. NGUYỄN ĐỨC HÀ
Cách đây 113 năm, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã góp dấu chân mình trên hành trình cứu nước đầy gian nan tại những bến bờ xa lạ. Một thế kỉ sau, với mong muốn đặt chân mình lên dấu chân người xưa để tìm hiểu xem thế giới đã thay đổi như thế nào, và người Việt Nam yêu nước vĩ đại ấy đã đóng góp những gì vào sự thay đổi này, tác giả Trần Đức Tuấn đã trình bạn đọc cuốn bút kí mang tên Hành trình theo chân Bác (Nhà xuất bản Trẻ ấn hành và tái bản nhiều lần).
Trần Đức Tuấn vốn nổi danh là nhà biên kịch tài hoa với mảng đề tài văn hóa, lịch sử, địa lí. Những thiên kí sự ông viết lời bình luôn mang phong vị văn chương mềm mại, lôi cuốn và hấp dẫn. Ông đi nhiều, trải nghiệm nhiều và cũng viết nhiều. Mỗi tác phẩm ông để lại luôn lấp lánh ngôn ngữ chân thực từ đời sống thực tế. Thế mạnh ấy càng thêm nổi bật khi tác giả chuyển thể chất liệu từ lời bình phim Hồ Chí Minh - một hành trình thành cuốn bút kí Hành trình theo chân Bác mang đầy đủ những cung bậc cảm xúc của hình ảnh và ngôn từ.
Tranh Người đi tìm hình của nước của họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng
Hành trình theo chân Bác kể về dấu ấn kỉ niệm đầy cảm xúc của tác giả và đoàn làm phim với những mảnh đất mà Bác từng đi qua, đặc biệt là giai đoạn 30 năm bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 28/1/1941). Cuốn sách mang đến cho người đọc những trang bút kí chân thực và màu sắc. Theo suốt cuộc hành trình qua 16 (trong tổng số 30) quốc gia và vùng lãnh thổ mà Bác đã đi qua, mỗi vùng đất, địa danh, con người được nhắc đến trong cuốn sách để lại cho người đọc cảm giác vừa mới lạ khi lần đầu tiếp cận, vừa gần gũi như hình dung cảm giác được theo chân Bác đến nơi đây.
Hành trình theo chân Bác gây ấn tượng với độc giả bởi lối dẫn dắt khéo léo, uyển chuyển đầy cuốn hút mang đặc trưng phong cách kể chuyện của một chuyên gia viết kịch bản phim. Cuốn sách có sự đan cài giữa hồi ức xưa về Chủ tịch Hồ Chí Minh và góc nhìn hiện tại của tác giả. Việc lựa chọn cách kể chuyện này đã tạo ưu thế mang tính đa dạng trong điểm nhìn. Để rồi, người đọc có thể tự tái tạo và hình dung bằng tưởng tượng của mình về chuyến đi vĩ đại của Bác năm xưa, kết nối với những khung hình và cảm xúc đã đổi thay thành cuộc sống của ngày nay. Nghệ thuật kể chuyện này được sử dụng nhất quán từ đầu đến cuối trong toàn bộ 14 chương của cuốn sách. Trong chương viết về Cuộc viễn du bắt đầu, tác giả đã gợi mở cho người đọc hình ảnh của bến cảng Sài Gòn với bao dấu ấn: “Mảnh đất dưới chân chúng tôi lúc này chính là nơi khởi đầu cho một bản hùng ca góp phần quan trọng tạo nên dàn hợp xướng của các dân tộc, của nhân loại, kìm hãm sự dịch chuyển của cơn sóng thần thực dân đang tàn phá hàng loạt quốc gia nhược tiểu…” Rồi lại hồi cố về những lớp sóng kí ức xa xôi: “Theo dòng thời gian, nó hòa vào kí ức nhân gian với hình ảnh con tàu đô đốc Latouche Tréville rời cảng Sài Gòn ngày 5/6/1911 mang theo một nhân vật lạ lùng, chàng trai 21 tuổi, cô đơn, quả cảm tên gọi Văn Ba, vượt trùng dương bao la, quyết đi tới những chân trời xa lạ.”
Cứ như vậy, hành trình của Bác được tái hiện qua nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Điểm đầu tiên người thanh niên yêu nước đặt chân lên lãnh thổ của một xứ sở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam là Singapore để “thấy được cảnh đời nô lệ bên ngoài biên giới Việt Nam và hiểu rằng bọn chủ thực dân ở đâu cũng vậy.” Rồi hành trình tiếp tục đến với Ấn Độ, Ai Cập vào Địa Trung Hải… cho đến Pháp, Bồ Đào Nha, Mĩ, Anh… “bắt đầu nắm được bản chất khái quát của thế giới hiện tại, đó là thiểu số người giàu cai trị và áp bức người nghèo, các nước giàu mạnh xâm lược, thống trị, đàn áp các nước nhược tiểu. Bạo lực, bất công, bóc lột thay cho tự do, bình đẳng, bác ái, bởi đó chỉ là những ước mơ xa vời.”
