. NGUYỄN THANH TÚ
Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất… Lời hát da diết trữ tình lắng đọng ấy nhẹ nhàng, thao thiết bay vào mỗi tâm hồn cùng nhau nhắn nhủ hướng về vị Cha già kính yêu. Viết về tấm lòng bao la trời biển của Người chắc đã có hẳn một thư viện riêng, ở đây, với tư cách một người lính, xin nói về tấm lòng Bác với bộ đội, qua thơ.
Tất nhiên phải nói trước hết đến thơ Bác, bởi Bác là nhà thơ lớn, Bác cũng là Người Cha của các lực lượng vũ trang. Bác coi bộ đội như con cháu mình. Bộ đội coi Bác như người Cha, người Ông kính yêu. Trong những ngày gian nan nhất của cuộc kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ luôn nhớ về bộ đội - người chịu nhiều vất vả, hy sinh nhất. Đêm cuối đông, ngày 1/1/1950 không ngủ, nghe sương móc rơi, Bác trằn trọc tưởng tượng ra các chiến sĩ trang bị quân tư trang thiếu thốn nhưng vẫn phải ra trận ngăn bước quân thù. Bài thơ Tư chiến sỹ ra đời: “Canh thâm lộ cấp như thu vũ/ Thần tảo sương nùng tự hải vân/ Khoái tống hàn sam cấp chiến sĩ/ Dương quang hoà noãn báo tân xuân” (Đêm khuya, móc rơi dồn dập như mưa thu/ Sáng sớm, sương dày như mưa mặt biển/ Mau gửi áo rét cho chiến sĩ/ Ánh nắng ấm áp đã báo trước tin xuân mới sắp về). Điều đặc biệt của bài thơ là tuy nói đến cái giá, cái lạnh nhưng không gian thì bừng lên sự ấm áp, tươi sáng. Bởi tình yêu thương cha con và một niềm tin mãnh liệt vào mùa xuân thắng lợi đang tới gần. Hình tượng trong thơ Bác luôn vận động hướng về con người và ánh sáng. Bài thơ này là một biểu hiện.
Là tiếng nói của tình cảm, thơ là sự kết tinh cao độ những trạng thái tâm trạng mãnh liệt, không thể không nói ra. Đặc trưng ấy rất phù hợp với đối tượng thẩm mỹ là Bác Hồ kính yêu – một hình tượng trữ tình vốn đã đậm chất thơ. Cũng là bởi những hình tượng lớn, nhờ được kết tinh từ nhiều mạch nguồn văn hóa nên luôn tỏa ra những ánh hào quang mỹ học đa dạng sắc thái, phong phú hình vẻ. Bác Hồ là như vậy, thế nên bài viết chỉ xin nói một cách chung nhất về những khía cạnh biểu hiện dễ thấy trong thơ.
Trước hết là vẻ đẹp lòng thương yêu của Bác – một người Cha hiền quan tâm, chăm lo những điều nhỏ nhất đến những đứa con yêu là các anh bộ đội.
Trong những ngày chống Pháp vất vả nhất, nhà thơ Minh Huệ viết được thi phẩm để đời Đêm nay Bác không ngủ. Lấy điểm nhìn trữ tình là anh đội viên đưa Bác đi "chiến dịch”, cả ba lần thức trong đêm anh đều thấy Bác không ngủ: “Rồi Bác đi dém chăn/ Từng người từng người một/ Sợ cháu mình dật thột/ Bác nhón chân nhẹ nhàng”. Lý luận về thơ đề cao cái gợi hơn cái tả, nhưng ở trường hợp này thì tả để mà gợi. Hình ảnh một vị Tổng Tư lệnh đi “dém chăn” cho những anh lính đã nói được rất nhiều. Lại thêm hành động “nhón chân” thì gợi thêm biết bao ý nghĩa: Người Cha thương các con ban ngày hành quân chiến đấu, ban đêm cần thêm một giấc ngủ sâu; một sự thấu hiểu lứa trẻ “quậy phá” hay ngủ mơ mà đạp chăn, sẽ lạnh; sự vĩ đại lại thể hiện ở chính sự giản dị, khiêm nhường, chân thành rất mực. Bác có cần ai biết đến hành động “thương” của mình đâu (!). Đến lần thứ ba anh thức dậy, thật đúng với tâm trạng của người con “xót” cha: “Anh vội vàng nằng nặc: - Mời Bác ngủ Bác ơi!/ Trời sắp sáng mất rồi”. Còn đây là lời Bác: “- Chú cứ việc ngủ ngon/ Ngày mai đi đánh giặc/ Bác thức thì mặc Bác/ Bác ngủ không an lòng”. Thơ hay nhiều khi không nhờ ở chữ hay, từ đắt mà tìm được ngôn từ chính xác, giản dị nhất nhưng nói được nhiều nhất giá trị biểu cảm. Ba chữ “không an lòng” ai cũng có thể nói. Nhưng đi vào bài thơ này thì đắc địa” nhất vì nói lên được vẻ đẹp bình dị, thân thiết của hình tượng và cái lớn lao, sâu sắc của tình người. Hơn cả một sự quan tâm, đó là thái độ sống, quan niệm sống nhân văn vì con người rất đẹp, mà ngày hôm nay rất hay nói: sự chia sẻ!
