Phê bình văn học - những vòng quay muôn thuở

Chủ Nhật, 04/08/2024 00:56

. PHẠM QUANG LONG
 

1. Có một số vấn đề cứ lặp đi lặp lại trong đời sống văn học: Phê bình văn học (từ đây gọi là phê bình) là thứ ăn theo, là văn học thứ cấp hay song hành cùng văn học, có cái này tất phải có cái kia, nhà phê bình là người đồng sáng tạo nên tác phẩm? Không có tác phẩm thì không thể có nhà phê bình, tất nhiên rồi, nhưng không có những nhà phê bình chuyển tải đến người đọc những thông điệp mà không phải người đọc nào cũng có thể “giải mã” được tác phẩm thì nhà văn và độc giả cũng thiệt thòi lắm chứ? Còn nói họ đồng sáng tạo với người viết thì cái “đồng” ấy ở chỗ nào? Phải chăng chỉ có nhà phê bình (tôi không tin người viết phê bình nào cũng giải mã đúng những điều người viết gửi gắm trong tác phẩm mà chỉ có rất ít người làm được điều này) mới hiểu hết những mã tư tưởng xã hội, mã văn hóa và mã thẩm mĩ nhà văn giấu kín trong tác phẩm? Nhà văn hay nhà phê bình không có quyền sai, đúng hơn là nghĩ khác đám đông, khi sáng tác hay khi thẩm định? Tại sao thời nào cũng có những nhà phê bình nổi tiếng, được cả giới sáng tác lẫn những người khác tôn vinh, ngưỡng mộ nhưng cũng có không ít nhà phê bình bị những người sáng tác căm ghét và cho rằng họ chả hiểu gì công việc của nhà văn? Ai có lí? Người sáng tác hay nhà phê bình? Đó là vấn đề tình cảm cá nhân hay còn có chuyện gì khác? Tôi nghe nhiều người nổi tiếng (cả sáng tác lẫn phê bình ở ta) đã viết lên báo, nói ra mồm những điều không hay ho về nhà phê bình nào đó chỉ vì họ khác ý mình trong khen chê tác phẩm và biến những điều đó thành những đòn hạ nhục nhau khiến người đọc ngạc nhiên: Sao lại có thể tồn tại những chuyện như thế? Tại sao những chuyện nghề lại biến thành những chuyện ngoài cuộc đời? Những điều đó có lí hay vô lí và cần hiểu chúng thế nào? Cũng có cả trường hợp nhà sáng tác và nhà phê bình chuyên nghiệp coi như như tri âm tri kỉ nhưng người đọc thông thường khi đọc bài phê bình được nhà văn coi như đã “điểm nhãn” họ lại không nghĩ như vậy. Cả hai trường hợp trên diễn ra từ ngày có hoạt động phê bình và cái vòng xoáy này liên tiếp diễn ra và có lẽ chỉ chấm dứt khi văn học không còn tồn tại. Mà điều này lại không thể xảy ra.

 

