. PHÙNG VĂN KHAI
Một ngọn đuốc trao tay nhiều thế hệ
Mang Điện Biên trong mỗi con người
Tôi vừa có chuyến công tác Điện Biên. Thật vô cùng xúc động khi được gặp gỡ các nhân chứng lịch sử. Đã 70 năm kể từ dấu mốc Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), nhân dân ta, Tổ quốc ta ngày càng phát triển, có vị thế đường hoàng trong lòng bạn bè thế giới. Các thế hệ được nối nhau sinh ra, đúng như cảm xúc khi tôi viết câu thơ: Ông đã sinh cha, cha đã sinh con/ Con sinh cháu, cháu đã thành chiến sĩ/ Vầng hoa thơm, vầng cỏ non thơm. Cuộc sống của chúng ta luôn chuyển động không ngừng, sinh sôi thơm thắm.
Trong trạng thái tinh thần ấy, tôi được đọc trường ca Giao hưởng Điện Biên của nhà thơ Hữu Thỉnh, một bậc đa đề về lĩnh vực thơ. Tôi thuộc nhiều thơ Hữu Thỉnh, luôn hiểu tâm can chí hướng của ông từ ngày Trường Sơn bom đạn khi ông viết: Không có sách chúng tôi làm ra sách/ Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình.
Hữu Thỉnh là như thế.
Giao hưởng Điện Biên là một dồn nén khôn khuây từ lâu của Hữu Thỉnh. Vẫn với cá tính làm gì buộc phải làm cho bằng được, cho dù là công tác lãnh đạo văn nghệ khó khăn đến việc sáng tác nhọc nhằn thì Hữu Thỉnh vẫn với một tinh thần Điện Biên như lời thơ của ông:
Điện Biên Phủ từng giờ tùng phút
Đã gửi đi thông điệp khắp hành tinh
Những lời hịch của Tự Do, Độc Lập
Những khát khao cháy bỏng hòa bình
Giao hưởng Điện Biên là một trong những nhiệm vụ mà Hữu Thỉnh tự thân nhận mệnh lệnh lĩnh xướng, cũng là khát vọng, tâm tư, trách nhiệm của ông. Hữu Thỉnh giống như chiến sĩ cảm tử ở Điện Biên Phủ được giao khối bộc phá lên đánh cửa mở Đồi A1. Đời người chiến sĩ đâu có giặc là ta cứ đi dẫu phải ôm bộc phá cảm tử lô cốt quân thù cũng giống như đời Hữu Thỉnh đâu có thơ là ùa vào nhập cuộc tươi xanh những vần thơ neo trong tâm trí người đọc: Gió không phải là roi mà vách đá phải mòn/ Anh không phải là chiều mà nhuộm em đến tím/ Sóng có nghĩa gì đâu nếu chiều nay em không đến/ Dù sóng đã làm anh nghiêng ngả vì em.
