rồi vươn cao cành lá quang hợp ánh sáng trí tuệ tiên tiến của thời đại mới. Có vậy cây mới khỏe mạnh, cứng cáp vững vàng trước những cơn bão công nghệ lạnh lùng, mạnh mẽ. Đúng với truyền thống, đúng với tinh thần giáo dục của thế giới thời 4.0, đúng với tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta cần quan tâm hơn việc dạy người (đức) trước rồi mới dạy chữ (tài).

“Ăn quả nhớ người trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn” là đạo lý của dân tộc ta. Đó cũng là chân lý phổ quát của con người ở mọi thời, mọi nơi!

T.M.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)