2. Cũng cần trở lại lịch sử một chút để nói rằng phê bình là một phần tất yếu của đời sống văn học, nó tồn tại không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của một cá nhân nào. Có văn học (hay nghệ thuật nói chung) thì cũng có phê bình. Từ hoạt động riêng lẻ, dần dần nó hình thành nên một khoa học, có đối tượng nghiên cứu và cả những nguyên tắc, quy luật của nó. Giống như với khoa học vậy. Một công trình khoa học ra đời sẽ có nhiều nhận xét, đánh giá về nó và chỉ có như thế, khoa học nói riêng, xã hội nói chung mới có những tiền đề để phát triển. Với đời sống văn nghệ thì sự tác động của xã hội và những người làm chuyên môn (thể hiện ở khía cạnh tiếp nhận) lại còn trực tiếp và mang tính trực cảm mạnh mẽ hơn. Nhưng phê bình văn học cũng có lịch sử phát triển và hệ thống khái niệm song hành cùng sự phát triển của tri thức xã hội, ở cả những ngành liên quan trực tiếp và gián tiếp với nó. Cùng với quá trình chuyên nghiệp hóa, phê bình văn học giảm dần yếu tố cảm nhận cá nhân và tăng dần yếu tố lí tính, yếu tố khoa học hơn. Nói như vậy không có nghĩa là trong phê bình dù phát triển đến mức có đủ dữ liệu để người ta nói về nó như về một khoa học thì cũng không thể xem nhẹ đó là một hoạt động đặc thù mà trong đó yếu tố cảm thụ, thẩm định dù có chịu ảnh hưởng của những phân tích khoa học vẫn giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Bằng chứng là khi đọc những bài phê bình có rất nhiều lí thuyết không thấm sâu vào những cảm thụ thẩm mĩ, người đọc vẫn cứ thấy bài viết chuội đi vì nó thiếu sự nhuần nhị, thiếu những cảm xúc của phê bình. Phê bình luôn tồn tại song hành với sáng tác như một đối tượng của khoa nghiên cứu văn học và cũng như một lẽ tự nhiên, phê bình bao giờ cũng chịu những tác động của thời đại mình (những vấn đề tưởng chừng như nằm ngoài văn học nhưng lại tác động đến diện mạo, đời sống của nó như ý thức xã hội, tư tưởng thời đại, trình độ phát triển của tư duy v.v…) Ba khâu liên quan trực tiếp với nhau và không thể tách rời nhau: nhà văn, tác phẩm, bạn đọc và ở đây, phê bình vừa như khâu kết nối, vừa như yếu tố tác động trực tiếp với người sáng tác. Phê bình như một khâu đặc thù của quá trình tiếp nhận tác phẩm. Nhà văn hướng đến bạn đọc, gửi thông điệp của mình đến xã hội và phê bình chính là cái phần thể hiện sự đón đợi, tiếp nhận tác phẩm của họ. Nhà phê bình, nói gì thì nói, cũng là người đọc tinh túy, có chuyên môn nhất, tiếng nói phê bình chính là phản ứng của xã hội đáng tin cậy nhất về sản phẩm nhà văn gửi đến họ. Vậy thì không thể nói nó chỉ là thứ ăn bám, là sản phẩm ăn theo và phê bình sống kí sinh vào sáng tác như có người đã tuyên bố.

 