Thơ Hữu Thỉnh cũng như con người ông, từ câu thứ nhất đến muôn vàn câu tiếp theo đều trước sau như một tuyệt không rẽ ngang rẽ tắt. Toàn bộ sức lực của nhà thơ, tâm thế của nhà thơ đều dồn lên phía trước. Thơ Hữu Thỉnh trong Giao hưởng Điện Biên càng như vậy:
Chiều rụng về nơi chim lác đác
Nắng còn vương vấn cánh rừng xa
Trâu đeo tiếng mõ đi về bản
Bà mế lên nương trở lại nhà
Và đây nữa:
Ta lên với nghĩa tình Tây Bắc
Tre nứa thân thương những bản nghèo
Tuýp xôi dúi vội hơi còn ấm
Nhờ ai tìm hộ chiếc khăn piêu
Ta lên với điệu xòe tình tứ
Rượu cần say từng búp ngón tay
Cọn nước quay những vòng bền bỉ
Quay cạn ngày đêm gạo trắng đầy
Chúng ta dường như đã quen với thơ Hữu Thỉnh luôn vạm vỡ, đủ đầy, mới mẻ, chữ nghĩa chắc mẩy tình ý sâu xa, luôn biết nặng nhẹ, cũng rất ưa thích chênh vênh, thấu hiểu đường xa chợ chiều thăm thẳm mà cũng rất sẵn sàng đuổi bắt những mong manh phù hoa thổn thức trong kiếp nhân sinh. Ông đi từ cõi bên trong còn phải gạt đi những gai góc, thị phi của người đời để đến với, chia sẻ và cảm thông những đớn đau của chính con người. Hữu Thỉnh trong Giao hưởng Điện Biên đã là một sự an nhiên tự tại: Thật vàng chẳng phải thau đâu/ Mà đem thử lửa cho đau lòng vàng (ca dao). Có phải vậy chăng mà ông đã một mạch trình ra hàng nghìn câu thơ trong trường ca này với 22 chương vừa lính tráng vừa bác học Người ra trận đầu tiên; Điện Biên Phủ; Đâu có giặc là ta cứ đi; Những cây số người; Dưới tán rừng Việt Bắc; Đêm trăng; Tiếng hát Mường Phăng; Nhà thơ chiến sĩ; Con đường ngắn nhất; Thư Bác; Bóc vỏ; Trận địa bầu trời; Người đóng cối xay bên Đường 41; Tiến vào trung tâm; Giá từng thước đất; Làng phản chiến bên bờ sông Nậm Rốm; Những bí mật trên Đồi A1; Bài học đầu tiên; Gặp gỡ giữa rừng; Binh chủng tinh thần; Tổng công kích; Khúc tưởng niệm đã cho thấy một đặc trưng Hữu Thỉnh, một tổng chỉ huy Hữu Thỉnh cũng là một cá tính Hữu Thỉnh.
Nhà thơ Hữu Thỉnh tại buổi giới thiệu trường ca Giao hưởng Điện Biên. Ảnh: SGGP
Thế hệ sau như tôi rất khâm phục khi Hữu Thỉnh viết những câu thơ:
Tổ quốc
sau những ngày
giành giật
trên tay ta
là một nắm đất son
nắm đất son
lẫn nhiều mảnh đạn
nói với ta
muôn nỗi mất còn
Thơ Hữu Thỉnh trong Giao hưởng Điện Biên có những câu rất xa nhưng cũng thật gần, như rơm rạ nghĩa nước tình làng thơm thảo:
Quê anh ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh
Đánh trận này vừa tuổi ba hai
Tuổi thơ theo bạn ra bờ biển
Kéo lưới thuê cho các vạn chài
Có những câu thơ từ lịch sử kéo thẳng tới chiến hào như lửa cháy mà vô cùng mềm mại:
Vết đạn pháo bắn vào Cửa Bắc
Hoàng Diệu(1) đành treo cổ dưới cây
Ta đợi mãi từ buổi đầu đánh Pháp
“Đến bây giờ mới thấy đây”
Hữu Thỉnh vừa từng trải vừa măng tơ khi triển khai từng chương, từng trường đoạn, từng câu thơ ngắn dài linh hoạt. Tôi càng ngạc nhiên khi đan cài trong dằng dặc Giao hưởng Điện Biên có những khổ thơ rất đời thường:
Nhớ vợ trẻ không tuần trăng mật
Về nhà chồng bỡ ngỡ làm dâu
Bốt đồn lúc nhúc ruồi bâu
Giữ sao trinh tiết trước sau vẹn toàn
Hoặc như:
Nhìn em gái mẹ già giã gạo
Cối nhỏ chày khua áo ướt đầm
Anh nhớ lại nghề xưa xếp cối
Đi tìm cây xương cá làm dăm
Thì ta càng thấy một Hữu Thỉnh hóa thân từ nhân dân, vui buồn sướng khổ với nhân dân trước khi làm anh lính, ông quan, ngài cán bộ, thủ trưởng quản lí... mặc dù nhà thơ Hữu Thỉnh đã có tới một phần ba thế kỉ làm ông quan văn nghệ, thậm chí là vị quan cao.
