Nghệ sĩ Nhân dân và tinh thần cống hiến

Thứ Hai, 13/05/2024 00:35

. LÊ THIẾU NHƠN
 

Lễ trao tặng danh hiệu nghệ sĩ năm 2024 vừa được tổ chức ngày 6/3 tại Hà Nội. Danh hiệu nghệ sĩ như một sự ghi nhận tinh thần cống hiến của giới biểu diễn cho nền nghệ thuật nước nhà, mà danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) chính là món quà cao quý nhất.

NSND được mặc định cao hơn Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT). Danh hiệu NSND được trao tặng lần đầu tiên vào năm 1984. Với lần trao tặng danh hiệu thứ 10 này, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhắc nhủ không chỉ cho nghệ sĩ mà còn cho các cơ quan chức năng: “Tôn trọng đặc trưng sáng tạo nghệ thuật, tự do sáng tạo của người nghệ sĩ, thúc đẩy một đời sống dân chủ lành mạnh.”

Với 125 NSND được trao tặng danh hiệu năm 2024, nền nghệ thuật Việt Nam đã có tổng cộng 573 NSND. Lần này, cũng là đợt trao tặng danh hiệu NSND với số lượng người được trao tặng nhiều nhất, so với 9 đợt trước. Thậm chí, số lượng vừa được trao tặng, còn cao hơn số lượng gộp lại của bốn lần đã trao tặng vào năm 1988 (13), năm 1997 (38), năm 2001 (22) và năm 2007 (36).

Vợ chồng NSND Thanh Điền - Thanh Kim Huệ

Đối với nghệ sĩ trong Quân đội, Nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên (1912 - 1991) là người đầu tiên được trao tặng danh hiệu NSND vào năm 1988. Nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên thường được gọi thân mật là Quản Liên, người chỉ huy đầu tiên của Đoàn Quân nhạc Việt Nam. Tiếp nối Nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên đã có rất nhiều nghệ sĩ mặc áo lính được trao tặng danh hiệu NSND. Ngay đợt trao tặng năm 2024, ngoài NSND Thanh Thúy từng có nhiều năm công tác ở Đoàn Văn công Quân khu 7 đã chuyển sang làm Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, thì còn một số gương mặt vẫn đang phục vụ trong quân đội như NSND Dương Minh Đức, NSND Hà Thủy và NSND Ma Thị Bích Việt ở Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, NSND Hà Vy ở Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng, NSND Nguyễn Thị Bích Hạnh ở Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, NSND Dương Thị Kim Ngân ở Đoàn Văn công Quân khu 1, NSND Nhật Thuận ở Đoàn Văn công Quân khu 3, NSND Trần Thị Hồng Hải ở Đoàn Văn công Quân khu 2, NSND Hoàng Thanh Bình ở Đoàn Văn công Quân chủng Phòng không - Không quân, NSND Lương Thị Thùy Linh ở Nhà hát Chèo Quân đội…

NSND Hồ Ngọc Trinh

Trong 125 NSND vừa được xướng tên năm 2024, người cao niên nhất là diễn viên cải lương Hùng Minh ở thành phố Hồ Chí Minh, sinh năm 1930, còn hai người trẻ tuổi nhất là diễn viên chèo Hoài Thu ở Hà Nội và diễn viên cải lương Hồ Ngọc Trinh ở Long An cùng sinh năm 1984. Ở tuổi 40 được phong tặng NSND thực sự là một niềm hãnh diện lớn lao. Tuy nhiên, kỉ lục về độ tuổi được phong tặng NSND vẫn thuộc về thần tượng piano Đặng Thái Sơn. Sau khi đoạt giải thưởng quốc tế, Đặng Thái Sơn đón nhận danh hiệu NSND lúc 26 tuổi. Được trao tặng danh hiệu NSND ở tuổi 43, Bùi Công Duy bày tỏ: “Tôi nghĩ đó là một điều rất tuyệt vời và tích cực dành cho những người trẻ như chúng tôi bởi đây là thời điểm những người nghệ sĩ có tuổi nghề tốt hay còn gọi “điểm rơi của phong độ” nên khi được ghi nhận động viên đúng lúc sẽ khích lệ tinh thần giúp cho nghệ sĩ trẻ tiếp tục sáng tạo để có những đột phá lớn hơn trên con đường phát triển sự nghiệp của mình. Và khi có nhiều người trẻ được ghi nhận càng chứng tỏ ngành nghệ thuật của chúng ta đang trẻ hóa. Bên cạnh thế hệ gạo cội, các bạn trẻ, những gương mặt tài năng đã và đang tạo ra được những sản phẩm có chất lượng cao, tạo được những dấu ấn riêng cho bản thân để cống hiến cho lĩnh vực nghệ thuật mình theo đuổi. Đó chính là những tín hiệu tốt cho ngành nghệ thuật. Tôi chỉ rất lo nếu trong những lần phong tặng mà thiếu những gương mặt trẻ thì ngành nghệ thuật sẽ ngày càng thiếu lớp trẻ kế cận.”