Tác giả Trần Đức Tuấn cũng đã vạch rõ lộ trình cho chuyến du kí đặc biệt trong hành trình theo dấu chân xưa của Bác. Dấu mốc ấy phải được thể hiện đậm nét và sâu sắc nhất khi hành trình chuyển dịch về phương Đông, nơi Bác gặp gỡ những điểm tương đồng về mặt địa lí, chính trị và đặc biệt là ánh sáng của chủ nghĩa cộng sản: “Mười hai năm cật lực trang bị cho bản thân và gián tiếp gầy dựng phong trào trong nước như vậy là đã đủ. Từ nay, mọi hoạt động phải được nâng mức cao hơn, cụ thể hơn, trực tiếp hơn, mọi lợi thế và cơ hội cần phải được tận dụng. Và điều đó chỉ có thể được thực hiện tốt nhất ở Moskva và trên đất Trung Hoa, nơi có những ưu thế tuyệt đối về mặt địa lí, chính trị.”
Cũng chính trong cuộc dịch chuyển về phương Đông này, người thanh niên Nguyễn Ái Quốc đã có cho mình những chuyển biến mau lẹ trong việc lựa chọn con đường đấu tranh cách mạng. Cũng từ đây, tác giả Trần Đức Tuấn cho người đọc thấy được hình ảnh hăm hở, vui tươi của Người khi bước vào mùa xuân cách mạng. Dẫu trong hành trình ấy, Người đã gặp muôn vàn khó khăn khi đối mặt với “vụ án ở Hồng Kông”, cuộc trường hành vĩ đại trong vai của “người tù, thi nhân và những nẻo đường khổ ải”… Nhưng càng khó khăn, Người càng nhận ra tình cảm quốc tế vô sản trở nên hữu ái và thân tình. Những người bạn mới, những nấc thang tình cảm mới được chinh phục trong hành trình kết nối của tự do, công bình và bác ái.
Sau cuối Hành trình theo chân Bác, đọng lại nơi độc giả chính là những cảm xúc ngưỡng vọng và tự hào. Không ngưỡng vọng, xúc động sao được khi được trải nghiệm qua hành trình dài 30 năm bôn ba nước ngoài, nơi người thanh niên Nguyễn Ái Quốc vừa làm, vừa học, vừa kết thân với những người cách mạng chí tình, chí nghĩa. Hành trình ấy ban đầu tưởng như đơn độc, xa xôi nhưng rồi càng đi càng thấy đoàn kết, thân thuộc xây đắp từ những con người, cộng đồng, dân tộc yếu thế trên thế giới.
Và chúng ta không tự hào sao được khi nơi đâu trên thế giới, từ Paris, London, Calcutta, Quảng Châu, Moskva, La Habana, New York… đến những xóm làng khuất nẻo xa xôi đều có những khu lưu niệm, tượng đài, di tích, kỉ vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Có thể kể đến như chiếc bàn của khách sạn Omni Parker House ở thành phố Boston (Mĩ): “Riêng chiếc bàn đá bị sứt mẻ một góc từ khi Bác còn làm việc vẫn được giữ nguyên, không thay mới, cũng không sửa chữa.” Hay khách sạn Carlton ở trung tâm thủ đô London (Anh) xưa, nay là tòa nhà New Zealand còn lưu giữ bảng lưu niệm ghi chú về việc Bác từng làm việc nơi đây năm 1913... Qua mỗi kỉ vật, địa danh được giới thiệu, người đọc càng cảm thấy xúc động, tự hào khi hình ảnh của Người được nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới trân trọng, ngợi ca.
Không quá khi nói Hành trình theo chân Bác là chuyến du kí đặc biệt bằng ngôn ngữ và hình ảnh - nơi mỗi độc giả có thể tìm thấy cho mình những cuốn hút, say mê riêng khi được dõi theo bước chân tìm đường cứu nước của Người. Tác giả Trần Đức Tuấn cũng thể hiện sự tài tình, khéo léo trong nghệ thuật dùng những “nốt lặng” ở mỗi chương, mỗi phần để độc giả có thể tự trải lòng mình, như những dòng chữ cuối này của cuộc hành trình: “Chúng tôi xin phép được tạm dừng ở đây, ở cái lúc mà lòng ta lắng xuống, cần một nốt lặng dài, để suy ngẫm, để chiêm nghiệm về cuộc đời của một vĩ nhân...”
N.Đ.H
VNQD