. CHÂU LA VIỆT
Năm học cấp hai, tôi sơ tán về học ở trường Tân An - Yên Dũng. Trong lớp học ấy, cái Côi là đứa làm tôi nhớ nhất. Nó quắt queo, gầy gò, ngồi ở cuối lớp, và lúc nào cũng ngậm miệng hạt thị, chẳng bao giờ nói cười với ai. Mọi người bảo nó “hoàn cảnh” lắm, vì bố là phản động; ngày miền Bắc mới giải phóng, bố nó xuống tàu theo dòng người di cư vào Nam, rồi tham gia ngụy quân nguỵ quyền trong ấy.
Có một lần trong giờ học, Côi bị đau bụng phải đưa gấp sang trạm xá. Thoạt đầu ông y sĩ nghi nó bị ruột thừa, có thể phải đưa sang bệnh viện của huyện để cắt bỏ. Nhưng nằm nghỉ ngơi một lúc, cơn đau của nó dịu dần, biết là không phải. Rồi thêm một lúc, chẳng cần thuốc men gì, nó bớt đau dần. Thế là khỏi. Có lẽ do nó bị đói. Đói quá. Cũng đã quá trưa, lớp phân công tôi chở Côi về nhà. Lúc đầu nó không chịu, cứ lắc đầu nguây nguẩy chối từ, sau nói mãi mới chịu ngồi lên xe để tôi lai về… Mà lạ, suốt cả đoạn đường dài như thế, nó cũng chẳng nói một câu gì. Khi về đến đầu thôn, nó nhảy phốc xuống xe, nói “Nhà tớ đây rồi, cảm ơn bạn, thôi bạn về đi” rồi chạy biến. Thật ra tôi định đưa nó vào tận nhà, nhân thể cũng để biết nhà cửa thế nào, nhưng nó làm như vậy có khác gì đuổi tôi, không quay xe về thì còn làm gì nữa.
Ít ngày sau, bỗng Côi nghỉ học. Một ngày, hai ngày, rồi ba ngày… Nghỉ học mà chẳng có đơn có từ gì, nên thầy giáo chủ nhiệm nói tôi là lớp trưởng, lại từng biết nhà nó, thử đến xem sự tình thế nào, có khi nó bị ốm nặng không đi học được cũng nên.
Nghe lời thầy, chiều tối ấy tôi đạp xe về Bảo Thắng. Vừa đến đầu làng, đã thấy nơi sân đình đèn măng sông sáng chói, lại có cả tiếng đàn tiếng hát lanh lảnh, người lớn trẻ con đứng lớp trong lớp ngoài. Hỏi ra mới biết, hôm nay làng tổ chức tiễn đưa con em đi thanh niên xung phong (TNXP) hỏa tuyến. Tôi giật mình, hay cái Côi mấy hôm nay nghỉ học để chuẩn bị đi TNXP. Nhưng không có lí, bởi nó mới 15 tuổi, đã ai cho đi mà đi…
Nhưng mà nó đi thật. Bởi khi ông trưởng thôn xướng tên các anh chị em đi đợt này lên xếp hàng cho bà con vỗ tay hoan nghênh, thì tôi thấy có tên nó, và thấy cái dáng nhỏ nhoi của nó ngượng nghịu lên cùng các anh các chị. Nó đứng lọt thỏm giữa những người là người. Nhưng trên gương mặt, lần đầu tiên tôi thấy hé lên một nụ cười, như làm tan biến đi tất thảy những gì u uất, tối tăm trước đây tôi thường thấy. Hình như giờ đây là một gương mặt khác, nó là một cái Côi khác…
*
* *
Cho đến năm lớp 10, sau khi thi tốt nghiệp, đến lượt tôi cũng lên đường.
Trên đường ra trận, tự nhiên tôi hay nhớ đến Côi, và rất hi vọng sẽ gặp lại. Cũng đã ba năm rồi, từ ngày nó đi, tôi không có tin tức gì về nó. Chỉ một lần loáng thoáng, nghe đâu đơn vị TNXP của Côi đang làm nhiệm vụ ở một cung đường miền tây Quảng Bình, bom rơi đạn nổ ác liệt lắm.