Trên thế giới, gần như không còn quốc gia nào xét tặng danh hiệu tương tự NSND. Đó là sự trọng thị độc đáo mà Việt Nam dành cho giới biểu diễn. Hậu trường xét tặng danh hiệu vẫn có không ít chuyện đáng băn khoăn. Vì cơ chế xin - cho nên nhiều nghệ sĩ phải mất thời gian cân nhắc, khiến cho người thành danh trước lại nhận danh hiệu sau thế hệ hậu sinh. Ví dụ, diễn viên Thanh Tú nổi tiếng với bộ phim Sao tháng tám (sản xuất từ năm 1976), nhưng đến nay mới được phong tặng NSND. Theo diễn viên Thanh Tú thì bà cũng giống như nhiều người khác, do ái ngại thủ tục hành chính và tự ái vì nhiều người được danh hiệu chưa xứng đáng nên đắn đo không làm hồ sơ xét tặng NSND.

Tâm tư của diễn viên Thanh Tú hoàn toàn có cơ sở. Xung quanh danh hiệu NSND có không ít tiếng bấc tiếng chì, mà NSND Thanh Hoa từng than vãn: “Rất nhiều NSND mà nhân dân không biết mặt!” Mới đây, còn có cả một vụ đôi co khiếu nại khá ầm ĩ. Danh hiệu nghệ sĩ xác lập từ huy chương hay từ công chúng? Có những nghệ sĩ thuộc các đơn vị nghệ thuật công lập luôn hăng hái tìm kiếm huy chương, nhưng cũng có những nghệ sĩ tự do rất được công chúng yêu mến đã không màng thi thố thì chẳng thể lấy đâu ra huy chương. Trước đây, đợt xét tặng danh hiệu nghệ sĩ năm 2019, đã có trường hợp phải đặc cách phong tặng NSND như nam nghệ sĩ cải lương Minh Vương. Nghĩ cũng lạ, có những nghệ sĩ đạt đẳng cấp thượng thừa mà đồng nghiệp đều phải công nhận, song họ không có điều kiện để tham gia hội diễn kịch hoặc tham gia liên hoan phim, thì làm sao dự phần vào những đợt phong tặng danh hiệu? Sự ngậm ngùi của những cá nhân xuất sắc ấy, cũng chính là sự ngậm ngùi của khán giả. Thật oái oăm, khi quá chú trọng huy chương mà quên đi khả năng chinh phục công chúng của nghệ sĩ, thì lắm phen NSND lại xa lạ với nhân dân.

May ra, có trường hợp đặc cách trao tặng NSND cho huyền thoại Tây Nguyên Y Moan vào năm 2010 và những NSND phong tặng đợt đầu tiên năm 1984 như Phùng Há, Ba Vân, Ngô Y Linh, Quốc Hương, Trà Giang, Thế Lữ, Hồng Sến, Hải Ninh, Thái Ly… đều được giới chuyên môn lẫn giới mộ điệu tâm phục khẩu phục. Tuy nhiên, 40 NSND được phong tặng đợt đầu tiên cũng có sự thiệt thòi là họ chỉ có một tấm bằng chứng nhận NSND. Còn phần lớn NSND sau này đều có hai tấm bằng chứng nhận, vì nhận được tấm bằng chứng nhận NSƯT rồi làm đơn xin tiếp tấm bằng chứng nhận NSND.