3. Vậy bản chất phê bình là gì? Câu hỏi này đặt ra vì ở thời nào vấn đề ấy cũng tồn tại và dù có những căn cứ để nói về nó nhưng nó vẫn cứ không ngừng “đi lạc” sang một lãnh địa khác, gây ra cho người đọc những ngờ vực. Vấn đề không phải ở bản thân nó mà ở hoạt động của người viết phê bình đã “trượt ra ngoài” những vấn đề cốt lõi này khi đánh giá một hiện tượng văn học. Những gì người ta tổng kết thành những lí thuyết về phê bình có phải là chuyện vẽ rắn thêm chân, là do những nhà nghiên cứu, phê bình tự nghĩ ra để tự sướng hay nó cũng là một phần của đời sống văn học mà nếu không làm được những điều đó thì phê bình không còn là chính nó, là không cần gì cho cả đời sống văn học lẫn cho xã hội? Ở đây, tôi không có ý định đi sâu vào việc duy danh định nghĩa sự vật và truy tìm bản chất của phê bình. Đó là một việc không đơn giản bởi có bao nhiêu người viết phê bình sẽ có bấy nhiêu quan niệm khác nhau mà quan niệm nào cũng có lí cả. Tôi chỉ đi vào hai nội dung chung nhất mà theo tôi, ở thời nào, phê bình đích thực dù chịu ảnh hưởng của quan niệm nào cũng không trượt ra ngoài giới hạn của nó. Đó là quan niệm phê bình như là mĩ học đang vận động (V.Bielinski) và từ quan niệm này sẽ dễn đến mục đích của phê bình là tạo đà cho một xu hướng văn học có thể đang hình thành, có thể sẽ thành dòng chủ đạo trong tương lai gần, nó vừa thể hiện nhu cầu của xã hội đối với văn nghệ, vừa bộc lộ những quy luật vận động của chính bản thân nó gắn với những vấn đề của thời đại. Nói cụ thể hơn là khi đánh giá một hiện tượng, nhà phê bình cần nhìn ra những chiều hướng mới của tác giả, tác phẩm, “điểm đúng huyệt” chỗ mạnh, chỗ yếu, chỗ cần đi tiếp, chỗ nên ngừng lại của người sáng tác. Đó là yêu cầu lí tưởng nhưng đó là cái đích cần đến của phê bình. Không làm được điều này, phê bình sẽ mất chỗ đứng trong dời sống văn học và mất sự trân trọng của người đọc. Suy rộng ra, nó không cần cho xã hội. Đưa ra quan niệm này là những nhà phê bình dân chủ cách mạng Nga thế kỉ thứ XIX. Các vị này, tiêu biểu nhất là V.Belinski, N.Sernusevski và N.Dobrolyubov, đã ra sức đấu tranh cho sự thắng thế của chủ nghĩa hiện thực Nga (vì lúc đó chủ nghĩa hiện thực như là một hiện tượng toàn thế giới, là dấu hiệu trưởng thành của một nhà văn hay một nền văn học), bênh vực những tác phẩm và tác giả có xu hướng tư tưởng tiến bộ, nhân văn; phê phán, phản bác những quan niệm văn nghệ trái với xu hướng này. Nói cho công bằng thì trong khi ủng hộ cho xu hướng dân chủ cách mạng và sự thắng thế của chủ nghĩa hiện thực Nga, các ông cũng có những tiếp cận vấn đề, tác giả, tác phẩm, đánh giá thiếu khoa học, không công bằng như phê phán chủ nghĩa tình cảm, chủ nghĩa hình thức và đặc biệt là những quan niệm trái với xu hướng dân chủ cách mạng trong xã hội và trong văn học. (Ở ta, trong cuộc tranh luận nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh cũng đã xảy ra điều tương tự xung quanh cuốn Ở Liên Xô về của A.Gide.) Đây là những nhà phê bình và hoạt động văn học trước xu hướng mác-xít gắn văn nghệ nói riêng, đời sống tinh thần của xã hội nói chung với xã hội chặt chẽ nhất. Các ông cho rằng văn nghệ như một dạng đặc biệt của hoạt động tinh thần cần gắn bó chặt chẽ với những cuộc vận động xã hội và văn nghệ có tác động vô cùng mạnh mẽ tới việc truyền bá những tư tưởng xã hội tiến bộ. Và ở đây vai trò của phê bình được thể hiện ra như xác định định hướng cho văn học đi theo xu hướng xã hội tiến bộ, có ích cho số đông và chống lại những xu hướng chệch ra ngoài quan niệm này. Thư gửi Gogol, Khái quát về văn học Nga 1858 của V.Belinski hay bài phê bình truyện ngắn Asia của I.Turgenev của N.Sernusevski là những bài viết như vậy. Mĩ học đang vận động theo xu hướng hướng tới cái thiện, cái đẹp, cái thực, được V.Belinski coi như là triết học của phê bình, là xương sống của những tư tưởng xã hội theo xu hướng tiến bộ. Trước khi công diễn vở kịch Cô gái không của hồi môn, A.Ostrovsky đã công diễn nhiều vở kịch xuất sắc, được coi là người đặt nền móng cho kịch hiện thực Nga. Nhưng N.Sernusevski lại phê phán kịch liệt vở kịch này ở khía cạnh chủ nghĩa nhân đạo mơ hồ theo tinh thần tôn giáo và sự yếu đuối về tinh thần của nhân vật chính qua những lời tự bạch của cô trước khi chết. Tư tưởng ấy gần với truyện ngắn Asia của I.Turgenev và theo nhà phê bình, nó gây hại ở chỗ vào giai đoạn “cơn bão táp giận dữ của nhân dân Nga” trước cuộc cải cách nông nô đã “lên đến đỉnh điểm” nhưng các nhà văn nói trên lại tuyên truyền cho sự thỏa hiệp với chính quyền. Nhà phê bình dân chủ cách mạng Nga cho rằng các nhà văn nói trên đã “phản bội nhân dân” khi đưa ra những lời lẽ nhân đạo mị dân và thái hộ hèn nhát của nhân vật chính vào giờ phút quyết định lại từ bỏ khát vọng, đầu hàng hoàn cảnh. Ông gọi nhân vật của mình là “giẻ rách” và phẫn nộ vì hai nhà văn trên đã “làm hỏng tác phẩm”, “chống lại những gì đã theo đuổi”. Nói cho công bằng ông đã nghiêng về phía chính trị, xã hội của vấn đề, đã thiếu công bằng khi đưa yếu tố chính trị lên đầu, ít chú ý đến tính nghệ thuật của tác phẩm. Chuyện này gợi nhớ lại việc phê bình nhân vật Phượng trong Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi (“một tính cách vô vị, một con người vô dụng đã làm lệch cả chủ đề của Vỡ bờ”) như lời kết tội của một nhà nghiên cứu đã viết. Như vậy, trước một hiện tượng văn nghệ, nhà phê bình có quyền viết ra những cảm nhận của mình theo những quan niệm chung và riêng, những kết luận đó có thể trùng và cũng có thể khác với quan niệm của thời đại ấy và của người sáng tác. Độ vênh, lệch giữa nhà văn, nhà phê bình với thời đại là một điều có thực và những ý định xóa đi sự khác nhau này là không hiện thực. Còn biến sự khác biệt ấy thành những vấn đề khác, theo những động cơ khác thì không cần bàn đến ở đây.