Tình thương được chia sẻ thì nhân lên gấp nhiều lần, thế nên khổ tiếp hoàn toàn lôgich, không chỉ với tâm trạng mà với cả trạng thái tình người phổ quát: “Anh đội viên nhìn Bác/ Bác nhìn ngọn lửa hồng/ Lòng vui sướng mênh mông/ Anh thức luôn cùng Bác”. Bác đang suy nghĩ về ngày mai, về từng trận đánh sắp tới làm sao cháu con mình ra trận bớt vất vả… Anh đội viên nhìn Bác là nhìn về tình thương, về niềm tin, lý tưởng, về chân lý và đạo lý!
Cũng nói về mối quan hệ cha con, sau này (2017), nhà thơ Nguyễn Hưng Hải có bài Các cháu miền Nam ra thăm Bác dựng lại cảnh Bác cháu quây quần quanh mâm cơm. Không còn là lãnh tụ, Bác như là người mẹ nấu món ăn ngon cho đàn con vậy: “Món ăn hai miền được chế biến tự tay Người/ Dặn nhà bếp mua về, tự tay Người nấu nướng”. Người mẹ ấy chỉ biết lo cho con, chưa lo cho mình: “Suốt cả bữa ăn Bác chỉ lo gắp thức ăn và xới cơm cho từng đứa”. Người mẹ ấy rất tâm lý, lo lắng cho tất cả, bình đẳng: “Hỏi thăm từng đứa một, Bác đi khắp quanh bàn/ Năm sáu đứa chúng tôi, đứa nào cũng được ngồi cạnh Bác”.
Khi Bác mất, nhà thơ Hải Như trong Chúng cháu canh giấc Bác ngủ Bác Hồ ơi dựa chắc vào cái tứ “Trọn cuộc đời Bác có ngủ yên đâu”, mượn tiếng nói tình cảm của những người lính bảo vệ Lăng Bác nhắc nhau, cũng là nhắc tất cả: “Chúng ta hãy bước nhẹ chân, nhẹ nữa/ Trăng ơi trăng, hãy yên lặng cúi đầu/ Trọn cuộc đời Bác có ngủ yên đâu/ Nay Bác ngủ, chúng ta canh giấc ngủ”. Cái tứ hay vừa làm điểm tựa trữ tình vừa tỏa sáng toàn bài để bật ra ý: Cả cuộc đời Bác đã yêu thương, đã hy sinh nhiều quá. Cùng viết trong những ngày đau thương ấy, nếu Hải Như quan tâm đến tứ thơ thì Việt Phương trong Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương lại chú ý khai thác nhiều sự kiện thật cụ thể: “Những chiến sỹ trẻ măng trên Cồn Cỏ/ Đài Bác cho đưa đất mẹ thêm gần”. Chi tiết này tái hiện Bác tặng chiếc đài bán dẫn cho bộ đội trên đảo Cồn Cỏ nhưng thêm một “bình luận” thật ý nghĩa: “đưa đất mẹ thêm gần”. Quà tặng ấy là tấm lòng, là sự quan tâm, còn là cả một sự tinh tế nhắc nhở, giáo dục tình yêu gắn bó với “đất mẹ”. Chi tiết nhỏ nhưng lại nói lên tầm nhân văn thật lớn: “Bác không bằng lòng gọi trận đánh chết nhiều người là “đánh đẹp”/ Con xóa chữ “đẹp” đi như xóa sự cạn hẹp trong lòng con”.