Giao hưởng Điện Biên là nơi Hữu Thỉnh như cá về gặp nước, càng cho thấy sự cao cường Hữu Thỉnh từ những bình dị giản đơn mỗi đèo dốc bước ngoặt cuộc đời.
Chúng tôi, thế hệ sau luôn có cảm giác thế hệ các ông, lứa chống Mĩ và làm nền tảng cho Đổi mới, luôn thực sự là những chiến binh trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật. Chúng tôi lúc nào cũng như kẻ học nghề đến muộn. Những tinh hoa cội rễ, chí ít là những chi tiết văn chương có giá trị đều đã được thế hệ của Hữu Thỉnh trưng tập sử dụng rồi. Hữu Thỉnh viết rất nhẹ nhàng mà nhiều dư ba bát ngát: Nước vẫn nước đôi dòng/ Chiều vẫn cong lưới hái/ Những gì sông muốn nói/ Cánh buồm giờ cất lên (Chiều sông Thương). Sông được lúc dềnh dàng/ Chim bắt đầu vội vã/ Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu (Sang thu). Thu hết mọi tiếng chuông thành một sắc áo vàng/ Mây lót ổ chim gù bên kinh kệ/ Hoa xứ Phật dặt dìu hương nhập thế/ Người giữa đời thổn thức muốn thành sư (Xứ Phật)...
Khi đã vào ngưỡng tuổi 90, Hữu Thỉnh vẫn đưa ra những triết luận trong Giao hưởng Điện Biên khiến thế hệ sau ông phải ngẩn ngơ:
Ta mở
những lối đi
nóng bỏng
qua những trớ trêu
để được làm người
từ ngọn giáo
đến
từng khẩu pháo
ta cách kẻ thù
hàng mấy trăm năm
Và đây nữa:
Đến Điện Biên chia nhau từng cái chết
Đứng chen vai từng thước đất chiến hào
Lòng anh bỗng dâng lên bát ngát
Đêm cuối rừng trò chuyện với trời sao
Giao hưởng Điện Biên đã cho thấy một vẻ đẹp khác của Hữu Thỉnh chính là sự hiến dâng kiệt cùng của nhà thơ luôn chuyển động với chính mình. Vẫn là Hữu Thỉnh đó mà cũng chẳng phải Hữu Thỉnh đâu, sao lạ thế? Một Hữu Thỉnh của chúng ta vừa là một Hữu Thỉnh của nhân dân Tổ quốc chính là đây chăng? Càng về phần cuối, trong những bình luận đánh số 1, 2, 3, 4, 5, Hữu Thỉnh càng tỏ ra thanh thoát, tinh tế:
Những nấm mộ dọc đường số Sáu
Đã đón về trong những nghĩa trang
Đời thì ngắn mà danh thì bất tử
Lối dài thêm nghĩa nước tình làng
...
Họ đã hiến đời mình cho Tổ quốc
Tuổi thanh xuân vừa hé nụ đầu tiên
Mối tình đầu là tình yêu đất nước
Lòng thênh thang trải khắp mọi miền
Nhà thơ Hữu Thỉnh, không riêng gì trong Giao hưởng Điện Biên, mà toàn bộ thơ ông, toàn bộ cuộc đời ông, chính là một bộ trường ca hiến tặng trọn vẹn nhân dân và Tổ quốc
P.V.K
------------------------
1. Hoàng Diệu (1829 - 1882): vị Tổng đốc nổi tiếng quyết tử bảo vệ thành Hà Nội khi thực dân Pháp tấn công năm 1882. Ý tác giả muốn truyền thông điệp về những chiến công oanh liệt ở Mặt trận Điện Biên Phủ tới các bậc tiền nhân chống Pháp thế hệ trước. (HT)
VNQD