. NGUYỄN HẢI SINH
Bác Hồ và học sinh, sinh viên. Ảnh: TL
Chúng ta đã nói nhiều đến chất hóm hình trí tuệ của Bác Hồ ở nhiều phương diện, bài viết xin đi sâu vào một vài ý nhỏ trong sinh hoạt thường ngày, trong trao đổi chuyện trò với mọi người dân, với phóng viên báo chí.
Một đặc trưng trong cách nói chuyện của Bác là rất dí dỏm, hóm hỉnh nhưng rất sâu sắc, thể hiện một tầm nhìn xa, một tư duy năng động, nhạy bén, sắc sảo.
Nửa đầu năm 1944 thực dân Pháp tiến hành khủng bố, lùng sục gắt gao, cách mạng có nơi sa vào thoái trào, không tránh được tình trạng có một bộ phận cán bộ, nhân dân hoang mang. Bác Hồ giải thích tình hình bằng một ngụ ngôn mà có lẽ không một lý luận nào hay hơn có thể thay thế: "Hiện nay lính Pháp đông thì có đông, súng nhiều thì có nhiều, nhưng so với lực lượng quần chúng của ta thì có thấm vào đâu. Nó chỉ là con trâu già mà Đội Việt Nam tuyên truyền Việt Nam giải phóng quân của chúng ta là con voi non. Con voi non tuy hiện giờ còn yếu, nhưng mỗi ngày một lớn lên và khỏe ra, nó sẽ giơ vòi quật chết con trâu già" (1). Ngoài một thiên tài về tầm nhìn chiến lược, về nhận định thế cuộc, phải khẳng định Bác Hồ là một nhà văn, nhà ngôn ngữ kiệt xuất trong việc dùng ngôn ngữ, hình tượng văn học để diễn đạt một cách chính xác, tinh tế nhất tình hình chính trị. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam mới tổ chức Tổng tuyển cử. Bác Hồ chủ động nhường cho Nguyễn Hải Thần và Nguyễn Tường Tam bảy mươi ghế trong Quốc hội. Nhưng đối với bọn phản động này thì nhân dân lại rất khinh bỉ nên có người băn khoăn, thắc mắc, Bác Hồ giải thích: "Muốn giồng khoai giồng lúa, người ta phải dùng phân. Muốn đi đến dân chủ mà tất cả chúng ta đều muốn, đôi khi chúng ta phải làm những việc chúng ta không vui lòng làm" (2). Lời Bác thật hết sức giản dị qua một ngụ ngôn gần gũi, quen thuộc với đại đa số nhân dân ta đã làm mọi người yên lòng.
Bác Hồ đã coi truyện ngụ ngôn như là một thứ vũ khí cách mạng, để phê phán, tố cáo kẻ thù, để cảnh tỉnh, thức tỉnh người nô lệ, kêu gọi dân ta đoàn kết, để giải thích tình hình… Có một chi tiết trong Trả lời ông Vaxiđép Rao, thông tín viên hãng Roitơ, Người mượn câu chuyện ngụ ngôn để vạch trần một cách đích đáng luận điệu xảo trá của thực dân Pháp khi chúng gây hấn trở lại hòng cướp nước ta lần nữa.
"Hỏi:… Xin Chủ tịch cho biết ý kiến về lời tố cáo của những người Pháp nói rằng Việt Nam đã gây ra cuộc xung đột hiện nay?
Trả lời:… Nước Việt Nam không có lợi gì gây chiến tranh để làm cho nhân dân thiệt hại và chịu bao nhiêu tang tóc. Ông hãy nhớ lại bài ngụ ngôn của Lã Phụng Tiên Con chó sói và con cừu" (Trả lời vào tháng 5/1947. Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2002, tập 5, tr.134).
Truyện Con chó sói và con cừu kể một chú sói làm đục dòng suối, con cừu ra suối uống nước liền bị sói mắng là đã làm bẩn nước, cừu cãi lại, nói chính sói mới là kẻ gây ra. Chó sói liền đòi ăn thịt cừu. Ngụ ý của câu chuyện thật dễ hiểu: liệu cái lý của kẻ mạnh mà độc ác (như sói) bao giờ cũng đúng? Không phải. Kẻ mạnh mà độc ác luôn đi ngược lại chân lý thông thường. Chỉ cần mượn một câu chuyện ngụ ngôn mà nói được bản chất của vấn đề: Pháp như con sói kia, là kẻ đi xâm lược, gây ra chiến tranh mà còn vu cho người Việt "gây ra cuộc xung đột…". Đúng là không thể nói những gì, diễn đạt những gì chính xác hơn, hay hơn cách mượn ngụ ngôn này. Lã Phụng Tiên, tức La Phôngten (La Fontaine) nhà ngụ ngôn nổi tiếng thế giới, người Pháp, tác giả của Con chó sói và con cừu. Cũng thật là thâm thúy khi Bác Hồ lấy chính một tác phẩm yêu thích của người Pháp nói chung để hài hước mỉa mai những người Pháp xấu - những kẻ thực dân.