Nhà thơ – người chiến sỹ Trần Ninh Hồ có bài thơ Bác đến (1970) thiên về tự sự, kể lại câu chuyện được ghi trong sổ vàng Trung đoàn, năm 1950 Bác đến thăm. Nhưng sao chẳng ghi ngày giờ và nội dung, anh lính băn khoăn hỏi “Chính ủy”, mới được biết: “Bác đến giữa đêm, chiến sĩ mình đang ngủ/ Bác bảo: “Đừng làm ồn!”, Bác lặng nhìn suốt lượt/ Và ngay đêm, Bác lại lên đường”. Chỉ là văn xuôi thông thường. Nhưng khổ cuối chất thơ nâng cả bài vút bay vào bầu trời thương nhớ: “Bao người đã như con lặng nhìn trong sổ?/ Bao năm tháng giữa bồi hồi thức, ngủ/ Đến suốt đời con thấy Bác nhìn con!”. Cái nhìn yêu thương của Bác, câu nói quan tâm đến điều nhỏ nhất đã thành tấm gương soi, thành bài học, thành mục đích sống cho mỗi con người.
Là người gần gũi, Bác còn là “điểm tựa” cho người lính. Nhà thơ Thanh Tịnh thật tài hoa trong việc cấu tứ hình tượng Bác trên một chuyến đò: “Cụ già dáng rất dịu hiền/ Đưa tay tôi vịn, tôi vin vững dần…/ Trăm năm nhớ một chuyến đò/ Chênh vênh lại được Bác Hồ cầm tay” (Trăm năm nhớ một chuyến đò). Con đò bao giờ cũng chênh chao trên dòng sông. Con người ta cũng nhiều lúc “chênh vênh” trên dòng đời. Anh bộ đội Thanh Tịnh hạnh phúc hơn cả, được “vịn” Bác trên dòng sông, lại được Bác “cầm tay” trên cả dòng đời!
Bác còn thấu hiểu, tin tưởng bộ đội. Bác động viên, giục giã, khích lệ. Để nói được phần nào điều ấy, nhiều nhà thơ mượn tới thể trường ca. Với âm hưởng vang vọng, hùng tráng, Lê Đạt trong Trường ca Bác (1970) hình dung Bác vẫn đang: “hô xuân/ Bác vẫn/ hô quân/ “Nam Bắc/ thi đua đánh giặc Mỹ”. “Xuân” là một ý niệm chỉ thời gian, Bác “hô xuân” là giục giã thời gian. Nhưng “xuân” cũng gợi ý niệm về hy vọng, nảy nở, phát triển, thành công. Bác “hô quân” cùng “hô xuân” là thúc giục một cách đầy tin tưởng đoàn quân tiến lên trên con đường thắng lợi “trùng trùng xuân”. Không trực tiếp viết về tấm lòng Bác với bộ đội, nhà thơ - họa sĩ Lê Huy Quang trong trường ca Bác Hồ và người chiến sĩ (2016), thông qua tâm trạng, suy nghĩ của những người lính để làm toát lên hình tượng Bác Hồ giàu có tình thương người mẹ; lớn lao, vĩ đại người cha; thiêng liêng, cao cả vị lãnh tụ anh minh: “Hồ Chí Minh/ Người ở lại/ trong ca dao/ cuộc đời/ dòng sông/ cây rừng/ ngọn núi…/ trong thơ Việt Nam/ và thơ nhân loại”…
Như một vì sao sáng trên bầu trời văn hóa nên được nhiều người nhìn ngắm, chiêm ngưỡng, hình tượng Bác đi vào trong thơ, được khúc xạ qua nhiều lăng kính trữ tình nên càng tỏa ra những sắc thái thẩm mỹ mới mẻ, tinh tế.
N.T.T
VNQD