Việc tạo đà cho văn học của phê bình, suy cho cùng mang tính vụ lợi. Nhưng có việc gì trên thế gian này lại hoàn toàn nằm ngoài mục đích vụ lợi? Không lợi ích này thì lợi ích khác chứ không phải chỉ là lợi ích kinh tế. Bởi vậy cái lí thuyết “không vụ lợi”, nếu xét đến cùng là không có cơ sở. Vấn đề cái vụ lợi ở hoạt động phê bình nhằm tạo bước chuẩn bị hay như nhà phê bình Lã Nguyên gọi là tạo sự dậm đà cho một bước nhảy của văn học theo một hướng nào đó vừa là nhu cầu của bản thân nó, vừa chịu áp lực của xã hội. Tìm trong hoạt động phê bình của các nhà phê bình danh tiếng trong lịch sử văn học thấy điều đó như là một phần trong hoạt động của họ. Ở phương Đông, từ những bài nhận xét, bình phẩm của Kim Thánh Thán, Lưu Hiệp, những lời bàn thoáng qua của cha ông về văn chương, phê bình của Tản Đà, Phan Khôi, Hoài Thanh, Hoài Chân hay của các nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp, phê bình mác-xít trong và ngoài nước đều thấy điều này. Như vậy, hoạt động phê bình thời nào cũng đặt ra những chuẩn mực, tiêu chí, yêu cầu và nhà phê bình luôn đặt cho mình một trách nhiệm xã hội nào đó là vì thế. Xã hội nói chung, văn học nói riêng cần đến nhà phê bình cũng ở khía cạnh này.

Xét ở góc độ khách quan nhất là phê bình dựa trên những quy luật vận động của văn học, chỉ ra những cái hay, cái đẹp của sự sáng tạo cũng chỉ là một cách nói vì suy cho cùng, bao giờ phê bình đích thực cũng nhằm tới mục tiêu chỉ ra cho độc giả thấy những cái hay, cái đẹp của sáng tạo theo một định hướng nào đó, nhân danh một quan niệm xã hội và thẩm mĩ nhất định. Nó hướng tới cả độc giả lẫn người sáng tác. Làm được điều này là những nhà phê bình rất “siêu” vì họ vừa như người đồng hành với sáng tạo, vừa như người vạch lối chỉ đường cho người sáng tạo. Ở đây có cả sự mẫn cảm, tài năng của nhà phê bình như dự cảm được xu hướng sáng tạo của những tìm kiếm cá nhân, chỉ ra điều đó và vừa như người có thể tác động đến quá trình sáng tạo ở nghệ sĩ. Đó là những định hướng tư tưởng, mĩ học, phương thức thể hiện có thể đem lại những điều mới mẻ, một sức sống mới cho một thời đại văn học. Ở góc độ này, nhà phê bình còn đứng cao hơn người sáng tác chứ không phải chỉ như người ăn theo sáng tác. Và tất nhiên, đó là phẩm chất của những tài năng lớn. Xét về số lượng nhà phê bình, chắc ít hơn người sáng tác, nhưng xét trong lịch sử tồn tại của văn nghệ, có mấy người còn được các giai đoạn sau nhắc đến gắn với một giai đoạn văn học? Về sáng tác chỉ có những người đi trước thời đại của họ mới mong để lại những dấu ấn thì trong hoạt động phê bình như là một khâu đặc biệt của quá trình tiếp nhận, nhà phê bình cũng cần đi trước thời đại mình trong những phát hiện và dự cảm chính xác, mới mẻ như nhà văn vậy.