Dọc đường hành quân, chúng tôi cũng có lúc gặp gỡ hay giao lưu với một vài đơn vị TNXP, nhưng chưa một lần gặp đơn vị nào có ai tên Côi. Có lần, trong hang đá ở chân đèo Nhớ Mẹ, khi liên hoan với một đơn vị TNXP, tôi thoáng thấy một cô bé rất giống Côi, mới thầm thì hỏi cô gái ngồi bên có phải chị kia tên là Côi hay không. Cô ấy gật đầu làm tôi run bắn người vì xúc động. Nhưng khi tiến lại gần chào thì hóa ra cô ấy cũng tên là Côi nhưng nói giọng xứ Nghệ chứ không phải Côi ở Bắc Giang bạn tôi…
Cuộc đời có những điều diễn ra thật bất ngờ, ngay trong những khắc giờ dữ dội nhất. Trong một trận chiến đấu khi bom địch ném tan hoang xuống trận địa, tôi bị thương nặng, trúng mảnh đạn bất tỉnh, được đồng đội cáng đi bệnh viện cấp cứu. Ai dè đâu, người chuyển thương, võng tôi chuyển viện lại chính là Côi.
- Hôm bạn chở mình về nhà, nói thật mình tủi thân, không dám mời bạn vào nhà uống một chén nước để cám ơn bạn - Côi bắt đầu câu chuyện như vậy - Nhà mình lúc đó nghèo quá, phải nói là xác xơ... Không hiểu vì sao người ta loan tin bố mình là phản động, theo chân quân đội Pháp di cư vào Nam… Cho nên nhà mình bị cả làng xã khinh ghét, xa lánh, thậm chí mẹ mình cũng không được tham gia hợp tác xã… Thế rồi nhân có đợt về tuyển TNXP, mình làm đơn xin đi ngay, dù lúc ấy mới 15 tuổi. Mình đã khai thêm hai tuổi nữa, là 17, để nhất quyết đi cho bằng được. Ừ thì cứ cho bố mình là phản động, nay mình lên đường ra hỏa tuyến đánh giặc cứu nước, còn ai dám hắt hủi, khinh khi nhà mình, ông bà mình, mẹ mình nữa hay không? Thậm chí mình nghĩ đến, nếu có cần lao vào cái chết mình cũng chẳng từ. Mình chết nhưng nhà mình có cái bằng Tổ quốc ghi công treo giữa nhà, liệu có ai dám làm khổ mẹ mình, ông bà mình nữa hay không? Thế là mình nhất quyết ra đi. Bom đạn mấy cũng chẳng sợ, vì dù có chết thì cũng được cái bằng Tổ quốc ghi công cho ông bà bố mẹ mình có thể ngẩng cao đầu mà sống, không bị khổ nhục như ngày trước nữa…
- Nhưng - Côi bỗng nở một nụ cười - chỉ riêng Hoài mình mới kể chuyện này nhé, và mong chỉ mình Hoài biết, đừng nói vội với ai… Hồi Côi làm giao liên, có lần đưa một đoàn khách từ trong Nam ra, có một chú sĩ quan người Bắc vào Nam chiến đấu cũng đã nhiều năm, khi lội qua suối sơ ý bị trượt chân, té ngã. Côi ngồi băng bó lại cho chú, và nói chú lên võng để chúng cháu đưa chú đi tiếp. Nhưng chú nhất quyết không chịu, nhất quyết chống gậy tập tễnh đi theo đoàn. Tất nhiên Côi phải luôn đi sát bên chú để dìu chú mỗi khi qua một địa hình hiểm trở. Thế là chú cháu có dịp vừa đi, vừa trò chuyện, chỉ với mục đích ban đầu là vui chuyện thì sẽ cảm thấy đường đi rút ngắn hơn mà thôi. Chú ấy bảo với Côi, nhìn cháu, chú cứ hình dung không biết con chú bây giờ có như vậy không, nó sinh năm 54, không biết đang đi học hay cũng đi mặt trận như các cháu. Mình ngạc nhiên hỏi, chú ơi, vì sao cha con mà chú lại không biết con chú đang làm gì, đang sống như thế nào, thì chú lặng đi, nói vì chú đi chiến đấu xa nhà bao năm nay rồi, từ lúc mẹ nó còn đang mang thai nó; khi chú đi chỉ biết vậy và cũng không biết có mẹ tròn con vuông hay không, ra đời là trai hay gái, thú thật là mãi đến hôm nay chú cũng chưa biết một tin tức gì, chỉ nhìn các cháu cùng lứa tuổi với con mình để ước đoán nó thế nào mà thôi… Không biết một linh cảm thế nào đó làm Côi giật mình, mới hỏi chú ơi, thế quê hương chú ở đâu, chú nói mãi tận ngoài Bắc. Côi lại gặng hỏi ở làng nào, xã nào hả chú, thì chú nói ở làng Hạ, xã Bảo Thắng, huyện ấy, tỉnh ấy… Côi sững sờ dừng phắt lại, ngước nhìn cho kĩ hơn khuôn mặt của chú, và chú cũng ngạc nhiên nhìn Côi khi thấy Côi như vậy…
- Cháu cũng ở làng ấy, xã ấy chú ạ…
Côi nói mà trống ngực đập thình thịch, với một hi vọng nhỏ nhoi, biết đâu... Nhưng không có lẽ đây là bố mình, vì bố mình là một sĩ quan ngụy, là ác ôn kia mà. Còn chú thì rõ ràng là một sĩ quan cao cấp, trông nghiêm trang và oai vệ. Khi mình nhận nhiệm vụ đưa dẫn chú, ông trưởng trạm đã dặn đi dặn lại là cháu phải hết sức bảo đảm an toàn cho chú ấy, có bom có đạn thì cũng phải biết lấy thân mình mà che chở cho chú ấy. Làm nhiệm vụ này Côi hiểu, được bảo vệ như thế, thì mười mươi chú phải là một sĩ quan rất quan trọng rồi!