Đối với các bộ môn nghệ thuật truyền thống, phần lớn đều ủng hộ trao danh hiệu nghệ sĩ một cách cởi mở. Bởi lẽ, nghệ sĩ theo đuổi nghệ thuật truyền thống đều chấp nhận thiệt thòi về vật chất, chủ yếu làm nghề vì đam mê và cống hiến. Danh hiệu nghệ sĩ đôi khi giống như tiếng thơm giữa làng, nhiều người rất khao khát. Có những nghệ sĩ đã ngừng biểu diễn để tham gia công tác quản lí văn hóa, vẫn kiên trì nộp đơn đòi danh hiệu NSND. Danh hiệu NSND có ý nghĩa với những người biểu diễn, còn với những người có ưu điểm về sáng tạo thì danh hiệu NSND không phải là điều đáng để công chúng ghi nhớ. Người yêu nghệ thuật đích thực dường như chẳng nhớ đến danh hiệu NSND, mà chỉ biết Tào Mạt là soạn giả chèo, Đặng Nhật Minh là đạo diễn điện ảnh, Đào Trọng Khánh là đạo diễn phim tài liệu, Lê Huy Quang là họa sĩ, Trọng Bằng là nhạc sĩ…

Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Uu tú lần thứ 10 (3/2024)

Tại lễ trao tặng danh hiệu NSND năm 2024, có hai hình ảnh xúc động. Hình ảnh thứ nhất là đạo diễn Hoàng Quân Tạo xuất hiện trên chiếc xe lăn. Đạo diễn Hoàng Quân Tạo có công xây dựng thương hiệu Nhà hát Kịch Hà Nội trong giai đoạn thập niên 90 của thế kỉ trước, nhưng bây giờ ông mới được phong tặng NSND, muộn hơn lứa đàn em như Hoàng Dũng, Minh Hòa, Thu Hà, Trung Hiếu… Dù sao, NSND Hoàng Quân Tạo còn may mắn hơn ca sĩ Trần Khánh. Lí do, ca sĩ Trần Khánh mất năm 1981 ở tuổi 50, mãi đến năm 2007 mới được truy tặng NSND. Hình ảnh thứ hai là nghệ sĩ cải lương Thanh Điền với hai tấm bằng chứng nhận NSND, một cho ông và một cho người vợ quá cố Thanh Kim Huệ. NSND Thanh Điền ở tuổi 77 thổ lộ: “Giá mà bà xã tôi còn sống để cùng tôi chia sẻ hạnh phúc. Tôi vui nhưng cũng có chút buồn!”

Một ví dụ khiến nhiều người tiếc nuối cho đợt xét tặng danh hiệu NSND năm nay là anh em Quốc Cơ - Quốc Nghiệp. Hai kỉ lục gia này không lọt vào danh sách vì “tuổi nghề chưa đủ”. Những người ủng hộ Quốc Cơ - Quốc Nghiệp thắc mắc, “tuổi” nào cho sự khổ luyện từ bé, cống hiến suốt cả tuổi vị thành niên cho đến thời tuổi trẻ rực rỡ nhất. “Sức mạnh đôi tay” của Quốc Cơ - Quốc Nghiệp không chỉ đến từ cơ bắp, nó là mồ hôi và máu, là hành trình chinh phục để những bước đi vững chãi, những cú chồng đầu, chống tay thót tim kia đã làm dội lên hai tiếng Việt Nam ở bên ngoài Tổ quốc. Và, nó thắp lên bao niềm vui thơ bé, giấc mơ được chinh phục những điều không thể thành có thể nơi những cô bé, cậu bé vùng sâu vùng xa.

Danh hiệu NSND sau 10 lần trao tặng đã chứng minh nền nghệ thuật nước nhà có một lực lượng hùng hậu nối tiếp nhau. Có những gia đình nghệ sĩ, cả cha và con đều trở thành NSND như Thế Lữ - Nguyễn Đình Nghi, Trần Tiến - Lê Khanh, Phạm Văn Khoa - Nhuệ Giang, Hải Ninh - Nguyễn Thanh Vân, Trần Bảng - Trần Lực… Cho nên, để giữ gìn giá trị cho danh hiệu NSND có lẽ cần suy nghĩ thêm về cách trao tặng. Đạo diễn Mỹ Khanh chia sẻ: “Tôi thấy nếu đã đưa ra danh hiệu NSND để tôn vinh nghệ sĩ thì phải tôn vinh đúng cách và đúng người. Tôn vinh đúng cách là sao? Không phải chờ tới ngày lên sân khấu nhận danh hiệu với những lời mĩ miều của MC mới là tôn vinh, mà việc tôn vinh phải tính từ lúc chuẩn bị, xét chọn. Quá trình này cần có cách ứng xử đặc biệt, kín đáo, tế nhị và trân trọng tuyệt đối cảm xúc của những người trong vòng xét chọn, nhất là nghệ sĩ rất nhạy cảm. Quy trình xét chọn tôn vinh này phải làm sao cho người được tôn vinh cảm thấy được tôn quý, được trân trọng, được hạnh phúc vì sự tôn vinh đó...”

L.T.N

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)