Quá trình giải mã tác phẩm cần đến những lí thuyết khoa học và những cảm nhận văn chương đặc biệt. Không ít lí thuyết nghiên cứu văn học đã hình thành và được vận dụng nhưng tên tuổi những nhà phê bình nổi tiếng còn lại lại không nằm trong số những người nắm bắt được các lí thuyết này nọ mà lại thiếu những mẫn cảm văn chương. Vấn đề là ở chỗ những lí thuyết một khi đã được tổng kết thành những nguyên lí này khác thì tự bản thân nó đã bị thực tế vượt qua hay nói cách khác là nó đã chết. Nó mang ý nghĩa lịch sử và giá trị của nó chính là ở những đóng góp không mấy người theo được đó nhưng suy cho cùng cũng thuộc về những gì đã qua hoặc đang còn tồn tại thì cũng đã định hình và đang trên đường đi đến chặng cuối. Nhà phê bình nổi tiếng - người đã đề xuất triết lí phê bình của thời đại mình - là người đi đầu, khai sinh ra lí thuyết ấy, có thể không hoàn chỉnh nhưng như là khâu đột phá, khởi đầu theo cách mới khi giải mã tác phẩm theo một cách không giống ai nhưng lại được cả người đọc lẫn người sáng tác đồng tình, có ảnh hưởng sâu rộng đến thời đại mình. Rồi đến một lúc nào đó lí thuyết ấy lại bị phủ định bởi một lí thuyết khác vì đời sống văn học luôn vận động, biến đổi, vì nội dung của tác phẩm vô cùng đa diện, phong phú, nên nếu nhà phê bình chỉ chăm chú nương theo lí thuyết nào đó, dù cao siêu đến đâu để đánh giá tác phẩm, cũng là bất cập. Sự đa diện của đời sống, sự đa nghĩa của hình tượng, mỗi tác phẩm lại được người sáng tạo viết ra trên một nền tảng tư tưởng mới, một hệ thống mã ngữ nghĩa, mã tư tưởng mới luôn là mục tiêu của nhận thức của các phương pháp khác nhau. Nắm vững các lí thuyết ấy là cần thiết của hoạt động phê bình nhưng lệ thuộc vào lí thuyết một cách nô lệ lại làm phương hại đến chính sự sáng tạo của nghệ sĩ.