- Cháu cũng ở thôn Hạ à, thế cháu con nhà ai thử nói xem chú còn nhớ ra không nào?
- Dạ, mẹ con tên là Lụa, còn ông nội con là ông Cả Tam…
- Vậy chị Lụa từ khi chồng bỏ đi vào Nam, vẫn không đi bước nữa mà ở vậy nuôi con và bố mẹ chồng?
- Trời ơi sao chú biết rõ thế, đúng như thế chú ạ…
Đến lúc này thì không cần hỏi han gì thêm nữa, và cũng không kìm được nữa, người sĩ quan dang tay ôm choàng lấy Côi, siết chặt:
- Con… Bố Quân của con đây.
*
* *
Sau cuộc gặp gỡ ấy, bố Côi đi ra Bắc. (Hóa ra ngày ấy ông lên tàu vào Nam là theo nhiệm vụ bí mật, không một ai được biết!) Một thời gian ngắn sau, Côi được kết nạp Đảng. (Côi đã từng viết lá đơn này bằng máu từ khi còn là TNXP ở trọng điểm Phu La Nhích.) Quyết định thứ hai cũng từ binh trạm là đưa Côi ra Hà Nội tập trung học bổ túc một thời gian, rồi đi học ở nước ngoài. Nhưng Côi đã từ chối quyết định đi học. Nếu xưa kia Côi yêu những trang sách, thì nay lại yêu những cánh rừng, những con đường mặt trận, và những đồng đội ở đây. Với những sáng tỏ về người bố, Côi nghĩ ông, bà, mẹ và anh của Côi nơi làng quê đã được quyền sống, quyền ngẩng cao đầu mà sống, còn riêng với Côi được gặp bố đã là quá đủ, là hạnh phúc tột đỉnh rồi. Côi quyết sẽ đi trọn vẹn con đường mà bố đã đi…
Nhưng, một ngày kia, giữa cuộc chiến, một loạt B52 đã cướp đi người bạn gái của tôi. Nghe tin này từ chiến trường đưa ra, tôi bàng hoàng, đau đớn…
Tạm biệt chim én xưa, tạm biệt những giấc mơ/ Và giàn hoa tím bên nhà ai nhớ mong... Câu hát này của nhạc sĩ Trần Tiến bỗng vang bên tai, ngày tôi đến nhà Côi thắp hương cho em. Trong làn khói hương thương nhớ, tôi như gặp lại Côi từ tuổi ấu thơ trường làng, đến lúc là cô giao liên nhí nhảnh giữa rừng Trường Sơn. Đúng rồi, em là một con chim én, một con chim én tuyệt vời của đồng đất quê ta, một con chim én đầy kiêu hãnh của những cánh rừng Trường Sơn.
Nỗi nhớ thương vẫn sống cùng tôi. Đấy là lí do, mỗi bận ngồi cùng nhạc sĩ Trần Tiến, tôi luôn xin anh hát gì cũng được, ngoại trừ bài hát về chim én. Bởi chim én của tôi đã bay đi rồi, bay đi rồi và không bao giờ trở về nữa. Bởi trái tim tôi mỗi lần nghe bài hát lại nhói đau lên như có bàn tay ai bóp chặt. Một ngày tiếng súng ngưng, một người lính trở về/ Tìm người em gái trong mùa chim én bay/ Bầu trời chim én liệng, ngoài vườn hoa tím nở/ Mà người em gái đã về nơi chốn xa…
Vâng, người lính ấy là tôi! Tôi nhớ bạn, nhớ đàn chim én, và nhớ những người con gái ra trận mãi mãi không trở về...
C.L.V
VNQD