Đầu những năm 1950 quân ta thắng nhiều trận lớn, quân Pháp có dấu hiệu xuống sức hụt hơi, thế mà chúng còn rêu rao khoe khoang là "bộ đội Pháp đánh hăng như cọp". Bác Hồ có ngay một ngụ ngôn Cọp, Nai, Thỏ (Báo Cứu quốc, số 1868, ngày 25-7-1951), sau khi thuật lại lời khai của một tù binh Pháp - hạ sĩ quan Ghiông (Guillon), tác giả đưa ra lời bình luận: "Lời khai của Ghiông có Nai, có Thỏ, có Cọp, như một vườn bách thú nhỏ. Song con cọp Pháp chỉ là cọp giấy" (Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2002, tập 6, tr.259). Một tiếng cười trào phúng vui vẻ mà sâu sắc qua so sánh "như một vườn bách thú nhỏ" đã hạ bệ thảm hại những kẻ đi xâm lược giờ đây cũng chỉ như những con thú bị "giam hãm" trong "vườn bách thú" để cho du khách tham quan ngắm nghía mà thôi. Quân Pháp có tự cho mình là cọp thì chẳng qua cũng chỉ là cọp giấy. ý nghĩa của câu nói càng có giá trị khi người nói là một vị Tổng tư lệnh quân đội kháng chiến - Chủ tịch Hồ Chí Minh, khích lệ tinh thần đánh giặc của quân ta bao nhiêu thì càng khiến cho sự hoảng loạn của lính Pháp tăng lên bấy nhiêu.
Cuối năm 1954 bộ đội ta về tiếp quản Thủ đô, vừa đánh thắng một thực dân Pháp to, trong đội ngũ cán bộ đảng viên chúng ta xuất hiện một tư tưởng công thần, đòi hỏi hưởng thụ. Câu chuyện Chiếc đồng hồ của Bác thật sự có tác dụng giáo dục to lớn: "Bác ngồi ở bàn, cầm một chiếc đồng hồ và nói: "Bác có chiếc đồng hồ này dùng đã lâu, đây là chiếc đồng hồ của đồng chí Nam Dương cho Bác". Chúng tôi nhìn chiếc đồng hồ nằm gọn trong tay Bác. Một chiếc đồng hồ quả quýt kiểu cũ. Bác hỏi tiếp: Cái đồng hồ này phía trước có hai kim và chữ số nói rằng: chúng tôi ở phía trước lâu rồi, đổi chỗ cho chúng tôi ra đàng sau. Còn những bánh xe ở đằng sau thì nói: chúng tôi ở đây đã lâu rồi cho chúng tôi ra đằng trước. Nếu tất cả mọi thứ đều yêu cầu như vậy thì chiếc đồng hồ có còn dùng được nữa không?". Rồi Bác giải thích: "Công tác cách mạng cũng thế, mỗi người đều có nhiệm vụ nhất định, do sự phân công của tổ chức, vì lợi ích của cách mạng, của nhân dân. Mọi người ai cũng làm tròn nhiệm vụ của mình thì công tác cách mạng mới hoàn thành được" (3). Đây không chỉ là bài học cho mỗi cá nhân, mỗi tổ chức mà là bài học của cả cách mạng nói chung, bài học cho muôn người, muôn đời, mọi nơi, mọi lúc.
Vì sao một vị Chủ tịch Nước đi năm châu bốn biển, biết hàng chục ngoại ngữ, là bạn của nhiều chính khách, nhiều văn nghệ sỹ nổi tiếng thế giới lại có cách nói dân giã mà trí tuệ, hóm hỉnh, dễ hiểu như vậy? Chỉ một cách lý giải: Bác là người của Nhân dân, gắn bó với Dân và tất cả vì Dân nên thấu hiểu và tiếp thu được tinh hoa quý giá từ Dân!
--------
NHS
1. Nhiều tác giả - Bác Hồ kính yêu - Nhà xuất bản Kim Đồng, 1970, tr.31, 60.
2. Trần Dân Tiên - Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nhà xuất bản Văn học, 1970, tr.121.
3. Nhiều tác giả - Bác Hồ sống mãi - Cục Chính trị Quân khu Ba, 1970, tr.22.
VNQD