Văn nghệ cần đến nhà phê bình không phải ở phương diện diễn giải tác phẩm mặc dù khi phê bình thao tác ấy không thể thiếu. Là cầu nối giữa nhà văn với bạn đọc, phê bình luôn cần cho chính bản thân sự tồn tại của văn học nhưng nếu phê bình thực hiện không đúng chức năng của mình trong quan hệ này lại gây hại cho sáng tác. Diễn giải hay thông dịch tác phẩm cũng chỉ là những cách nói khác nhau nhưng chúng có nhiều cấp độ. Cấp độ cao nhất là chỉ ra được tầm triết học của các thông điệp ấy, sự độc đáo của cách chuyển tải mà người sáng tạo đã gửi qua tác phẩm của mình. Mã tư tưởng, mã thẩm mĩ, mã văn hóa… của tác phẩm giống như là một mã nguồn mở, luôn được khai thác, diễn giải, tiếp nhận bằng những cách nhau. Bởi thế mà cho đến bây giờ người ta vẫn hì hục lí giải những thông điệp của truyện cổ tích, các sáng tác của Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nam Cao, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp… thông qua việc vận dụng những lí thuyết mới. Trong những diễn giả ấy, có cái được đồng tình, có cái bị phản đối của cả giới chuyên nghiệp lẫn độc giả bởi cách tiếp cận vấn đề khác nhau, sự vận dụng lí thuyết có giúp ích cho việc tiếp nhận tác phẩm hay không? Vấn đề là ở chỗ dựa trên một phạm vi tư tưởng và nghệ thuật nào đó, những cách diễn giải xuất phát từ những cách tiếp cận có đem lại những nhận thức mới về đối tượng và có căn cứ hay không? Nhiều bài phê bình hiện nay thiếu cả cơ sở lí thuyết về khoa nghiên cứu văn học và thường nhợt nhạt năng lực cảm nhận văn chương. Nó mang dáng dấp của những bài điểm sách mang dấu ấn xã hội học, nội dung cũ kĩ. Rất nhiều bài phê bình đậm đặc các lí thuyết được vận dụng nhưng dường như nó chưa đụng được vào những vấn đề của tác phẩm. Không ít lần đọc bài phê bình rồi đọc sách nhận thấy dường như nhà phê bình chỉ mượn tác phẩm làm ví dụ cho những lí thuyết nào đó chứ không phải phê bình chính tác phẩm ấy. Đây cũng là một bất cập khác của hoạt động phê bình.

 

4. Vấn đề cuối cùng đặt ra là: Có thể đào tạo nên một đội ngũ phê bình văn học đáp ứng được những yêu cầu cần có hay không? Câu trả lời khá đơn giản bởi ai cũng thấy: vừa có, vừa không. Những chuẩn bị về mặt tri thức, tổ chức là cần thiết vì bao giờ cũng vậy, những chuẩn bị một phông kiến thức chuyên ngành và văn hóa rất cần cho người viết phê bình. Tri thức ấy là vườn ươm, là môi trường cho tài năng phê bình này nở, phát triển. Nhưng đừng quên đây là một hoạt động đặc thù, sự chọn lọc tự nhiên là vô cùng quan trọng. Trong muôn một sự chuẩn bị, dù chu đáo nhất vẫn chưa phải đã có kết quả như ý muốn vì hoạt động đặc biệt này cần dành cho tài năng mà tài năng rất khó đào tạo, sự chuẩn bị dù tốt nhất cũng chỉ là tạo ra những tiền đề còn tài năng thực sự lại do nhiều yếu tố khác, trong đó yếu tố quyết định vẫn thuộc về cá nhân. Không ít cơ sở đào tạo đã đào tạo bao nhiêu người để chuyên làm phê bình nhưng có mấy người viết phê bình chuyên nghiệp và thành danh? Làm phê bình cũng cần có tài năng và đặc thù riêng như sáng tác vậy. Ngay từ điểm xuất phát của quan niệm đào tạo những người làm việc đặc thù theo dạng đại trà, theo khuôn mẫu tự nó đã thiếu triển vọng.

Có người nói phê bình văn học hiện nay nhợt nhạt bởi quá ít phê bình đích thực, phê bình đúng thực trạng tác phẩm. Quá nhiều kiểu phê bình thù tạc, giao đãi. Tính hiệu quả của các bài phê bình ấy yếu đã đành mà còn gây tác hại. Độc giả phần đông đọc theo nhu cầu, đọc để giải quyết nhu cầu của cá nhân nhưng khi đọc phê bình, họ thấy quá khác với những gì mình tiếp nhận, sẽ hình thành một tâm lí xa lánh, chán đọc phê bình. Người đọc không muốn đọc phê bình. Nhà văn đọc thấy nó vô bổ. Nhưng điều nguy hại nữa là nó tạo ra những giá trị giả của một hoạt động tinh thần rất cần cho con người. Nó gây hại cho xã hội từ chỗ tưởng chừng vô hại ấy.

Và câu chuyện về mối quan hệ giữa văn học và phê bình thời nào cũng đặt ra, thời nào cũng có những vấn đề của nó. Nó vận động và phát triển gắn với thời đại của mình và những tư tưởng văn nghệ của thời đại ấy.

P.Q.L

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)