Ai cũng nên học Bác cách sống thanh đạm nhẹ người”

Thứ Sáu, 29/03/2024 00:15

. TÔ DUY HẢI

Ngày nay khi mà văn minh vật chất đang có nguy cơ đẩy con người vào tình trạng say sưa với những tiện nghi mới mẻ mà lãng quên những giá trị tinh thần quý báu, người ta lại càng mong muốn trở về với những lối sống thanh nhã, vừa đủ, đề cao cái tinh tế, cái nhẹ nhàng, vô tư. Cách sống của Bác Hồ là tiêu biểu. Không ngẫu nhiên, hiện nay trên thế giới, ngoài chú ý nghiên cứu tư tường Hồ Chí Minh, còn rất chú ý tới sinh hoạt đời thường rất đáng học tập của Người.

Bác Hồ trồng cây. Ảnh: TL

Trong bài thơ Thất cửu (Sáu mươi ba tuổi) Bác Hồ viết:

"Tự cung thanh đạm tinh thần sảng

Tố sự thung dung nhật nguyệt trường"

(Sống quen thanh đạm nhẹ người

Việc làm tháng rộng ngày dài ung dung)

Câu thơ nêu bật một triết lý: Con người ta cần phải sống trong sạch, lành mạnh. Sống "thanh đạm" thì "tinh thần sảng". Càng sống vô tư, trung thực, trong sáng, không vụ lợi thì tinh thần càng sáng suốt, thông tuệ, con người càng "ung dung" thoải mái. Đây là một triết lý sống gần với triết lý nhà Phật, gạt bỏ "tham, sân, si". Tất nhiên chỉ gần với triết lý Phật giáo chứ không đi theo bởi ở Bác Hồ, trong câu thơ tiếp theo là "Việc làm tháng rộng ngày dài ung dung". Nghĩa là sống phải làm. Làm việc vì dân vì nước.

Lại nhớ một câu của Bác Hồ trong bài thơ Sáu mươi tuổi:

"Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe

Trần mà như thế kém gì tiên!".

Đúng là ở Cụ Hồ có một quan niệm nhất quán về cách sống. Hiểu theo lối “chiết tự” thì chữ “tiên” là sự ghép lại của chữ “nhân” nghĩa là người và chữ “sơn” nghĩa là núi. “tiên” là người tu trên núi, đắc đạo mà thành “tiên”. Hiểu theo nghĩa này thì “tiên” mang đậm màu sắc Đạo giáo. Nhưng trong văn hóa Phật giáo cũng có “tiên”, được gọi là “tiên nhân”. Theo sách Phật quang đại từ điển”, thì: “Những tiên nhân này giữ giới cấm được trọn vẹn, thường tu khổ hạnh, có 5 thần thông, bay được trong hư không. Phật được gọi là đại tiên vì ngài là bậc tôn quý nhất trong hàng tiên nhân”. Trong truyện cổ dân gian của ta có nhiều hình tượng “tiên”, trong kiến trúc mỹ thuật dân gian có hình tượng “tiên cưỡi rồng” rất đặc sắc. Như vậy có thể hiểu bước đầu, “tiên” là sản phẩm văn hóa của “Tam giáo đồng nguyên”, đi vào văn hoá Việt “tiên” trở thành hình tượng thẩm mỹ với ý nghĩa một lực lượng siêu nhiên có bùa phép hay cứu giúp người. Bác Hồ nhiều lần dùng chữ này nhưng đa dạng về nghĩa, tinh tế trong cách sử dụng:

Tự do tiên khách trên trời

Biết chăng trong ngục có người khách tiên.... (Ngọ hậu - Quá trưa).

Bác tự nhận mình là “tiên” với ý nghĩa một con người tự do, không lụy vật chất, trong sáng tuyệt đối.

Mục đích cao cả nhất của đời hoạt động cách mạng của Bác là mong muốn dân ta hoàn toàn được tự do, nước ta hoàn toàn được độc lập, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Bác đã hy sinh hết hạnh phúc riêng tư để suốt đời theo đuổi mục đích lớn lao ấy. Câu nói của Bác với Đại tướng Võ Nguyên Giáp "Dĩ công vi thượng", phải là khẩu hiệu cho mọi cán bộ đảng viên hôm nay. Bác Hồ không hề màng công danh phú quý. Người từng nói khi nước nhà độc lập thì sẽ ở trong cái nhà nhỏ nơi rừng xanh nước biếc, làm bạn với các cụ già và trồng rau câu cá... Đấy cũng là một biểu hiện cách sống của Người: "Sống quen thanh đạm nhẹ người".

Nếp sống của Bác trước hết là làm việc "Chớ bao giờ ngồi không. Lúc rảnh việc thì nên nghiên cứu các vấn đề hoặc theo sức mình mà tăng gia sản xuất. Như thế đã bổ ích cho thân thể lại vui vẻ cho tinh thần".

"Chớ tắm nước lã quá nhiều. Chớ uống nước lã, chớ ăn quá no, chớ ngủ trưa nhiều"(1).

Người đã sớm chỉ ra căn bệnh đáng sợ ở cán bộ công chức: Bệnh lười, lười tư duy (nên nghiên cứu các vấn đề) và lười lao động chân tay (tăng gia sản xuất). Chúng ta hôm nay hãy nhìn vào thực tế: hiện có bao nhiêu phần trăm đề tài khoa học được ứng dụng vào thực tế? Là một con số rất nhỏ. Thế cho nên mới có một hiện tượng đau lòng: sinh viên, nghiên cứu viên ra hiệu photo mua luận văn, luận án về "xào xáo", nhà văn này "đạo" tác phẩm của nhà văn kia... tất cả bởi bệnh lười...

Một căn bệnh tiếp nữa, là nhậu tràn lan, triền miên, nhậu vì một lý do rất đẩu đâu, như vì... "một ngày đẹp trời". Hãy học lại lời Bác Hồ: "Đồng bào nấu và uống rượu nhiều quá. Lâu lâu uống một chút thì không sao, nhưng uống nhiều thì không tốt vì:

- Rượu nấu bằng gạo nên tốn gạo.

- Uống nhiều rượu ảnh hưởng đến sức khỏe.

Đồng bào cần giúp nhau sửa chữa khuyết điểm đó"(2).

Bác Hồ là một tấm gương về tâm hồn lạc quan, yêu thiên nhiên, yêu con người. Bác đã gián tiếp phê phán những người sớm "lão giả an chi", bi quan, tự ti:

"Chưa năm mươi đã kêu già

Sáu ba mình nghĩ vẫn là đương trai".

(Sáu mươi ba tuổi).

Các nhà nghiên cứu văn học đã chỉ ra: thơ Người đầy trăng, bởi Người yêu trăng. Tôi thấy trăng trong thơ Người như là một người tri âm: "Nguyệt tòng song khích khán thi ca" (Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ), "Nguyệt thôi song vấn thi thành vị!" (Trăng vào cửa sổ đòi thơ)... Bác rất yêu cây cỏ đến mức không muốn để người khác bẻ một cành cây nhỏ (để khỏi vướng khi chụp ảnh). Người vừa là vị Chủ tịch nước, một vị Tổng tư lệnh quân đội, vừa là một người ông hiền dịu, một người nông dân chăm chỉ:

"Việc quân việc nước đã bàn

Xách bương, dắt trẻ ra vườn tưới rau".

(Không đề).

Như vậy việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ trước hết là học tập cách sống của Bác. Phải học thật cụ thể, phải biến việc học này thành hành động cụ thể. Cán bộ công chức bớt ăn nhậu, bớt chơi bời, chịu khó làm việc hơn để đóng góp thiết thực có ích cho cơ quan, cho gia đình mình. Những người có quyền, có tiền bớt... tham nhũng và bớt... đánh bạc. Mọi người luôn nhớ một câu răn mình: "Tự cung thanh đạm tinh thần sảng" của Bác Hồ.

--------

TDH

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)